Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

5:14-17 CẦU NGUYỆN VÀ CẦU THAY

14 Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. 15 Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.

16 Ví có kẻ thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin và Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết, ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin. 17 Mọi sự không công bình đều là tội mà cũng có tội không đến nỗi chết.

 

1. Theo câu 14, điều kiện để được Chúa nghe lời cầu nguyện là gì? “Theo ý muốn Ngài mà cầu xin” nghĩa là thế nào?

2. “Chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài” (c. 15b) nói lên điều gì?

3. Theo ý Bạn, “Tội không đến nỗi chết” và “tội đến nỗi chết” khác nhau thế nào?

 

Trong nguyên văn, giữa câu 13 và 14 có một giới từ (kai) nối liền hai câu nầy với nhau, cho thấy rằng, ngoài đảm bảo về sự sống đời đời (c. 13), người tin Chúa cũng được đảm bảo là lời cầu nguyện của mình sẽ được Chúa nghe:

(Và) nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta (c. 14)

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Đây là sự vững tâm mà chúng ta có được trước mặt Ngài: Ấy là nếu chúng ta cầu xin điều gì theo ý muốn Ngài thì Ngài nghe chúng ta (c. 14, BHĐ)

Sự cầu nguyện ở đây được mô tả là ở trước mặt Chúa (c. 14a). Điều nầy cho thấy, cầu nguyện là bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà tác giả Thư Hê-bơ-rơ gọi là vững lòng đến gần ngôi ơn phước (Hê-bơ-rơ 4:16a). Điều kiện để được Chúa nghe lời cầu nguyện là nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin (c. 14b). Chúng ta biết ý muốn của Chúa khi chúng ta thường xuyên giữ mối quan hệ với Chúa qua việc đọc Lời của Ngài trong Kinh Thánh. Ngài nghe chúng ta (c. 14c) hàm ý Chúa để ý đến lời cầu nguyện và đáp ứng. Giăng xác định điều nầy:

Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài (c. 15)

Ông hàm ý rằng, khi chúng ta cầu nguyện theo ý muốn Chúa thì kể như chúng ta đã nhận được điều mình cầu xin rồi. Đó là đảm bảo cho người tin Chúa khi cầu nguyện:

Nếu chúng ta biết Ngài nghe bất cứ điều gì chúng ta cầu xin thì chúng ta biết là mình đã nhận được điều cầu xin rồi (c. 15, BHĐ)

Tiếp theo, Giăng nói đến vấn đề cầu thay (c. 16-17) và ông nêu lên hai trường hợp: tội không đến nỗi chếttội đến nỗi chết. Trong 2:2, Giăng viết:

Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-xu Christ (2:2b)

Tội không đến nỗi chết chỉ về tội mà người đã tin Chúa mắc phải nhưng biết ăn năn, hối lỗi, xưng tội và được Chúa tha thứ. Trong lá thư nầy, Giăng cũng nhiều lần nói đến những người đi trong sự tối tăm (1:6), ghét anh em (2:11), chối Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ (2:22), tiếp tục sống trong tội (3:8)… Đây chỉ về những người đã từng ở trong Hội Thánh nhưng không phải là tín đồ thật (2:19). Đây là tội đến nỗi chết vì phủ nhận Chúa Giê-xu, không phải tội của người tin Chúa. Đây là những người cố ý chống lại Chúa, thuộc về những kẻ địch lại Đấng Christ (2:18).

Chúa Giê-xu nói tội phạm đến Đức Thánh Linh cũng là tội không được tha vì gán công việc của Chúa Thánh Linh cho ma quỷ (Ma-thi-ơ 12:22-32). Đức Thánh Linh là Đấng khiến thế gian tự cáo về tội lỗi (Giăng 16:8). Người phạm tội đến Đức Thánh Linh là người dập tắt sự cáo trách của Thánh Linh nên không thể ăn năn. Tội không được tha vì vậy là tội không ăn năn. Không được tha vì không ăn năn!

Sứ đồ Giăng không khuyến khích cầu nguyện cho những người nầy: y chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin (c. 16b) vì đây là những người cố tình khước từ ơn cứu rỗi của Chúa khi họ phủ nhận Chúa Giê-xu (2:22). Ông kết luận:

Mọi sự không công bình đều là tội mà cũng có tội không đến nỗi chết (c. 17)

Tội không đến nỗi chết là tội mà người tin Chúa mắc phải nhưng nếu ăn năn, xưng tội sẽ được tha (1:9).