Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

2:15-17 CHỚ YÊU THẾ GIAN

15 Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa, nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. 16 Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. 17 V, thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.

 

1. “Thế gian” chỉ về điều gì? “Các vật ở thế gian” nói về điều gì?

2. Thế nào là “yêu thế gian?”

3. “Sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy” (c. 15b) nghĩa là thế nào?

4. “Mọi sự trong thế gian” (c. 16) gồm những điều gì? Xin cho biết ý nghĩa mỗi điều?

5. Câu 17 đối chiếu hai điều gì? Khác nhau thế nào?

 

Sau khi xác nhận kinh nghiệm của người tin Chúa để khích lệ các thành phần tín hữu khác nhau (c. 12-14), sứ đồ Giăng đưa ra lời khuyên tích cực về mối quan hệ giữa người tin Chúa và trần gian (c. 15-17).

Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa, nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy (c. 15)

Chữ thế gian khi chỉ về con người, mang ý nghĩa thế nhân, người trong trần gian, được Đức Chúa Trời yêu thương (Giăng 3:16). Thế gian trong phần Kinh Thánh nầy chỉ về toàn bộ hệ thống của con người và ma quỷ nhằm chống lại Đức Chúa Trời, đó là thế gian chúng ta cần xa lánh.

Các vật ở thế gian không nhất thiết chỉ là vật chất, tiền bạc, danh vọng nhưng nói đến tinh thần thế tục, thái độ của con người trần gian. Người tin Chúa không thể sống cho đời và sống theo đời. Lý do đơn giản là:

Nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy (c. 15b)

Sự kính mến Đức Chúa Cha nói đến lòng yêu Chúa của chúng ta (cùng một chữ yêu trong câu: Chớ yêu thế gian): yêu thế gian thì không thể nào yêu Chúa. Gia-cơ viết: “Làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:4). Chúa Giê-xu dạy: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ” (Ma-thi-ơ 6:24). Chúng ta chỉ có thể chọn một: chọn Chúa hoặc thế gian.

Ba yếu tố lôi kéo người tin Chúa yêu thế gian là: (1) Sự mê tham của xác thịt. (2) Mê tham của mắt. Và: (3) Sự kiêu ngạo của đời. Hai ví dụ giúp chúng ta hiểu rõ những điều nầy là việc ma quỷ cám dỗ bà Ê-va (Sáng 3) và Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 4):

 

 

 

 

 

 

Ê-VA

Sáng thế ký 3:6

CHÚA GIÊ-XU

Ma-thi-ơ 4:1-11

Mê tham của xác thịt

“Bộ ăn ngon”

Khiến đá trở nên bánh

Mê tham

của mắt

“Đẹp mắt”

Các nước thế gian

và vinh hiển

Kiêu ngạo

của đời

“Mở trí khôn”

Gieo mình xuống từ nóc đền thờ

 

Hai trường hợp cám dỗ này đều bao gồm ba yếu tố: sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời (c. 16a). Cám dỗ đến với chúng ta hôm nay cũng vậy, dù dưới những hình thức khác nhưng cốt lõi vẫn là những yếu tố nầy. Giăng cho thấy, đây là những điều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra (c. 16b)

Nguồn gốc cám dỗ là ma quỷ và trần gian, không đến từ Đức Chúa Trời (Gia-cơ 1:13). Đối chiếu giữa những điều đến từ trần gian và đến từ Đức Chúa Trời, Giăng viết:

V, thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời (c. 17)

Đây nói về vấn đề giá trị. Trần gian có thể hứa hẹn những điều tốt đẹp nhưng tất cả những điều đó rồi sẽ qua đi (I Cô. 7:31). “Không có tương lai cho những ai sống theo đời!” (Kruse, 96). Ngược lại, Ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời (c. 17b). Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là làm điều gì? Hiển nhiên, đó là không làm theo các sự mê tham của xác thịt, của mắt và kiêu ngạo của đời (c. 16a) và trong bối cảnh của Thư I Giăng, ý muốn của Đức Chúa Trời không gì khác hơn là đức tin nơi Chúa Giê-xu và lòng yêu thương đến với đồng loại (3:23). Còn lại đời đời cho thấy giá trị vĩnh hằng, không như những điều chóng qua của trần gian.

Phần nói về Chớ yêu thế gian (c. 15-17) cho thấy:

1. Chúng ta chỉ có thể hoặc yêu Chúa hoặc yêu thế gian.

2. Tinh thần thế gian là tinh thần mê tham của xác thịt, của mắt và kiêu ngạo.

3. Những điều thuộc về trần gian chỉ có giá trị tạm thời.

4. Đức tin nơi Chúa và tình yêu thương anh em là điều có giá trị vĩnh cửu.