Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Tiếng Gọi Của Sự Khôn Ngoan

Châm-ngôn 1:20-33

"Nhân vì ta trách các ngươi, các ngươi khá trở lại; kìa, ta sẽ đổ thần linh ta trên các ngươi, ta sẽ làm cho các ngươi biết những lời của ta." (c. #23)

Câu hỏi suy ngẫm: Sự khôn ngoan kêu gọi tại đâu? Kêu gọi ai? Kêu gọi làm gì? Không nghe theo sự khôn ngoan sẽ nhận lấy hậu quả nào? Phước hạnh nào cho người nghe theo? Sự khôn ngoan ở đây chỉ về ai? Sự khôn ngoan đang kêu gọi bạn làm gì?

Phân đoạn vừa đọc nói về sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan được nhân cách hóa và lên tiếng kêu gọi mọi người. Chữ "sự khôn ngoan" trong Kinh Thánh bao gồm ý nghĩa kính sợ Chúa và làm theo điều phải. Sở dĩ loài người sống trong tội lỗi là vì họ đã khước từ Chúa và không làm theo lời dạy của Ngài. Phần Kinh Thánh chúng ta vừa đọc nói lên hậu quả của việc không lắng nghe tiếng Chúa. Bốn phần chính của phân đoạn này là:

1. Khung cảnh kêu gọi (c. #20,21). Sự khôn ngoan lên tiếng ở ngoài đường, nơi phố chợ, ở đầu đường, tại cửa thành... Nói khác đi, tiếng gọi của Chúa hay tiếng gọi của khôn ngoan không phải là điều kín giấu nhưng vang ra khắp nơi và ai cũng biết. Không ai có lý do gì để nói rằng tôi chưa bao giờ được nghe về Chúa hay về những lời dạy của Ngài.

2. Nội dung lời kêu gọi (c. #22,23). Ba hạng người được nhắc đến trong phần này là:

(a) Kẻ ngu dốt. Đây là tiếng để chỉ người đơn sơ, dễ chịu ảnh hưởng của người khác. Tuy nhiên, nếu những người này không chịu nghe theo lời dạy của Chúa, họ sẽ tiếp tục ở trong tình trạng "ngu dốt", nghĩa là sẽ không biết phân biệt thiện ác và sẽ bị tội ác lôi cuốn dễ dàng.

(b) Kẻ nhạo báng. Đây là tiếng dùng để chỉ những người ngạo mạn, ưa chỉ trích, không coi người khác ra gì. Hạng người này cũng không chú ý đến lời khuyên của Chúa.

(c) Kẻ dại dột. Đây là những người không muốn tìm kiếm sự hiểu biết.

Đối với cả ba hạng người trên, Chúa kêu gọi họ hãy trở lại với Chúa để có khôn ngoan thật.

3. Hậu quả của việc không nghe theo lời khôn ngoan (c. #24-32).

a. Khi gặp tai họa sẽ bị khôn ngoan chê cười và nhạo báng (c. #26). Câu này có nghĩa là khi gặp hoàn cảnh khó, người ta sẽ nhớ lại lúc được nhắc nhở làm theo lời Chúa và hối hận, nhưng đã quá muộn, không thể sửa đổi được nữa.

b. Sẽ gặp những khó khăn, hiểm nghèo bất ngờ (c. #27). Làm theo lời khôn ngoan cũng có nghĩa là biết sống trong kỷ luật và biết chuẩn bị. Người sống như vậy sẽ không bị những điều bất ngờ làm cho kinh hãi.

c. Sẽ không còn cơ hội để thay đổi tình thế (c. #28).

4. Kết quả của người làm theo khôn ngoan (c. #33). Người làm theo khôn ngoan hay theo lời dạy của Chúa là người được an vui và bình thản.

Trong phân đoạn này, tác giả chẳng những nhân cách hóa sự khôn ngoan nhưng còn cho chúng ta thấy tiếng nói của khôn ngoan cũng chính là tiếng nói của Chúa. Bí quyết để có một đời sống hạnh phúc chính là "kính sợ Chúa", "làm theo sự khuyên dạy" và "tiếp nhận những lời quở trách của Chúa" (c. #29,30). Chúng ta hãy áp dụng những lời khuyên trong phân đoạn này cho chính mình, coi đó là lời Chúa nói với ta và sẵn sàng làm theo để tránh những hậu quả tai hại.

Cám ơn Chúa đã cảnh cáo con về những hiểm họa của việc không vâng lời Chúa. Xin giúp con luôn thức tỉnh và làm theo lời dạy của Chúa để tránh được những hiểm họa đó.

(c) 2024 svtk.net