Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

Tuyên Ngôn Sứ Đồ

Điều có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm, chính là Lời Sống; (vì sự sống đã thể hiện ra, chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm nhân chứng và chứng tỏ cho anh em sự sống vĩnh hằng ấy, vốn ở với Cha, đã minh khải cho chúng tôi;) Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em, để anh em cũng tương giao với chúng tôi: và thực sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha, và với Cứu Chúa Giê-xu là con.

1 Giăng 1:1-3

Chúng ta sẽ không triển khai hết toàn thể tuyên ngôn kể trên, nhưng chỉ đọc cho biết, nhất là câu 3, để có một sự hiểu biết về đại sứ điệp mà Sứ Đồ Giăng muốn gởi đến cho các tín hữu thời ấy. Các tín hữu ấy đang gặp những khó khăn; khó khăn trên thế gian không có gì mới lạ cả, vì thế gian lúc nào mà chẳng đầy dẫy khó khăn và nan đề. Thực ra nhiều khi ta quên rằng, theo một nghĩa, khó khăn ngày nay cũng y hệt như khó khăn mà nhân loại từng gặp trong suốt quá khứ, vì có một nguồn gốc chung cả. Nhưng thói quen của nhân loại vẫn là nói về các khó khăn trong thế kỷ 20 như thể khác với khó khăn trong thế kỷ thứ nhất - thật ra không phải như thế, chúng giống hệt nhau. Ta phải nhận rằng có khác về địa phương hay về cách thể hiện, nhưng nguyên nhân vẫn vậy.

Nói khác đi, nan đề của nhân loại cũng y như tật bệnh của thân thể. Chúng ta có thể có cùng một chứng bệnh nhưng triệu chứng thì nhiều; bệnh có lẽ mỗi trường hợp đều khác, nhưng triệu chứng không quan trọng cho bằng nguyên nhân, hay là chính căn bệnh. Điều này rất hệ trọng, vì nếu ta chỉ xét đến triệu chứng, ta sẽ chỉ quan tâm đến việc trừ triệu chứng mà quên áp dụng toàn bộ sứ điệp của Tin Mừng. Trong ánh sáng của các câu Thánh Kinh này, nhiệm vụ của Hội Thánh vẫn là phổ truyền, công bố Tin Mừng của Chúa Giê-xu là Chúa và Cứu Tinh của nhân loại. Hội Thánh không mất thì giờ chữa trị triệu chứng của thế gian bệnh hoạn này, nhưng phải tuyên bố cho thế gian biết môn thuốc chữa duy nhất có thể chữa lành căn bệnh là nguyên nhân của tất cả những rắc rối trong đời.

Vì thế các tín hữu thuộc thế kỷ thứ nhất cũng đối đầu với cùng các nan đề như chúng ta ngày nay. Trong một thế giới như vậy, chúng ta vẫn có thể sở hữu niềm vui không dập tắt được, không đánh bại được, ngược lại có khả năng thắng dưới bất cứ hoàn cảnh nào, một niềm vui bao giờ cũng tràn đầy trong mọi điều kiện, cơ hội, thời vận. Sứ điệp Tân Ước nói chung không bảo dân Chúa phải sửa chữa trần gian lại như thế nào, nhưng dạy họ cách sống ngay lành dù thế gian có ra sao chăng nữa, cũng như cách thắng trần gian và bảo vệ được niềm vui.

Chúng ta đã nhìn tổng quát vào bố cục của lá thư này, bây giờ sẽ phân tích chi tiết hơn, khởi đầu với ba câu đầu tiên.

Trước tiên, Tin Mừng hay Phúc Âm là một tuyên ngôn, một thể hiện, một trình bầy.'Vì sự sống đã được thể hiện, chúng tôi đã thấy, làm nhân chứng và chứng tỏ cho anh em sự sống vĩnh hằng ấy, vốn ở với Cha, đã minh khải cho chúng tôi.'Việc chúng tôi thấy và nghe, nay trình bầy cho anh em, để anh em cũng tương giao với chúng tôi: và sự thực là chúng ta đều tương giao với Chúa Cha và với Cứu Chúa Giê-xu là Con.' - chúng tôi trình bầy cho anh em, Giăng nói rõ như vậy.

Giăng dùng hai chữ khá đặc biệt. Tin Mừng là một lời tuyên bố. Chúng ta có thể nói theo cách tiêu cực rằng, Tin Mừng của Chúa giê-xu không phải là một sự ước đoán, cũng không phải là một tư tưởng, ý nghĩ hay triết thuyết của loài người. Tin Mừng hoàn toàn khác hẳn, không thuộc về những thể loại ấy.

Lập trường của Sứ Đồ Giăng và các Sứ Đồ khác là họ có một điều gì đó để cpông bố, một điều gì đó để nói ra. Họ đã thấy điều gì đó muốn báo cáo lại, một điều gì huyền diệu lạ lùng mà Giăng không muốn giữ riêng lấy cho mình.

Bạn để ý thì thấy lá thư này không có cả phần giới thiệu mở đầu nữa. Không có lời chào hỏi đầu thư như thông thường; Giăng cũng không tự giới thiệu nữa, người đọc phải tự nhận ra. Ông là một người có điều gì cần tiết lộ, người khác cần nghe, nên bỏ qua mọi thủ tục, đi thẳng vào vấn đề trình bầy. Sứ điệp của lá thư rất chắc chắn, vì đó là một lời công bố; mang tính chất thẩm quyền và khẩn trương.

Giăng nói trực tiếp: 'Những điều này chúng tôi tuyên bố ra cho anh em.' Tin Mừng hay Phúc Âm, theo Tân Ước là một lệnh truyền; như khi người lính thổi kèn để kêu gọi chú ý. Không có vẻ gì ngần ngại khi người ấy thổi kèn lên, vì người ấy có lệnh truyền lại, việc của anh ta chỉ là bảo lại lệnh đã nhận. Anh ta chỉ xem xét kỹ lệnh truyền rồi truyền lại. Chúng ta là đại sứ của Chúa. Nhiệm vụ của người đại sứ là không nói cho nước mà người ấy đến những gì ông ta nghĩ hay là cho là như thế, ông ta chỉ truyền lại lệnh đã nhận được từ nước nhà. Đó cũng là tư cách của Giăng.

Nhược điểm của thời đại chúng ta là có nhiều điều không chắc chắn. Người giảng truyền Tin Mừng nhiều khi không chắc chắn lắm về phép lạ, về một số các hiện tượng siêu nhiên, không chắc chắn vả về thân vị của Chúa Giê-xu nữa. Khi nào sứ điệp mập mờ, không chắc chắn nữa, là ta đã xa Tân Ước quá nhiều. Hội Thánh không có quyền ngần ngại hay bối rối không biết nói gì, sứ điệp đã nắm trong tay, phải công bố, không có điều kiện nào cả. Như thế nguyên tắc thứ nhất là phải công bố.

Nguyên tắc thứ hai là tuyên ngôn này của Hội Thánh đã truyền đến chúng ta bằng thẩm quyền của Sứ Đồ, đây cũng là một điều hoàn toàn căn bản. 2 Phi-e-rơ 1:16 ghi: ”Khi chúng tôi cho anh em biết quyền năng và việc Chúa chúng ta tái lâm thì chúng tôi không theo những chuyện ngụ ngôn khéo bịa đặt ra, nhưng chính chúng tôi đã mục kích oai nghi của Chúa.” Giăng thì trong ba câu này, khắc lại ba lần: chúng tôi đã thấy; hai lần: chúng tôi đã nghe; và, cả 'chúng tôi đã đụng chạm'. Sứ Đồ Giăng không nói lại một điều đã nghe kể, nhưng đã trực tiếp kinh nghiệm, và muốn chia sẻ.

Chúng ta cần phân biệt rõ làm chứng và kinh nghiệm. Kinh nghiệm có giá trị xác nhận, yểm trợ và giúp đỡ tôi tin vào những điều thuộc về Chúa, nhưng tôi không căn cứ lập trường của tôi trên kinh nghiệm. Vì khi làm như thế, tôi sẽ không có câu trả lời noài đối với các nhà tâm lý, bảo rằng họ có thể giải thích toàn bộ đức tin Cơ-đốc bằng những từ thuộc tâm lý. Tôi không đặt lập trường của tôi trên những điều chủ quan và tính tình hay điều kiện, nhưng thứ này thường đến rồi đi, thay đổi luôn luôn. Tôi có một cái gì vững chắc, vững như tảng đá. Tôi căn cứ lập trường của tôi trên những sự kiện có thật trong lịch sử, đó là ”điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã ngắm nhìn và tay đã đụng chạm đến, đó là Lời Sự Sống”.

Đó chính là căn bản, chứng tá của sứ đồ và những lời chứng của họ. Lập trường của người tin Chúa là nhận và tin lời nhân chứng, những người này báo cáo những điều mắt thấy, tai nghe. Đó chính là thẩm quyền của chúng ta.

Nhưng lý luận không ngừng ở đấy. Người ta có thể thử các người làm chứng nữa. Trước nhất và quan trọng hơn cả là lời báo cáo và rồi kinh nghiệm của tôi là kết quả tin nhận báo cáo đó. Như thế lời báo cáo được củng cố bằng kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi, không làm gì hơn được.

Như thế Tin Mừng là một tuyên ngôn. Điều thứ hai, Tin Mừng đã được thể hiện. Giăng nói: Chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy và đã dụng chạm đến.

Chúng tôi đã nghe nhưng không biết đó là tiếng của ai cho đến khi thấy rõ mới chắc chắn được. Nhưng chưa hết Giăng còn thêm, chúng tôi đã ngắm. Thấy và ngắm khác hẳn nhau. Thấy là kết quả của một điều gì ta gặp; ta không tìm điều đó hay là nghiên cứu kỹ. Như đang đi ngoài phố, ta bỗng biết có chuyện gì xẩy ra - ta thấy chuyện ấy. Giăng như bảo rằng, không phải chúng tôi chỉ tình cờ thấy điều huyền nhiệm đó, nhưng chúng tôi đã ngắm nhìn, đã điều tra nghiên cứu, không phải chỉ với cái nhìn thiển cận bên ngoài mà thôi. Chúng tôi đã chăm chú nhìn và chiêm ngưỡng. Chúng tôi nhìn Chúa, ngạc nhiên và đã tìm hiểu. Hơn nữa, chính tay chúng tôi đã đụng chạm vào Chúa. Ta nhớ quan điểm của tà thuyết khả tri mà Giăng chủ trương chống lại, tà thuyết ấy nói răng Chúa không có thật, Chúa chỉ là một bóng ma. Giăng nói rõ, không, Chúa rất cụ thể khi Chúa vào đời, chính chúng tôi đã cầm nắm được Chúa chứ không phải ý niệm hay bóng ma.

Nhưng Giăng cũng nhắc rằng Chúa sống lại cũng bằng thân xác cụ thể ấy. Vì Giăng bảo rằng Tay chúng tôi đã đụng chạm đến Lời Sự Sống, tức là khi Chúa sống lại. Đây là điểm thứ hai chống lại tà thuyết khả tri nói rằng: Chúa Ki-tô vĩnh hằng đã nhập vào Giê-xu trong lúc báp-tem và từ bỏ khi con người Giê-xu bị hành hình, nên Giê-xu mới chết. Giăng bác luận thuyết sai lạc này, nói rằng: con người chịu hi sinh đó mang vừa bản chất thần linh vừa bản chất người vô tội, và sau khi chết, Chúa đã sống lại với thân xác, chúng tôi biết như thế vì chính tay chúng tôi đã đụng chạm tới thật sự.

Khi nói chúng tôi đã ngắm, Giăng có ý đề cập đến việc Chúa hóa hình trên núi, Giăng, Phi-e-rơ và Gia-cơ được chứng kiến. Nhưng chắc chắn Giăng cũng được ngắm nhìn và đụng chạm vào vết thương của Chúa khi Ngài vừ sống lại nữa. Đó là toàn bộ Phúc âm hay Tin Mừng. Chúa Giê-xu rời bỏ cõi vĩnh hằng vào thời gian, và rồi trở lại vĩnh hằng. Giăng nói: 'Sứ điệp mà chúng tôi công bố cho anh em là trong ý nghĩa này: chính trên mặt đất mà anh em đang sống đây, với biết bao nan đề và thử thách, gian lao, chính nơi này Con Thượng Đế đã bước vào, đã đặt chân lên. Chúng tôi có đặc ân được thấy Chúa, nghe Chúa dạy, nghiên cứu tìm hiểu về Chúa và cũng cầm nắm lấy Chúa nữa. Con Thượng Đế đã sống giữa chúng tôi và việc đó thay đổi tất cả. Tôi muốn cho anh em biết như vậy để anh em cũng chia sẻ với chúng tôi và chúng ta cùng chia sẻ với Chúa Cha và Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Trong Phúc Âm Giăng ta thấy cũng trình bầy về Chúa Cứu Thế, nhưng trong lá thư này ông muốn nhấn mạnh việc Chúa vào đời có nghĩa gì đến mỗi chúng ta. Ông gọi Chúa là Lời Sự Sống. Đây không phải là lời cho thấy sự sống, nhưng là lời ban sự sống.

Cuộc đời này dù biến chuyển ra sao, sứ điệp của Tin Mừng vẫn là, dù các thể chế quyền hành trong đời không sao thay đổi được xã hội, nếu chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta trở thành con cái của Ngài và là công dân trong nước trời, một nước không hề rung động và sẽ tồn tại cho đến đời đời, dù thế giới này có bị tiêu diệt và tận thế chăng nữa.