Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

A-bi-ga-in, Người Vợ Khôn Ngoan

I Sa-mu-ên 25

 

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Xin cho biết hai đặc điểm của A-bi-ga-in dựa trên I Sa-mu-ên 25:3:

(1) __________________________________________________________________________

(2) __________________________________________________________________________

2. “Thông minh” và “xinh đẹp” điều nào quan trọng hơn? Tại sao?

 

 

 

3. I Sa-mu-ên 25:4-12 cho thấy Na-banh là người như thế nào trong việc xử thế?

 

 

 

4. Các câu 17 và 36 cho thấy những đặc tính nào khác của Na-banh?

 

 

 

5. Hành động và lời nói của A-bi-ga-in (câu 18-31) mang ý nghĩa gì? Tại sao bà làm như vậy?

 

 

 

6. Ða-vít cho A-bi-ga-in là người khôn ngoan (câu 33). A-bi-ga-in khôn ngoan trên những phương diện nào?

 

 

 

7. Chúng ta học được điều gì qua câu chuyện bà A-bi-ga-in?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

A-bi-ga-in

Người Vợ Khôn Ngoan

I Sa-mu-ên 25

 

Ý Nghĩa Tên A-bi-ga-in

Chữ “A-bi-ga-in” có nghĩa là cha của niềm vui hay nguyên cớ của niềm vui (father of joy/cause of joy).

Quan Hệ Gia Ðình

Tất cả những chi tiết chúng ta ghi nhận về bà A-bi-ga-in lấy từ sách I Sa-mu-ên chương 25. Kinh Thánh không ghi điều gì về gia đình của A-bi-ga-in nên chúng ta không biết bà con ai, thuộc dòng họ nào, chi tộc nào. Chúng ta chỉ biết bà là vợ của một người tên là Na-banh. Một số nhà giải nghĩa Kinh Thánh đoán rằng A-bi-ga-in là tên người trong làng của Na-banh đặt cho, vì bà xinh đẹp, vui vẻ, mang niềm vui đến cho mọi người. Dù không biết về nguồn gốc của A-bi-ga-in, sự khôn ngoan và hiểu biết của bà cho thấy bà được trưởng dưỡng trong một gia đình đạo đức, kính sợ Chúa. A-bi-ga-in không những nhìn biết Ðức Chúa Trời, biết lịch sử Do Thái, nhưng cũng biết rõ những diễn biến trong thế giới bà đang sống. 

Những người quan trọng trong đời sống A-bi-ga-in

Na-banh

Na-banh là chồng của A-bi-ga-in, thuộc chi tộc Ca-lép. “Na-banh” có nghĩa là điên dại. Kinh Thánh nói về Na-banh như sau: “Vả, có một người ở Ma-ôn, còn sản nghiệp nó thì ở Cạt-mên. Người rất giàu, có ba ngàn chiên và một ngàn dê; người đương ở Cạt-mên đặng hớt lông chiên mình. Người này tên là Na-banh và vợ là A-bi-ga-in. Vợ thì thông minh tốt đẹp, còn chồng thì cứng cỏi, hung ác, thuộc về dòng Ca-lép” (c. 2-3). Theo lời Thánh Kinh mô tả, Na-banh đúng là một trọc phú: giàu có nhưng cứng cỏi và hung ác. Không những thế, ông còn say sưa, nóng tính và không cư xử tốt đẹp với người chung quanh. Na-banh theo phe vua Sau-lơ, nên khinh miệt Ða-vít, gọi Ða-vít là người phản chủ. Bà A-bi-ga-in cũng biết chồng mình là người hung ác và điên dại. Bà nói với Ða-vít: “Xin chúa chớ kể đến người hung ác kia là Na-banh, vì tánh hắn thật hợp với nghĩa tên hắn. Tên hắn là Na-banh và nơi hắn có sự điên dại” (c.25).

Ða-vít 

Ða-vít là người được Ðức Chúa Trời chọn và xức dầu để làm vua cai trị Y-sơ-ra-ên thế cho Sau-lơ. Ða-vít là một chiến sĩ tài giỏi, được dân chúng khâm phục và yêu mến. Ðó cũng là lý do khiến Ða-vít bị Sau-lơ thù ghét. Khi biết Sau-lơ cố tâm giết mình, Ða-vít bỏ cung điện đi trốn. Câu chuyện về Na-banh và A-bi-ga-in xảy ra trong thời gian Ða-vít lang thang trong đồng vắng để tránh Sau-lơ. Ða-vít không chỉ là một chiến sĩ tài ba nhưng cũng là một thi sĩ nổi tiếng. Nhưng đặc biệt hơn cả, Ða-vít là người kính yêu Chúa và được Chúa yêu.

Dù phải sống vất vả, lang thang nơi đồng vắng với khoảng 600 binh lính, Ða-vít luôn cư xử tốt với mọi người và cũng dạy binh lính của ông sống trong kỷ luật, đạo đức như ông. Chúng ta biết điều này qua câu chuyện về bà A-bi-ga-in. Tôi tớ của Ða-vít nói với Na-banh như sau: “Trong lúc các kẻ chăn chiên ông ở gần chúng tôi, chúng tôi chẳng hề khuấy khuất chúng nó, và trọn hồi chúng nó ở tại Cạt-mên, chẳng có thiếu mất gì hết. Hãy hỏi tôi tớ ông về điều đó, chúng nó sẽ nói cùng ông” (c.7-8). Thật đúng như thế, binh lính của Ða-vít đối xử rất tốt với đám chăn chiên của Na-banh. Chính những người chăn chiên của Na-banh cũng công nhận điều đó. Ðầy tớ của Na-banh nói với A-bi-ga-in: “Trọn lúc chúng tôi ở gần những người ấy tại trong đồng vắng, thì họ rất tử tế cùng chúng tôi, chúng tôi không bị khuấy khuất và chẳng thiếu mất vật chi hết. Bao lâu chúng tôi ở gần các người đó, lo chăn bầy chiên chúng tôi, thì ngày và đêm họ dường như tường che cho chúng tôi” (c. 15-16).

Ða-vít và binh lính của ông không khuấy phá đầy tớ hay đàn chiên của Na-banh nhưng bảo vệ họ khỏi những nguy hiểm trong đồng vắng. Vì thế khi hết lương thực, Ða-vít sai lính đến xin Na-banh giúp đỡ, nhưng Na-banh từ chối. Không những từ chối, Na-banh còn mắng mỏ và nói gay với Ða-vít:  “Ai là Ða-vít? Ai là con trai của Y-sai? Những tôi tớ trốn khỏi chủ mình ngày nay lấy làm đông thay!  Lẽ nào ta sẽ lấy bánh, nước, và thịt ta dọn sẵn cho các thợ hớt lông chiên mà cho những kẻ ta chẳng biết ở đâu đến sao?” (c. 10-11). Lời Na-banh nói khiến Ða-vít tức giận, định đem lính đến tiêu diệt tài sản của Na-banh và cả gia đình ông. Nhờ A-bi-ga-in can thiệp kịp thời nên Ða-vít đã bỏ ý định đó.

Ðặc điểm của A-bi-ga-in

A-bi-ga-in xinh đẹp, khôn ngoan và kính sợ Chúa

A-bi-ga-in được Kinh Thánh gọi là người “thông minh và tốt đẹp” (c. 3), hàm ý bà vừa xinh đẹp vừa khôn ngoan. Là một phụ nữ đẹp và khôn ngoan nên tên bà A-bi-ga-in được nhiều người ngày nay lấy đặt cho con gái mình. Trong sách vở của người phương Tây, từ A-bi-ga-in được dùng để chỉ về những phụ nữ khôn ngoan trong cách cư xử với người chung quanh. Những thiếu nữ đẹp thường bị xem là thiếu khôn ngoan, hiểu biết vì ít quan tâm đến việc học hành hay trau giồi kiến thức. Người đẹp thường nghĩ sắc đẹp có thể đem lại cho mình địa vị, giàu sang và những điều mình mong muốn. A-bi-ga-in thì khác, bà xinh đẹp nhưng cũng thông minh và hiểu biết. Ngoài sắc đẹp và khôn ngoan, A-bi-ga-in còn là một phụ nữ kính sợ Chúa. Qua lời nói khôn ngoan và lòng kính sợ Chúa của A-bi-ga-in, chúng ta thấy bà nhìn biết Ðức Chúa Trời là Ðấng ban niềm vui. Ngài là nguồn vui và hạnh phúc cho bà, giúp bà sống vượt lên trên hoàn cảnh bất hạnh. Người chồng thiếu đạo đức và thiếu yêu thương đã không ảnh hưởng đến đức tin của bà.

A-bi-ga-in có một hôn nhân không hạnh phúc

Kinh Thánh không nói rõ là A-bi-ga-in không hạnh phúc, chúng ta thấy điều đó qua những chi tiết ghi trong Thánh sử. A-bi-ga-in không hạnh phúc vì bà và chồng không tương xứng nhưng trái ngược nhau: “Vợ thì thông minh tốt đẹp, còn chồng thì cứng cỏi, hung ác” (25:3). Bản Dịch Mới mô tả như sau: “Ông tên Na-banh, còn vợ ông tên là A-bi-ga-in. Bà vợ thông minh và xinh đẹp, trong khi ông chồng cứng cỏi và gian ác.” Vì tính tình khác nhau, cách sống và cư xử của hai người cũng khác nhau. Na-banh giàu nhưng độc tài và cứng cỏi trong cách đối xử với người chung quanh. A-bi-ga-in trái lại, khôn ngoan, hiểu biết trong cách cư xử với mọi người. Bà khổ tâm vì nhìn thấy sai lầm của chồng nhưng không thể lên tiếng hay góp ý. Vợ chồng trái ngược nhau như thế nên bà A-bi-ga-in không hạnh phúc. Vợ chồng khác tính nhau thường khó nói chuyện với nhau và cũng khó thông cảm nhau. Có những điều chồng làm không phải lẽ và thiếu độ lượng, bà A-bi-ga-in biết nhưng không làm gì được. Tuy nhiên, điều đáng quý nơi A-bi-ga-in là, tuy sống bên cạnh người chồng cứng cỏi và hung ác, bà vẫn nhân từ, ân hậu và trong sáng. 

Tương phản trong cách cư xử của Na-banh và A-bi-ga-in

Kinh Thánh ghi: 

Những gã trai trẻ của Ða-vít quay đường trở về. Ðến nơi chúng nó thuật lại các lời ấy cho Ða-vít nghe. Ða-vít bèn nói cùng các người theo mình rằng: Mỗi người trong chúng ta hãy đeo gươm mình, và Ða-vít cũng đeo gươm của người. Ước chừng bốn trăm người đi lên theo Ða-vít, còn hai trăm người ở lại giữ đồ vật. Có một đứa đầy tớ báo tin cho A-bi-ga-in, vợ của Na-banh rằng, Ða-vít có sai những sứ giả từ đồng vắng đến chào chủ chúng tôi, nhưng Na-banh gắt gỏng cùng họ. Song trọn lúc chúng tôi ở gần những người ấy tại trong đồng, thì họ rất tử tế cùng chúng tôi, chúng tôi không bị khuấy khuất, và chẳng thiếu mất vật chi hết. Bao lâu chúng tôi ở gần các người đó, lo chăn bầy chiên chúng tôi, thì ngày và đêm họ dường như tường che cho chúng tôi. Vậy bây giờ khá xem xét điều bà phải làm; vì (Ða-vít) đã định giáng họa trên chủ chúng tôi và trên cả nhà người. Chủ dữ quá, không có ai nói cùng người được” (c. 12-17).

Ða-vít và binh lính làm ơn cho Na-banh, bảo vệ đàn chiên và những người chăn của ông trong một thời gian khá lâu, nhưng khi Ða-vít cần Na-banh giúp đỡ, ông không những từ chối mà còn mắng mỏ Ða-vít. Na-banh thật là người không biết điều và không biết cách cư xử. Một người đối xử tốt với mình, làm ơn cho mình thật nhiều, đã không biết nói một lời cảm ơn, mà khi người đó cần giúp lại từ chối và nói những lời khinh miệt, gây tổn thương sâu đậm. Kinh Thánh cho biết, khi binh lính trở về thuật lại những lời Na-banh nói thì Ða-vít nổi giận, ông nhất quyết tiêu diệt Na-banh và tất cả những gì thuộc về con người ngạo mạn đó. 

Khác hẳn với chồng, A-bi-ga-in là người khôn ngoan, tế nhị  và hiểu biết. Khi nghe đầy tớ kể lại cách ứng xử sai quấy của chồng, bà liền ra tay hành động. Với sự khôn ngoan Chúa ban cho, A-bi-ga-in biết đây là việc nguy hiểm và khẩn cấp, không thể chần chờ. Bà cũng biết bà phải đem lương thực đến cho Ða-vít và xin lỗi Ða-vít để cứu nguy cho chồng và cho gia đình. Cách ứng xử khôn ngoan của A-bi-ga-in khiến tên bà được lưu lại trong Kinh Thánh, cũng nhờ đó bà có một vị trí quan trọng trong cuộc đời Ða-vít. Kinh Thánh ghi rằng, khi nghe lời người đầy tớ nói, “A-bi-ga-in vội vàng lấy hai trăm ổ bánh, hai bầu da rượu nho, năm con chiên đực nấu chín, năm đấu hột rang, một trăm bánh nho khô, và hai trăm bánh trái vả khô, chất trên lưng lừa. Ðoạn người nói cùng các tôi tớ rằng: Hãy đi trước ta, ta sẽ đi theo các ngươi, nhưng nàng không nói chi hết cùng Na-banh, chồng mình” (c. 13-19).

Bà A-bi-ga-in đã hành động khôn ngoan, cẩn thận và nhanh chóng, thật đúng là một người khôn ngoan, tài giỏi. Kinh Thánh cũng ghi rằng A-bi-ga-in không nói cho chồng biết việc bà làm. Ngày xưa, người đàn bà Do Thái làm điều gì mà không có sự đồng ý hay cho phép của chồng là điều trái phép, ngoại trừ trường hợp nguy hiểm và khẩn cấp, vì chồng là chủ gia đình, chỉ một mình người chồng có quyền quyết định mọi việc. A-bi-ga-in nhìn thấy tính cách cấp bách và tế nhị của vấn đề, nên đã liều lĩnh tự hành động, không nói gì với Na-banh. Hơn nữa, vì chồng là người không biết phải trái, không cư xử phải lẽ, bà biết có nói với chồng cũng vô ích. Có lẽ khi nghe người đầy tớ nói: “Chủ dữ quá, không có ai nói cùng người được,” A-bi-ga-in thấy rõ rằng không nên bàn với chồng, vì không ích lợi mà còn bị ngăn cản và có thể đưa đến nguy hiểm cho nhiều người. Vì thế, tuy A-bi-ga-in đã vượt luật lệ, không hỏi ý chồng nhưng tự quyết định, tự ý hành động, chúng ta thấy bà đã quyết định khôn ngoan chứ không phải là hành động bốc đồng, trong lúc nóng giận.

A-bi-ga-in gặp Ða-vít

Trước khi lên đường, A-bi-ga-in chuẩn bị lương thực thật đầy đủ. Bà biết đoàn quân của Ða-vít đông và lưu lạc trong đồng vắng đã lâu nên cần nhiều thức ăn. Vì nhà có sẵn các loại bánh và thức ăn, bà đã đem thật nhiều để biếu Ða-vít. A-bi-ga-in không những khôn ngoan nhưng cũng rộng rãi, khác hẳn với người chồng điên dại và keo kiệt của bà.

Kinh Thánh ghi lại sự gặp gỡ giữa Ða-vít và A-bi-ga-in như sau: 

Nàng cỡi lừa đi xuống theo một con đường có núi bao phủ, thì Ða-vít và những kẻ theo người cũng xuống đụng mặt nàng; nàng bèn gặp các người đó. Vả, Ða-vít có nói rằng: Vậy, thật lấy làm luống công cho ta đã gìn giữ mọi vật của người này có trong đồng vắng, đến nỗi chẳng thiếu mất gì hết. Còn hắn lại lấy oán trả ơn. Nguyện Ðức Chúa Trời xử kẻ thù nghịch của Ða-vít thật nặng nề... Từ đây đến mai, phàm vật gì thuộc về Na-banh, ta sẽ chẳng để còn lại vật nhỏ hơn hết. Khi A-bi-ga-in thấy Ða-vít, liền lật đật xuống lừa và sấp mình xuống đất tại trước mặt Ða-vít mà lạy. Vậy, nàng phục dưới chân người mà nói rằng: “Lạy chúa, lỗi về tôi, về tôi. Xin cho phép tôi tớ ông nói trước mặt ông; xin hãy nghe các lời của con đòi ông. Xin chúa chớ kể đến người hung ác kia, là Na-banh; vì tánh hắn thật hợp với nghĩa tên hắn: tên hắn là Na-banh, và nơi hắn có sự điên dại. Còn tôi là con đòi chúa, chẳng có thấy những người chúa đã sai đến. (c. 20- 25).

Hành động và lời nói của A-bi-ga-in cho thấy bà thật là khôn ngoan, sáng suốt. Bà biết chồng đã cư xử không phải lẽ, ông hoàn toàn có lỗi, Ða-vít giận như thế là phải. Vì thế vừa gặp Ða-vít, A-bi-ga-in phủ phục trước mặt ông, cúi lạy và xin lỗi. Bà nhận lỗi ngay chứ không tìm cách phân trần, biện minh gì cả. A-bi-ga-in cũng nói đó là lỗi của bà, vì bà đã không biết khi lính của Ða-vít đến xin giúp đỡ. Về phần Na-banh, bà xin Ða-vít bỏ qua chứ đừng chấp trách, bà nói thật rằng chồng bà là người hung ác và ngu dại. Lời nói của A-bi-ga-in như quá nặng và xúc phạm đến chồng, nhưng lời đó đúng sự thật, và trong hoàn cảnh căng thẳng này, bà cần phải nói thật. Chính nhờ A-bi-ga-in nói thật về bản tính của Na-banh mà Ða-vít mới hiểu rõ, nhờ đó ông bỏ qua và không chấp trách Na-banh nữa.

Không những hạ mình, nhận lỗi, A-bi-ga-in cũng nói những lời khôn ngoan, khích lệ, khiến người nghe lên tinh thần. Ðiều này cho thấy bà thật là người tế nhị, biết cách đối xử với từng người trong từng hoàn cảnh, đúng như lời sứ đồ Phao-lô dạy: “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (Cô-lô-se 4:6).

Việc làm thiếu khôn ngoan của Na-banh

Kinh Thánh ghi:

Khi A-bi-ga-in trở về cùng Na-banh thì Na-banh đương ăn tiệc trong nhà mình, thật như yến tiệc của vua vậy. Na-banh có lòng vui vẻ và say lắm. A-bi-ga-in không tỏ cho người biết điều gì hoặc cần kíp hay chăng cho đến khi sáng (c. 36)

Trong khi A-bi-ga-in nhìn thấy tình thế khẩn trương, nguy hiểm cho cả gia đình, và tìm cách giải quyết thì Na-banh, người gây ra khó khăn không nhìn thấy, cũng không suy nghĩ gì cả. Ông ta ở nhà bày tiệc ăn uống, vui vẻ và say sưa. Kinh Thánh ghi rằng bữa tiệc đó rất lớn, như yến tiệc của vua vậy! Nhà nông sau mùa gặt hái thường làm tiệc để ăn mừng về số hoa màu thu hoạch được. Những người sống về nghề chăn nuôi sau mùa hớt lông chiên cũng làm tiệc ăn mừng về số thu hoạch của mình. Na-banh giàu có nhưng ích kỷ và keo kiệt. Ông tiêu xài phung phí cho mình nhưng không biết dùng của cải đó để giúp đỡ người khác. 

Ðáng lẽ trong tiệc mừng này Na-banh mời Ða-vít đến dự hoặc chia xẻ lương thực với binh lính của Ða-vít để cảm ơn họ đã che chở bầy chiên của ông. Nhưng Na-banh không cảm ơn mà lại còn xua đuổi và mắng nhiếc Ða-vít cùng những người theo Ða-vít. Ðó là lý do vì sao Ða-vít tức giận, muốn tiêu diệt cả nhà Na-banh. Na-banh thật là người điên dại, không nghĩ đến hậu quả việc mình làm. Sau khi nói nặng lời với binh lính của Ða-vít, ông không sợ Ða-vít trả thù nhưng về nhà, mở tiệc ăn uống vui chơi.

Quyết định sáng suốt của A-bi-ga-in

Về phần A-bi-ga-in, sau khi gặp Ða-vít, trên đường về bà vui mừng vì thấy chuyến đi của mình thành công. Có lẽ bà định về kể lại mọi chuyện cho chồng nghe, nhưng về đến nhà thấy chồng bày tiệc ăn uống tưng bừng, lại đang say chẳng biết gì nên bà không nói gì với chồng và chờ cho đến hôm sau. Bà A-bi-ga-in là một người vợ cô đơn. Bà có một người chồng quá khác với bà. Trong khi bà khôn ngoan, đạo đức, cư xử phải lẽ với mọi người thì chồng nóng nảy, hung dữ, lại còn hoang phí và say sưa. Trong khi bà thấy khó khăn xảy đến và lo tìm cách giải quyết thì chồng chẳng để ý nhưng ăn uống vui chơi. Lúc đó nếu có ai nói với Na-banh là khó khăn và tai vạ đang chờ đợi chắc ông cũng không tin. A-bi-ga-in có điều muốn nói với chồng nhưng không nói được, bà chỉ biết kiên nhẫn chịu đựng.

Sáng hôm sau, thấy Na-banh đã hết say, A-bi-ga-in bèn kể lại cho chồng nghe mọi việc. Kinh Thánh ghi:  “Nhưng sáng mai, khi Na-banh đã giã say rồi, vợ người thuật lại hết.” Khi nghe vợ kể lại những nguy hiểm có thể xảy ra và những điều bà đã làm để cứu nguy cho gia đình, phản ứng của Na-banh là “Lòng người bèn kinh hoảng, trở thành như đá.”  Bản Thánh Kinh Diễn Ý dịch là: “Lòng ông chết điếng, người trơ như đá.” Có lẽ Na-banh không ngờ lời ông nói với binh lính Ða-vít có thể gây nguy hại lớn lao như vậy, nhưng ông ta quên rằng vợ ông đã giải hòa với Ða-vít và mọi chuyện đã được giải quyết tốt đẹp. 

Một nhà giải nghĩa Kinh Thánh nọ giải thích rằng, có thể Na-banh quá giận vợ tại sao xen vào việc của ông, dám tự ý đi gặp Ða-vít mà không hỏi ý ông, cũng có thể Na-banh kinh hoảng khi biết mình quá gần kề cái chết mà không hay. Dù vì lý do gì thì có lẽ Na-banh bị tai biến mạch máu não, hoặc lên cơn đau tim, nên người cứng trơ như đá, không còn biết gì nữa và mười ngày sau thì ông chết. Cuộc đời vô nghĩa của một người vô đạo đã đến lúc phải chấm dứt. Kinh Thánh ghi:  “Cách chừng mười ngày sau, Ðức Giê-hô-va đánh phạt Na-banh và ông chết” (c. 38).

Khi nghe tin Na-banh chết, Ða-vít ca ngợi Chúa:  “Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va thay, vì đã xử đoán sự sỉ nhục mà tôi bị bởi Na-banh, và đã giữ tôi tớ Ngài khỏi làm điều ác!”  Ðúng như lời A-bi-ga-in đã nói, Ða-vít vui mừng cảm tạ Chúa chứ không có gì phải ân hận trước cái chết của Na-banh. Ông không giết Na-banh để báo thù nhưng đã kiên nhẫn chờ đợi sự xét đoán công bình của Chúa. Sau khi Na-banh chết, Ða-vít sai người đến xin cưới A-bi-ga-in làm vợ, và bà nhận lời.

Có lẽ chúng ta ngạc nhiên hoặc hơi khó chịu khi thấy tại sao chồng mới chết mà A-bi-ga-in lại nhận lời cầu hôn của Ða-vít ngay. Theo luật thời xưa, người vợ kể như là tài sản của chồng, buộc chặt với chồng suốt đời nhưng khi chồng chết, vợ được tự do lấy người khác. Hơn nữa, trong lối sống du mục ngày xưa của người Do Thái, người đàn bà không thể ở một mình nhưng phải sống dưới sự bảo bọc của chồng, cần có chồng bên cạnh, bảo vệ khỏi nguy hiểm và cung cấp nhu cầu trong đời sống. Trong trường hợp của A-bi-ga-in, bà cũng có thể bị nguy hiểm vì sự tranh giành tài sản trong gia đình Na-banh, vì thế cách tốt nhất cho bà là có một người chồng khác để nương tựa. Hơn nữa bà cũng đã trọn trách nhiệm với Na-banh, thật ra bà chịu đựng Na-banh đã lâu nên đây là chương trình của Chúa để giải cứu và ban phước cho bà. 

Có người đoán có lẽ A-bi-ga-in chết trẻ chứ không sống với Ða-vít cho đến lúc cao tuổi. Nhiều người tin rằng, khi Ða-vít phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba, nếu có A-bi-ga-in bên cạnh bà đã can ngăn ông, giúp ông không ngã vào tội ngoại tình và tội giết người. 

 

Cách ứng xử của A-bi-ga-in cho thấy bà là người khôn ngoan

 1. A-bi-ga-in nói lời êm nhẹ, làm nguôi cơn giận của Ða-vít

Châm ngôn 15:1 dạy: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu thịnh nộ thêm.” Câu này thật đúng trong trường hợp của A-bi-ga-in và Ða-vít. Ða-vít đang giận đến độ muốn tiêu diệt tất cả những gì thuộc về Na-banh, nhưng chỉ một lời xin lỗi, một lời nói êm nhẹ của A-bi-ga-in mà cơn giận của Ða-vít đã tiêu tan. Phản ứng thông thường của con người là, khi giận chúng ta thường nói nặng lời với nhau, và khi một người nói nặng lời với mình, chúng ta muốn nói lại nặng hơn nữa cho hả giận. Sự giận dữ vì thế giống như lửa được tưới thêm dầu, càng lúc càng gia tăng. Ngược lại, nếu một trong hai người biết dùng lời êm nhẹ đáp lại người đang giận thì cơn giận sẽ giảm đi và dễ dàng chấm dứt.

2. A-bi-ga-in hành động kịp thời và nói năng đúng lúc

Bà A-bi-ga-in không những nói đúng lời nhưng cũng nói đúng lúc. Châm ngôn 25:11 dạy: “Lời nói phải thì khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc.” Hàm ý rằng lời nói đúng lúc có giá trị rất lớn, giống như những đồ trang hoàng đắt tiền, có nạm vàng, cẩn bạc. Lời dạy này thật đúng trong hoàn cảnh  A-bi-ga-in phải đối phó. Bà không những hành động kịp thời mà cũng nói năng đúng lúc. Bà xin lỗi Ða-vít và đã xin lỗi kịp thời, không chậm trễ nên lời xin lỗi của bà có một giá trị lớn. Nếu bà chần chờ hoặc chậm trễ, lời xin lỗi của bà hẳn không có tác dụng và có thể không ngăn được điều tai hại xảy ra cho gia đình bà. Khi cần xin lỗi một người nào, chúng ta cũng cần nói đúng lời và đúng lúc thì mới đạt được kết quả như ta mong muốn.

3. A-bi-ga-in là người có tinh thần trách nhiệm 

Khi nghe đầy tớ thuật lại điều chồng đã làm, A-bi-ga-in biết ngay bà phải làm gì. Có lẽ bà đã quá quen với việc đi làm hòa và xin lỗi bạn bè, hàng xóm về những điều quấy quá chồng gây ra. A-bi-ga-in là người vợ có tinh thần trách nhiệm. Bà mang lấy gánh nặng của chồng, chia xẻ những thành công, thất bại của chồng. Trong trường hợp này, A-bi-ga-in có thể nói:  “Na-banh dại đột, nóng nảy nên gây thù hằn với người chung quanh, khó khăn ổng gây ra, ổng phải giải quyết, tôi không có trách nhiệm!”  A-bi-ga-in có thể xử sự như thế mà không ai trách được, vì bà không thể ngăn cản chồng về những hành động vô lý của ông. Nhưng là người vợ có tinh thần trách nhiệm, dù chồng hoàn toàn có lỗi và đáng nhận lãnh hậu quả của việc ông làm, bà vẫn tìm cách giúp chồng. Bà đã liều mình, chịu nguy hiểm, khó khăn để cứu chồng ra khỏi khó khăn.

4. A-bi-ga-in là người kính sợ Chúa

A-bi-ga-in không chỉ là một phụ nữ xinh đẹp và khôn ngoan, nhưng quý hơn nữa, bà nhìn biết Chúa và kính sợ Ngài. Nếu đẹp và khôn mà không kính sợ Chúa, A-bi-ga-in có thể là người nguy hiểm. Bà có thể dùng sắc đẹp và khôn ngoan đó để mưu lợi cho mình và gây nguy hại cho người khác, như chúng ta đã thấy trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử. Nhưng vì kính sợ Chúa, A-bi-ga-in đã dùng khôn ngoan của mình để đem lại lợi ích cho chồng và giúp đỡ người khác. Hơn thế nữa, dù sống trong một hôn nhân không hạnh phúc, bên cạnh người chồng say sưa, nóng nảy, không cư xử phải lẽ, bà A-bi-ga-in vẫn trong sáng, cao đẹp, vẫn tế nhị, khôn ngoan và đạo đức. Tên của bà rất phù hợp với bà, dù sống bên người chồng như Na-banh, bà vẫn vui vẻ và vẫn đem lại niềm vui cho người chung quanh.

Sau khi xin lỗi, dù chưa biết Ða-vít có chấp nhận hay không hoặc sẽ phản ứng như thế nào, A-bi-ga-in nói rằng chính Ðức Chúa Trời đã ngăn cản, không cho Ða-vít trả thù Na-banh và chính Ngài sẽ báo thù cho Ða-vít. Bà nói: “Bây giờ Ðức Giê-hô-va đã ngăn chúa làm đổ huyết ra và lấy chính tay mình mà báo thù” (c. 26a). A-bi-ga-in tin rằng, người không biết cư xử sẽ gặt lấy tai họa cho chính mình, còn người sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời sẽ được Chúa ban phước. Bà nói:  “Tôi chỉ Ðức Giê-hô-va hằng sống và mạng sống của chúa mà thề: nguyện các thù nghịch chúa và kẻ tìm hại chúa đều như Na-banh!” (c. 26b).

5. A-bi-ga-in là một phụ nữ thức thời

Sau khi đưa lương thực cho Ða-vít, một lần nữa A-bi-ga-in lại xin lỗi Ða-vít. Không những thế, bà còn nói lên lòng tin tưởng của bà nơi chức vị mà Ðức Chúa Trời sẽ ban cho Ða-vít, dù lúc đó Ða-vít chỉ là một anh hùng thất thế, lang thang trong đồng vắng. Ðiều A-bi-ga-in nói không những nói lên lòng kính sợ Chúa và tin cậy vào sự dẫn dắt của Ngài, nhưng còn cho thấy bà theo dõi thời cuộc và nhận định tình hình một cách sáng suốt. Trong khi chồng bà mắng nhiếc Ða-vít là người phản chủ, A-bi-ga-in biết Ða-vít là người được Ðức Chúa Trời chọn để lãnh đạo con dân Ngài.

Bà nói với Ða-vít: Xin hãy tha lỗi cho con đòi chúa! Ðức Giê-hô-va quả hẳn sẽ lập nhà chúa được bền lâu, vì chúa đánh giặc cho Ðức Giê-hô-va, và trọn đời chúa sẽ chẳng tìm thấy một sự ác nơi chúa. Nếu có ai dấy lên đặng bắt bớ và hại mạng sống chúa thì Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của chúa sẽ gìn giữ mạng sống của chúa trong bọc những người sống, còn mạng sống của kẻ thù nghịch chúa, Ðức Giê-hô-va sẽ ném ra xa như khỏi trành ném đá vậy” (c. 28-29). Sau đó, một lần nữa, A-bi-ga-in dùng lời khôn ngoan khích lệ Ða-vít:  “Khi Ðức Giê-hô-va đã làm cho chúa tôi mọi sự lành mà Ngài đã hứa, và khi đã lập người làm đầu của Y-sơ-ra-ên, thì ước gì chúa tôi không phàn nàn và không bị lòng cắn rứt vì đã vô cớ làm đổ máu ra và báo thù cho mình!”  A-bi-ga-in hàm ý nói, tôi tin rằng mai kia, khi Ðức Chúa Trời cho ông làm vua, ông sẽ không phải ân hận là vì tức giận, ông đã giết người để trả thù cho chính mình, vì ông đã xử sự đúng trong ngày hôm nay. Thật là lời nói đánh trúng tâm lý, khiến Ða-vít không thể nào muốn trả thù Na-banh nữa. Cuối cùng, A-bi-ga-in nói thêm:  “Lại khi Ðức Giê-hô-va đã làm ơn cho chúa tôi, nguyện chúa nhớ đến con đòi của chúa!”  Bà nhắc khéo Ða-vít rằng, mai mốt khi ông lên làm vua xin đừng quên bà.

Lời nói tế nhị và quà tặng của A-bi-ga-in đã khiến Ða-vít hết giận, ông ca ngợi Chúa và khen bà không tiếc lời. Ða-vít nói: “Ðáng ngợi khen Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Ðáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình.” Nhưng ông cũng gằn thêm:  “Nhưng ta chỉ Giê-hô-va Ðức Chúa Trời hằng sống của Y-sơ-ra-ên, là Ðấng đã cản ta làm điều ác, mà thề rằng, nếu nàng không vội vàng đến đón ta, thì đến sáng mai, phàm vật gì thuộc về Na-banh sẽ chẳng còn lại vật mọn hơn hết.”  Thánh Kinh ghi:  “Vậy, Ða-vít nhận lễ vật do nơi tay nàng đem đến cho người, và nói rằng: “Hãy trở lên nhà ngươi bình an. Hãy xem, ta đã nghe theo tiếng ngươi và tiếp ngươi tử tế” (c. 35). Nghe lời Ða-vít nói có lẽ A-bi-ga-in cũng thật sự thấy bình an, vì Ða-vít đã hết giận, mọi khó khăn nguy hiểm đã qua.

A-bi-ga-in cho chúng ta những gương sáng sau:

1. Khi gặp khó khăn, nhất là những khó khăn xảy đến bất ngờ, chúng ta cần bình tĩnh, xin Chúa giúp ta giải quyết nan đề theo sự dẫn dắt của Chúa, trong tiêu chuẩn của Lời Chúa. Chúng ta không nên lo lắng hoặc phản ứng vội vàng, thiếu khôn ngoan, khiến nan đề trở nên lớn hơn và khó giải quyết hơn.

2. Khi có chuyện bất hòa với người khác, cách tốt nhất để giải hòa là hạ mình nhận lỗi và xin lỗi. Dù là với ai, khi chúng ta sẵn sàng nhận lỗi và xin lỗi, ta và người đó có thể giải hòa với nhau. Kinh Thánh dạy: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu thịnh nộ thêm” (Châm Ngôn 15:1). Khi chúng ta dùng lời êm dịu, nhỏ nhẹ đáp lại người đang giận, người đó sẽ không còn lý do để giận nữa.

3. Dù là phụ nữ, chúng ta nên theo gương bà A-bi-ga-in, để ý đến những biến chuyển thời cuộc trong đất nước và xã hội. Sự chú ý đó sẽ giúp ta thêm hiểu biết và có thể mang lại ích lợi cho chúng ta. 

Bài học ghi nhận qua đời sống bà A-bi-ga-in

1. Lập gia đình với người không kính sợ Chúa khó hạnh phúc

Hôn nhân của A-bi-ga-in và Na-banh là hôn nhân không hạnh phúc vì vợ chồng có nhiều điều trái ngược nhau:  Vợ thì thông minh, xinh đẹp còn chồng thì cứng cỏi, hung ác. Hơn nữa, A-bi-ga-in biết Chúa và kính sợ Ngài, còn Na-banh thì ngang ngược không nể sợ ai cả. Trong Kinh Thánh Chúa dạy rất rõ ràng về việc lập gia đình với người không cùng niềm tin. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin, bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Ðấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin?” (II Cô-rinh-tô 6:14-15). Người tin Chúa không có điểm chung nào với người không tin, vì thế hai người không thể kết hợp làm một trong đời sống vợ chồng.

Có lẽ chúng ta thầm hỏi tại sao một người khôn ngoan, xinh đẹp như A-bi-ga-in lại lấy một người chồng như Na-banh?  Câu trả lời là, chuyện cưới hỏi trong thời Cựu Ước cũng như trong vùng quê ở các nước nghèo ngày nay, thường do cha mẹ sắp đặt hoặc do hoàn cảnh đưa đến. Có lẽ cha mẹ của A-bi-ga-in thấy Na-banh giàu nên bằng lòng gả con, cũng có thể Na-banh đã bỏ tiền ra mua A-bi-ga-in về làm vợ. Dù Kinh Thánh không nói rõ nhưng chúng ta biết, A-bi-ga-in không có quyền chọn lựa người đàn ông mà nàng kết hôn. Ngày xưa nam nữ cũng không được gặp nhau trước ngày cưới, nên có lẽ vì thế A-bi-ga-in không biết gì về tính tình của Na-banh.

Ngày nay chúng ta không còn sống dưới những luật lệ hẹp hòi nhưng được tự do trong việc chọn người phối ngẫu. Là người tin Chúa, chúng ta phải chọn người bạn đời theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh. Theo Lời Chúa dạy, người tin Chúa không nên kết hợp trong hôn nhân với người không tin, vì hai người có niềm tin khác nhau không thể kết hợp làm một. Chúng tôi mong rằng ngày nay không ai  xem nhẹ lời cảnh cáo của Chúa. Nếu quý vị đang định lập gia đình với người ngoại đạo, hoặc muốn cho phép con cái lấy người ngoại đạo, ước mong quý vị sẽ xét lại quyết định của mình và vâng theo lời khuyên dạy của Chúa. Ðừng bao giờ bất tuân mạng lệnh của Chúa để làm theo điều mình muốn. Khi quyết định chọn con dường đó, chúng ta sẽ gặt lấy bất hạnh và đớn đau. 

2. Dù gặp hoàn cảnh khó không than van nhưng chờ đợi Chúa giải cứu 

Vì hoàn cảnh, cũng có thể vì quyết định của cha mẹ, A-bi-ga-in đã lập gia đình với một người đàn ông không có phẩm cách để là một người chồng tốt. Tuy vậy A-bi-ga-in chấp nhận hoàn cảnh, hết lòng làm trọn trách nhiệm chứ không than van cho số phận của mình. Ðối với người Do Thái ngày xưa, tên của một người thường nói lên bản tính của người đó. Như đã nói, “Na-banh” nghĩa là điên dại, còn “A-bi-ga-in” nghĩa là cha của niềm vui. Chồng thì điên dại, hung dữ còn vợ thì vui vẻ. Thánh Kinh mô tả đôi vợ chồng nàychỉ  một câu ngắn nhưng nói lên nỗi bất hạnh lớn lao của A-bi-ga-in: “Vợ thông minh xinh đẹp còn chồng cứng cỏi, hung ác” c. 3).

Có lẽ quý vị cũng đang sống trong hoàn cảnh như A-bi-ga-in ngày xưa, bên cạnh  người chồng không kính sợ Chúa, thiếu yêu thương, thông cảm, không biết phải quấy và không biết phục thiện. Cách cư xử của chồng có lẽ khiến cuộc sống của quý vị tràn đầy nước mắt và tủi nhục. Nhưng là người tin Chúa, sống theo lời Chúa dạy, chúng ta không bỏ mặc chồng hay xem thường chồng. Chúng ta hãy nhìn gương của A-bi-ga-in, trung tín làm trọn bổn phận và trách nhiệm của người vợ, Chúa là Ðấng công bình, đến đúng thời điểm Ngài sẽ giải cứu và ban thưởng xứng đáng cho chúng ta. Những lời cằn nhằn, than van không giúp ích gì, trái lại, nó khiến chúng ta càng thấy mình bất hạnh và đau khổ hơn.

Kinh Thánh cho chúng ta lời hứa sau đây:  Những sự cám dỗ (thử thách) đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Ðức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị thử thách quá sức mình đâu; nhưng trong sự thử thách Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được (I Cô-rinh-tô 10:13). Dựa vào lời Chúa hứa, chúng ta hãy kiên nhẫn chịu đựng hoàn cảnh vì biết rằng Chúa không để cho chúng ta bị thử thách quá sức mình, nhưng đến đúng thời điểm, Ngài sẽ mở đường, giải cứu chúng ta. Nhiều lúc chúng ta nản lòng, không biết mình có tội gì mà gặp phải hoàn cảnh như thế. Nhưng, nhìn đời sống của A-bi-ga-in, chúng ta vững lòng tin vào chương trình tốt đẹp của Chúa. Chúa đặt chúng ta vào những hoàn cảnh khó khăn, lắm khi đau đớn nữa, không phải vì chúng ta tội lỗi nhưng vì Chúa muốn rèn luyện chúng ta, để sau đó Ngài ban phước và dùng chúng ta vào chương trình đặc biệt của Ngài. Chúng ta hãy hết lòng tin cậy Chúa và kiên nhẫn chờ đợi sự dẫn dắt của Ngài. Khi chúng ta đã được thử luyện, Chúa sẽ trao phó cho chúng ta những công tác đặc biệt để chúng ta làm rạng danh Ngài. 

3. Khôn ngoan đến từ Chúa mang lại nhiều lợi ích

Vì biết việc chồng làm là sai quấy, khi gặp Ða-vít, A-bi-ga-in không tìm cách phân trần hay giải thích để biện hộ cho chồng, trái lại, bà nhận lỗi ngay và cũng nhận lỗi về phần mình. Thánh Kinh ghi, A-bi-ga-in “phục dưới chân Ða-vít mà nói rằng: Lạy chúa, lỗi về tôi, về tôi!”  Ðây là cách giải hòa thật khôn ngoan: Nhận lỗi trước khi đối phương lên tiếng cáo buộc lỗi của mình. Khôn ngoan của A-bi-ga-in là khôn ngoan đến từ trên, đem lại hòa thuận, khác với khôn ngoan của đời, để cạnh tranh và thắng hơn người khác. Sứ đồ Gia-cơ dạy như sau: Sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình. Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy (Gia-cơ 3:17-18).

4. Lời nói tế nhị và khích lệ đem lại giải hòa nhanh chóng

Chúng ta thường dễ chỉ trích hoặc chê bai người khác hơn là nói lời khích lệ. Những lời góp ý xây dựng, kèm theo tình thương thành thật sẽ giúp ích cho người nghe, còn lời chê bai, chỉ trích sẽ khiến người nghe nản chí sờn lòng. A-bi-ga-in có thể trách Ða-vít sao nóng nảy và có ý nghĩ tàn ác, chồng bà chỉ từ chối không giúp mà muốn tiêu diệt cả gia đình của ông. Bà không trách hay phiền giận, trái lại, bà nói những lời khích lệ Ða-vít. Bà an ủi  Ða-vít về hoàn cảnh lưu vong vất vả của ông và nhắc ông hy vọng tươi sáng đang chờ đợi, là điều Chúa dành cho ông. A-bi-ga-in nói khéo đến nỗi dù bà là người xa lạ, chồng bà là người Ða-vít đang căm thù, nhưng nghe xong, Ða-vít không những hết giận mà còn dâng lời cảm tạ Chúa. Kinh Thánh ghi: Ða-vít đáp cùng A-bi-ga-in rằng:  Ðáng ngợi khen Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Ðáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến ô làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình (c. 32-33).

Những lời A-bi-ga-in nói với Ða-vít hàm ý rằng:  “Tôi biết, chính Chúa sẽ trả thù cho ông. Chúa phù hộ ông nên ai muốn làm hại ông sẽ bị Ngài tiêu diệt. Chúa sẽ cho ngôi nước của ông được vững bền vì ông trung tín đánh giặc cho Chúa. Khi Chúa ban mọi ơn lành và ban cho ông ngôi vua, ông sẽ không phải ân hận vì đã giết người để trả thù cho chính mình.” Thật là lời nói khôn ngoan, có tính cách xây dựng, khiến người nghe hết giận và cảm thấy phấn khởi. 

Mỗi ngày chúng ta có nhiều cơ hội trao đổi lời nói với người trong gia đình cũng như trong hội thánh. Xin Chúa giúp chúng ta có khôn ngoan của Chúa để lời nói của chúng ta là những lời lành, mang lại an ủi, khích lệ và ích lợi cho người nghe. Sứ đồ Phao-lô khuyên:  “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói, hãy nói một vài lời lành, giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Lời dạy này gồm bốn nguyên tắc:  Ðừng nói lời dữ, chỉ nói khi đáng nói, nên nói ít và chỉ nói lời lành là lời mang lại ích lợi cho người nghe.

5. Tin cậy Chúa sẽ không thất vọng

Bà A-bi-ga-in tin cậy vào sự quan phòng của Chúa. Bà tin rằng Chúa sẽ gìn giữ và dẫn dắt những người kính sợ Chúa trong chương trình của Ngài. Dù lúc đó Ða-vít chỉ là một chiến sĩ thất thế, không uy quyền, không tương lai nhưng A-bi-ga-in nhìn thấy tương lai sáng lạn Chúa dành cho ông vì ông trung tín với Ngài. Bà tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ bảo vệ Ða-vít khỏi kẻ thù và cho ngôi vua của ông được vững bền. Bà nói: Ðức Giê-hô-va quả hẳn sẽ lập nhà chúa được bền lâu, vì chúa đánh giặc cho Ðức Giê-hô-va, và trọn đời chúa sẽ chẳng tìm thấy một sự ác nơi chúa. Nếu có ai dấy lên đặng bắt bớ và hại mạng sống chúa, thì Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của chúa sẽ gìn giữ mạng sống của chúa trong bọc những người sống (c. 28-29).

Tin cậy Chúa, A-bi-ga-in không tự tìm cho mình một lối thoát. Nếu bà dựa vào khôn ngoan riêng để tìm đường thoát thân, bà có thể phạm tội với chồng và với Chúa. Bà tin vào sự dẫn dắt của Chúa cho Ða-vít, cũng như cho chính bà. Bà không buồn nản nhưng trung tín làm trọn trách nhiệm và trông chờ Chúa giải cứu. A-bi-ga-in cũng tin rằng Chúa sẽ ban cho bà một tương lai tốt đẹp. Bà nói với Ða-vít: “Khi Ðức Giê-hô-va đã làm ơn cho chúa tôi, nguyện chúa nhớ đến con đòi của chúa.”  Hàm ý rằng, khi ông được làm vua xin đừng quên tôi. Lòng trung tín và tin cậy của A-bi-ga-in đã được Chúa ban thưởng xứng đáng. Sau khi Na-banh chết, Ða-vít đã cưới A-bi-ga-in làm vợ. Ða-vít nhớ đến bà trước khi ông được Chúa ban cho ngôi vua. 

Có lẽ quý vị đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, tuyệt vọng. Ðang đối diện với những đau buồn không biết chia xẻ với ai và cũng không ai thông cảm. Ðừng quên Chúa biết và thông cảm với chúng ta trong mọi sự. Không những thế, Ngài cũng có quyền thay đổi hoàn cảnh để đem chúng ta ra khỏi những khó khăn đó. Nhìn gương của A-bi-ga-in, chúng ta hãy hết lòng tin cậy Chúa, dù hoàn cảnh hiện tại tuyệt vọng, dường như không lối thoát. Ðến đúng thời điểm Chúa sẽ giải cứu và ban cho chúng ta những ơn phước mà Ngài đang dành sẵn cho chúng ta. Chúa hứa rằng ai tin cậy Ngài sẽ không bị thất vọng bao giờ, vì thế chúng ta “hãy yên tịnh trước mặt Chúa Hằng Hữu và chờ đợi Ngài” (Thi thiên 37:7a).

6. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, A-bi-ga-in vẫn là người vợ gương mẫu

Hoàn cảnh của A-bi-ga-in thật là đáng thương và đáng buồn. Mỗi ngày sống bên cạnh người chồng  điên dại, nóng nảy và hung ác, A-bi-ga-in có lẽ không thiếu những lúc bị chồng la mắng oan ức, nặng lời hoặc có những hành động vũ phu. Bà có đủ lý do để than van, oán ghét chồng và không vâng phục chồng, nhưng bà không than van cũng không ghét chồng. Khi chuyện không hay xảy ra giữa Na-banh và Ða-vít, A-bi-ga-in có thể đến kể lể với Ða-vít, xin ông ra tay để trả thù Na-banh và giải cứu bà. Bà cũng có thể chạy trốn cho yên thân và để mặc cho Ða-vít tàn hại gia đình Na-banh, vì đây là cơ hội để bà được giải thoát khỏi người chồng hung ác. Nhưng dù trong hoàn cảnh bất hạnh, A-bi-ga-in vẫn là người vợ hiền, biết lo cho chồng. Bà không bỏ mặc cho chồng bị hại, cũng không ngần ngại cứu giúp chồng; trái lại, bà sắp xếp toan tính mọi việc cách khôn ngoan. Dù biết việc mình làm có thể nguy đến tính mạng (vì khi biết bà là vợ của Na-banh, Ða-vít có thể làm hại đến bà), A-bi-ga-in không chồn chân. Không những toan tính khôn ngoan để giúp chồng, bà cũng xin lỗi thay cho chồng để giải hòa với người thù nghịch. Chúa nhìn thấy tấm lòng của A-bi-ga-in nên đã giải cứu bà và ban phước cho bà.

7. Nhờ A-bi-ga-in Ða-vít không phạm tội và không phải ân hận

Khi Chúa xử Na-banh và cất lấy mạng sống ông, Ða-vít không có gì phải ân hận. Ông đã không giết Na-banh để trả thù nhưng nhường sự xét xử đó cho Chúa. Khi nghe tin Na-banh chết, Ða-vít ca ngợi Chúa: Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va thay, vì đã xử đoán sự sỉ nhục mà tôi bị bởi Na-banh, và đã giữ tôi tớ Ngài khỏi làm điều ác!(c. 39). Lúc xin lỗi Ða-vít, A-bi-ga-in nói: “Khi Ðức Giê-hô-va đã làm cho chúa tôi mọi sự lành mà Ngài đã hứa, và khi Ngài đã lập người làm đầu của Y-sơ-ra-ên, thì ước gì chúa tôi không phàn nàn và không bị lòng cắn rứt vì đã vô cớ làm đổ máu ra và báo thù cho mình” (c. 30-31). Ða-vít đã nghe lời khẩn cầu của A-bi-ga-in nên bây giờ, đúng như điều bà nói, ông không có gì phải ân hận. Trong cuộc đời Ða-vít, có nhiều điều ông phải ân hận, hối tiếc, nhưng trong trường hợp này ông không có gì phải ân hận.

Quý vị có bao giờ kinh nghiệm niềm vui như Ða-vít không?  Vui vì biết Chúa đã gìn giữ mình khỏi phạm tội; vui vì dù bị áp bức, bị đối xử bất công mình đã không làm điều sai quấy để bênh vực cho chính mình. Không gì vui thỏa cho bằng khi nhìn lại những năm tháng đã qua trong cuộc đời, chúng ta không có gì phải ân hận, hối tiếc. Không có những lời lỡ nói hay những hành động sai lầm trong lúc nóng giận, thiếu khôn ngoan. Trong đời sống, luôn có những điều sai quấy mà nếu tránh được, chúng ta sẽ không phải ân hận. Ngược lại, có những điều tốt mà nếu không làm, chúng ta sẽ ân hận suốt đời. Như khi có cơ hội giúp người khác nhưng vì ích kỷ ta không giúp, chúng ta sẽ ân hận, nhất là nếu vì ta không giúp mà người đó trở nên khốn khổ hơn. Khi còn cơ hội nói những lời yêu thương, làm những điều tốt đẹp cho người chung quanh mà chúng ta bỏ qua, chúng ta sẽ ân hận vô cùng, nhất là khi những người đó vĩnh viễn ra đi.

Ðến cuối cuộc đời chúng ta sẽ không có gì phải ân hận nếu chúng ta không xem thường Lời Chúa dạy và không bỏ qua những cơ hội hầu việc Chúa. Quan trọng hơn nữa, chúng ta sẽ không có gì phải ân hận nếu chúng ta không bỏ qua lời nhắc nhở của Chúa Thánh Linh nhưng đến với Chúa, ăn năn tội, và dâng cuộc đời cho Chúa làm Chủ.