Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Địa Vị Phụ Nữ

I Ti-mô-thê 2:11-14; I Cô-rinh-tô 14:33-35

"Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình" (Ga-la-ti 3:24).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong xã hội Do Thái và Hi Lạp thời Phao-lô, vai trò phụ nữ được quan niệm như thế nào? Trong bối cảnh đó, Phao-lô có lời khuyên nào cho phụ nữ? Tại sao ông khuyên như thế? Lời khuyên này có trái với tinh thần bình đẳng không (Ga-la-ti 3:28)? Bạn quan niệm thế nào về vai trò phụ nữ trong Hội thánh và trong xã hội hiện tại?

Mấy câu Kinh thánh về phụ nữ này (I Ti-mô-thê 2:11-14) ngày xưa không thành vấn đề gì; nhưng ngày nay khi khoa học tiến bộ, kỹ thuật, văn hóa mở rộng cửa cho phụ nữ tham dự vào mọi sinh hoạt xã hội bên ngoài gia đình thì các câu Kinh thánh này đã làm cho nhiều người chau mày khó chịu, thắc mắc và có người còn nghi ngờ cả giá trị của Kinh thánh.

Phải đặt trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ chúng ta mới hiểu đúng. Vào thời Phao-lô, trong xã hội Do Thái phụ nữ bị xem thường, coi như "vật sở hữu" của cha hay chồng; phụ nữ không được quyền phát biểu giữa đám đông, nơi hội họp; không được dạy học ở trường; không được dự phần trong nghi lễ thờ phượng Chúa. Đàn ông, nhất là những người sùng đạo Do Thái, không hề nói chuyện với phụ nữ ở ngoài phố, nơi công cộng, dù phụ nữ đó là vợ, con hay em gái họ đi nữa. Trong xã hội Hy Lạp (Ê-phê-sô, nơi Ti-mô-thê đang ở là một thành phố người Hi Lạp), địa vị phụ nữ còn tệ hại hơn; đàn bà phải ở trong nhà, ở khu vực riêng, không được ngồi ăn chung bàn với chồng.

Giữa một xã hội như vậy, Phao-lô muốn "đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê bai nào" (Tit 2:5), khỏi bị cho là phóng túng, vô luân; ông không muốn phụ nữ tin Chúa trong Hội thánh bị luật pháp thời đó cho là "không hiệp lẽ" (I Cô-rinh-tô 14:34-35). Đây là vấn đề phong tục, văn hóa xã hội chứ không phải giáo lý, nó thay đổi theo thời gian và không gian, không liên hệ gì đến sự cứu rỗi. Phao-lô khuyên phụ nữ phải sống theo quan niệm đạo đức xã hội lúc ấy để khỏi gây vấp phạm cho người chung quanh. Còn trên bình diện đức tin, giáo lý thì Phao-lô đã nêu rõ trong Ga-la-ti 3:28 "Tại đây không còn chia ra người Do Thái hay người Hi Lạp; không còn tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hay đàn bà, vì trong Đức Chúa Giê-xu Christ anh em thảy đều làm một." Sách Ga-la-ti Phao-lô viết vào khoảng năm 49 SC, trước khi viết Ti-mô-thê khoảng năm 64 SC. Về mặt đức tin và giáo lý, đạo Chúa cho thấy sự bình đẳng nam nữ ngay giữa xã hội phong kiến lạc hậu thời đó; trong Chúa đàn ông cũng như đàn bà đều có giá trị như nhau. Chỉ ngoài Chúa mới có sự phân biệt thay đổi theo thời gian.

Lạy Chúa, xin giúp con biết phân biệt tín lý với văn hóa phong tục xã hội để con được vững vàng trong đức tin và không gây vấp phạm cho người khác.

(c) 2024 svtk.net