Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Thứ Ba 12/04/22

• Êsai 49:1-7
• I Côrinhtô 1:18-31
Giăng 12:20-36
• Thi Thiên 71:1-14

20 Lúc ấy, trong số những người đi lên thờ phượng vào dịp lễ có vài người Hi Lạp. 21 Những người nầy đến với Phi-líp, là người ở thành Bết-sai-đa, thuộc miền Ga-li-lê, và nói rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Đức Chúa Jesus.” 22 Phi-líp đi nói với Anh-rê; rồi Anh-rê cùng Phi-líp đến thưa với Đức Chúa Jesus. 23 Đức Chúa Jesus đáp: “Giờ Con Người được tôn vinh đã đến. 24 Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, thì nó vẫn chỉ là một hạt thôi; nhưng nếu chết đi, thì được kết quả nhiều. 25 Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai ghét mạng sống mình trong đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Nếu ai phục vụ Ta, thì phải theo Ta; và Ta ở đâu, thì người phục vụ Ta cũng sẽ ở đó. Nếu ai phục vụ Ta, thì Cha Ta sẽ tôn quí người.

27 "Bây giờ linh hồn Ta phiền não. Ta sẽ nói gì đây? ‘Cha ơi, xin cứu Con khỏi giờ nầy! Nhưng cũng chính vì giờ nầy mà Con đã đến. 28 Cha ơi, xin hãy tôn vinh danh Cha!’ “ Lúc ấy có tiếng từ trời phán rằng: “Ta đã tôn vinh rồi, Ta sẽ còn tôn vinh nữa.” 29 Đoàn người đứng tại đó nghe được tiếng ấy, thì nói: “Đó là tiếng sấm”. Một số khác lại bảo: “Ấy là một thiên sứ nói chuyện với Ngài.” 30 Đức Chúa Jesus nói: “Không phải vì Ta mà tiếng nầy vang ra đâu, nhưng vì các ngươi. 31 Bây giờ là lúc thế gian bị phán xét, và kẻ cai trị thế gian nầy sẽ bị truất phế. 32 Còn Ta, khi Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta.” 33 Ngài nói vậy, để chỉ cho thấy Ngài sẽ chết cách nào. 34 Đoàn dân thưa rằng: “Chúng tôi có nghe luật pháp nói Đấng Christ còn đời đời. Thế sao Thầy nói Con Người phải được treo lên? Vậy Con Người nầy là ai?” 35 Đức Chúa Jesus đáp: “Ánh sáng còn ở với các ngươi ít lâu nữa. Hãy bước đi trong lúc các ngươi còn có ánh sáng, e bóng tối thình lình phủ vây các ngươi. Người nào đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu. 36 Trong lúc đang có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để các ngươi trở nên con của ánh sáng.”

Sau khi nói như vậy, Đức Chúa Giê-xu đi, và tránh khỏi họ.

Có lần tôi nhận được một cú điện thoại, tôi đang không biết ai ở đầu dây bên kia, thì người ấy nói rằng tôi có nhận chia sẻ cho ban nữ giới của họ vào Chúa nhật sắp đến. Hôm đó đã là thứ năm rồi. Tôi hỏi lại ban nữ giới của họ ở đâu. Cô ấy trả lời và tôi hoàn toàn không có khái niệm gì cả. Sau đó, cô hỏi lại có phải tôi là bà …. không. Thì ra họ đã nhầm điện thoại tôi với một bà khác, có cái tên giống tôi, chỉ khác dấu mà thôi.

Câu truyện này giống như khi chúng ta đọc Giăng 12. Dân Y sơ ra ên nghênh đón Chúa Jesus vào thành Giêrusalem như vị vua, rồi họ phát hiện ra mình nhầm. Chúa Jesus không phải là vị vua mà họ chờ đợi. Chúa vào thành Giêrusalem như một Đấng Mêsia, họ hoan nghênh Chúa như Đấng Mêsia, nhưng Mêsia họ mong không phải giống như Mêsia Jesus. Thế nên đến cuối tuần, những người từng hô to ủng hộ Chúa Jesus như Đức Vua đã hét lên: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi” (Giăng 19:15).

Trên thực tế, Chúa Jesus đã bị họ giả bộ thờ phượng cách châm biếm như “Vua dân Y sơ ra ên” (Math 27:29,37,42; Mác 15:32; Luca 23:36-38; Giăng 19:3, 14,19).

Đây là một bi kịch đối với dân Y sơ ra ên, nhưng lại là một phước hạnh đối với Dân Ngoại. Người Hy lạp là người ngoài, không dính dáng chi đến phước hạnh Chúa hứa cho dân Y sơ ra ên. Tất nhiên, Dân Ngoại chỉ có thể hưởng phước hạnh như người Do Thái nếu họ tin nhận Chúa, chứ không thể nhận phước hạnh như Dân Ngoại.

Chính sự nhầm lẫn về lý lịch của Chúa - họ từ chối không nhận Ngài là Đấng Mêsia - đã mở toang cánh cửa cho Dân Ngoại hưởng phước của người Do Thái trong tư cách của Dân Ngoại. Sai lầm của Y sơ ra ên đau đớn với người Do Thái, nhưng lại là phước hạnh với Dân Ngoại.

Toàn bộ vấn đề này nằm trong khúc Kinh Thánh hôm nay.

Nào chúng ta cùng khám phá Lời Chúa với nhau nhé.

20 Lúc ấy, trong số những người đi lên thờ phượng vào dịp lễ có vài người Hi Lạp. 21 Những người nầy đến với Phi-líp, là người ở thành Bết-sai-đa, thuộc miền Ga-li-lê, và nói rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Đức Chúa Jesus.” 22 Phi-líp đi nói với Anh-rê; rồi Anh-rê cùng Phi-líp đến thưa với Đức Chúa Jesus.

Trong đoạn 12 này, chúng ta thấy có Chúa Jesus, Giuđa kẻ phản Chúa, 12 môn đồ, những người bạn thân của Chúa Jesus (kể cả Laxarơ, Mari, Mathê), những người đến từ Galilê và vài nơi khác nữa. Còn có những người hành hương từ xa đến Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua, dân Giêrusalem và Giu đê, có những người chứng kiến sự sống lại của Laxarơ và cả những người chống đối Chúa Jesus (thầy tế lễ cả, các thầy ký lục và người Pharissi), và bây giờ là những người Hy lạp.

Mời bạn đọc lại câu 19: “kìa, cả thiên hạ đều chạy theo người! ” lời họ nói đúng quá phải không?

Nhiều người thắc mắc không biết những người Hy lạp này là ai. Có lẽ họ là những người đến thành Giêrusalem để thờ phượng. Họ không những muốn thấy Chúa Jesus mà còn muốn được trò chuyện với Ngài nữa. Trong khi đang ở tại Giêrusalem, những người Hy lạp này nghe đồn về những điều Chúa Jesus làm trong những ngày qua như chữa lành người mù từ lúc mới sinh (đoạn 9). Có lẽ họ cũng nghe đồn về việc Chúa kêu Laxarơ sống lại, có thể họ cũng có gặp Laxarơ.

Và có lẽ họ muốn nói chuyện trực tiếp với Chúa Jesus để hỏi cho biết làm sao có mối quan hệ với Ngài khi họ là người Hy lạp. Có thể họ biết Philíp và Anhrê có tên Hy lạp. Giăng đã cho biết chi tiết Philíp người ở Bếtsaiđa (c.21). Trong số các sứ đồ, nếu có ai dễ cảm thông với người Hy lạp thì người thích hợp nhất là Philíp. Philíp không biết xử lý làm sao nên đi hỏi ý Anh rê. Rồi cả hai ông tìm cách đến gần Chúa Jesus để báo cho Ngài biết nguyện vọng của những người Hy lạp.

1. Câu trả lời gây bối rối

(12:23-26)

Đức Chúa Jêsus bèn đáp rằng: Giờ đã đến, khi Con Người sẽ được vinh hiển. 24 Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều. 25 Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời. 26 Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người”.

Tôi không biết Philíp đoán Chúa Jesus sẽ làm gì, nhưng tôi cho rằng điều Chúa làm không hề có trong tư tưởng Philíp. Có vẻ như Chúa Jesus tránh né yêu cầu của những người Hy lạp. Ai trong chúng ta đã có con rồi thì sẽ cảm thông với Philíp. Chúng ta nói chuyện một thôi một hồi với con, cố làm cho nó hiểu, rồi mình chưng hửng khi hỏi nó điều gì đó có liên quan tới những gì mình nói nãy giờ. Nhìn cái mặt nó ngơ ngác thấy thương, hoặc nó đáp lại một câu không ăn nhập chi cả.

Có thể đây là phản ứng của Philíp khi nghe câu nói của Chúa Jesus. Tuy nhiên, trường hợp này không như vậy. Vì trong câu 23, Giăng cho biết khi Anhrê và Philíp đem yêu cầu của người Hy lạp tới thì Chúa nói như vậy.

Chúa Jesus đưa ra một nguyên tắc cơ bản: kết quả không do nỗ lực của ai đó muốn cứu mạng sống mình, nhưng do nơi sự sẵn sàng hi sinh của người ấy.

Chúa Jesus dùng hình ảnh của nhà nông để thính giả dễ hiểu. Ta có thể để dành hột giống, gìn giữ nó khỏi hư, nhưng làm như vậy sẽ không thu hoạch được gì cả. Mặt khác, nếu cũng hột giống đó đem chôn xuống đất, khiến nó chết đi thì chính “cái chết” của hột giống sẽ sinh lợi.

Khi nói như vậy, Chúa Jesus đang nói về chính Ngài và cái chết sắp đến của mình. Chúa muốn nói rằng Ngài sắp chết, và bởi cái chết đó sẽ có nhiều sự sống. Ngài không thể làm Cứu Chúa của thế gian nếu trước hết Ngài không chết đi.

Khi Chúa vào thành Giêrusalem, những người tung hô HÔSANA (nghĩa là xin hãy cứu ngay) không hiểu Chúa chỉ có thể cứu người ta khi hi sinh mạng sống của mình để chịu thay hình phạt của tội nhân. Chính cái chết của Ngài mới cứu, chứ không phải việc đăng quang làm Vua. Chính sự khước từ của người Do Thái mới đem lại kết quả, chứ không phải sự chấp nhận của họ đối với Chúa.

Chúng ta không hiểu chuyện này thì liên quan gì tới người Hy lạp, đúng không? Người Hy lạp muốn gặp Chúa, mà tại sao Chúa lại nói Ngài cần phải chết?

Theo tôi học hỏi, có 2 lý do:

Thứ nhất, cho dù là Do Thái hay Hylạp, cái chết thay cho tội nhân của Chúa Jesus Christ là cách duy nhất để đem sự cứu rỗi. Người Hy lạp có tìm Chúa như Ngài là Cứu Chúa hay không? Ngài trả lời là: để thành Cứu Chúa của họ, Ngài phải chết.

Thứ hai, để người Hy lạp được cứu khi vẫn là người Hy lạp thì người Do Thái phải khước từ Chúa là Đấng Mêsia, để Phúc Âm được công bố rộng rãi ra cho Dân Ngoại. Điều này đúng theo Kinh Thánh trong:

- Math 10:5-6: “5 Đức Chúa Giê-xu sai mười hai sứ đồ nầy đi, và dặn rằng: “Đừng đi vào vùng dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri; 6 nhưng tốt hơn, hãy đến với những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên.

- Rôma 1:16: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp.

- 2:9-10: “Hoạn nạn và khốn khổ sẽ giáng xuống cho mọi người làm ác, trước cho người Do Thái, sau cho người Hi Lạp. 10 Nhưng vinh quang, tôn trọng và bình an sẽ ban cho mọi người làm lành, trước cho người Do Thái, sau cho người Hi Lạp.

Bạn có thắc mắc vì sao Chúa không gặp người Hi lạp lúc này không?

Vì còn sớm quá, chưa phải lúc. Bấy giờ là lúc Ngài phải chết trên thập tự giá trên đồi Gôgôtha trước đã. Lúc ấy chưa phải lúc công bố Phúc Âm khắp nơi để nhiều người Dân Ngoại quay lại tin Chúa. Ngay bây giờ, Chúa Jesus không được phép quên mục tiêu của Ngài - chết trên thập tự giá rồi được vinh danh. Chúng ta có thể đọc tiếp trong câu 27-33.

Hột giống phải chết đi, trước khi sản sinh ra sự sống. Nguyên tắc tổng quát này áp dụng cho những người theo Chúa. Xin xem câu 25-26.

Ai muốn theo Chúa Jesus phải làm theo nguyên tắc y như Ngài. Muốn phục vụ Chúa thì phải theo Ngài. Để theo Ngài, phải làm y như Ngài đã làm. Nếu họ làm như vậy, chịu khổ và chết, họ sẽ được Cha Ngài tôn quý y như Cha đã tôn quý Con.

2. Nỗi buồn (12:27-33)

"Bây giờ linh hồn Ta phiền não. Ta sẽ nói gì đây? ‘Cha ơi, xin cứu Con khỏi giờ nầy! Nhưng cũng chính vì giờ nầy mà Con đã đến. 28 Cha ơi, xin hãy tôn vinh danh Cha!’ “ Lúc ấy có tiếng từ trời phán rằng: “Ta đã tôn vinh rồi, Ta sẽ còn tôn vinh nữa.” 29 Đoàn người đứng tại đó nghe được tiếng ấy, thì nói: “Đó là tiếng sấm”. Một số khác lại bảo: “Ấy là một thiên sứ nói chuyện với Ngài.” 30 Đức Chúa Giê-xu nói: “Không phải vì Ta mà tiếng nầy vang ra đâu, nhưng vì các ngươi. 31 Bây giờ là lúc thế gian bị phán xét, và kẻ cai trị thế gian nầy sẽ bị truất phế. 32 Còn Ta, khi Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta.” 33 Ngài nói vậy, để chỉ cho thấy Ngài sẽ chết cách nào.”

Giăng lướt qua cơn đau đớn của Chúa Jesus trong vườn Ghếtsêmanê. Nỗi đau này được diễn tả trong Thi Thiên 22, Math 27:46 và Mác 15:34 “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?

Từ cảnh tượng trong vườn Ghếtsêmanê, chúng ta tưởng rằng Chúa chỉ đau đớn có một lần, nhưng qua ký thuật của Giăng thì có hai lần, và biết đâu có những lần khác nữa.

Những người Hi lạp xin gặp Chúa, Ngài không gặp vì chưa phải lúc để Phúc Âm đến với người Hi lạp như chính họ. Yêu cầu của người Hi lạp đã khiến chúng ta thấy được nỗi đau của Chúa trước khi lên thập tự giá. Đó không phải là hình ảnh đẹp đẽ gì, Chúa Jesus biết rõ điều này vì Ngài là Đấng Toàn tri mà. Do biết trước Đức Chúa Cha sẽ quay lưng với mình, Chúa thấy thống khổ vô cùng.

Chúa có thể xin Cha giúp Ngài thoát khỏi giờ đau đớn đó. Nhưng mục đích của Chúa Jesus đến trần gian để chết, để những tội nhân bị định tội chết có thể sống đời đời. Vì thế Ngài không hề xin được giải thoát khỏi điều Cha sai Ngài đến để làm. Chúa Jesus chỉ nói: “Cha ơi, xin hãy tôn vinh danh Cha!

Ngài sẽ được vinh danh bởi cái chết của Ngài trên thập tự giá. Dường như có sự đáp lời từ trên trời sau khi Chúa Jesus phó thác chính Ngài theo ý Cha. Chúng ta dễ bỏ qua tầm quan trọng của việc Chúa Cha loan báo cho con người.

Trong Phúc Âm chỉ có 3 lần Đức Chúa Trời phán với Con Ngài trước mặt phàm nhân:

(1) Lúc Chúa Jesus chịu báp tem (Math 3:17; Mác 1:11; Luca 3:22)

(2) Lúc Chúa Jesus hóa hình (Math 17:5; Mác 9:7; Luca 9:35-36)

(3) Tại đây trong Giăng 12.

Trong 2 lần trước, dường như chỉ có vài người nghe được tiếng của Đức Chúa Trời. Nhưng lần này thì tại đền thờ Giêrusalem nơi có một đám đông đang tụ họp.

Bạn nhớ lại đi.

Chúa Jesus mới vừa khiến cho mắt một người mù từ lúc mới sinh được sáng. Rồi Chúa cứu sống một người đã chết 4 ngày rồi. Con người mới sống lại này còn đi quanh trong thành, ai cũng thấy. Rồi Chúa Jesus cưỡi lừa vào thành, người ta tung hô “Vua dân Y sơ ra ên”. Dường như chừng đó việc còn chưa đủ, khi Chúa Jesus đề cập đến cái chết, Đức Chúa Cha đã nói Amen từ trên trời khiến người nghe lạnh sống lưng.

Xin hỏi, còn điều gì Chúa Cha chưa làm để thuyết phục loài người rằng chính Jesus là Đấng Mêsia, Cứu Chúa của nhân loại?

Ai cũng nghe, nhưng không phải ai cũng hiểu giống nhau.

Người nào từ khước Chúa thì nghe như tiếng sấm. Sấm giữa trời quang mây tạnh??

Còn ai tin thì biết là mình nghe cái gì đó, chớ không phải chỉ là tiếng sấm.

Họ không hiểu lắm lời mình nghe, dường như Đức Chúa Cha phán bằng thứ ngôn ngữ khác. Nên họ mới nói đó là thiên sứ đang nói chuyện với Chúa Jesus. Họ cũng không sai lắm, phải không? “Ngôi Lời” từ trời xuống đã nhận được “LỜI” từ trên trời.

Tôi với bạn chỉ còn biết thắc mắc “Sao Đức Chúa Cha lại phán với Chúa Jesus theo kiểu người ta nghe mà không hiểu chi?” Đã thế, Chúa Jesus còn nói với đám đông: “Không phải vì Ta mà tiếng nầy vang ra đâu, nhưng vì các ngươi. ”(c.30).

Thế điều Chúa Cha muốn mọi người biết là gì? Chúa Jesus nói trong câu 31-36. Thời điểm phán xét thế gian này tới nơi rồi (c.31 “Bây giờ là lúc thế gian bị phán xét, và kẻ cai trị thế gian nầy sẽ bị truất phế. ”). Sự phán xét thế gian khởi sự từ “kẻ cai trị thế gian” là Satan. Hắn ta sắp bị truất phế (c.31). Lúc đầu, cái chết của Chúa Jesus Christ có vẻ như là sự thất bại của Ngài. Cho đến khi Chúa Jesus phục sinh, Satan và những thế lực của phe hắn ăn mừng, tin rằng chúng thành công trong sự chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Nhưng thập tự giá không phải là chiến thắng của Satan, đó là thất bại của hắn. Thập tự giá đã tước mất quyền lực của hắn. Nếu sự phán xét sắp xảy ra cho “kẻ cai trị thế gian này”, thì những kẻ theo hắn và tất cả những “con cái” hắn cũng vậy (Giăng 8:42,44). Đó là lý do Giăng Báptít nói nhiều về sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời (Math 3:1-12).

Nền tảng của sự phán xét đối với Satan và thế gian là thập tự giá và cái chết sắp đến của Chúa Jesus: “Còn Ta, khi Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta.” 33 Ngài nói vậy, để chỉ cho thấy Ngài sẽ chết cách nào. ” (c.32-33). Giăng cho biết Chúa Jesus không phải chỉ nói rằng Ngài sắp chết, mà còn nói rõ sẽ chết cách nào. “Bị treo lên”.

Xin xem thêm trong Giăng 3:14 “Như Môi-se treo con rắn lên trong hoang mạc thể nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy”.

Cái chết của Chúa Jesus phải đúng thời điểm (Lễ Vượt Qua), đúng cách (đóng đinh trên thập tự giá) để làm ứng nghiệm những lời tiên tri trong Cựu Ước và mục đích của Đức Chúa Trời.

3. Đám đông hoang mang (12:34-36)

“Đoàn dân thưa rằng: “Chúng tôi có nghe luật pháp nói Đấng Christ còn đời đời. Thế sao Thầy nói Con Người phải được treo lên? Vậy Con Người nầy là ai?” 35 Đức Chúa Giê-xu đáp: “Ánh sáng còn ở với các ngươi ít lâu nữa. Hãy bước đi trong lúc các ngươi còn có ánh sáng, e bóng tối thình lình phủ vây các ngươi. Người nào đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu. 36 Trong lúc đang có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để các ngươi trở nên con của ánh sáng.”

Sau khi nói như vậy, Đức Chúa Giê-xu đi, và tránh khỏi họ.

Khó khăn mà đám đông đang gặp phải không khác mấy với kinh nghiệm các tiên tri từng trải trong I Phierơ 1:10-12. Các tiên tri cũng từng vật vã với những tiên báo của mình, họ cố hiểu điều mình nói.

Làm sao mà Đấng Mêsia vừa là vua chiến thắng lại vừa là tôi tớ chịu khổ?

Làm thế nào Đấng Mêsia vừa là người - Con vua Đavít - vừa là chính Đức Chúa Trời?

Có những gút mắc chỉ khi lời tiên tri được ứng nghiệm mới giải tỏa được.

Vấn nạn trong khúc Kinh Thánh này là: điều Chúa Jesus dạy và lời các người Pharisi dạy.

Bạn thấy đó, đám đông không nói: “Chúng tôi đọc thấy nói Đấng Mêsia sẽ còn đời đời” mà họ nói “Chúng tôi có nghe luật pháp nói Đấng Christ còn đời đời”. Cho nên nan đề của họ là: họ tin ai? Họ sẽ nghe Chúa Jesus nói Ngài chính là Đấng Mêsia, hay họ tin lời người Pharisi?

Vì họ không thể vừa theo Chúa Jesus vừa theo người Pharisi.

Họ phải chọn một trong hai.

Điều cần nhớ là những lời kết thúc trong đoạn 12 là những lời công khai sau cùng của Chúa Jesus với người Do Thái. Theo sách Giăng thì từ đây trở đi, Chúa Jesus chỉ nói với môn đồ hoặc những người bắt và xử Ngài thôi. Chúa khuyên đám đông “bước đi trong ánh sáng”. Ngài là ánh sáng và Ngài không còn nhiều thời gian ở với họ nữa. Khi Chúa Jesus bị “treo lên”, sự tối tăm sẽ ụp đến trên họ nếu họ khước từ ánh sáng của Ngài.

Vì vậy, giờ là thời khắc khẩn cấp để họ lắng nghe Ngài là ánh sáng. Đây chính là giờ quyết định của họ.

Chúa đã nói hết những gì cần nói, không còn gì để nói thêm. Y sơ ra ên phải quyết định chọn tin lời người Pharisi hay sự dạy dỗ của Chúa Jesus. Chọn tin nơi một đầy tớ chịu khổ hay một Đấng Mêsia nắm binh quyền.

Bạn thân mến,

Sống trong cuộc đời, hàng ngày chen vai thích cánh với những con người coi trọng quyền lực, của cải vật chất, nhìn và đánh giá nhau dựa trên những gì tạm bợ và hào nhoáng. Bạn và tôi dễ quên mục đích đời sống của mình.

Chúa Jesus không đến trần gian này để thi thố quyền hành, cũng không đến để thị oai với người khác. Bởi vì có sá gì đâu những điều đó, quá dễ cho Chúa chỉ cần phẩy tay một cái thì bao nhiêu quyền lực, quân đội, vũ khí tối tân đều ra tro. Ngài đến thật nhu mì, khiêm nhường, nhẹ nhàng đến mức con người không tưởng tượng nổi. Ngài đến để hi sinh.

Chúa không gởi tôi với bạn đến Trái Đất này để xênh xang áo xống, để lên xe xuống ngựa, để so đo với nhau từng chiếc áo cái quần. Ngài gởi những con cái yêu dấu của Ngài đến trần gian để giới thiệu tình yêu đời đời của Chúa và sống cuộc đời yêu thương những con người Chúa đã chết thay.

Xin đừng để Chúa thất vọng vì sự gởi gắm này bạn nhé.

Lời cầu nguyện

Chúa ơi,

Cho dù con có từ bỏ bao nhiêu điều trong Mùa Thương khó này cũng chẳng đáng gì so với những điều Chúa ban cho. Con không thể làm được điều Chúa làm. Những hành động nhỏ nhoi của con chỉ như những cánh hoa dại so với mênh mông cánh đồng thương xót thuộc về Ngài.

Xin Chúa lắng nghe lời tạ ơn của con, lời tôn xưng rằng Ngài mới chính là lẽ thật, là Đấng chuẩn bị sẵn cho con một chỗ dù con thiếu thốn hay dư thừa.

Cảm tạ ơn Chúa vì sự hi sinh cao cả của Con Một Ngài là Jesus, để con biết rõ rằng dù thế gian có cám dỗ con đến mức nào thì Chúa cũng sẽ cho con đủ sức chống lại. Con cầu xin trong Danh Chúa Jesus Christ, Amen.