Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

5:18-21 BẢO ĐẢM VÀ KHUYÊN DẠY

18 Chúng ta biết rằng ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì hẳn chẳng phạm tội, nhưng ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỉ chẳng làm hại người được. 19 Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ. 20 Nhưng chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân thật và chúng ta ở trong Đấng chân thật, là ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời.

21 Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!

 

1. Các câu 18, 19 và 20 bắt đầu với những chữ gì? Mang ý nghĩa gì?

2. Tại sao người “sinh bởi Đức Chúa Trời” thì không phạm tội?

3. Xin giải thích câu 19.

4. Xin cho biết hai điều liên quan giữa chúng ta và Đấng chân thật (c. 20).

5. “Giữ mình về hình tượng” (c. 21) là giữ mình về điều gì?

 

Lá thư của sứ đồ Giăng kết thúc với những chữ: Chúng ta biết trong ba câu liên tiếp. Đây là những lời khẳng định, đồng thời cho độc giả thấy rằng họ mới thật sự là người có hiểu biết, ngược lại với những người theo Trí Huệ Phái (Gnosticism), xưng mình là người hiểu biết!

Hiểu biết thứ nhất là về vấn đề tội lỗi:

Chúng ta biết rằng ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì hẳn chẳng phạm tội, nhưng ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỉ chẳng làm hại người được (c. 18)

Câu nầy khẳng định về nếp sống của người tin Chúa thật, đó là không tiếp tục phạm tội, không sống đời tội lỗi. Người tin Chúa chẳng phạm tội là điều Giăng đã nói trong 3:6, 9 mang ý nghĩa tiếp tục trong nếp sống tội lỗi. Yếu tố giúp người tin Chúa không tiếp tục phạm tội là vì người đó sinh bởi Đức Chúa Trời (c. 18a). Đây nói đến kinh nghiệm tái sinh, trở nên người mới (II Cô. 5:17). Phần thứ nhì của câu 18 nhắc lại những chữ ai sinh bởi Đức Chúa Trời nhưng theo các thủ bản (manuscript) tốt hơn, không có chữ tự trong câu tự giữ lấy mình. Bản Hiệu Đính dịch là: “Đấng sinh bởi Đức Chúa Trời gìn giữ người ấy.”

Câu: Ai sinh bởi Đức Chúa Trời trong phần đầu nói đến người tin Chúa còn, Ai sinh bởi Đức Chúa Trời trong phần sau, dịch đúng hơn là “Đấng sinh bởi Đức Chúa Trời” (BHĐ), chỉ về Chúa Giê-xu. Người tin Chúa được Chúa Giê-xu bảo vệ khỏi sự tấn công của ma quỷ:

Đấng sinh bởi Đức Chúa Trời gìn giữ người ấy và ma quỷ không đụng đến người ấy được (c. 18b, BHĐ)

Hiểu biết thứ hai là:

Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ (c. 19)

Giăng viết: “Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời” nhưng ông KHÔNG NÓI, “Thế gian thuộc về ma quỷ.” Thế gian chỉ ở dưới quyền ma quỷ, sống trong vòng kiềm tỏa của nó! Người tin Chúa là người được Chúa giải thoát khỏi vòng tay của ma quỷ. Người vô tín là người còn ở dưới quyền kiểm soát của nó. John Stott viết:

Chúng ta hoặc là thuộc về Chúa hoặc là ở dưới quyền của ma quỷ, không có chỗ đứng thứ ba (Stott, trang 196)

Hiểu biết thứ ba như sau:

Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân thật và chúng ta ở trong Đấng chân thật, là ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời (c. 20)

Điểm nhấn mạnh trong câu nầy là chân thật:

·       Biết Đấng chân thật

·       Ở trong Đấng chân thật

·       Đấng chân thật là Đức Chúa Trời

Câu nầy nói về mục đích Chúa Giê-xu đến trần gian: Con Đức Chúa Trời đã đến. Chúa đến để ban cho chúng ta trí khôn (“sự hiểu biết,” BHĐ).  Với hiểu biết đó, chúng ta biết Đấng chân thật tức là biết Đức Chúa Trời. Đây chẳng những là hiểu biết trong tâm trí nhưng là bước vào mối tương giao với Ngài.

Đức Chúa Trời được gọi là Đấng chân thật vì qua cả lá thư, Giăng đối đầu với các giáo sư giả, những người dạy tà giáo. Giăng cho thấy chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng chân thật và chúng ta biết được điều đó qua Chúa Giê-xu.

Chẳng những biết Chúa, chúng ta cũng được ở trong Ngài: Chúng ta ở trong Đấng chân thật, nói lên mối quan hệ bền chặt giữa chúng ta với Chúa.

Đức Chúa Trời được gọi là Đấng chân thật và cũng là sự sống đời đời (c. 20c), hàm ý trong Chúa, liên kết với Chúa, chúng ta được hưởng sự sống đời đời. Đây là điều Chúa Giê-xu đã cầu nguyện:

Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-xu Christ, là Đấng Cha đã sai đến (Giăng 17:3)

Lời kết luận của lá thư là:

Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng (c. 21)

Hình tượng là bất cứ điều gì đứng hàng đầu trong đời sống chúng ta, khiến chúng ta xa cách Đức Chúa Trời. Trong bối cảnh của Thư Giăng, hình tượng không gì khác hơn là tà giáo đang lộng hành giữa Hội Thánh lúc bấy giờ (2:18-19). Sứ đồ Giăng sợ các tín hữu bị những người nầy dẫn dụ nên lời khuyên của ông có thể hiểu đây là lời dặn dò cuối cùng: Nói cho cùng, các con hãy cẩn thận giữ mình, đừng để những người ác dẫn dụ, kéo các con xa Chúa!

Đây cũng là lời dặn dò cho mỗi chúng ta. Bất cứ điều gì chiếm hàng đầu trong đời sống, chiếm chỗ của Chúa, đó là hình tượng. Đó là điều chúng ta phải cẩn thận giữ mình! Chúng ta cần tự hỏi: “Điều gì là hình tượng trong đời sống tôi?”