Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Bát-sê-ba, Người Vợ Đơn Sơ, Thụ Động

I Sa-mu-ên 11-12; I Các Vua 1-2

 

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Trong câu chuyện Ða-vít và Bát-sê-ba, theo ý quý vị, Bát-sê-ba là người đáng trách hay không đáng trách? Tại sao?

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Vua Ða-vít đã phạm những tội nào trong mối quan hệ với Bát-sê-ba?

 

 

 

 

 

 

 

3. Xin cho biết phản ứng của Chúa trước tội lỗi của Ða-vít?

 

 

 

 

 

 

 

4. Xin cho biết vị trí của Bát-sê-ba trong vai trò hoàng hậu, hoàng thái hậu và vai trò của bà khi Ða-vít già yếu.

 

 

 

 

 

 

 

5. Nhìn chung, chúng ta có thể nói gì về bà Bát-sê-ba? Bà là người đáng khen hay đáng trách? Tại sao?

 

 

 

 

 

 

 

BÁT-SÊ-BA

Người Vợ Đơn Sơ, Thụ Động

I Sa-mu-ên 11-12; I Các Vua 1-2

 

Bát-sê-ba là một phụ nữ trong thời Cựu Ước.  Dù đời sống Bát-sê-ba có những điều không mấy tốt đẹp, chúng ta học về cuộc đời người phụ nữ này để nhìn thấy nguy hiểm của tội lỗi và cẩn thận để chính mình không vấp phải những lỗi lầm tương tự.  

Ý nghĩa tên Bát-sê-ba

Bát-sê-ba có nghĩa là Người Con Gái Thứ Bảy, hay là Con Gái của Lời Thề.Bà Bát-sê-ba cũng có khi được gọi là “Bát-sua,” như trong I Sử ký 3:5.  Chữ “Bát” nghĩa là con gái.  Bát-sua nghĩa là con gái của giàu có, sang trọng.

Nguồn gốc gia đình 

II Sa-mu-ên 11:3 ghi:

Bát-sê-ba, con gái của Ê-li-am, vợ của U-ri, người Hê-tít.

Qua câu Kinh Thánh này, chúng ta biết Bát-sê-ba là con gái của ông Ê-li-am.  Vì tên “Ê-li-am” có nghĩa là “Ðức Chúa Trời là Ðấng nhân từ,”  người ta tin rằng Bát-sê-ba được sinh trưởng trong một gia đình kính sợ Chúa.  II Sa-mu-ên 23:34 cũng nhắc đến một người tên Ê-li-am, con trai của A-hi-tô phe, là một trong số các tướng giỏi của Ða-vít.  Nếu Ê-li-am này chính là Ê-li-am cha của Bát-sê-ba thì bà là cháu nội của A-hi-tô-phe, cố vấn quân sự của vua Ða-vít.  Chồng của Bát-sê-ba là U-ri, một vị tướng tài giỏi và trung thành của Ða-vít (II Sa-mu-ên 23:39).

Sau khi trở thành vợ của Ða-vít, Bát-sê-ba sinh được năm người con trai.  Ðứa con đầu chết lúc mới sinh, đứa thứ nhì tên Sa-lô-môn là người kế vị vua cha Ða-vít. Những chi tiết Kinh Thánh ghi về Bát-sê-ba bắt đầu bằng một sự việc không mấy tốt đẹp, tuy nhiên, vì bà là mẹ của vị vua khôn ngoan nhất trong lịch sử Do-thái và tên bà được nhắc đến trong gia phả của Chúa Giê-xu nên chúng ta cũng cần biết về đời sống và những diễn biến xảy ra chung quanh đời sống bà.  Quan hệ giữa Ða-vít và Bát-sê-ba là một quan hệ tội lỗi, từ đó đưa đến những tội khác, nhưng khi Ða-vít thật lòng ăn năn Chúa đã tha thứ cho ông.  Kinh Thánh tóm lược về cuộc đời Ða-vít như sau:

Ða-vít làm điều thiện trước mặt Ðức Giê-hô-va, và ngoài việc U-ri, người Hê-tít, trọn đời người không xây bỏ điều gì của Ðức Giê-hô-va đã truyền cho (I Các vua 15:5)

Bát-sê-ba gặp Ða-vít

Câu chuyện về Bát-sê-ba và vua Ða-vít được ghi trong II Sa-mu-ên chương 11.  Qua phân đoạn này, chúng ta thấy những điều sau:

1.  Lỗi của Ða-vít

Quan hệ tội lỗi giữa Ða-vít và Bát-sê-ba bắt đầu với câu:

Một buổi chiều kia, Ða-vít trỗi dậy khỏi giường mình, đi dạo chơi trên nóc đền vua, bèn thấy một người nữ đang tắm; người nữ ấy rất là lịch sự (II Sa-mu-ên 11:2)

Ðất nước đang chiến tranh với người Am-môn, các quan tướng đều ra trận nhưng Ða-vít ở nhà, nghỉ ngơi trong cung điện.  Trước kia ông là một người lính tài giỏi, từng chiến thắng kẻ thù bao nhiêu lần nhưng bây giờ có lẽ đã lớn tuổi, mệt mỏi, ông không ra trận trực tiếp điều khiển binh lính nữa.  Hơn nữa, bây giờ Ða-vít đã là vua, ông có quyền ở nhà, lo những công việc khác.  Lúc đó Ða-vít làm vua đã được khoảng mười hai năm.  Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nhàn cư vi bất thiện” và đây là điều đã xảy ra cho Ða-vít.  Vì rảnh rỗi, không có việc gì làm, Ða-vít đã bị ma quỷ cám dỗ và ông đã ngã.  

Dù không phải đối diện với kẻ thù ngoài mặt trận, Ða-vít quên rằng ông còn có những kẻ thù khác nguy hiểm hơn, sẵn sàng tấn công ông.  Kẻ thù của Ða-vít trong trường hợp này là cám dỗ của sắc đẹp và tình dục.  Khi nhìn thấy người đẹp Bát-sê-ba, thay vì chạy xa cám dỗ và tội lỗi, Ða-vít đã lấy quyền của một ông vua để đạt được điều mình muốn.  Ða-vít trở về cung điện, hỏi quần thần người đàn bà đó là ai, họ cho biết đó là Bát-sê-ba, vợ của U-ri.  Ða-vít biết rõ rằng người đàn bà mà ông si mê đã có chồng. Không những thế, cũng biết chồng bà là một tướng tài giỏi và trung thành, đang hy sinh chiến đấu ngoài chiến trường.  Biết những điều đó, đáng lẽ Ða-vít phải xấu hổ vì tư tưởng bất chính của mình, hơn nữa, thấy rõ nguy hiểm của cám dỗ, thấy vị trí cao trọng của mình và phải xử sự thế nào để giữ được lòng kính trọng của quan tướng và dân chúng.  Nhưng điều đáng buồn là Ða-vít đã bị lòng ham mê sắc dục làm cho mù quáng.  Dù biết Bát-sê-ba là ai, ông vẫn sai người đem bà đến cho ông và ông đã ngã vào tội ngoại tình. Ða-vít không chỉ phạm tội với người nhưng đã phạm tội với Ðức Chúa Trời.

2. Lỗi của Bát-sê-ba

Nếu là một phụ nữ đoan chính, đứng đắn, Bát-sê-ba đã cẩn thận, không tắm ở nơi trống trải, để trở thành cái bẫy cám dỗ người khác phạm tội.  Hơn nữa, khi vua Ða-vít sai vời bà vào cung, nếu là một phụ nữ chính chuyên, người vợ chung thủy với chồng, bà đã không vâng lệnh vua.  Hoặc nếu vâng lệnh vua vào cung, nhưng khi biết ý định tội lỗi của vua, bà vẫn có thể không chiều ý vua để giữ lòng trọn vẹn đối với chồng.  Sự đồng ý, đồng lõa của Bát-sê-ba cho thấy bà là người quá thụ động và không yêu chồng.  Trong khi chồng ra trận, đương đầu với nguy hiểm, hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước, bảo vệ vua và dân, Bát-sê-ba ở nhà phản bội chồng, gian díu với vị vua mà chồng bà đang hy sinh tất cả để bảo vệ! 

Sau đó, khi biết mình có thai, Bát-sê-ba sai người vào tâu cho Ða-vít một câu vắn tắt: “Tôi có thai.”  Bà báo tin như thế hàm ý trao trách nhiệm cho Ða-vít.  Ða-vít là người tạo ra nan đề và bà chờ xem ông sẽ giải quyết như thế nào.  Qua cách xử sự của Ða-vít trong quá khứ, Bát-sê-ba cũng như dân trong nước đều biết Ða-vít là người mềm yếu, nhiều tình cảm, không nỡ gây thiệt thòi cho ai.  Có lẽ Bát-sê-ba nghĩ rằng cách ông giải quyết nan đề sẽ mang lại cho bà lợi lộc về một phương diện nào đó.  

3. Ða-vít lún sâu vào tội lỗi

Khi nghe Bát-sê-ba có thai, Ða-vít bối rối, suy nghĩ tìm cách che giấu tội của mình.  Một lần nữa, Ða-vít lạm dụng thẩm quyền Chúa ban để làm theo ý riêng.  Ông đã dùng uy quyền của một ông vua để sắp đặt, điều động sự việc theo ý mình.

Mưu kế thứ nhất của Ða-vít

Ða-vít sai tướng Giô-áp gọi U-ri từ chiến trận trở về, giả vờ hỏi thăm tin tức chiến trận rồi cho U-ri mấy ngày phép và bảo ông về nhà với vợ, mục đích là để phi tang tội của mình.  Nhưng  vốn là người có tiêu chuẩn sống cao, biết nghĩ đến người khác, U-ri không theo lời đề nghị của vua nhưng ở lại tại cửa cung điện với những người lính khác.  Ngày hôm sau Ða-vít mời U-ri đến ăn tiệc, cho ông uống rượu say, mong là ông sẽ về nhà nhưng U-ri cũng ở lại bên ngoài cung điện chứ không về với vợ.  Thấy mưu kế của mình không thành, Ða-vít bèn tìm mưu kế khác để che lấp tội lỗi.  Khi lỡ phạm tội, người ta thường phạm thêm những tội khác để che giấu tội đã phạm, vì thế càng lún sâu vào tội lỗi.  

Mưu kế thứ hai của Ða-vít

Ða-vít tạo cơ hội cho U-ri về thăm nhà để xóa đi tang chứng mối quan hệ bất chính của ông với Bát-sê-ba.  Nhưng khi thấy mưu tính của mình không thành và biết không thể nào che giấu được tội đã phạm, Ða-vít chỉ còn một cách là thủ tiêu U-ri, và ông đã nghĩ ra một phương cách mà không ai có thể nghi ngờ, đó là mượn tay quân thù.  

Kinh Thánh ghi lại mưu ác của Ða-vít như sau: 

Sáng ngày mai, Ða-vít viết một cái thơ cho Giô-áp và gởi nơi tay U-ri.  Người viết như vầy:  Hãy đặt U-ri tại hàng đầu, nơi nguy hiểm hơn hết của chiến trận, rồi hãy rút ra xa người, để người bị đánh và chết đi.  Vậy, khi Giô-áp vây thành, bèn đặt U-ri tại chỗ đã biết có lính mạnh bạo của thù nghịch gìn giữ.  Người trong thành kéo ra đánh Giô-áp, có mấy người trong bọn tôi tớ Ða-vít ngã chết.  U-ri, người Hê-tít cũng chết (II Sa-mu-ên 11:14-17). 

Tội nghiệp chồng của Bát-sê-ba vì quá cao thượng, phải cầm trong tay lá thư mang bản án tử hình của chính mình mà không biết.  Vì quá tin cậy vợ và quá trung thành với vua mà U-ri phải chết  cách oan uổng.  Còn Ða-vít, từ chỗ ham muốn sắc dục, đã ngã vào tội ngoại tình, tội lừa dối và tội giết người, tất cả nối tiếp nhau xảy ra một cách nhanh chóng.  Tội lỗi đã cưu mang và đẻ ra tội lỗi, mọi việc xảy ra thật kinh khủng, không ai lường được.

Qua câu chuyện của Ða-vít và Bát-sê-ba, xin Chúa giúp chúng ta nhìn thấy nguy hiểm của cám dỗ và tội lỗi trong đời sống, bén nhạy trước tiếng cảnh cáo của Chúa Thánh Linh và lánh xa cám dỗ khi nó đến với chúng ta để không ngã dễ dàng và nhanh chóng như Ða-vít.  Ðể là người bén nhạy trước tội lỗi, chúng ta cần nghiêm chỉnh thực hành lời dạy của sứ đồ Phao-lô:  Chớ dập tắt Thánh Linh, chớ khinh dể các lời tiên tri, hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy.  Bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19-22).

Phản ứng của Bát-sê-ba

Khi nghe tin chồng chết, Bát-sê-ba than khóc và để tang chồng.  Sau đó bà vào cung và trở nên vợ của Ða-vít.  Trong tất cả những diễn biến này, Kinh Thánh không ghi lại một lời nói hay phản ứng nào của Bát-sê-ba, ngoại trừ câu báo cho Ða-vít biết là bà có thai.  Chúng ta thật sự không biết Bát-sê-ba là người như thế nào, nhưng phải nói bà là người vợ thiếu đoan chính và không yêu chồng.  Có người so sánh Bát-sê-ba với hoàng hậu Vả-thi, vợ vua A-suê-ru (Ê-xơ-tê chương 1) và ca ngợi Vả-thi, nói rằng tuy không phải là người Do-thái, không biết luật của Chúa nhưng hoàng hậu Vả-thi đã dám cãi lệnh vua, khi vua bắt bà làm điều sai quấy.  

 

Những ý kiến khác nhau về Bát-sê-ba

1.  Bát-sê-ba đáng trách

Một tác giả viết về Bát-sê-ba như sau:

Dù Ða-vít nhận tất cả tội lỗi ông đã phạm và nhận rằng ông phạm tội cùng Chúa, chúng ta không thể không nghĩ đến vai trò của Bát-sê-ba trong sự việc này.  Bà được xem là người đồng lõa, hoặc là người đã gây cho Ða-vít phạm tội.  Nếu Bát-sê-ba là người đứng đắn, đàng hoàng, bà đã thận trọng hơn trong những việc làm hằng ngày và không là cái bẫy đưa Ða-vít vào tội lỗi.  Hơn nữa, khi được Ða-vít vời vào cung, nếu là người vợ trung thành với chồng và là người có tiêu chuẩn đạo đức cao đẹp, bà đã từ chối lời đề nghị của vua.  Nếu Bát-sê-ba cương quyết tôn trọng danh dự của mình như hoàng hậu Vả-thi, Ða-vít đã không ngã vào tội lỗi vì tuy yếu đuối, Ða-vít cũng bén nhạy trước lời cảnh cáo của người khác.

Tác giả này viết tiếp:

Trong khi chồng đối diện với nguy hiểm, chết chóc ngoài mặt trận để bảo vệ mạng sống và ngai vàng của vua thì bà Bát-sê-ba ở nhà gian díu với chính vị vua đó.  Bà không có một chút mặc cảm tội lỗi nào về hành động của mình vì khi nghe tin chồng chết, bà đã than khóc và để tang chồng theo thông lệ rồi sau đó vào cung làm vợ Ða-vít, cùng với bao nhiêu bà vợ khác của ông.  

 2.  Bát-sê-ba không đáng trách

Một số người khác thì bênh vực Bát-sê-ba, nói rằng thời xưa vua có quyền tuyệt đối.  Khi vua ra lệnh điều gì mọi người đều phải vâng theo, nếu không, có thể bị nguy đến tính mạng.  Bát-sê-ba chỉ là nạn nhân, bà không có một lựa chọn nào khác.  Một tác giả nọ viết như sau:

Theo luật thời đó Bát-sê-ba không thể cãi lệnh vua.  Ngày xưa trong vùng đó người phụ nữ trong nước hoàn toàn ở dưới quyền của vua, khi vua muốn người nào hay chọn người nào, người đó không có quyền từ chối.  Vai trò của Bát-sê-ba trong trường hợp này vì thế không có gì đáng khen mà cũng không có gì đáng trách.

Tác giả này nêu trường hợp bà Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham, làm ví dụ và nói:

Ngay cả một người như Sa-ra, trong mấy thế kỷ trước đó, vì sắc đẹp mà đã bị đưa vào cung vua hai lần, đó là cung vua A-bi-mê-léc và Pha-ra-ôn.  Kinh Thánh hoàn toàn yên lặng về cảm xúc hoặc suy nghĩ của Bát-sê-ba trong sự việc này.  Khi báo cho Ða-vít biết mình có thai, Bát-sê-ba chỉ muốn để tùy ý Ða-vít giải quyết nan đề.

 Phản ứng của Chúa trước việc làm của Ða-vít và Bát-sê-ba

 1.  Chúa không đẹp lòng

Sau khi giết U-ri, Ða-vít tưởng đã giải quyết được nan đề, và việc ông làm sẽ không ai biết, nhưng Ðức Chúa Trời nhìn thấy tất cả và Ngài không đẹp lòng về những điều Ða-vít làm.  Chúa sai tiên tri Na-than đến gặp Ða-vít và tố cáo tội của ông.  Qua Na-than, Chúa phán:

Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ.  Ta cũng  ban cho ngươi nhà của chủ ngươivà nếu điều đó không đủ, ắt ta sẽ thêm cho ơn khác nữa.  Cớ sao ngươi đã khinh bỉ lời của Ðức Giê-hô-va mà làm điều không đẹp lòng Ngài?  Sau đó Na-than vâng lệnh Chúa tuyên bố bản án Chúa dành cho Ða-vít (II Sa-mu-ên 12:10-12)

Bát-sê-ba có thai và sinh được một đứa con trai, nhưng, một lần nữa, Kinh Thánh lại ghi, những điều này không đẹp lòng Chúa:

Khi vợ U-ri hay rằng chồng mình đã thác thì than khóc U-ri.  Khi đã mãn tang, Ða-vít sai vời nàng vào cung, nàng trở nên vợ người, sinh cho người một con trai.  Nhưng điều Ða-vít đã làm đó không đẹp lòng Ðức Giê-hô-va (II Sa-mu-ên 11:26-27)

Tội ngoại tình và tội giết người của Ða-vít là điều không đẹp lòng Chúa và là một vết đen trong lịch sử Do Thái.  Tội lỗi đó cũng là vết đen là trong cuộc đời Ða-vít, người được Chúa chọn để lãnh đạo con dân Ngài.  Tuy nhiên, từ những thất bại đau đớn của Ða-vít, chúng ta nhìn thấy lòng mềm mại, ăn năn của ông và cũng nhìn thấy ân sủng lớn lao của Chúa.  

2.  Lòng nhân từ của Chúa

Khi tiên tri Na-than lên án những tội Ða-vít đã phạm, Ða-vít liền nhận tội trước mặt Chúa.  Kinh Thánh ghi:

Ða-vít bèn nói cùng Na-than rằng:  Ta đã phạm tội cùng Ðức Giê-hô-va.  Na-than đáp cùng Ða-vít rằng: Ðức Giê-hô-va cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu. Nhưng vì việc nầy vua đã gây dịp cho những kẻ thù nghịch Ðức Giê-hô-va nói phạm đến Ngài, nên con trai đã sanh cho ngươi hẳn sẽ chết.  Ðoạn, Na-than trở về nhà mình. Ðức Giê-hô-va bèn đánh đứa trẻ mà vợ của U-ri đã sinh cho Ða-vít và nó bị đau nặng lắm (II Sa-mu-ên 12:13-15)

Ðứa con Bát-sê-ba sinh cho Ða-vít là chứng tích của tội lỗi nên Chúa phải loại bỏ.  Chúa tha thứ cho Ða-vít nhưng hình phạt của Chúa ông phải chấp nhận, đứa con sinh ra trong tội lỗi phải chết.  Lý do là vì việc Ða-vít làm đã khiến những kẻ thù nghịch nói phạm đến Chúa.  

Chúng ta không thể hiểu hết những điều Chúa làm nhưng biết rằng Ngài bao giờ cũng là Ðấng yêu thương, công bình, và không bao giờ lầm lỗi.  Ðiều chúng ta cần nhớ là, đời sống cũng như việc làm của chúng ta, là con dân của Chúa, có thể khiến người đời tôn cao Chúa hoặc chê cười Danh Ngài.  Xin Chúa giúp chúng ta cẩn thận trong những sinh hoạt hằng ngày của đời sống, trong lời nói cũng như việc làm, để luôn luôn tôn cao Danh Chúa, như lời khuyên của sứ đồ Phao-lô:

Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Ðức Chúa Trời mà làm (I Cô-rinh-tô 10:31)

II Sa-mu-ên chương 12:23 là câu ngày nay chúng ta thường dùng để an ủi những người có người thân qua đời.  Khi đứa con Bát-sê-ba sinh ra bị đau và chết, Ða-vít nói: Ta sẽ đi đến nó, nhưng nó không trở lại cùng ta.Cái chết của đứa con sinh ra trong tội lỗi đã đem lại đau đớn cho  Ða-vít lẫn Bát-sê-ba, nhưng đây là bài học nhắc chúng ta về đức thánh khiết và công bình của Chúa hầu thêm lòng kính sợ Ngài.  Khi Ða-vít ăn năn tội, Chúa tha thứ cho ông, nhưng hậu quả của tội lỗi ông phải gánh chịu.  Kinh nghiệm của Ða-vít và Bát-sê-ba cho thấy chúng ta không thể chỉ nghĩ đến đức nhân từ của Chúa và xem thường tội lỗi nhưng phải nhớ đến đức công bình và thánh khiết của Chúa và cẩn thận giữ đời sống trong sạch, đẹp lòng Chúa luôn luôn.  

 Hậu quả của tội lỗi 

Tội lỗi bao giờ cũng nghiêm trọng, vì một khi đã phạm tội, dù chúng ta ăn năn và được Chúa tha thứ, hậu quả của tội lỗi chúng ta phải gánh chịu.  Trong trường hợp của Ða-vít cũng vậy.  Ngoài việc đứa con sinh ra phải chết, tiên tri Na-than tuyên bố về những hậu quả khác mà Ða-vít và gia đình ông sẽ phải gánh chịu vì tội ông đã phạm: Gươm sẽ chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi, từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi, ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi, trao cho một người lân cận ngươi, v.v…” (12:10-11).  Nhìn vào cuộc đời Ða-vít, chúng ta thấy lời tiên tri này đã thành sự thật.  Suốt đời, Ða-vít luôn luôn phải chống chọi với kẻ thù, kẻ thù đó không chỉ là các dân tộc chung quanh nhưng từ trong gia đình ông, khi các con ông làm phản.  Con trai Ða-vít là Am-môn phạm tội loạn luân (II Sa-mu-ên 13:1-22), vì đó các con ông giết hại nhau (13:23-29).  Áp-sa-lôm, một đứa con khác, làm phản, chiếm ngôi của Ða-vít (15:13-27), và chính Áp-sa-lôm là người đã làm nhục các cung phi của vua cha, đúng như lời Chúa phán qua tiên tri Na-than (II Sa-mu-ên 16:20–23).

Lòng ăn năn thống hối của Ða-vít

Từ câu chuyện về Ða-vít và Bát-sê-ba chúng ta có hai phân đoạn đặc biệt khác trong Kinh Thánh, chứa đựng nhiều bài học quý giá cho chúng ta ngày nay.  Hai phân đoạn đó là II Sa-mu-ên Chương 12, ghi lời tiên tri Na-than khiển trách Ða-vít, và Thi Thiên thứ 51, là lời cầu nguyện xưng tội của Ða-vít, cũng là Thi Thiên được nhiều người yêu thích.

Thi Thiên 51 là phân đoạn Kinh Thánh phát xuất từ lỗi lầm của Ða-vít.  Khi tiên tri Na-than lên án Ða-vít về những tội ông đã phạm, Ða-vít liền hạ mình, nhận tội trước mặt Chúa.  Ông nói:  “Ta đã phạm tội cùng Ðức Giê-hô-va.”  Sau đó, Ða-vít viết một bài thơ, nói lên lòng ăn năn thống hối của ông.  Vốn là một thi sĩ, Ða-vít diễn tả cảm nghĩ của ông bằng những lời thơ thật là sâu sắc.  Ngày nay khi đọc Thi Thiên này, người tin Chúa không những hiểu được tâm trạng đau buồn của Ða-vít nhưng cũng nhìn thấy con người tội lỗi, yếu đuối của chính mình và ơn tha thứ của Ðức Chúa Trời.  Có thể nói, ngoài Thi Thiên 23, Thi Thiên 51 là Thi Thiên được nhiều người yêu thích và học thuộc.  

Ðức nhân từ của Chúa

Chúng ta thấy Ða-vít đã thật lòng ăn năn về tội lỗi của mình nhưng còn Bát-sê-ba thì sao, vì bà cũng có một phần trách nhiệm trong lầm lỗi của Ða-vít?  Một lần nữa, Kinh Thánh không ghi lại phản ứng nào của Bát-sê-ba.  Tuy nhiên, qua những ơn phước đặc biệt Ðức Chúa Trời ban cho hai người sau đó, chúng ta tin rằng bà cũng đã ăn năn tội và cũng được Chúa tha thứ. 

Chúa đã tha thứ cho Ða-vít và Bát-sê-ba và ban phước cho hôn nhân của hai người bằng cách cho họ một đứa con trai khác và nói rằng Ngài yêu mến đứa con đó.  II Sa-mu-ên 12:24-25 ghi như sau:

Ða-vít an ủi Bát-sê-ba, vợ mình, đến ngủ cùng nàng, nàng sanh một đứa trai, đặt tên là Sa-lô-môn.  Ðức Giê-hô-va yêu mến Sa-lô-môn, nên Ngài sai đấng tiên tri Na-than đến đặt tên cho nó là Giê-đi-đia, vì Ðức Giê-hô-va yêu mến nó.

Ngoài Bát-sê-ba, Ða-vít còn có những người vợ khác, tại sao Chúa không để ý đến những đứa con do các bà vợ đó sinh ra mà Ngài lại yêu mến con của Bát-sê-ba?  Khi ban cho hai người đứa con thứ hai là Sa-lô-môn và tuyên bố rằng Ngài yêu thương nó, Chúa muốn Ða-vít và Bát-sê-ba thấy rằng Ngài đã tha thứ tội lỗi của họ hoàn toàn.  Sa-lô-môn là chứng tích lòng tha thứ của Chúa và tình yêu đặc biệt Ngài dành cho hai người.  Ðây là điều mang lại an ủi cho chúng ta.  Dù chúng ta vấp ngã và phạm tội đến thế nào đi nữa nhưng nếu chúng ta thật lòng ăn năn, quay trở lại với Chúa, Ngài sẽ tha thứ hết.  Chúa hứa:

Nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (I Giăng1:9)

Riêng Bát-sê-ba không những được Chúa tha thứ mà còn được nâng lên một địa vị đặc biệt trong lịch sử Do-thái.  Bà được làm vợ vị vua mà Ðức Chúa Trời chọn lựa và yêu thương và làm mẹ của vị vua khôn ngoan nhất trong lịch sử Do Thái.  Một bằng chứng khác cho thấy Bát-sê-ba đã được Chúa tha thứ tội và ban ân điển đặc biệt là bà được nhắc đến trong bảng gia phả của Chúa Cứu Thế Giê-xu (Ma-thi-ơ 1:6b).

Vị trí của Bát-sê-ba trong lịch sử con dân Chúa

1.  Trong vai trò hoàng hậu

Một tác giả nọ viết như sau:

Khi đã được phục hồi ơn thiên thượng, ngoài sắc đẹp sẵn có, Bát-sê-ba trở nên người đàn bà khôn ngoan, có phẩm hạnh vì Kinh Thánh không ghi một việc xấu nào của bà trong suốt thời gian làm vợ Ða-vít.  Bát-sê-ba có một vị trí đặc biệt trong lịch sử  Do Thái.  Bà không những là hoàng hậu, vợ của Ða-vít, vị vua được chính Ðức Chúa Trời chọn và được dân chúng yêu mến, nhưng bà cũng là hoàng thái hậu, mẹ của Sa-lô-môn, vị vua khôn ngoan nhất trong lịch sử loài người.  Ða-vít và Sa-lô-môn là hai vị vua lớn, lãnh đạo Do Thái trong thời đại vàng son nhất của đất nước này và Bát-sê-ba là người có một vị trí quan trọng trong đời sống hai vị vua đó.  Sau khi Bát-sê-ba được Chúa tha thứ và ban cho đứa con thứ hai là Sa-lô-môn, Kinh Thánh không nhắc đến bà nữa.  Thật ra, đó là điều tốt, vì nếu Bát-sê-ba là người nhiều tham vọng, lấn quyền vua Ða-vít, hay có một đời sống không đàng hoàng, thánh sử đã ghi lại.  Hơn nữa, Na-than, vị tiên tri  vâng lời Chúa, lên án mối quan hệ tội lỗi giữa Ða-vít và Bát-sê-ba trong buổi ban đầu, sau này, đã hết lòng hỗ trợ bà và con là Sa-lô-môn.  Ðiều này cho thấy, Bát-sê-ba có đời sống tốt đẹp trong vai trò hoàng hậu nên đã chinh phục được sự kính trọng và lòng trung thành của tiên tri Na-than.

Một tác giả khác viết như sau:

Từ khi vào cung điện và trở thành hoàng hậu, Bát-sê-ba đã lấy lại phong độ và có ảnh hưởng tốt trong cung vua.  Sự yên lặng nhưng trang trọng của bà đã khiến bà tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cuộc đời vua Ða-vít.  Và dù Ða-vít có nhiều vợ và nhiều con trai, con trai của Bát-sê-ba được Ða-vít chọn và hứa ban cho đặc ân kế vị ngôi vua.

 2.  Trong vai trò hoàng thái hậu

  Là mẹ của Sa-lô-môn, Bát-sê-ba đã dưỡng dục con, dạy cho con mẫu mực đạo đức, phẩm cách khôn ngoan và lòng kính sợ Chúa.  Kinh Thánh ghi:

Vua Sa-lô-môn nói ba ngàn câu châm ngôn và làm một ngàn năm bài thơ (I Các vua 4:32)

Sách Châm Ngôn trong Cựu Ước mà chúng ta có ngày nay là do Sa-lô-môn viết, với bao nhiêu lời dạy khôn ngoan mà mọi người cần học và thực hành trong đời sống hằng ngày, trong cách cư xử với mọi người.  Trong sách Châm Ngôn, câu quan trọng nhất, làm nền tảng cho đời sống mọi người là:

Kính sợ Ðức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhìn biết Ðấng Thánh, đó là sự thông sáng (Châm Ngôn 9:10)

Câu Châm Ngôn nổi tiếng thứ hai mà hầu hết các bậc cha mẹ trong Chúa đều biết, là:

Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó (Châm ngôn 22:6)

Những câu châm ngôn này cho thấy Sa-lô-môn đã được trưởng dưỡng trong đường lối của Chúa, trong sự kính sợ Ngài.  Cha của Sa-lô-môn là vua, có nhiều trách nhiệm đa đoan, nên người gần gũi và có ảnh hưởng nhiều trên ông chính là bà Bát-sê-ba, mẹ ông.

Riêng về Châm Ngôn 31, một số người tin rằng Bát-sê-ba là người đã viết Châm Ngôn này.  Bà viết Châm Ngôn này để khuyên Sa-lô-môn về việc cưới con gái Pha-ra-ôn làm vợ.  Châm ngôn đó mở đầu bằng lời khuyên tha thiết, chân tình của một bà mẹ như sau:

Hỡi con, ta sẽ nói gì?  Hỡi con của thai ta, ta phải nói chi?  Hỡi con của sự khấn nguyện ta, ta nên nói điều gì với con?  Chớ phó sức lực con cho người đàn bà, đừng ở theo con đường gây cho vua Chúa bị bại hoại (c. 2-3)

Phần thứ hai của Châm Ngôn 31 mô tả hình ảnh một người đàn bà với đầy đủ công dung ngôn hạnh.  Ðây cũng là phần Kinh Thánh nổi tiếng, và là khuôn mẫu cho người phụ nữ trong Chúa nghiên cứu, học hỏi và thực hành. 

Ngoài Sa-lô-môn, I Sử ký chương 3 cho biết  Bát-sê-ba còn có ba người con trai khác, tên là  Si-mê-a, Sô-báp và Na-than (c. 5).  Trong thời niên thiếu của Sa-lô-môn, tuy Kinh Thánh không nói gì về bà Bát-sê-ba nhưng chúng ta biết chắc bà luôn gần con và có một ước mơ lớn cho con.  

3.  Vai trò của Bát-sê-ba khi Ða-vít già yếu

Khi Bát-sê-ba trở nên vợ Ða-vít, Kinh Thánh không nhắc đến bà nữa, cho đến cuối triều Ða-vít chúng ta mới lại thấy tên bà xuất hiện.  Ðiều này cho thấy bà Bát-sê-ba có lẽ đã sống và cư xử tốt đẹp, đúng với vai trò của bà trong cung điện, và không làm điều gì gây khó khăn hay tiếng xấu cho triều đại Ða-vít.

Khi vua Ða-vít già yếu và sắp qua đời, Bát-sê-ba đã làm trọn công tác lớn nhất của đời bà, đó là can thiệp để Sa-lô-môn được nối ngôi vua cha, cai trị nước Do Thái.  Khi thấy vua cha đã già yếu, một người con trai của Ða-vít tên là A-đô-ni-gia, tự xưng làm vua và kêu gọi một số tướng lãnh đi theo mình.  Tiên tri Na-than biết điều đó, liền đến gặp Bát-sê-ba và tìm cách giúp bà.

Ông nói:  Bà há chẳng hay rằng A-đô-ni-gia, con trai Ha-ghít, đã làm vua mà Ða-vít, chúa ta, chẳng hay biết sao?  Thế thì, bây giờ hãy nghe, tôi sẽ cho bà một kế để bà cứu mạng sống mình và mạng sống của Sa-lô-môn.  Và tiên tri Na-than chỉ cho Bát-sê-ba cách như sau:  “Hãy đi, ra mắt vua Ða-vít và tâu rằng:  Ôi vua, chúa tôi! Chúa há có thề cùng con đòi của chúa rằng:  Con trai ngươi là Sa-lô-môn ắt sẽ trị vì kế ta, và nó sẽ ngồi trên ngôi ta, hay sao? Vậy, cớ sao A-đô-ni-gia trị vì?  Trong lúc bà tâu với vua như vậy, thì chính tôi cũng sẽ đi vào sau, làm cho quả quyết các lời của bà” (I Các vua 1:11-14).

Kinh Thánh ghi lại chi tiết này như sau:

Vậy, Bát-sê-ba đi đến cùng vua, tại trong phòng.  Vua đã già lắm, có A-bi-sác, người Su-nem hầu hạ người.  Bát-sê-ba cúi mình xuống và lạy trước mặt vua.  Vua hỏi rằng: ngươi muốn chi?  Bà tâu rằng: Chúa tôi ôi, chúa đã nhân danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúa thề cùng con đòi của chúa rằng:  Sa-lô-môn, con trai ngươi sẽ trị vì kế ta, và nó sẽ ngồi trên ngôi ta.  Ôi, vua chúa tôi, nhưng bây giờ A-đô-ni-gia làm vua, mà chúa chẳng biết chi đến, .. . người mời hết thảy các vương tử nhưng người không mời Sa-lô-môn, kẻ tôi tớ vua.  Ôi, vua Chúa tôi, cả Y-sơ-ra-ên đều xây mắt về vua, đợi vua cho họ biết ai là người kế vua phải ngồi trên ngai của vua, là chúa tôi.  Chẳng vậy, khi vua chúa tôi an giấc với các tổ phụ, thì tôi và con trai tôi là Sa-lô-môn sẽ bị xử như kẻ có tội (I Các vua 1:15-21)

Lời Bát-sê-ba tâu cùng vua Ða-vít cho thấy bà là người khôn ngoan, tế nhị và rất là bình tĩnh. Nhược điểm lớn nhất của Ða-vít là có nhiều vợ, và do đó có nhiều dòng con khác nhau.  Người vợ đầu tiên là Mi-canh, con gái vua Sau-lơ, không có con (I Sa-mu-ên 18:27b; II Sa-mu-ên 6:23).  Trong thời gian bảy năm rưỡi làm vua tại Hếp-rôn (II Sa-mu-ên 5:5), Ða-vít có sáu người vợ khác, mỗi bà sinh cho ông một đứa con trai.  Sau đó ông dời cung điện về Giê-ru-sa-lem và cai trị tại đây ba mươi ba năm.  Và chính tại Giê-ru-sa-lem, Ða-vít có thêm người vợ thứ tám là Bát-sê-ba.  Ngoài đứa con đầu tiên bị chết, bà Bát-sê-ba sinh được bốn đứa con trai khác (I Sử ký 3:1-5), trong đó có Sa-lô-môn là người được Ðức Chúa Trời yêu thương (II Sa-mu-ên 12:24-25).  Ngoài ra, Kinh Thánh còn nhắc đến tên chín người con trai khác của Ða-vít nhưng không cho biết mẹ của những người đó là ai (I Sử ký 3:7).  Như vậy, Ða-vít có tất cả mười chín người con trai

Trong số mười chín người con trai của Ða-vít, Sa-lô-môn, con của Bát-sê-ba được chọn kế vị vua cha.  Ðiều này cho thấy chương trình và ý định của Ðức Chúa Trời không giống như sự suy nghĩ của con người, đường lối Ngài cao hơn đường lối và sự tính toán của con người.  Một người được Chúa chọn và sử dụng như thế nào là tùy ơn của Chúa chứ không phải vì người đó xứng đáng.  Ngoài ra, việc Chúa chọn Sa-lô-môn để kế vị Ða-vít cho thấy Chúa đã hoàn toàn tha thứ cho Ða-vít và Bát-sê-ba. 

Có lẽ Ða-vít cảm nhận sâu xa ơn tha thứ của Chúa nên ông đã viết lên Thi Thiên 103, với những lời lẽ như sau: 

Ðức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ.  Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời.  Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi.  Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu, thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.  Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu.  Ðức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài khác nào Cha thương xót con cái mình vậy (c. 8-13)

Bát-sê-ba được tiên tri Na-than hỗ trợ

Khi Ða-vít sắp qua đời, một người con trai tên là A-đô-ni-gia tự xưng vua.  Kinh Thánh ghi:

Vả, A-đô-ni-gia, con trai Ha-ghít tự tôn mà rằng: Ta sẽ làm vua.  Người sắm xe và quân kỵ, cùng năm mươi người chạy trước mặt mình.  Cha người chẳng hề phiền lòng người mà hỏi rằng:  Cớ sao mầy làm như vậy? (I Các vua 1: 5-6)

Tướng Giô-áp và thầy tế lễ A-bia-tha theo A-đô-ni-gia nhưng các thầy tế lễ khác, các tướng của Ða-vít và tiên tri Na-than không theo người.  Khi thấy A-đô-ni-gia xưng vương, tiên tri Na-than liền báo cho Bát-sê-ba biết.  Ông đề nghị bà vào gặp vua và nhắc vua nhớ lại lời ông đã hứa, đó là Sa-lô-môn là người được chọn để kế vị vua cha. Tiên tri Na-than nói ông cũng sẽ vào gặp vua và nhắc cho vua nhớ nữa.  Chi tiết này cho thấy Bát-sê-ba đã chinh phục được lòng kính phục và trung thành của tiên tri Na-than, người đã vâng lời Chúa khiển trách Ða-vít trước kia, vì vậy ông hết lòng giúp bà và Sa-lô-môn.

Kinh Thánh ghi: 

Khi Bát-sê-ba còn tâu với vua thì tiên tri Na-than đến.  Người ta đến thưa cùng vua rằng:  Nầy, có tiên tri Na-than.  Na-than ra mắt vua, sấp mình xuống trước mặt người mà lạy, và nói rằng:  Ôi, vua chúa tôi, có phải vua đã phán rằng, A-đô-ni-gia sẽ trị vì kế ta và ngồi trên ngai ta chăng?  Thật vậy, ngày nay người đã đi xuống giết bò, bò tơ mập và chiên rất nhiều, cùng mời hết thảy các vương tử, quan tướng và thầy tế lễ A-bia-tha!  Kìa, họ ăn uống tại trước mặt người và la lên rằng:  A-đô-ni-gia vạn tuế!  Còn tôi là kẻ tôi tớ vua, thầy tế lễ Xa-đốc, Bê-na-gia và Sa-lô-môn, tôi tớ vua, thì người chẳng có mời.  Việc này há phải bởi vua chúa tôi mà ra? Và lại vua không cho các tôi tớ vua biết ai là người kế vua, phải ngồi trên ngai của vua chúa tôi?”  Khi nghe những điều tiên tri Na-than nói, “Vua  Ða-vít đáp rằng: Hãy gọi Bát-sê-ba cho ta.  Bà vào và đứng trước mặt vua.  Ða-vít bèn thề mà rằng: Nguyện Ðức Giê-hô-va hằng sống, là Ðấng đã giải cứu mạng sống ta khỏi các hoạn nạn, ta nhân danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mà thề cùng ngươi rằng:  Quả hẳn Sa-lô-môn, con trai ngươi, sẽ trị vì kế ta.  Nó sẽ ngồi trên ngai thế cho ta; thì ngày nay ta sẽ làm hoàn thành điều đó.  Bát-sê-ba cúi mặt xuống đất và lạy trước mặt vua, mà tâu rằng:  Nguyện vua Ða-vít, chúa tôi, vạn tuế (c. 23-31)

Lời tuyên bố của Ða-vít với Bát-sê-ba cho thấy cho đến cuối cùng, bà vẫn có một vị trí đặc biệt trong lòng ông.  Sa-lô-môn, con bà, là người được Ða-vít chọn trong số bao nhiêu con trai khác, để trao ngôi vua cho.  Nhờ sự giúp đỡ của tiên tri Na-than, bà Bát-sê-ba đã thành công trong việc nhắc Ða-vít truyền ngôi cho Sa-lô-môn.  

Khi đã lớn tuổi, Bát-sê-ba vẫn là người đơn sơ

Sau khi Sa-lô-môn đã chính thức làm vua, một ngày kia, A-đô-ni-gia đến gặp Bát-sê-ba và nhờ bà cầu xin vua Sa-lô-môn ban cho ông một đặc ân.

A-đô-ni-gia nói:  Bà biết rằng cả nước vốn thuộc về tôi, và cả Y-sơ-ra-ên mong thấy tôi trị vì.  Nhưng ngôi nước đã trở nên của em tôi, vì do nơi Ðức Giê-hô-va mà thuộc về người.  Vậy, bây giờ, tôi có một sự xin với bà, chớ từ chối.  Bà đáp: Hãy nói.  Người nói: Xin bà hãy nói với vua Sa-lô-môn (vì người chẳng chối gì với bà), và cầu người cho tôi lấy A-bi-sác, người Su-nem làm vợ.  Bà Bát-sê-ba đáp: Ðược, ta sẽ nói với vua giùm cho ngươi (I Các vua 2:15-18)

Sự việc A-đô-ni-gia nhờ Bát-sê-ba cầu xin với Sa-lô-môn một điều quan trọng như thế cho thấy ông biết bà có ảnh hưởng nhiều trên Sa-lô-môn và Sa-lô-môn rất quý trọng mẹ.  Và sự kiện bà Bát-sê-ba sẵn sàng giúp cho thấy bà là người đơn sơ và nhân hậu, không biết thâm ý của lời cầu xin đó.

Bà Bát-sê-ba bèn đến gặp Sa-lô-môn để chuyển đạt lời cầu xin của A-đô-ni-gia.  Dù bây giờ là vua của một nước, Sa-lô-môn vẫn quý trọng mẹ và đón tiếp bà cách cung kính.  Ðiều này cho thấy, bà Bát-sê-ba không những gần gũi với con nhưng cũng được con tôn kính.  Thánh Kinh ghi như sau:

Bà Bát-sê-ba đi đến vua Sa-lô-môn để nói với người giùm cho A-đô-ni-gia.  Vua đứng dậy đi đón bà, cúi xuống lạy bà; đoạn, người ngồi trên ngai mình và sai đặt một ngai khác cho mẹ mình.  Bà bèn ngồi bên tay hữu vua.  Bà nói với vua rằng:  mẹ có một việc nhỏ xin con, con chớ từ chối.  Vua đáp:  Mẹ ơi, xin hãy nói, vì tôi sẽ chẳng từ chối với mẹ đâu (I Các vua 2:19-20)

Nhưng khi nghe mẹ xin A-bi-sác, là hầu thiếp của vua cha, cho A-đô-ni-gia, Sa-lô-môn biết ngay âm mưu của A-đô-ni-gia, ông không những từ chối lời thỉnh cầu của mẹ mà còn sai người đi giết A-đô-ni-gia.  Vì theo phong tục thời đó, người nào lấy vợ của vị vua đã chết, người đó sẽ kế vị ngôi  vua.

Khi còn trẻ bà Bát-sê-ba có nhiều lỗi lầm, nhưng từ khi kinh nghiệm ơn lành của Chúa bà đã thay đổi, trưởng thành do đó, có một vị trí quan trọng trong lịch sử của con dân Chúa.  Ðời sống bà là chứng tích lòng nhân từ của Chúa.  Ðây là điều an ủi chúng ta, dù chúng ta tội lỗi xấu xa đến đâu, khi chúng ta ăn năn từ bỏ, Chúa sẽ tha thứ và nâng chúng ta lên.