Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

5:6-13 BA NHÂN CHỨNG

6 Ấy chính Đức Chúa Jêsus Christ đã lấy nước và huyết mà đến, chẳng những lấy nước mà thôi, bèn là lấy nước và huyết. 7 y là Đức Thánh Linh đã làm chứng, vì Đức Thánh Linh tức là lẽ thật. 8 Vì có ba làm chứng: Đức Thánh Linh, nước và huyết; ba ấy hiệp một. 9 Ví bằng chúng ta nhận chứng của loài người, thì chứng của Đức Chúa Trời trọng hơn. Vả, chứng của Đức Chúa Trời, ấy là chứng mà Ngài làm về Con Ngài. 10 Ai tin đến Con Đức Chúa Trời, thì có chứng ấy trong mình; còn ai không tin Đức Chúa Trời, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Đức Chúa Trời đã làm về Con Ngài. 11 Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta và sự sống ấy ở trong Con Ngài. 12 Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống, ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống. 13 Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời.

 

1. “Nước” và “huyết” trong câu 6 chỉ về gì?

2. “Đức Thánh Linh đã làm chứng” (c. 7a) là làm chứng về điều gì? Như thế nào?

3. Sứ đồ Giăng viết lá thư nầy với mục đích gì (c. 13)?

 

Chủ đề của I Giăng 5:1-13 là đức tin nơi Chúa Giê-xu, bắt đầu với câu 1 và câu 5. Giăng tiếp tục nói về điều nầy trong phần từ câu 6-13. Trong phần nầy, Giăng nói đến ba điều xác chứng về Chúa Giê-xu mà người tin Chúa phải công nhận. Không công nhận những xác chứng nầy là phủ nhận chính Đức Chúa Trời (c. 10). Sứ đồ Giăng muốn nói đến những người ly khai khỏi Hội Thánh là những người chỉ chấp nhận một trong ba bằng chứng ông nói trong câu 6-8:

Ấy chính Đức Chúa Giê-xu Christ đã lấy nước và huyết mà đến, chẳng những lấy nước mà thôi, bèn là lấy nước và huyết. Ấy là Đức Thánh Linh đã làm chứng, vì Đức Thánh Linh tức là lẽ thật. Vì có ba làm chứng: Đức Thánh Linh, nước và huyết; ba ấy hiệp một (c. 6-8)

Nướchuyết trong các câu nầy chỉ về báp-têm và sự chết của Chúa Giê-xu. Những người ly khai chỉ chấp nhận việc Chúa Giê-xu chịu báp-têm (nước) nhưng không chấp nhận việc Ngài chịu chết (huyết). Chúng ta biết điều nầy qua câu: Chẳng những lấy nước mà thôi, bèn là lấy nước và huyết (c. 6b). Việc Chúa Giê-xu phải chịu chết để chuộc tội cho nhân loại là điều có thật và cần thiết (4:10) nhưng vì những người dạy tà giáo phủ nhận nên Giăng khẳng định rằng Chúa Giê-xu chẳng những đã đến với nhân loại qua báp-têm (nước) – để hòa mình làm một với nhân loại, Ma-thi-ơ 3:15 – nhưng Ngài cũng đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại (huyết).

Giăng cũng viết:

y là Đức Thánh Linh đã làm chứng, vì Đức Thánh Linh tức là lẽ thật (c. 7)

Đây là bằng chứng thứ ba về sự thực hữu của Chúa Giê-xu. Đức Thánh Linh là bằng chứng trong lòng chúng ta (3:24; 4:13). Đức Thánh Linh là lẽ thật (c.7b) xác chứng cho báp-têm (nước) và sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu (huyết). Ba bằng chứng nầy hiệp một với nhau, xác chứng rõ ràng về Chúa Giê-xu là đối tượng của đức tin chúng ta.

Giăng thách thức độc giả khi ông nói:

Ví bằng chúng ta nhận chứng của loài người, thì chứng của Đức Chúa Trời trọng hơn (c. 9a)

Nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận bằng chứng của loài người thì bằng chứng của Đức Chúa Trời trọng hơn nên chúng ta lại càng phải chấp nhận.

Giăng viết tiếp:

Vả, chứng của Đức Chúa Trời, ấy là chứng mà Ngài làm về Con Ngài (c. 9b)

Ông nói về chứng của Đức Chúa Trời nhằm cho độc giả thấy sự khác nhau giữa người tin Chúa và người không tin vì chứng hay bằng chứng liên quan đến Chúa Giê-xu và niềm tin nơi Ngài như sau:

Ai tin đến Con Đức Chúa Trời, thì có chứng ấy trong mình, còn ai không tin Đức Chúa Trời, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Đức Chúa Trời đã làm về Con Ngài (c. 10)

Ai không tin Đức Chúa Trời, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Đức Chúa Trời đã làm về Con Ngài, câu này chỉ về nhóm người đã ly khai khỏi Hội Thánh (2:19). Đối chiếu với những người nầy là những người thật sự có đức tin nơi Chúa, như điều Giăng nói trong câu tiếp theo:

Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống, ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống (c. 11-12)

Hai điều đi chung với nhau là: đức tin và sự sống đời đời. Đây cũng là chủ đề của Phúc Âm Giăng (Giăng 20:31). Phúc Âm Giăng được viết với mục đích giúp cho người ta tin để được sự sống đời đời. Còn Thư Giăng được viết với mục đích sau:

Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con BIẾT mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời (c. 13)

Như vậy, Thư Giăng được viết để người ĐÃ TIN xác quyết rằng mình thật sự có sự sống đời đời.