Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Trước Mặt Chúa Và Trước Mặt Người Ta

II Cô-rinh-tô 8:16-21

“...vì chúng tôi tìm tòi điều lành, chẳng những ở trước mặt Chúa, mà cũng ở trước mặt người ta nữa” (câu 21).

Câu hỏi suy ngẫm: Lời chứng của Sứ đồ Phao-lô về những người cộng sự như thế nào? Tại sao ông cần thực hiện tốt việc quyên góp? Bạn học được điều gì từ Sứ đồ Phao-lô khi thực hiện những công việc liên quan đến tiền bạc?

Trước tiên, Sứ đồ Phao-lô dâng lời “tạ ơn Đức Chúa Trời về sự Ngài đã xui lòng Tít cũng ân cần với anh em thể ấy” (câu 16). Qua đó, chúng ta thấy phẩm tính rất khiêm nhường của ông khi ông luôn luôn ý thức Đấng Tối Cao đang điều hành mọi hoạt động, và Ngài trọn quyền sai phái những người tham gia vào công trường thuộc linh, mặc dù chính ông là người đã trực tiếp trình bày nhu cầu công việc, cũng như cho ông Tít lời khuyên để đến Hội Thánh Cô-rinh-tô nhận phần quyên góp. Điều tiếp theo trong câu 19, Sứ đồ Phao-lô xác định việc quyên góp để cứu giúp anh em cùng đức tin là việc làm nhân đức, và chính ông sẽ làm trọn việc tốt lành này không với mục đích tôn cao danh tiếng bản thân hay tìm tư lợi, nhưng “để tỏ vinh hiển chính mình Chúa ra.”

Ngoài ra, Sứ đồ Phao-lô còn để lại cho chúng ta một tấm gương cũng như những nguyên tắc thực hiện công việc liên quan đến tiền bạc: Thứ nhất, ông không làm một mình nhưng có ông Tít và một nhân vật không được nhắc tên cùng thực hiện việc quyên góp và quản lý tiền bạc để chứng minh sự liêm khiết và tránh những tai tiếng không đáng có. Thứ hai, điều cần lưu ý trong nguyên tắc chọn người thực hiện công việc tốt lành nhưng lại dễ gây hiểu lầm này là “người đã được các Hội Thánh chọn lựa,” “là người có tiếng khen đồn khắp trong các Hội Thánh, tại những điều người đã làm vì đạo Tin Lành” (câu 18-19), chứ không phải là sự chọn lựa tùy tiện theo cảm tính. Bởi vì những người này có trách nhiệm “…làm chứng về ý tốt của chúng tôi,” “nhờ đó tránh khỏi tiếng trách móc về sự dùng tiền góp nhiều như vậy” (câu 20).

Nhân cách tốt lành của Sứ đồ Phao-lô chắc chắn không ai có thể kiện cáo được, tuy nhiên không vì thế mà khi làm việc ông không quan tâm đến cảm nhận của người khác, nhưng ông đã tuyên bố nguyên tắc của mình là luôn cố gắng làm điều tốt đẹp, trong đó có việc quản lý tiền bạc, không chỉ liêm chính ở trước mặt Chúa mà còn minh bạch trước mặt người ta nữa (câu 21). Học tập gương phục vụ của ông Phao-lô giúp chúng ta không rơi vào những quan niệm cực đoan như người phục vụ Chúa tuyệt đối đừng dính đến tiền bạc; hoặc một mình quyết định các vấn đề liên quan đến tiền bạc. Cả hai quan niệm đều dễ tạo cơ hội cho Sa-tan xen vào. Điều quan trọng nhất trong lãnh vực liên quan đến tiền bạc là Danh Chúa được cả sáng, công việc Chúa được phát triển, và Hội Thánh được vui thỏa.

Bạn áp dụng nguyên tắc quản lý tiền bạc ra sao?

Cảm tạ Chúa vì những điều Ngài dạy dỗ giúp con giữ gìn đời sống phục vụ ngay lành, liêm khiết trong tiền bạc, không chỉ trước mặt Chúa mà cũng trước mặt người ta nữa.

(c) 2024 svtk.net