Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

Niềm Vui Đầy Trọn Lâu Dài

“Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui anh em được đầy trọn.” 1 Giăng 1:4

Giăng viết lá thư này riêng cho những người đã tin nhận Chúa. Đây là điều độc giả phải nắm vững. Giăng có nhiều nhận xét đặc biệt về trần gian là nơi mà người tin chúa đang sống. Ta phải nhớ luôn trần gian là nơi tội ác. theo Thánh Kinh thì toàn bộ tư tưởng và mục đích của trần gian là chống lại Chúa; vì trần gian nằm dưới thống trị của Sa-tan. Trần gian lúc nào cũng cố lôi kéo người tin Chúa đi xuống. Trần gian cố làm đầy tâm trí người tin Chúa bằng những thỏa mãn và như thế giữ những người ấy xa khỏi Chúa. Trong một thế gian mà người tin Chúa phải tranh đấu để bảo vệ đức tin, dễ đi xuống hơn là thẳng tiến.

Nhưng Sứ đồ Giăng không bảo chúng ta phải cố cải tiến và thay đổi trần gian này. Trong lịch sử, nhiều lần người ta đã lầm lỡ gán cho giáo hội vai trò thay đổi xã hội. Thực ra Thánh kinh không dạy như vậy.

Mặt khác, chúng ta cũng không quay lưng lại trần gian trong ý nghĩa là bước ra khỏi đó. Chúa không dạy chúng ta trở thành những nhà tu hành ẩn dật, thoát tục. Đây là một cực đoan khác mà lịch sử cũng chứng kiến nhiều lần người ta có phong trào như vậy. Lúc nào cũng có những người hăng say bước ra như những nhà cải thiện thế giới, và lại có những người bảo rằng như vậy là sai và bước ra khỏi cuộc đời. Khuynh hướng tu viện cũng phát xuất từ đó.

Nhưng lời dạy trong thư này, cũng như của toàn Kinh Tân Ước là tránh hai cực đoan đó. Hội Thánh không có nhiệm vụ cải thiện thế giới cũng không có quan niệm lìa bỏ trần tục. Thư Giăng dạy chúng ta phải chinh phục thế giới, đánh bại trần gian này. Mặc dù nguy hiểm bốn bề, chúng ta vẫn có thểthắng hơn và đắc thắng. đây chính là tóm lược ý nghĩa câu Thánh Kinh mà chúng ta nêu lên ở đầu bài.

Sứ Đồ Giăng dạy: ”Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui anh em được đầy trọn.” Giăng muốn thấy những người tin Chúa mặc dù sống trong trần gian đặt dưới ách thống trị của ma quỷ, nhưng có được niềm vui đầy trọn.

Niềm vui trong đức tin không phải chỉ nói ở thư này, nhưng nhiều lần được nhắc đến trong Tân Ước. Phao-lô viết trong Phi-líp 4:4 ”Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi nhắc lại, hãy vui mừng đi.” Chính Chúa Giê-xu cũng đã dạy trong Giăng 16:22 ”Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại gặp các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng, và chẳng ai cướp lấy niềm vui của các ngươi được.” Trong Giăng 15:11 Chúa cũng nói: ”Ta nói cho các ngươi những điều đó, hầu cho niềm vui của ta ở trong các ngươi, và niềm vui các ngươi được trọn vẹn.” Đây chính là lời chính Chúa đã hứa.

Nhưng niềm vui ấy là gì? Nói như thế nghĩa là gì?

Ta có thể nói về diện tiêu cực cho dễ hiểu hơn. Là người tin Chúa, chúng ta không có quyền sống trong một tình trạng buồn rầu hay bất hạnh, vì đó là tình trạng của trần gian.

Người tin Chúa thật là những người chân thành và thực tế; họ không nhìn bề ngoài, nhưng nhìn vào tận bên trong. Họ không cố làm cho nan đề thu nhỏ lại và làm như việc gì xảy ra cũng không đến nỗi tệ lắm. Họ nhìn thẳng vào cuộc đời và biết rằng đó là một nơi tội ác.

Nhưng không phải nhìn vào sự thực như thế rồi sinh ra buồn rầu tuyệt vọng. Không nói rằng trần gian này thật là tội ác kinh khủng và vô hi vọng, chúng ta làm gì được? Buồn rầu, cay đắng và tuyệt vọng là tình trạng nhiều người tín đồ đang bị rơi vào. Nhưng người sống trong buồn rầu như thế chắc chắn không có niềm vui trọn vẹn của Chúa.

Cũng không phải nhìn vào thực tế rồi bỏ chạy. Họ nghĩ rằng không thể nào nhìn vào đời rồi tuyệt vọng, như vậy phải lánh đời, tránh mọi hoàn cảnh trong đời. Một người chạy trốn hoàn cảnh cũng không phải là người có niềm vui trọn vẹn.

Giăng cố nhấn mạnh rằng chúng ta đừng nên sợ. Giăng dạy trong 1 Giăng4:18 rằng: ”Yêu thương thật xua đuổi sợ hãi.” Làm sao sống trong một thế gian tội ác như vậy mà lại không sợ? Sống giữa những thế lực của ma quỷ; biết rõ những điều hư hoại xấu xa; biết rõ sức lực yếu đuối của mình, tất nhiên phải sợ chứ? Chính vì tinh thần sợ hãi này mà nhiều người đã tìm đường vào tu viện. Tại đó sống trong một mớ những điều cấm răn. Nhưng không thể nào có niềm vui trọn vẹn được.

Ta đã nói đến những gì không phải là niềm vui. Niềm vui thật theo như Kinh Tân Ước dạy không tức khắc và không trực tiếp. Ta không thể nào tự làm cho mình vui theo nghĩa Tân Ước.

Niềm vui theo Tân Ước là:

a. Tình trạng hoàn toàn thỏa mãn. Không thể nào có niềm vui nếu tôi không thỏa mãn. Nếu tôi có điều gì bất mãn tức là tôi chưa vui. tinh thần, xúc cảm và các điều tôi ước ao phải được thỏa mãn, hơn thế nữa, tất cả phải thỏa mãn chung và cùng một lúc.

Có những việc trong đời này làm cho tinh thần tôi thỏa mãn, nhưng tâm hồn tôi có thể lạnh lùng, và vì vậy, dù tâm trí có thoả mãn, tôi vẫn chưa vui. Ước muốn cũng vậy. Có những điều tôi có thể làm để thỏa mãn ước muốn, nhưng tâm trí và lương tâm tôi lên án tôi; có thỏa thích trong một khoảnh khắc, nhưng chưa phải là niềm vui. Thỏa mãn trong niềm vui là loại thỏa mãn toàn vẹn, bao gồm cả tâm trí, tâm hồn, xúc cảm và ước muốn; tất cả đều hoàn toàn thoả mãn. Hoàn toàn thỏa mãn chính là phần chính của niềm vui thật.

b. Nhưng không phải chỉ có vậy, yếu tố kế tiếp trong niềm vui là lên tinh thần. Muốn hiểu rõ, ta thử so sánh giữa sung sướng và vui. Vui tích cực hơn là sung sướng. Như ta thấy một đứa bé đang có đồ chơi, nó chơi và hoàn toàn sung sướng. nhưng bỗng nhiên ta bước vào, rút trong túi ra một món quà mới. Đứa bé sẽ đứng hẳn dậy, mặt vui vẻ, phấn khởi. Đó chính là khác biệt giữa sung sướng và vui.

c. Nhưng còn một yếu tố thứ ba trong niềm vui nữa, đó là một cảm nghĩ về sức mạnh và quyền năng. Niềm vui là năng lực mạnh nhất trên đời này. người nào trong trạng thái vui, theo một nghĩa, không sợ gì cả.

Khi ta thật sự vui, ta được một loại năng lực thôi thúc, ta cảm thấy mạnh, ta được nâng bổng lên, sẵn sàng đối diện với kẻ thù ở bất cứ hướng nào. Ta dám thách thức kẻ thù nữa.

Niềm vui là điều sâu kín, một điều ảnh hưởng toàn bộ con người ta. Ta phải đi đến chỗ này: chỉ có một điều có thể cho ta niềm vui thật, đó là chiêm ngưỡng Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là thỏa mãn tâm trí tôi, tình cảm tôi, mỗi ước muốn của tôi. Chúa và sự cứu rỗi của Ngài bao gồm toàn diện con người ta và trong Chúa tôi được đầy đủ hoàn toàn. Nói khác đi, niềm vui là sự đáp lại và phản ứng của linh hồn đối với một hiểu biết về Chúa Giê-xu.

Mặc dù toàn thế gian sống trong cõi tội ác, mặc dù hoàn cảnh chúng ta sống phức tạp, niềm vui vẫn tràn đầy, một loại niềm vui vô tận.

Câu Thánh kinh này còn có thể dịch là: Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui của anh em được mãi tràn đầy. Nghĩa là dù hoàn cảnh sống như thế nào niềm vui cũng không bao giờ hao sút.

Bạn thân mến, bạn đã hưởng được niềm vui như vậy chưa? Bạn có biết rằng có một loại niềm vui làm tâm trí, tình cảm và ước muốn hoàn toàn thỏa mãn hay không? Xin hãy đến tâm giao với Chúa Giê-xu, hãy dành nhiều thì giờ sống với Ngài, vì chỉ một mình Chúa mới làm cho tâm trí, tình cảm và ước muốn của ta được thỏa mãn, dù sống ngay trong trần gian đầy tội ác này.