Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

2:18-27 KẺ ĐỊCH LẠI ĐẤNG CHRIST

18 Hỡi các con cái ta, giờ cuối cùng là đây rồi, các con đã nghe nói rằng Kẻ địch lại Đấng Christ phải đến. Vừa lúc bây giờ, có nhiều kẻ địch lại Đấng Christ, bởi đó, chúng ta biết rằng ấy là giờ cuối cùng. 19 Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta, vì nếu chúng nó thuộc về chúng ta, thì đã ở cùng chúng ta. Song điều đó đã xảy đến, hầu cho tỏ ra rằng mọi kẻ ấy chẳng thuộc về chúng ta vậy.

20 Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi. 21 Ta đã viết cho các con, chẳng phải vì các con không biết lẽ thật, nhưng vì các con biết lẽ thật và hiểu rằng chẳng có sự dối trá nào bởi lẽ thật mà ra. 22 Ai là kẻ nói dối, há chẳng phải kẻ chối Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ sao? Ấy đó là Kẻ địch lại Đấng Christ, tức là kẻ chối Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con!  23 Ai chối Con, thì cũng không có Cha: ai xưng Con, thì cũng có Cha nữa.  24 Còn như các con, điều mình đã nghe từ lúc ban đầu phải ở trong các con. Nếu điều các con đã nghe từ lúc ban đầu ở trong mình, thì các con cũng sẽ ở trong Con và trong Cha. 25 Lời hứa mà chính Ngài đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời.

26 Ta đã viết cho các con những điều nầy, chỉ về những kẻ lừa dối các con. 27 Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết, song vì sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận.

 

1. “Giờ cuối cùng” (c. 18) là giờ nào? Làm sao chúng ta biết đó là giờ cuối cùng?

2. Xin cho biết xuất xứ của những người chống lại Đấng Christ (c. 19).

3. Thế nào là “chịu xức dầu từ nơi Đấng Thánh” (c. 20)?

4. Theo câu 22, xin cho biết đặc điểm của “kẻ địch lại Đấng Christ?”

5. “Điều mình đã nghe từ lúc ban đầu” (c. 24) là điều gì?

6. Làm thế nào để “ở trong Ngài” (c. 27-28)?

 

Trong cả Tân Ước, giờ cuối cùng là cụm từ chỉ được dùng ở đây. Những thành ngữ tương đương với giờ cuối cùngnhững ngày sau rốt (Hê-bơ-rơ 1:2) hay cuối các thời kỳ (I Phi. 1:20). Ngày sau rốt thường chỉ về thời kỳ từ lúc Chúa Giê-xu giáng sinh đến khi Ngài tái lâm nhưng thường nói đến giai đoạn cuối của thời kỳ nầy, ngay trước lúc Chúa tái lâm (II Ti. 3:1; II Phi. 3:3; Giu-đe 18). Những điều được mô tả trong 2:18-27 về sự xuất hiện của Kẻ địch lại Đấng Christ cho thấy giờ cuối cùng chỉ về giai đoạn ngay trước lúc Chúa Giê-xu tái lâm.

Trong nguyên văn, giờ cuối cùng không có mạo tự xác định nên cũng có thể hiểu đây là “MỘT giờ cuối cùng,” nghĩa là lịch sử nhân loại bao gồm nhiều thời kỳ và kết thúc với cao điểm của mỗi thời kỳ. Đối với Giăng và các độc giả, đây là giờ cuối cùng đối với họ.

Giăng gọi đây là giờ cuối cùng vì ông nói đến sự xuất hiện của Kẻ địch lại Đấng Christ (c. 18). Sự xuất hiện của Kẻ địch lại Đấng Christ là điều độc giả của Giăng đã biết:

Các con đã nghe nói rằng Kẻ địch lại Đấng Christ phải đến (c. 18a)

Đây là điều Chúa Giê-xu dạy (Ma-thi-ơ 24:4-5) và Giăng đã truyền lại cho họ. Kẻ địch lại Đấng Christ trong tiếng Hy-lạp là antichristos. Tiếp đầu ngữ anti mang ý nghĩa chống đối hay thay thế vì vậy đó cũng chính là Christ giả mà Chúa Giê-xu nói đến trong Mác 13:22 và Ma-thi-ơ 24:24.

Giăng cho biết những người mạo danh Chúa không phải chỉ có một mà có nhiều:

Vừa lúc bây giờ, có nhiều kẻ địch lại Đấng Christ, bởi đó, chúng ta biết rằng ấy là giờ cuối cùng (c. 18b)

Giăng nói về xuất xứ của những kẻ địch lại Đấng Christ như sau:

Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta, vì nếu chúng nó thuộc về chúng ta, thì đã ở cùng chúng ta. Song điều đó đã xảy đến, hầu cho tỏ ra rằng mọi kẻ ấy chẳng thuộc về chúng ta vậy (c. 19)

Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra nghĩa là những người chống Chúa từng là thành viên của cộng đồng đức tin, tức là tín đồ trong Hội Thánh. Thật ra, Giăng cho biết, họ không phải là tín đồ thật vì nếu chúng nó thuộc về chúng ta, thì đã ở cùng chúng ta (c. 19a). Ông khẳng định: Song điều đó đã xảy đến, hầu cho tỏ ra rằng mọi kẻ ấy chẳng thuộc về chúng ta vậy (c. 19b).

Giăng viết điều nầy cho độc giả biết rõ những người chống Chúa là ai để không bị họ lừa dối:

Ta đã viết cho các con những điều nầy, chỉ về những kẻ lừa dối các con (c. 26)

Giăng cho độc giả biết bí quyết để nhận diện và đương đầu với những người chống Chúa là:

Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi (c.20)

Chịu xức dầu theo cách dùng trong Kinh Thánh (Lu-ca 4:18; Công vụ 4:27; 10:38; II Cô. 1:21-22) mang ý nghĩa “được Đức Chúa Trời xức dầu qua Đức Thánh Linh” (Kruse, 103). Đối với độc giả của Giăng, sự xức dầu (charisma) nói đến “kinh nghiệm khi tin Chúa, họ được Đức Chúa Trời ban Thánh Linh xác quyết chân lý trong lòng” (Kruse, 103).

Người tin Chúa, có Chúa Thánh Linh trong lòng thì đã biết mọi sự rồi (c. 20b). Biết mọi sự hàm ý biết đủ chân lý để không đi theo tà giáo của những người chống Chúa. Chủ trương của những người chống Chúa là:

Ai là kẻ nói dối, há chẳng phải kẻ chối Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ sao? Ấy đó là Kẻ địch lại Đấng Christ, tức là kẻ chối Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (c. 22)

Người chống Chúa phủ nhận thần tính của Chúa Giê-xu, không nhận Ngài là Đấng Christ, Đấng từ Đức Chúa Trời đến. Phủ nhận Chúa Giê-xu như vậy là phủ nhận chính Đức Chúa Trời:

Ai chối Con, thì cũng không có Cha: ai xưng Con, thì cũng có Cha nữa (c. 23)

Độc giả của Giăng là những người đã được xức dầu từ nơi Đấng Thánh nên đã biết rõ rằng Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì ngược lại với chân lý đó, họ sẽ nhận ra ngay và biết đó là tà giáo:

Chẳng có sự dối trá nào bởi lẽ thật mà ra (c. 21b)

Đây cũng là chân lý chúng ta phải ghi nhớ để nhận biết tà giáo trong thời đại chúng ta: tà giáo là bất cứ những dạy dỗ nào phủ nhận thần tính của Chúa Giê-xu, không tin Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời (Mormons, Nhân Chứng Giê-hô-va, v.v…).

Lời nhắc nhở của sứ đồ Giăng cho độc giả của ông cũng cho chúng ta ngày nay:

Còn như các con, điều mình đã nghe từ lúc ban đầu phải ở trong các con. Nếu điều các con đã nghe từ lúc ban đầu ở trong mình, thì các con cũng sẽ ở trong Con và trong Cha. Lời hứa mà chính Ngài đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời (c. 24-25)

Để có thể chống lại những dạy dỗ sai lạc, chúng ta chỉ cần nắm chặt lời dạy của Chúa: Điều mình đã nghe từ lúc ban đầu phải ở trong các con (c. 24a). Lời Chúa ở trong chúng ta sẽ giúp chúng ta có mối quan hệ thường xuyên với Chúa: Các con cũng sẽ ở trong Con và trong Cha (c. 24b).

Sứ điệp Phúc Âm cũng được nhắc lại:

Lời hứa mà chính Ngài đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời (c. 25)

Tin Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời sẽ được sự sống đời đời (Giăng 20:31). Đây là chân lý mà người tin Chúa cần nhớ để không chấp nhận điều gì khác ngoài chân lý nầy:

Chính NGÀI… LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (5:20b)

Câu 26-27 nhắc lại tất cả những điều đã nói trong câu 20-25 để nhấn mạnh:

Ta đã viết cho các con những điều nầy, chỉ về những kẻ lừa dối các con. Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết, song vì sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận (c. 26-27).