Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

2:28-3:10 KHI NGÀI HIỆN ĐẾN

28 Vậy bây giờ, hỡi các con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến. 29 Ví bằng các con biết Ngài là công bình, thì hãy biết rằng người nào làm theo sự công bình, ấy là kẻ bởi Ngài mà sanh ra.

1 Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài. 

2 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy. 3 Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch. 4 Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp. 5 Vả, các con biết Đức Chúa Giê-xu Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi và biết trong Ngài không có tội lỗi. 6 Ai ở trong Ngài thì không phạm tội,  còn ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài.

7 Hỡi các con cái bé mọn, chớ để cho ai lừa dối mình: kẻ làm sự công bình là người công bình, như chính mình Chúa là công bình. 8 Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ. 9 Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời. 10 Bởi đó, người ta nhận biết con cái Đức Chúa Trời và con cái ma quỉ: ai chẳng làm điều công bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy.

 

1. Làm thế nào để chúng ta “ở trong Ngài” (c. 28)?

2. Bằng chứng của người được Chúa sinh ra là gì (c. 29)?

3. Chúng ta sẽ “giống như Chúa” (c. 2) trên phương diện nào? Giống như thế nào?

4. Tại sao “có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch” (c. 3)?

5. Xin giải thích: “Sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp” (c. 4)?

6. Theo câu 6 thì người tin Chúa sẽ không còn phạm tội? Nếu không phải thì “không phạm tội” nghĩa là thế nào?

7. “Ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu” (c. 8a) nghĩa là thế nào?

8. “Hột giống của Đức Chúa Trời” (c. 9a) chỉ về điều gì?

9. Theo câu 10, điều gì tương đương với “chẳng làm điều công bình”?

 

Phần câu 28-29 có thể đi chung với phần trước (c. 18-27) vì tác giả nhắc lại ý “ở trong Chúa” như trong câu 27b. Tuy nhiên, phần nầy là lời mở đầu cho những điều Giăng nói tiếp theo thì xem thích hợp hơn vì:

(1) Giăng mở đầu với những chữ, Hỡi các con cái bé mọn ta (c. 28a) là Giăng thường dùng mỗi khi qua một đề tài mới (2:18).

(2) Câu 28 nói về việc, Nếu Ngài hiện đến, là điều Giăng tiếp tục nói trong 3:2, 5.

Giăng kêu gọi các tín hữu, Hãy ở trong Ngài, nghĩa là “Hãy tiếp tục ở trong Chúa” như họ đang làm. Ở trong Chúa, theo ý nghĩa Giăng nói trong câu 27, nghĩa là họ phải tiếp tục làm theo những điều họ đã được dạy dỗ từ khi tin Chúa mà Đức Thánh Linh là Đấng Xức Dầu vẫn đang tiếp tục dạy dỗ họ (Sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, c. 27a). Chúa Giê-xu cũng nói điều tương tự trong Giăng 15:3, 7, 10. “Ở trong Chúa” vì vậy không gì khác hơn là ở trong Lời của Ngài, liên kết với Lời Chúa, để cho Lời Chúa hướng dẫn đời sống.

Kết quả của việc ở trong Lời của Chúa là:

Hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến (c. 28b)

Những chữ, Nếu Ngài hiện đến, theo cấu trúc văn phạm, đúng hơn là: “Khi Ngài hiện đến” (BHĐ). Chữ quăng xa mang ý nghĩa “hổ thẹn” (BHĐ):

Và bây giờ, hỡi các con bé nhỏ, hãy ở trong Ngài, để khi Ngài hiện ra, chúng ta có thể dạn dĩ, không hổ thẹn trước mặt Ngài lúc Ngài đến (c. 28, BHĐ)

Đây là lời khuyên con cái Chúa tiếp tục vâng giữ Lời Chúa để chúng ta không có gì sợ hãi, bất an lúc Chúa trở lại (4:17).

Đọc kỹ phần 2:29-3:6, chúng ta thấy ý của 2:29 được tiếp nối với 3:4. Phần 3:1-3 vì vậy là phần “trong ngoặc,” khi tác giả mô tả về tình yêu của Đức Chúa Trời.

Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời và chúng ta thật là con cái Ngài (c. 1a)

Đây là một câu tán thán nói lên tình yêu lớn lao Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Đàng sau câu nầy là lòng biết ơn sâu xa và cảm nhận tình yêu lớn Chúa dành cho mình. Tác giả như muốn nói với chúng ta: “Tình yêu Đức Chúa Trời dành cho chúng ta là tình yêu lớn lắm!” Hãy xem mang ý nghĩa hãy nghiệm lại, hãy suy nghĩ điều nầy. Sự yêu thương dường nào hàm ý “tình yêu thương lớn dường nào” (BHĐ). Tình yêu Đức Chúa Trời dành cho chúng ta thật sâu rộng và thể hiện của tình yêu đó là cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời. Được làm con Đức Chúa Trời không phải là chuyện nhỏ vì để ban cho chúng ta quyền làm con, Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời phải giáng sinh làm người, mang tội của con người và chịu chết thay cho chúng ta. Danh phận làm con Đức Chúa Trời của chúng ta đã được trả bằng một giá rất đắt, điều đó cho thấy tình yêu lớn Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Sứ đồ Giăng viết thêm: Và chúng ta thật là con cái Ngài nhằm xác nhận chân lý đó.

Đối với người tin Chúa, được làm con của Chúa là một đặc ân lớn (c. 1a). Đây là điều người ngoài Chúa không thể nào hiểu được:

Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài (c. 1b)

Thế gian chỉ về thế giới vô tín, những người không tin Chúa và chống đối Ngài (Giăng 1:10). Người thế gian tức người không tin Chúa, vì không biết Chúa, nên không thể nào hiểu hay có cái nhìn như người tin Chúa. Sứ đồ Giăng viết điều nầy để độc giả không phiền muộn trước chống đối của trần gian.

Tiếp tục nói về đặc ân được làm con của Chúa, sứ đồ Giăng viết:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy (c. 2)

Chân lý nầy có thể tóm lược như sau:

 

BÂY GIỜ

TƯƠNG LAI

Là con cái Đức Chúa Trời

Chưa được bày tỏ

Sẽ thấy Ngài

Sẽ giống như Ngài

 

Trong tinh thần của câu 3, giống như Ngài là giống trên phương diện đạo đức, thánh khiết hoàn toàn. Lý do chúng ta có thể giống như Chúa là vì chúng ta sẽ thấy Ngài (c. 2b). Sứ đồ Giăng dùng chữ thấy với những ý nghĩa khác nhau:

o  Trên phương diện thể xác như Giăng thấy lúc Chúa ở trên trần gian (1:1-3).

o  Trên phương diện đức tin như chúng ta bây giờ (3:6).

Riêng chữ thấy ở đây (3:2), Giăng nói: Sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy. Dịch đúng hơn là: “Sẽ thấy Ngài như cách Ngài đang hiện hữu” nghĩa là trong tương lai, khi gặp Chúa, lúc đó chúng ta sẽ thấy Chúa với vinh quang như vinh quang Chúa đang có bây giờ ở thiên đàng. Khi thấy Chúa lúc đó, chúng ta sẽ hoàn toàn trở nên giống như Chúa ( I Cô. 13:12; II Cô. 3:18). Đây là hy vọng giúp chúng ta sống đời sống thánh sạch ở trần gian nầy:

Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch (c. 3)

Yếu tố giúp chúng ta thanh tẩy tấm lòng tội lỗi là hình ảnh thánh khiết của Chúa Giê-xu mà một ngày không xa cũng sẽ là hình ảnh của chúng ta.

I Giăng 3:1-3 là phần trong ngoặc (trang 35) nên chúng ta trở lại với 2:29 để thấy ý liên tục từ 2:29 với 3:4:

Ví bằng các con biết Ngài là công bình, thì hãy biết rằng người nào làm theo sự công bình, ấy là kẻ bởi Ngài mà sanh ra (2:29)

Dấu hiệu để nhận biết con cái thật của Chúa là làm theo sự công bình (c. 29b). Công bình hay công chính mang ý nghĩa thánh khiết, đúng theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng công chính nên con cái thật của Chúa cũng công chính như Ngài: Ấy là kẻ bởi Ngài mà sanh ra (c. 29c). Con cái phải giống cha mẹ thể nào thì con cái Chúa cũng phải giống Đức Chúa Trời, là Cha mình như vậy.

Lý luận nầy của Giăng được tiếp tục nói qua 3:4 (sau phần 3:1-3 trong ngoặc):

Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp (c. 4)

Câu nầy vừa đối chiếu với ý thanh sạch trong câu 3, vừa nối tiếp với ý của 2:29 cho thấy con cái thật của Chúa khác với những người bỏ đi ra theo tà giáo (2:19) như thế nào. Tội hay phạm tội được định nghĩa là sự trái luật pháp (c. 4b).

Theo De la Potterie (Kruse trích dẫn, 118) chữ tội trong câu nầy là tội của những người chống Chúa (2:22), phủ nhận Đức Chúa Trời. Tội nầy tương đương với sự trái luật pháp (anomia) nghĩa đen là “vô luật.” Cũng theo De la Potterie thì trái luật pháp nhấn mạnh đến tình trạng tội lỗi hơn là hành vi tội lỗi. Phạm tội tức là trái luật pháp vì vậy nghĩa là, người theo tà giáo (phủ nhận Đức Chúa Trời) là người vô luật (anomia). Vô luật hay trái luật pháp là từ dùng để chỉ ma quỷ (II Tê. 2:7-8). Do đó, theo De la Potterie, “người phạm tội là con cái của ma quỷ (c. 8), chống lại Đức Chúa Trời và ở dưới quyền của Sa-tan” (Kruse 119).

Mục đích của Thư Giăng là để xác nhận, để biết (5:13) nên ông viết:

Vả, các con biết Đức Chúa Giê-xu Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi và biết trong Ngài không có tội lỗi (c. 5)

Cất tội lỗi nghĩa là tha thứ tội qua cái chết đền tội của Ngài (2:2; 4:10). Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta dựa vào cái chết thay thế của Chúa Giê-xu. Đó là ý nghĩa của chữ công bình khi nói về sự tha tội (1:9): Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta dựa trên căn bản chuộc tội của Chúa Giê-xu (2:12).

Chúa Giê-xu có thể chịu chết đền tội cho chúng ta vì Ngài vô tội: Trong Ngài không có tội lỗi (c. 5b). Tương tự như sinh tế trong Cựu Ước, Chúa Giê-xu là sinh tế “không lỗi không vết” chuộc tội cho chúng ta (I Phi. 1:19). Giăng nói điều nầy (Trong Ngài không có tội lỗi) là để trình bày vấn đề tiếp theo:

Ai ở trong Ngài thì không phạm tội, còn ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài (c. 6)

Những người theo tà giáo lúc bấy giờ nói rằng họ “biết” Chúa và đây là trắc nghiệm cho điều đó. Những người nầy sống trong tội lỗi nhưng lại xưng là mình biết Chúa, là điều không thể xảy ra, bởi vì:

Ai ở trong Ngài thì không phạm tội (c. 6a)

Cả hai động từ ở trongkhông phạm tội đều ở dạng diễn tiến (present tense) hàm ý hai điều nầy đang xảy ra liên tục. Người tiếp tục ở trong Chúa là người tiếp tục không phạm tội, nghĩa là không coi tội lỗi là điều bình thường và cứ sống trong tội. Không phạm tội nghĩa là “không tiếp tục phạm tội.” Người tin Chúa vẫn có lúc lầm lỡ phạm tội và cần xưng tội để được tha thứ (1:8-9) nhưng không tiếp tục sống trong tội lỗi. Đây là khác biệt giữa người tin Chúa thật (ở trong Chúa) và người chỉ tự xưng là biết Chúa. Người tin Chúa thật là người đang thấy Chúa (qua đức tin) và thật sự biết Ngài trong mối tương giao mật thiết (ở trong Ngài).

Một trong những lý do sứ đồ Giăng viết thư này là để cảnh báo tín đồ trong Hội Thánh về chủ trương sai lầm của những người đã rời khỏi Hội Thánh để theo tà giáo (2:19). Những người nầy chẳng những phủ nhận thần tính của Chúa Giê-xu (2:22) nhưng cũng tiếp tục sống trong tội (3:6). Về việc tiếp tục sống trong tội lỗi, Giăng cảnh cáo độc giả:

Hỡi các con cái bé mọn, chớ để cho ai lừa dối mình: kẻ làm sự công bình là người công bình, như chính mình Chúa là công bình (c. 7)

Những người rời khỏi Hội Thánh chẳng những sống đời tội lỗi nhưng cũng muốn người khác sống giống như họ. Vì vậy, Giăng nhắc nhở tín hữu: Chớ để cho ai lừa dối mình, nghĩa là đừng để cho những người đó dẫn dụ sai lầm trong con đường tội lỗi. Những người nầy theo lập luận của Phái Trí Huệ (Gnosticism) cho rằng vật chất là xấu, tâm linh mới tốt lành. Họ cho rằng một khi một người đã được giải thoát khỏi lãnh vực vật chất thì không còn phạm tội nữa vì những điều gọi là tội thuộc phạm vi vật chất, không liên quan đến tâm linh, đã được giải thoát (trang 16). Vì chủ trương như vậy cho nên họ không kể những hành vi xấu xa của mình là tội và dạy người khác sống như họ. Giăng khuyến cáo độc giả đừng để bị lừa dối như vậy.

Đối với người tin Chúa, sự thật là:

Kẻ làm sự công bình là người công bình, như chính mình Chúa là công bình (c. 7b)

NGƯỜI công bìnhLÀM sự công bình là hai điều không thể tách rời nhau. Người công bình là người sống trong Chúa (c. 6), Chúa là Đấng công bình (vô tội) thì người sống trong Chúa không thể tiếp tục sống trong tội lỗi (c. 6). Đối chiếu với người công bình là người phạm tội:

Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu (c. 8)

Phạm tội mang ý nghĩa tiếp tục phạm tội. Sứ đồ Giăng cho thấy  người tiếp tục sống trong tội lỗi là người thuộc về ma quỷ, ngược lại với người ở trong Chúa là người không tiếp tục phạm tội (c. 6). Giăng muốn nói đến những người theo tà giáo, đã ra khỏi Hội Thánh (2:19). Những người nầy nói họ thuộc về Chúa, tuy nhiên vì tiếp tục sống đời tội lỗi, họ thật sự là con cái của ma quỷ. Người tiếp tục phạm tội là thuộc về ma quỷ ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu (c. 8b). Phạm tội từ lúc ban đầu hàm ý ma quỷ đã phạm tội từ trước đến nay và đang tiếp tục phạm tội như vậy cho đến bây giờ. Ma qu phạm tội từ lúc ban đầu nói đến việc ma quỷ cám dỗ Ê-va trong vườn Ê-đen và tội sát nhân của Ca-in (Giăng 8:44).

Trong lời cảnh báo: Chớ để cho ai lừa dối mình (c. 7a), Giăng viết tiếp:

Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ (c. 8b)

Công việc của ma quỷ là công việc khiến cho người ta phạm tội và tạo nên một thế giới tội ác. Chúa Giê-xu (Con Đức Chúa Trời) đã giáng sinh (hiện ra) để chịu chết chuộc tội cho con người. Chúa Giê-xu hủy phá công việc của ma quỷ trong ý nghĩa rằng cái chết đền tội của Chúa Giê-xu đã giải quyết vấn đề tội lỗi cho con người, ma quỷ không còn lý do để kiện cáo người tin Chúa nữa.

Những người ly khai khỏi Hội Thánh, theo tà giáo, cho rằng phạm tội không phải là điều nghiêm trọng nhưng Giăng cho thấy tội lỗi là điều nghiêm trọng vì nếu không, Chúa Giê-xu đã không phải giáng sinh, chịu chết thay cho mọi người. Vì tội lỗi mà Chúa Giê-xu phải giáng sinh làm người, chịu chết thay cho con người. Đó là phương cách Chúa Giê-xu hủy phá công việc của ma quỷ.

Trong lời cảnh báo về nguy cơ bị những người theo tà giáo dẫn dụ theo lối sống tội lỗi của họ (c. 7-8), sứ đồ Giăng nhắc con cái Chúa chân lý sau:

Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời (c. 9)

Cụm từ sanh bởi Đức Chúa Trời được nhắc đến mười lần trong Thư I Giăng nói đến việc được làm con Đức Chúa Trời qua quyền năng tái tạo của Chúa Thánh Linh (Giăng 3:5-8). Theo Giăng, Người sanh bởi Đức Chúa Trời hay được tái sanh không thể phạm tội (c. 9). Tương tự như trong câu 6, phạm tội mang ý nghĩa tiếp tục phạm tội, tiếp tục sống trong nếp sống tội lỗi. Người tin Chúa có thể lầm lỡ phạm tội và rồi xưng tội để được tha thứ (1:9) chứ không cứ miệt mài trong tội, coi đó là điều bình thường. Không thể phạm tội vì vậy nghĩa là không thể tiếp tục phạm tội, không thể sống đời tội lỗi.

Người tin Chúa (sanh bởi Đức Chúa Trời) không thể tiếp tục phạm tội với lý do là: Vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người (c. 9b). Chữ hột giống được chú thích là “bản chất.” Người tin Chúa, được sinh ra làm con Đức Chúa Trời nên mang bản chất của Đức Chúa Trời, do đó không thể tiếp tục phạm tội vì như vậy là ngược lại bản chất của mình, cũng là bản chất thánh khiết của Đức Chúa Trời. Con gà không thể bơi lội thỏa thích dưới nước như vịt vì nó mang bản chất “gà.” Người tin Chúa không thể vui thích trong tội lỗi vì chúng ta mang bản chất của Chúa, có hột giống Đức Chúa Trời ở trong người.

Tóm tắt những điều trong phần từ 2:29 đến 3:10, sứ đồ Giăng viết:

Bởi đó, người ta nhận biết con cái Đức Chúa Trời và con cái ma qu: ai chẳng làm điều công bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy (c. 10)

Câu nầy cho thấy hai dấu hiệu để phân biệt con cái Đức Chúa Trời và con cái ma quỷ:

 

Con cái Đức Chúa Trời

Con cái ma quỷ

Làm điều công bình

Không làm điều công bình

Yêu anh em

Không yêu anh em

 

Làm điều công bình nhắc lại ý trong 2:29 và không yêu anh em là điều Giăng đã nói trong 2:9-10. Con cái thật của Chúa vì vậy là người sống thánh khiết theo tiêu chuẩn của Chúa (công bình) và là người có tình yêu thương (yêu anh em). Sống ngược lại với hai điều nầy là con cái ma quỷ.