Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

1:5-2:2 ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ SỰ SÁNG

5 Nầy là lời truyền giảng mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài và truyền lại cho anh em rằng Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu.

6 Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật. 7 Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.

8 Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình và lẽ thật không ở trong chúng ta. 9 Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.

10 Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta. 1 Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là Đấng công bình.   2 Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa.

 

1. “Đức Chúa Trời là sự sáng” (c. 5) hàm ý gì?

2. “Sự tối tăm” câu 5b chỉ về điều gì?

3. “Đi trong sự tối tăm” (c. 7) và “đi trong sự sáng” (c. 7) khác nhau thế nào?

4. Chúa tha tội cho chúng ta dựa trên căn bản nào (c. 9)? Tại sao?

5. “Đấng cầu thay” (2:1b) hàm ý gì?

 

Nối kết giữa phần mở đầu (c. 1-4) với phần tiếp theo (c. 5-10) là chữ truyền (c. 3a và c. 5a). Điều sứ đồ Giăng truyền rao cho độc giả là: Đức Chúa Trời là sự sáng (c. 5b). Đây là chân lý muôn đời mà người tin Chúa phải ghi nhớ và lấy đó làm mẫu mực sống cho mình. Một nối kết quan trọng khác giữa hai phần nầy là giao thông (c. 3 và câu 6). Giao thông hay tương giao nói đến mối quan hệ giữa Chúa và người tin Ngài. Đức Chúa Trời là sự sáng và người tin Chúa là người sống tương giao với Đức Chúa Trời nên không thể sống trong bóng tối. Dựa trên tiền đề và lập luận nầy, sứ đồ Giăng cho thấy:

 

 

 

 

 

 

 

TIỀN ĐỀ:

Đức Chúa Trời là sự sáng (câu 5)

NÓI

HÀNH ĐỘNG

THỰC TẾ

Câu 6

Được giao thông với Ngài

Đi trong tối tăm

·      Nói dối

·      Không làm theo lẽ thật

Câu 8

Không có tội chi hết

Lừa dối mình

Lẽ thật không ở trong chúng ta

Câu 10

Chẳng từng phạm tội

 

Cho Ngài là kẻ nói dối

 

I Giăng 1:5-2:2 nói lên chân lý Đức Chúa Trời là sự sáng và những kiểm chứng cho thấy chúng ta có sống trong sự sáng của Chúa hay không.

Đức Chúa Trời là sự sáng mang ý nghĩa Ngài biểu lộ bản tính của Ngài: ánh sáng thì phải chiếu sáng. Sáng nói đến tinh khiết và rạng rỡ. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh ánh sáng để nói đến hiểu biết, chân lý và trong sạch. Ánh sáng cũng nói lên đức công chính của Chúa. Đặc biệt trong phần nầy, ánh sáng nói đến đạo đức vì được đối chiếu với nếp sống sai lầm và tội lỗi của những người sống trong bóng tối. Sáng là phản nghĩa với tối: Trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu (c. 5c). Câu nầy nói lên cùng một điều với câu Đức Chúa Trời là sự sáng nhưng diễn tả trong thể phủ định để nhấn mạnh. Đức Chúa Trời là sự sáng nghĩa là trong Ngài tuyệt đối không có bóng tối.

 

Sai lầm đầu tiên Giăng dùng để minh chứng là:

Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật. (c. 6)

Nói mình được giao thông với Chúa nghĩa là nói mình có mối tương giao với ánh sáng nhưng nếu đời sống mình vẫn là đời sống đi trong bóng tối (đi chỉ về lối sống hằng ngày) thì rõ ràng là chúng ta nói dối, đây là điều nghịch lý, không thể có được. Đời sống theo Chúa là đời sống dứt khoát giữa tối và sáng. Sống trong ánh sáng thì không thể đi trong bóng tối được. Nói sống trong ánh sáng nhưng lại đi trong bóng tối thì rõ ràng là nói dối.

Ngược lại, dù không nói, nhưng nếu thật sự sống trong ánh sáng, kết quả sẽ là (c. 7b):

(1) Chúng ta giao thông cùng nhau.

(2) Huyết Chúa thanh tẩy chúng ta.

Điểm quan trọng vẫn là giao thông (tương giao): tương giao với Chúa và tương giao với nhau. Những người cùng đi trong ánh sáng, cùng sống trong ánh sáng của Chúa tự nhiên có mối tương giao với nhau: Chúng ta giao thông cùng nhau (c. 7b).

Mối tương giao giữa chúng ta với Chúa cũng là tương giao trong ánh sáng, nếu tội lỗi chen vào, mối tương giao đó sẽ không còn. Do đó, việc thanh tẩy tội lỗi là điều cần thiết để giữ mối tương giao. Người tin Chúa tiếp tục sống trong ánh sáng của Chúa sẽ tiếp tục được thanh tẩy bởi dòng huyết của Chúa và duy trì mối tương giao giữa chúng ta với Ngài: Huyết của Đức Chúa Giê-xu, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta (c. 7c).

Sai lầm thứ hai sứ đồ Giăng nêu lên trong phần nầy là:

Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta (c. 8)

Nói mình không có tội chi hết (c. 8a) là chủ trương của một nhóm người lúc bấy giờ. Đây là tiền thân của Trí Huệ Phái (Gnosticism) cho rằng vật chất là xấu, tâm linh mới tốt lành. Đối với họ, cứu rỗi là thoát khỏi lãnh vực vật chất, bước vào lãnh vực tâm linh. Phương tiện để đạt được sự giải thoát nầy là trí huệ (gnosis) hay tri thức, hiểu biết. Tên gọi Trí Huệ Phái (Gnosticism) phát xuất từ chữ gnosis (hiểu biết) và chỉ những người ở “vòng trong” mới được truyền cho bí quyết giải thoát đó. Vì chủ trương như vậy cho nên họ cho rằng một khi đã được giải thoát khỏi lãnh vực vật chất thì họ không còn phạm tội nữa. Họ cũng nói, những điều gọi là tội thuộc phạm vi vật chất, không liên quan đến tâm linh đã được giải thoát! Đó là sai lầm sứ đồ Giăng nhắc đến ở đây: Nói mình không có tội chi hết (c. 8a). Nói mình không có tội chi hết cũng hàm ý rằng mình không mang bản tính tội lỗi.

Giăng cho thấy, người nói mình không có tội chi hết như vậy là:

(1) Tự dối mình.                                              

(2) Không có lẽ thật.

Phạm tội mà cho đó không phải là tội, rõ ràng là dối mình. Chẳng những dối mình, điều đó cũng không đúng sự thật (lẽ thật không ở trong họ).

Đối chiếu với sai lầm nầy, sứ đồ Giăng viết:

Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (c. 9)

Ngược lại với nói mình không có tội chi hết (c. 8a) là xưng tội (c. 9a). Chữ xưng tội trong nguyên văn mang ý nghĩa “nói cùng một điều” hay “đồng ý.” Chúa bảo hành động của chúng ta là tội và chúng ta đồng ý với Chúa, đó là xưng tội. Khi xưng tội như vậy, Chúa chẳng những tha tội cho chúng ta nhưng cũng làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (c. 8b).

Chúa tha tội cho chúng ta dựa trên đức thành tín và công chính của Ngài: Ngài là thành tín, công bình để tha tội cho chúng ta. Thành tín nghĩa là giữ lời hứa. Từ xưa, Đức Chúa Trời luôn bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, có lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ (Xuất 34:6-7; Thi thiên 103:8-10). Chúa thành tín, nghĩa là từ xưa Chúa tha thứ như thế nào, nay cũng tha thứ như vậy.

Công bình nói đến đức công chính của Chúa, ngược lại với sự bất chính của chúng ta (gian ác nghĩa là “bất chính,” “không công chính”):

Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính (c. 9, BHĐ)

Đức Chúa Trời công chính không thể không hình phạt tội nhân bất chính. Sở dĩ Ngài có thể tha tội cho chúng ta là nhờ vào sự công chính của Chúa Giê-xu. Nói đúng hơn, Chúa Giê-xu đã nhận chịu hình phạt thay cho chúng ta, trên căn bản đó, Đức Chúa Trời có thể kể chúng ta là công chính. Đức Chúa Trời công chính có thể tha tội cho con người bất chính nhờ bản án Chúa Giê-xu đã chịu thay cho chúng ta.

Vấn đề vì vậy không phải là chúng ta không có tội nhưng là chúng ta có tội nhưng được Chúa tha thứ khi chúng ta nhận tội với Chúa và nhờ vào sự công chính của Chúa Giê-xu.

Sai lầm thứ ba tương tự như sai lầm thứ hai (c. 8):

Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta (c. 10)

Nói mình chẳng từng phạm tội (c. 10a) là hàm ý của phái Trí Huệ cho rằng từ khi được “giải thoát,” họ không còn phạm tội hay không thể phạm tội. Lời Chúa khẳng định không ai là không phạm tội (I Vua 8:46; Thi thiên 14:3; Truyền Đạo 7:20; Ê-sai 53:6; 64:6), do đó, Nói mình chẳng từng phạm tội là nói ngược với Lời Chúa, cho Chúa là người nói dối. Người nói như vậy rõ ràng là không có Lời Chúa: Lời Ngài không ở trong chúng ta (c. 10b).

Chương 2:1-2 nối tiếp ý với 1:10:

Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là Đấng công bình (2:1)

Sứ đồ Giăng gọi độc giả bằng một từ ngữ thân thương: Con cái bé mọn, cho thấy ông yêu thương và gần gũi với họ. Với những lời dạy trong thư, mục đích của Giăng là: Hầu cho các con khỏi phạm tội nghĩa là nếu chịu nghe và làm theo lời dạy trong thư sẽ giúp họ tránh được tội lỗi. Dầu vậy, Giăng biết rằng, người tin Chúa vẫn không tránh khỏi tội lỗi, có lúc vẫn phạm tội: Nếu có ai phạm tội (2:1b). Trong trường hợp nầy, ngoài việc xưng tội để được tha thứ (1:9), Giăng cho thấy chúng ta có Chúa Giê-xu là Đấng cầu thay cho chúng ta.

Đấng cầu thay (parakletos) mang ý nghĩa một người được gọi đến để làm trung gian, cầu thay hay giúp đỡ. Từ này có khi dùng để chỉ vị luật sư biện hộ cho phạm nhân trước tòa án. Đây cũng là từ để chỉ Đức Thánh Linh (Đấng Yên Ủi, Giăng 14:16). Đức Thánh Linh được gọi là “Đấng Yên Ủi KHÁC”  hàm ý Chúa Giê-xu cũng là Đấng Yên Ủi, cầu thay hay biện hộ cho chúng ta khi chúng ta phạm tội, dĩ nhiên là chúng ta phải xưng tội (1:9).

Chúa Giê-xu được gọi là Đấng công bình (2:1b) và là của lễ chuộc tội lỗi chúng ta:

Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa (2:2)

Của lễ chuộc tội lỗi (hilasmos) dịch đúng hơn là “của lễ vãn hồi” (propitiation) nói đến của lễ làm cho Đức Chúa Trời thánh khiết nguôi giận. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá, chẳng những chuộc tội chúng ta nhưng cũng khiến cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời xoay khỏi chúng ta. Đó là công việc Chúa Giê-xu đã làm trên thập tự giá vì tội lỗi của toàn nhân loại.