Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

Kinh Nghiệm Tin Chúa

Điều có từ ban đầu là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm, chính là Lời Sống; (vì sự sống đã thể hiện, chúng tôi đã thấy, đã làm nhân chứng và minh chứng cho anh em sự sống vĩnh hằng ấy, vốn ở với Cha, đã minh khải cho chúng tôi). Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em để anh em cũng tương giao với chúng tôi, thực sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha và với Cứu Chúa Giê-xu là con.

1 Giăng 1:1-3

Trong câu Thánh Kinh này Sứ Đồ Giăng cho biết một trong những mục tiêu viết lá thư này. Chúng ta đã biết lí do căn bản là ”để cho niềm vui được đầy trọn.” Muốn cho niềm vui được đầy trọn trong trần gian này thì cốt yếu là phải kinh nghiệm một cuộc tương giao hay thông công, hay chia sẻ sự sống với Chúa.

Chúng ta sẽ đi vào một trong những chủ đề căn bản của toàn lá thư. Đây cũng là chủ đề lớn trong toàn bộ Kinh Tân Ước. Chủ đề này thực sự là sâu nhiệm nhất và khó nhất trong các chủ đề của Tân Ước. vì đây chính là cốt lõi của sứ điệp Tân Ước. Nhưng chính chủ đề này cũng là điều mà kẻ thù của linh hồn chúng ta thường khiến cho người thời xưa cũng như hiện này hiểu lầm và giải thích không chính xác.

Có thể nói, theo một ý nghĩa, tất cả các chủ đề khác đều dẫn đến chủ đề này; tất cả các khía cạnh, các mặt của chân lý cuối cùng đều đưa chúng ta đối diện với điều mà chúng ta đang tìm kiếm ở đây.

Đây là một chủ đề lớn, và không ai dám có ý định vội vàng nghiên cứu nhanh chóng. Chủ đề này có nhiều phần, và chúng ta chỉ lưu ý đến một phần mà thôi.

Ta tưởng tượng khi viết thư này, tác giả Sứ Đồ Giăng đã cao tuổi, gần cuối cuộc đời viết để lại cho những người ông thương mến trong Chúa. Những người này có thành phần lão niên, trung niên, có những bạn trẻ. Tác giả chia họ ra làm ba lớp, bậc phụ lão, thanh niên và con trẻ. Tác giả biết rõ xã hội họ đang sống, vì ông cũng sống ở đó, ông là người từng chịu rất nhiều thách thức khổ sở. Ông biết họ phải chịu đựng với những áp lực nào, các cuộc chiến đấu họ phải tham gia và ông giúp họ với những lời khuyên thiết thực. Ông bảo ngay cho họ biết là ông có một sứ điệp rất khác lạ để truyền cho họ.

Sứ đồ cho họ biết điều chắc chắc về việc ra đời chịu khổ và phục sinh của Chúa Cứu Thế, việc kế tiếp mà ông chú trọng là mục đích Con Đức Thượng Đế vào đới như vậy là để cho những người tin Ngài ân huệ quý giá là đời sống vĩnh hằng. Chữ vĩnh hằng đây ta đừng hiểu theo ý nghĩa về thời gian mà thôi, nhưng chính yếu là đời sống có giá trị thật. Cuộc đời trong trần gian này không những chỉ là tạm và giới hạn, nhưng nói về quan hệ đến cái chết, theo một ý nghĩa thì đó là một đời sống chết. Đời sống ở bên ngoài Thượng Đế không phải là sống, mà chỉ là tồn tại. Sống và tồn tại khác hẳn nhau.

Trong Phúc Âm Giăng 17:3 Chúa Giê-xu đã cầu nguyện thay cho dân Chúa rằng: ”Sự sống vĩnh hằng là họ được biết Cha là Chân Thần duy nhất, và Chúa Cứu Thế Giê-xu mà Cha đã sai đến trần gian.” Như thế sự sống vĩnh hằng là mối tương giao với Thượng Đế. Tách ra khỏi Thượng Đế thì đời sống thực sự chết, vì tất cả chúng ta đều được sinh ra trong tội lỗi, nên bẩm sinh là ở bên ngoài Thượng Đế. Chúng ta tồn tại, có mặt trên đời, nhưng tâm linh hoàn toàn chết, nghĩa là vô cảm với Thượng Đế. Nhưng sự sống vĩnh hằng là sự sống chân thật, đích thực. Đó là đời sống vô tận nhưng cũng là đời sống có phẩm chất khác hẳn, và là đời sống đúng nghĩa. Sứ Đồ Giăng bảo rằng,. sự sống vĩnh hằng ấy là dành cho tất cả những người nào tin nhận Chúa Giê-xu.

Điều đầu tiên Sứ Đồ Giăng phát biểu là: Tôi viết cho anh chị em các điều này để anh chị em cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm mà chúng tôi đã từng trải. Sứ Đồ Giăng nói rằng ông và các sứ đồ khác sau khi đã thấy, nghe, cảm xúc, đụng chạm, đã tin nhận Chúa Giê-xu và kinh nghiệm một điều mà ông muốn cho tất cả những ai tin Chúa đều kinh nghiệm.

Chúng ta sẽ phân tích kinh nghiệm của người tin Chúa một cách tổng quát rồi sau đó mới đi vào chi tiết.

1. Điều đầu tiên là: Người tin Chúa Giê-xu là những người biết mình sở hữu những gì.

Kinh nghiệm của người tin Chúa là một kinh nghiệm chắc chắn và có thật: ”Điều mà chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm.” Nếu những người tin Chúa không biết mình sở hữu những gì thì làm sao mong người khác cùng chia sẻ kinh nghiệm với mình được? Như vậy đây là khởi điểm: kinh nghiệm của người tin Chúa không thể nào là một điều mơ hồ, nghĩa là không thể không xác định và không chắc chắn được. Nhưng phải là một kinh nghiệm rõ rệt, và người tín đồ thật biết rõ như vậy. Người ấy phải biết mình đang sở hữu điều gì, không thể nào mập mờ về những chuyện xảy ra cho chính mình hay là lập trường của mình là gì. Sứ Đồ Giăng nói rằng: ”Tôi viết những điều này cho anh chị em để niềm vui của anh chị em được đầy trọn và để anh chị em cũng có thể chia sẻ những gì mà chính chúng tôi đã có. chúng ta không thể nào mời một người nào chia sẻ cái gì với mình nếu chính chúng ta không biết đích thực điều mà mình muốn người ấy chia sẻ.

Đây là điểm rất sơ đẳng và không cần giải thích nhiều. Nhưng không thể bỏ qua vì đây cũng là giáo lý mà nhiều người hay thắc mắc.

Sứ Đồ Giăng dường như khẳng định với mọi người rằng: những gì tôi viết đây không phải là tôi đang đi tìm nhưng tôi đã gặp, đã kinh nghiệm. Tôi sẽ không viết nếu chưa tìm được, và tôi chỉ muốn bạn đọc cũng có kinh nghiệm như tôi mà thôi. Sứ đồ Giăng không nói rằng: Tôi già rồi, tôi hi vọng rằng những gì tôi tin xưa nay sau khi chết tôi sẽ biết rõ. Không, Giăng nói rằng ông đã kinh nghiệm nên mới viết. Người tin Chúa không phải là những người trông mong được cứu rỗi, nhưng đã thực sự được cứu rỗi.

Một nửa những khó khăn trong đời sống tin Chúa của chúng ta và có thể nói hầu hết những thất bại trong việc chia sẽ kinh nghiệm là vì chưa biết rõ mình sở hữu những gì.

2. Người tin Chúa không những chỉ là những người biết mình sở hữu những gì, nhưng còn lo sao cho người khác cũng có được kinh nghiệm như mình.

Đây cũng là bằng chứng là họ chắc chắn đã sở hữu điềm mà họ muốn người khác chia sẻ. ”Những gì chúng tôi đã thấy và nghe, chúng tôi công bố cho anh chị em, tại sao vậy? ”Để anh chị em cũng có tương giao với chúng tôi.” Giăng muốn những người ông quen biết cũng có cùng kinh nghiệm như ống. Đây là bằng chứng đầu tiên chứng tỏ rằng những gì ông kinh nghiệm là có thật. Giăng cũng ngụ ý rằng những người đã thực sự có kinh nghiệm tin Chúa và nhận thức rõ về Chúa cũng phải mong ước người khác có cùng kinh nghiệm như mình.

Chúng ta đang đề cập đến các vấn đề rất sâu xa liên quan đến toàn bộ lập trường của người tin Chúa. Những người biết chắc rằng mình đang được chia sẻ sự sống với Đức Thượng Đế - nghĩa là những người biết mình vui vì lý do nào và được giải phóng ra khỏi những thứ tội lỗi nhằm đưa họ xuống chỗ hư hoại, những người đã nhìn thấy rõ vấn đề ngang qua cuộc sống này và những người đã thắng thế gian - những người mà sự chết không còn tác hại được, vì biết rằng sẽ gặp chính Chúa vinh quang khi bức màn của đời sống buông xuống, những người như thế cần phải chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người khác.

Trong suốt Kinh Tân Ước ta sẽ thấy việc chia sẻ kinh nghiệm tin Chúa là một trắc nghiệm về lòng tin thật. Câu hỏi đặt ra là: Tôi có quan tâm về việc muốn người khác có được kinh nghiệm như mình không? Tôi có thương những người trong trần gian chung quanh tôi là những người chưa có kinh nghiệm như tôi không? Phao-lô nói: ”Tôi mắc nợ cả người Hi-lạp lẫn người man khai; cả người khôn lẫn người dại.” Chỗ khác ông ghi: ”Tình thương của Chúa Cứu Thế thúc đẩy chúng tôi.” và ”Khốn nạn cho tôi nếu tôi không truyền giảng tin mừng.”

Thật ra người tin Chúa hay môn đệ Chúa là những người đã noi gương Chúa. Chúa giê-xu khi còn ở thế gian thường nhìn vào đoàn dân đông đảo mà thương xót, vì Chúa thấy họ như chiên không có kẻ chăn. Người tin Chúa cũng phải luôn luôn có lòng thương vô số đồng bào, đồng loại đang sống trong đêm tối.

3. Kinh nghiệm của cuộc đời tất cả những người tin Chúa đều luôn luôn là một loại kinh nghiệm, không có gì thay đổi cả.

Nói khác đi, không ai có thể trở thành tín đồ Chúa Cứu Thế Giê-xu mà không có kinh nghiệm như các sứ đồ đầu tiên đã kinh nghiệm. Giăng nói: ”Chúng tôi là nhân chứng. Chúa đã nói trực tiếp với chúng tôi, chúa ban Thánh Linh cho chúng tôi và chúng tôi nhận được quyền năng từ Chúa ban. Bây giờ chúng tôi muốn mời anh chị em chia sẻ niềm vui này và kinh nghiệm với chúng tôi.” Nghĩa là cùng một kinh nghiệm gặp và biết Chúa.

Người ta thường nói rằng: Mỗi cuộc phục hưng thật sự về đạo Chúa, phải là một cuộc trở về kinh nghiệm của Hội Thánh đầu tiên; mỗi một cuộc chỗi dậy xẩy ra trong Hội Thánh chỉ là cuộc trở lại những gì đã được mô tả trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Trong lịch sử Hội Thánh, cuộc phục hưng tâm linh này chỉ là nhắc lại cuộc phục hưng tâm linh trước đó. Đọc gương chứng của các cuộc phục hưng trong các thế kỷ, người ta không thấy có gì khác cho lắm, nghĩa là cũng cùng nhưng phương thức và kết quả, nói tóm lại, là cùng một kinh nghiệm. Cùng những hiện tượng, những kinh nghiệm, và những kết quả như nhau. Kinh nghiệm tin Chúa, gặp Chúa đều chỉ có một mẫu mực.

Ta thử đọc tiểu sử của những người nổi danh trong Hội thánh, ta sẽ thấy gần như kinh nghiệm của họ giống hệt nhau. Những người như Phao-lô, Augustine hay Martin Luther, đều trải qua những kinh nghiệm như nhau, mặc dù sống xa nhau hằng trăm năm.

Một nhận xét nữa là kinh nghiệm của người tin Chúa không khác biệt tùy theo cá nhân. Dĩ nhiên các cách đi vào kinh nghiệm có thể khác nhau. Có người gặp Chúa trong một cuộc phục vụ; người khác gặp Chúa khi đọc Kinh Thánh. Không sao cả, vì kinh nghiệm vẫn chỉ là gặp Chúa, dù cách gặp có khác nhau.

Ta chú trọng vào kinh nghiệm chứ không phải con đường đi vào kinh nghiệm. Nhà tâm lý có thể bảo rằng: Hiện tượng tin Chúa chỉ là vấn đề thuộc về tính khí, về cảm xúc của con người., và mỗi người khác nhau về tính khí cũng như về tâm lý.” Nhưng điều vinh quang trong kinh nghiệm Cơ-đốc-giáo là dù tâm lý những người tin Chúa có như thế nào, hay tính khí tự nhiên của họ ra sao chăng nữa, thì tất cả những người tin nhận Chúa đều chỉ kinh nghiệm cùng một kinh nghiệm mà thôi. Ngay trong các sứ đồ ta cũng thấy có 12 ý kiến và tính tình. Người thì bốc đồng hấp tấp, kẻ khác trầm ngâm lý luận, người lại ủy mị bi quan, nhưng tất cả đều có chung một kinh nghiệm sống với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lòng tin nơi Chúa có thể khiến cho người uỷ mị trở thành vui tươi, và làm cho người bi quan theo bẩm sinh lại trở thành người vui ngay cả trong những cơn bách hại. Như thế gạt ra ngoài những yếu tố cá nhân hay tính khí, tất cả những người đã tin nhận Chúa đều chỉ có một kinh nghiệm mà thôi. Kinh nghiệm ấy từ thế kỷ thứ nhất đến nay vẫn không có gì khác cả và cũng không bao giờ có thể khác được.

Thường có nhiều người cho rằng những hoàn cảnh của chúng ta trong thế kỷ này trước kia chẳng bao giờ xảy ra. Vì chúng ta thuộc về thế hệ mà văn hóa và khoa học đều phát triển tột bậc.. Người xưa thường tin và kinh nghiệm nhiều điều, nhưng chúng ta với bối cảnh sống khác hẳn không nên trở lại với những điều cổ lỗ ấy vì không hợp thời nữa rồi. Nhưng kinh nghiệm tin Chúa và gặp Chúa hoàn toàn độc lập với thời gian và không gian, kinh nghiệm ấy có tính cách vĩnh hằng. Thử đọc tiểu sử những người tin Chúa trong các thế kỷ khác nhau, ta có thể thấy rằng kinh nghiệm biết Chúa của tất cả đều như nhau. Vì vậy, điểm chủ yếu trong việc tin Chúa là phải có kinh nghiệm của người tin Chúa từ thế kỷ thứ nhất.

Tại sao ta phải dài dòng về kinh nghiệm biết Chúa này?

Trước tiên là vì kinh nghiệm ấy không phải là một điều mang tính chất chủ quan; nhưng chính là kết quả của một điều đặt cơ sở trên niềm tin vào một chân lý khách quan. Vì kinh nghiệm chủ quan thay đổi tùy theo cá nhân, theo thời gian và theo từng hoàn cảnh, nhưng đây là một kinh nghiệm chung cho tất cả những người đã tin Chúa Giê-xu vì đặt căn bản trên một chân lý khách quan. 'Điều có từ ban đầu là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm, chính là Lời sống'.

Tác giả Giăng không viết rằng: ”Tôi đã kinh nghiệm một điều kỳ diệu và các Sứ đồ cũng vậy.” Không, Giăng viết: ”Chúng tôi đã thấy, chúng tôi đã nghe ” điều chính Chúa Cứu Thế đã nói ra, đã thể hiện. Nghĩa là căn cứ vào chân lý khách quan; đây chính là một đáp ứng và một phản ứng đối với chân lý đó, và vì tính chất không chủ quan nên đây là một kinh nghiệm lúc nào cũng mang cùng một bản sắc.

Thứ hai, kinh nghiệm của người tin Chúa không những chỉ đặt cơ sở trên chân lý khách quan, kinh nghiệm ấy còn luôn luông căn bản trên cùng một chân lý nữa - kinh nghiệm ấy luôn luôn đạt căn bản trên Chúa Cứu Thế Giê-xu, và luôn luôn phát huy từ chính Chúa. Ta để ý thì thấy Giăng đặt Chúa Cứu Thế Giê-xu ngay từ đầu và sau đó tất cả mọi sự việc đều có quan hệ với Chúa cả. Vì đây là kinh nghiệm do các kết quả đưa đến từ cùng một chân lý, nên tất nhiên là phải cùng một kinh nghiệm, nghĩa là cùng nguyên nhân thì phải đưa đến cùng một kết quả.

Nói khác đi, kinh nghiệm của người tin Chúa đặt cơ sở trên việc nhận lãnh sự sống vĩnh hằng. Thượng Đế là Đấng ban cho sự sống vĩnh hằng trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. vì cùng là người ban, cùng là tặng phẩm dĩ nhiên người nhận phải có cùng một kinh nghiệm. Như thế nếu kinh nghiệm về Chúa của chúng ta đặt căn bản trên hiểu biết của chúng ta hay trên những hoạt động hoặc là những cố gắng nỗ lực của mình, dĩ nhiên sẽ khác tùy theo từng trường hợp. Người khôn ngoan và người không khôn ngoan cóÀ thể không cùng một kinh nghiệm, nhưng điều huyền diệu của người tin Chúa là tất cả chúng ta đều được nhận sự cứu rỗi như là một tặng phẩm vô điều kiện của Chúa ban cho. Mỗi người đếu nhận tặng phẩm hết như nhau do từ cùng một người cho vì thế phải cùng có một kinh nghiệm y như nhau.

Nếu kinh nghiệm như nhau thì có thể đem ra xem xét thử nghiệm. Toàn bộ l1a thư Giăng thứ nhất trở đi trở lại nhiều lần với việc kiểm nghiệm này. Giăng quan tâm đến việc kinh nghiệm được đem ra kiểm nghiệm. Ông còn bảo mọi người tin Chúa phải thử nghiệm cả các thần linh nữa. Lý do là vì đương thời có nhóm triết học gọi là Khả Tri hay là Gnostic. Nhóm này tuyên bố rằng: ”Chúng tôi có một kinh nghiệm với những điều nhìn thấy rất huyền diệu, nhưng không ai có thể thắc mắc hay khảo nghiệm gì được.” Ngững người này coi kinh nghiệm của họ là một điều huyền bí không thể đặt câu hỏi hay xem xét gì được. Họ bảo: ”Chúng tôi không muốn để ý đến giáo lý hay thần học hoạc là căn bản của các anh. Chúng tôi đã kinh nghiệm một điều, điều đó rất huyền bí không khảo nghiệm được.”

Tuy nhiên theo lời dạy của Kinh Tân Ước thì đó là điều hoàn toàn sai lạc. Vì kinh nghiệm biết Chúa của người tin Chúa thật, như chúng ta đã đề cập, luôn luôn là kinh nghiệm y hệt như các sứ đồ trong thế kỷ thứ nhất, vì cùng đặt cơ sở trên cùng một chân lý, lẽ thật và là kết qua của cùng một ân huệ ban cho do từ cùng một đấng ban. Đây là một kinh nghiệm có thể kiểm chứng, có thể chất vấn, và đó cũng là cách để bảo vệ chúng ta khỏi những tà thuyết huyền bí và lời dạy giả trá là những điều trá hình là giáo lý Cơ-đốc chân chính, nhưng thực ra chẳng có gì hơn là một số điều thuộc hiện tượng tâm lý, nhiều khi còn là huyền hoặc nữa.

Điều này trong thời hiện đại hay ngày xưa cũng vẫn như thế. Có những người vẫn tự huênh hoang tuyên bố rằng họ biết một loại đời sống Cơ Đốc cao hơn, khác với chúng ta là những tín hữu tầm thường. Họ có thể bảo chúng ta phải nghe họ vì họ được mạc khải những điều cao trọng và kinh nghiệm rất khác thường. Đây không phải là điều sứ đồ Giăng dạy. Kinh nghiệm của ông hoàn toàn căn bản trên chân lý và lời dạy khách quan. Kinh nghiệm ấy có thể chất vấn, khảo hạch, vì lúc nào cũng có những kẻ giả mạo, những kẻ thù của Chúa Cứu Thế và các tà linh. Nếu ta là tín đồ thật của Chúa thì việc thử nghiệm là một điều ta hân hoan đón nhận, vì thật vàng không sợ lửa.

Thứ ba, kinh nghiệm tin Chúa là dành cho tất cả mọi người.

“Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em để anh em cũng tương giao với chúng tôi...” Cảm tạ ơn Chúa kinh nghiệm này không dành riêng cho các Sứ Đồ vì họ được sống thật với Chúa mà thôi, nhưng cũng cho mỗi chúng ta ngày nay nữa. Chúng ta phải nắm vững điểm này. Nhiều người ước ao được trực tiếp thấy Chúa để tin Chúa cho dễ hơn. Nhưng không phải như vậy. Giăng nói rằng: ”Những gì chúng tôi đã nghe, đã thấy, nay truyền lại cho anh em.” Nghĩa là kinh nghiệm ấy anh chị em cũng có được y như chúng tôi vậy. Anh chị em không trực tiếp thấy Chúa, chúng tôi thấy Ngài, nhưng kinh nghiệm cũng sẽ như nhau.

Vì vậy những gì các sứ đồ kinh nghiệm trong cuộc sống theo Chúa viết lại là để chúng ta kinh nghiệm chứ không phải chiêm ngưỡng mà thôi.

Ta cũng nên nhớ rằng kinh nghiệm ấy không phải chỉ riêng cho một số người, là những người gọi là có ”cảm ứng về tôn giáo” mà thôi, hay là những người cho rằng có khuynh hướng về tôn giáo. Nhưng kinh nghiệm này là cho tất cả mọi người, vì chỉ có một kinh nghiệm, do cùng một Đấng ban phát một ân huệ duy nhất. Kinh nghiệm này hôm nay là cho tôi, cho bạn, vì kinh nghiệm ấy không căn cứ trên việc chúng ta là ai, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa, ân sủng của Ngài, điều Ngài muốn và sẵn sàng ban cho.

Cuối cùng, kinh nghiệm đó là gì? Đó là kinh nghiệm tương giao ”với Chúa Cha và với Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu”. Đó là kinh nghiệm biết Chúa!

Từ lúc đầu, chúng ta đã nói đến việc người tin Chúa phải biết mình sở hữu điều gì. Câu hỏi là: Bạn có biết Chúa không? Việc biết Chúa đã đưa đến những gì trong đời bạn khiến bạn trông mong chia sẻ kinh nghiệm ấy với người khác? Bạn có biết kinh nghiệm được diễn tả trong toàn bộ Kinh Tân Ước không? Khi bạn đọc Kinh Thánh Tân Ước, bạn có tự nhủ rằng: 'tôi biết kinh nghiệm đó, tôi biết thế nào là 'người cũ', 'người mới'> Tôi biết khi tác giả nói về việc biết những điều chưa thấy và tôi cũng biết quyền năng của Thánh Linh vận hành nữa.' Đây là một kinh nghiệm cụ thể và có thể đem ra khảo hạch hay xem xét, và cho chúng ta trở thành những người được tham dự vào những điều mà sứ đồ Giăng nói đến.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta được ân sủng và sức mạnh của Ngài để tự xét mình dưới ánh sáng của các lời dạy này. Đây là kinh nghiệm biết Chúa căn bản mà mỗi chúng ta phải bước vào, phải sống mỗi ngày, nếu chúng ta tự nhận mình là người tin Chúa.

Bạn thân mến, nếu bài học Thánh Kinh hôm nay đem lại hữu ích nào cho bạn, xin bạn hãy cầu xin Chúa giữ lời Chúa trong tâm hồn và sống áp dụng vào thực tế. Bạn đã kinh nghiệm về Chúa nhưng có bao giờ chia sẻ kinh nghiệm đó không? Chúng tôi ước mong bạn sẽ gặp một người nào đó trong ngày hôn nay, ngày mai hay trong tuần này để nói về kinh nghiện biết Chúa của bạn và mời người ấy tin Chúa. Bạn có thể giới thiệu Đài Nguồn Sống cho bạn bè và những người bạn gặp gỡ, đây cũng là cách đưa người đến kinh nghiệm tin Chúa. Cầu Chúa hướng dẫn bạn.