Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Thứ Năm 14/04/22

• Xuất 12:1-4, (5-10), 11-14

• I Côrinhtô 11:23-26

• Giăng 13:1-17, 31b-35

Luca 22:49-51

Kinh Thánh: Luca 22:49-51 “ Những người ở với Ngài thấy việc sắp xảy ra liền nói: “Thưa Chúa, chúng con nên dùng gươm đánh chăng?” 50 Một người trong số họ đánh đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm và chém đứt tai bên phải. 51 Nhưng Đức Chúa Giê-xu phán: “Thôi! dừng lại!” Rồi Ngài chạm vào tai đầy tớ ấy mà chữa lành cho anh.

Lúc này là nửa đêm tại Ghếtsêmanê.

Chúa Jesus đang cầu nguyện một mình. Từ xa các môn đồ thấy những ánh lửa lập lòe khi một đám lính đang vượt trũng Kít rôn do Giuđa dẫn đầu.

Sự việc xảy ra quá nhanh, nói vài ba câu, một cái hôn vội trên má rồi toán lính bước tới dắt Jesus đi. Trong cơn hoảng loạn của buổi chập choạng, Phierơ thấy mình phải làm cái gì đó để bảo vệ thầy. Tóm lấy cây gươm, huơ lên, không nhắm vào ai. Lưỡi gươm hạ xuống trúng đích, nhưng không theo ý của Phierơ.

Nếu muốn dọa bọn lính, hành động này không kết quả. Nếu muốn khơi mào cho những bạn hữu thì suýt thành công nếu Chúa Jesus không lên tiếng.

Phierơ đã chém đứt tai đầy tớ thầy trưởng tế. Thế là anh chàng té xuống đất miệng la bài hãi vì đau. Máu phun ra xối xả từ chỗ trước đó là vành tai của anh. Bọn lính tính tuốt gươm, sẵn sàng thanh toán Phierơ. Nhưng trước khi sự việc diễn biến ngoài vòng kiểm soát, Chúa Jesus rờ tai anh chàng bị thương, chữa lành ngay lập tức. Vậy là khủng hoảng kết thúc.

Chắc chắn việc này gây ấn tượng mạnh cho các môn đồ, vì cả 4 sách Phúc Âm đều ghi chép. Chỉ riêng Giăng ghi rằng chính Phierơ vung gươm và Man chu là tên anh đầy tớ. Còn Luca thì ghi Chúa Jesus chữa lành cái tai cho Man chu.

Ngày nay khi nghĩ đến chuyện xảy ra đêm hôm ấy, chúng ta hay nhớ đến chuyện phản thầy để thầy bị bắt, còn môn đồ thì không bao giờ quên chuyện cái tai của Man chu. Nếu chuyện ấy quan trọng với Mathiơ, Mác, Luca và Giăng; nếu Hội Thánh đầu tiên cũng không quên chuyện này thì chắc chắn phải có bài học quan trọng cho chúng ta.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Một môn đồ của Chúa Jesus Christ sẽ phản ứng thế nào khi mọi sự đều mất? Chúng ta sẽ làm gì khi mơ ước của mình biến mất trong bóng đêm? Câu truyện ngắn này có thể cho bạn và tôi vài bài học.

Chúng ta cùng học nhé.

Khi mọi sự đều mất, chúng ta

1. Không để cho giận dữ bốc đồng bùng phát.

Chúng ta có thể hiểu lý do phản ứng của Phierơ. Bối rối trước việc thầy mình bị bắt giữ giữa đêm, nên ông nảy ra ý định phản kháng. Ai dám trách ông ấy? Theo Luca 22:38, môn đồ đem theo họ 2 lưỡi gươm. Phierơ chụp một thanh gươm rồi huơ lên, kết quả cái tai của Manchu rơi xuống. Tôi nghĩ ông Phierơ muốn chém đầu Manchu, nhưng cử động không đúng, góc nhắm cũng trật, còn Manchu đâu đứng yên, nên cái tai của Manchu mới lãnh đủ.

Tất cả là hậu quả của nỗi sợ, cơn giận và sự tuyệt vọng mà Phierơ phản ứng khiến đầy tớ của thầy trưởng tế thành mục tiêu. Toàn bộ câu truyện này đều có ý nghĩa. Có lẽ các môn đồ đều nghĩ thầm: đến lúc phải hành động rồi đây. Và tất nhiên với một thủ lãnh thiên về cảm xúc, thường làm trước nghĩ sau như Phierơ thì việc ông huơ gươm không có gì lạ.

Nếu có thể diễn tả hài hước một chút thì đây là cách hành động của Phierơ:

CHUẨN BỊ - BẮN - NGẮM.

Không biết bạn có chợt nhớ tới lời ông Gia cơ viết trong Giacơ 1:19-20 không? “19 Thưa anh em yêu dấu của tôi, anh em phải biết điều nầy: Mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận; 20 vì cơn giận của loài người không thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời.

Chậm giận. Bao nhiêu người trong chúng ta có thể làm được như vậy? Ngó bộ hơi ít, phải không bạn? Thường thì cơn giận của tôi với bạn và sự công chính của Đức Chúa Trời đi ngược hướng với nhau.

Có một nhà tư vấn Cơ đốc nói thế này: khi mình thấy giận, hãy tự hỏi -> Mình sợ cái gì? Đa số cơn giận của chúng ta là do mình sợ không kiểm soát được tình hình.

Thí dụ mình đang lái xe trên đường. Mình không hề nổi giận khi mọi người đường ai nấy đi. Nhưng khi có trục trặc, như đêm đó lúc bọn lính đến bắt Chúa….

Mọi người hết hồn. Chỉ có một bước rất ngắn từ sợ hãi đến giận dữ và từ giận dữ đến đủ thứ tội ác.

Khi mọi sự đều mất, chúng ta

2. Chọn thua thay vì thắng bằng bạo lực.

Ngày nay tư tưởng thua cuộc không hợp thời cho lắm. Rõ ràng đối với người VN tư tưởng thua cuộc không hề dễ chịu chút nào. Ai trong chúng ta cũng muốn thắng: thắng trong cuộc thi hoa hậu, thắng trong cuộc thi đấu thể thao - dù đôi lúc phải ngậm ngùi: thua trong thế thắng! Thậm chí thi đấu thể thao giữa các ban thanh thiếu niên các Hội Thánh cũng mang tư tưởng phải thắng. Đã có lần một ban nào đó thuê cả người ngoài vào đấu để mong thắng lợi!

Còn các môn đồ của Chúa Jesus thì sao? Trong vương quốc của Chúa Jesus, thang giá trị của trần gian bị lật ngược.

Vì ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”Math 16:25

mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta”Luca 9:23

Một người nếu được cả thế gian mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Mác 8:36

Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm cuối và làm đầy tớ cho mọi người. ” Mác 9:35

Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất” Giăng 12:25

Ai vì Ta và Tin Lành mà mất mạng sống, thì sẽ cứu được mạng sống mình. ” Mác 8:35

Đôi lúc khi theo Chúa Jesus bạn muốn thắng thì phải chịu thua. Đó là ý Chúa Jesus khi phán với Phierơ “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm, thì sẽ bị chết bởi gươm” Math 26:52.

Bạo lực không làm cho nước Chúa phát triển. Chúng ta không thể hoàn tất công việc Chúa bằng cách bắt ép người khác khiến họ khuất phục. Khi áp dụng phương cách bạo lực, có thể chúng ta đạt được kết quả tạm thời, nhưng rồi mọi sự sẽ bật ngược vì dùng bạo lực nghĩa là chúng ta không tin tưởng Chúa. Nếu tin tưởng Chúa, chúng ta sẽ không làm theo ý mình.

Con tưởng rằng Ta không thể xin Cha và Ngài sẽ lập tức sai đến cho Ta hơn mười hai quân đoàn thiên sứ hay sao? ”Giăng 12:53.

12 quân đoàn nghĩa là 72.000 thiên sứ. Theo bạn, 72.000 thiên sứ có chống lại nổi một nhúm lính đến bắt Chúa Jesus đêm ấy không? Nếu Chúa Jesus có thể có số thiên sứ đông đảo như vậy, vì sao Ngài không dùng?

Câu 54 chép Chúa không xin số thiên sứ ấy, vì để ứng nghiệm kế hoạch của Đức Chúa Trời, việc bắt giữ Ngài phải xảy ra.

“việc nầy phải xảy ra như vậy?”Chúa Jesus phán.

Chúng ta không nên phán xét Phierơ khi ông không hiểu lời này. Lúc này đã nửa đêm. Ông mệt mỏi, hoang mang, đuối sức, ngã lòng, rối trí, tức giận và trong cơn tuyệt vọng ông muốn làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, để giải thoát Ngài.

Nhưng Chúa Jesus không cần ông giúp.

Ngài không muốn được giải thoát.

Chúa Jesus có thể tự lo.

Chuyện có vẻ như lộn xộn lại là kế hoạch của Đức Chúa Trời nhằm đem sự cứu rỗi đến cho trần gian.

Khi cái ác dường như thắng thế, Chúa Jesus lặng lẽ vâng phục, biết rằng cuối cùng ý chỉ của Đức Chúa Trời phải được thực hiện.

MS J. C. Ryle viết như vầy: “Ngài chết không phải vì không tránh được; không phải vì không trốn được nên mới chịu khổ. Toàn bộ quân lính của Phi lát không thể bắt được Ngài, nếu Ngài không để yên cho bắt. Họ không thể đụng đến một sợi tóc của Ngài, nếu Ngài không cho phép.

Có một bài thánh ca rất dễ hát, tựa đề “” VỮNG TIN NƠI CHÚA” số 747. Chúng ta “sẽ không lo hay sợ, dẫu giữa khổ đau, đêm tối hay trời sáng tươi; vì Jesus cùng với tôi đi suốt đời, Chúa dắt dẫn tôi qua mỗi nẻo đường khó nguy…

Khi chúng ta vì Chúa mất quyền lực, mất ý nghĩa, mất danh tiếng, mất của cải trong thế gian này và tất cả những gì chúng ta cho là quan trọng thì sự mất vì Chúa là một phước hạnh mà thế gian này không hiểu và không thể so sánh được.

Khi mọi sự đều mất, chúng ta

3. Hoàn toàn dựa trên năng lực siêu việt của Chúa thay vì năng lực nhỏ nhoi của mình.

Thỉnh thoảng chúng ta phải buông bỏ. Không dễ làm đối với nhiều người trong chúng ta. Buông bỏ không có nghĩa là bỏ cuộc. Nó không có nghĩa chúng ta ngồi yên để người ta lợi dụng mình.

Buông bỏ nghĩa là bỏ đi quyền luôn nắm quyền kiểm soát.

Buông bỏ nghĩa là thừa nhận mình không luôn là tâm điểm.

Buông bỏ nghĩa là chọn không lạm dụng người khác.

Buông bỏ nghĩa là thừa nhận không phải lúc nào cũng có câu trả lời.

Buông bỏ nghĩa là giao thác cảm xúc cuồng nộ cho Chúa.

Buông bỏ nghĩa là từ bỏ vị trí đứng đầu trong mọi việc.

Thử đặt câu hỏi: Đức Chúa Trời có thể khiến mọi sự khác đi cho Chúa Jesus không? Câu trả lời là CÓ. Vì Ngài là Đức Chúa Trời mà. Ngài có thể khiến mọi sự xảy ra bất cứ cách nào. Nhưng trong trường hợp này, Đức Chúa Cha muốn Con Ngài phải chết.

Êsai 53:10 “Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm”. (“Nhưng CHÚA bằng lòng để người bị chà đạp và đau đớn” - Bản Dịch 2002).

Vậy là Chúa Jesus phải chết.

Bạn cứ suy nghĩ câu này một lúc đi, bạn sẽ hiểu tại sao Chúa Jesus không phản kháng. Ngài biết không có sự chết của Ngài, thế gian này sẽ hư mất. Vì vậy, để đạt được mục đích vĩ đại hơn của Đức Chúa Trời, Chúa Jesus cam chịu cảnh bị đám đông gào thét, bị vu oan, bị đánh đập tàn nhẫn và chịu cái chết sỉ nhục trên thập tự giá.

Ngày Thứ Sáu Tốt lành luôn tới trước Chúa nhật Phục sinh. Sẽ không có phục sinh nếu không bị đóng đinh trên thánh giá và không có đường tắt nào dẫn đến vinh quang.

Hành động thô lỗ của Phierơ xuất phát từ tình yêu thương tuyệt vọng, nghĩa là ông ấy vẫn chưa hiểu rằng Chúa Jesus phải chết. Thế nên ông mới phải nhờ đến thanh gươm để bảo vệ Con Đức Chúa Trời.

Khi mọi sự đều mất, chúng ta

4. Ban phát tình yêu chữa lành của Chúa Jesus cho người gây tổn thương cho mình.

Sau khi Chúa Jesus quở trách Phierơ vì tấn công người đầy tớ, Ngài thực thi một phép lạ bất ngờ. Ngài phục hồi vành tai của anh ta.

Luca 22:51 => “Rồi Ngài chạm vào tai đầy tớ ấy mà chữa lành cho anh.

Đây là điều bất ngờ vì Chúa Jesus chữa lành cho người tham gia nhóm người đến bắt Ngài. Có lẽ việc này xảy ra nhanh lắm. Phierơ chém, cái tai văng ra, máu tuôn xối xả. Jesus quở trách Phierơ. Ngài đưa tay ra, sờ vào chỗ trước đây có cái tai bây giờ đang chảy máu, đột nhiên cái tai được phục hồi.

Phierơ làm điều mà tất cả chúng ta đều muốn làm khi bị thương tổn và sợ hãi.

Đánh trả!

Làm cho huề!

Khiến ai đó trả giá!

Khiến họ chịu y như mình bị!

Dù như vậy, trong trường hợp này nếu mình trả đũa thì thật điên rồ. Tại sao lại chém đầy tớ thầy Trưởng tế? Anh ta chỉ làm điều anh ta được sai phái. Nhưng chém đứt tai anh ta cũng không làm cho bọn lính thả Chúa ra. Và nếu Chúa không chữa lành cái tai bị thương kia, thì Phierơ đã chọc điên nhà chức trách. Thay vì làm cho việc tốt lên, ông chỉ làm mọi sự tệ hơn.

Chúa Jesus làm điều Con Đức Chúa Trời có thể làm. Ngài chữa lành kẻ đến gây tổn thương cho Ngài.

Nhưng nếu Phierơ thành công tối hôm đó thì sao? Nếu ông dẫn đầu đám môn đồ đánh cho tới người cuối cùng để bảo vệ Chúa Jesus? Không thể thành công, vì các lãnh đạo Do Thái có người La mã chống lưng.

Nhưng giả dụ Phierơ thành công trong việc bảo vệ Chúa Jesus, Ngài sẽ không lên thập tự giá, kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời thất bại. Sẽ không có Tuần Lễ Thương Khó, không có Thứ Sáu Tốt lành và không có Phục sinh.

Tôi và bạn cũng không ngồi đây để đọc những lời này.

Đây đúng là phép lạ bị lãng quên trong mùa Phục sinh. Cũng là phép lạ cuối cùng chữa lành thân thể mà Chúa Jesus làm. Nhưng qua đó chúng ta thấy được tấm lòng của Ngài.

Khi quân thù đến bắt, Ngài không kháng cự.

Khi họ bị thương, Ngài chữa lành cho họ.

Ngài bị dẫn đi để chịu chết cho chính những kẻ muốn giết Ngài.

Ngài không sử dụng quyền lực thiên thượng để tránh khỏi móng vuốt của họ.

Ngài chỉ sử dụng năng quyền của Ngài để chữa lành những kẻ bị môn đệ của Ngài gây tổn thương.

Thật là một Cứu Chúa tuyệt vời. Nguyện Danh Chúa được vinh hiển đời đời.

Amen.