Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

ĐỨC TIN, SỰ TRÔNG CẬY VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG (1:1-8)

1 Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ, cùng Ti-mô-thê là anh em, 2 gởi cho các anh em chúng ta ở thành Cô-lô-se, là những người thánh và trung tín trong Đấng Christ: Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta!

3 Trong khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em không thôi, thì cảm tạ Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta. 4 Vì chúng tôi đã nghe về đức tin của anh em nơi Đức Chúa Giê-xu Christ và về sự yêu thương của anh em đối với mọi thánh đồ, 5 vì cớ sự trông cậy để dành cho anh em ở trên trời, là sự trước kia anh em đã nhờ đạo Tin lành chân thật mà biết đến. 6 Đạo Tin lành đó ở giữa anh em cũng như ở trong cả thế gian. Lại kết quả và tấn bộ cũng như trong anh em, từ ngày mà anh em đã nghe rao truyền ơn Đức Chúa Trời và đã học cho thật biết ơn đó, 7 y như Ê-pháp-ra là bạn đồng sự thiết nghĩa với chúng tôi đã dạy anh em. Người giúp đỡ chúng tôi như một kẻ giúp việc trung thành của Đấng Christ, 8 và đã tỏ ra cho chúng tôi biết lòng yêu thương mà anh em cảm chịu bởi Đức Thánh Linh.

 

1. Xin cho biết người viết thư, người nhận thư và những từ mô tả về họ.

2. Xin cho biết những điều Phao-lô cảm tạ Chúa về các tín hữu tại Cô-lô-se (c. 3-5)

3. “Đạo Tin Lành” (c. 5-6) chỉ về gì? Có đặc điểm gì?

4. Theo câu 6-7, Ê-pháp-ra là ai? Có những đặc điểm gì?

 

Ngày nay, người viết thư thường ký tên ở cuối lá thư nhưng trong thời Tân Ước, thư mở đầu với tên người viết thư. Người viết thư là Phao-lô, ông xưng mình là sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ và chức vụ nầy là theo ý muốn Đức Chúa Trời (c. 1a). Phao-lô không phải là một trong mười hai sứ đồ đầu tiên nên việc xác nhận ông là sứ đồ là điều quan trọng, nói lên thẩm quyền giảng dạy Lời Chúa của ông. Phao-lô có đầy đủ điều kiện làm sứ đồ (I Cô. 9:1-2), ông chỉ xác nhận điều nầy ở đầu lá thư. Những chữ, Theo ý muốn Đức Chúa Trời cho thấy rõ điều đó. Phao-lô không tự bổ nhiệm nhưng làm chức vụ nầy theo ý muốn của Chúa.

Ti-mô-thê là bạn đồng sự thân tín nhất của Phao-lô từ hành trình truyền giáo thứ hai (Công vụ 16:1-2). Phao-lô nhắc đến tên Ti-mô-thê trong Thư II Cô-rinh-tô, Phi-líp, I và II Tê-sa-lô-ni-ca và Phi-lê-môn. Phao-lô cũng nói nhiều về Ti-mô-thê trong I Cô-rinh-tô 16:10-11 và Phi-líp 2:19-23.

Phao-lô gọi độc giả là các anh em chúng ta ở thành Cô-lô-se, là những người thánh và trung tín trong Đấng Christ (c. 2a).

Anh em nói đến mối thân tình trong gia đình của Chúa. Người thánh nhấn mạnh đến ý nghĩa phân rẽ khỏi trần gian. Trung tín nói đến việc dấn thân, trung thành với Chúa. Tất cả những điều nầy thực hiện được nhờ ở trong Đấng Christ, hàm ý nhờ liên kết với Chúa, có đức tin thật nơi Ngài.

Hai lời chúc Phao-lô thường dùng khi mở đầu các lá thư là ân điểnbình an. Ân điển nhấn mạnh đến ý nghĩa ơn ban cho người không xứng đáng. Bình an (shalom) là tiếng chào của người Do-thái, mang ý nghĩa hưng thịnh và khỏe mạnh về mọi mặt (III Giăng 2).

Ba yếu tố Phao-lô thường nhắc đến trong các thư tín của ông là đức tin, sự trông cậy và tình yêu thương. Đây cũng là những điều Phao-lô tạ ơn Chúa về tín hữu Cô-lô-se:

Trong khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em không thôi, thì cảm tạ Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta. Vì chúng tôi đã nghe về ĐỨC TIN của anh em nơi Đức Chúa Giê-xu Christ và về SỰ YÊU THƯƠNG của anh em đối với mọi thánh đồ, vì cớ SỰ TRÔNG CẬY để dành cho anh em ở trên trời, là sự trước kia anh em đã nhờ đạo Tin lành chân thật mà biết đến (c. 3-5)

Đức tin nói đến mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa, yêu thương là mối quan hệ với người và trông cậy hay hy vọng là cho chính bản thân chúng ta. Chúng ta cần quân bình trong các mối quan hệ nầy. Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh đến hy vọng của người tin Chúa. Ông nói: VÌ CỚ sự trông cậy để dành cho anh em ở trên trời (c. 5a) hàm ý rằng nhờ có hy vọng chắc chắn trong tương lai (để dành ở trên trời) mà người tin Chúa thêm vững mạnh trong đức tin đối với Chúa và lòng yêu thương đối với người. Hy vọng chắc chắn của người tin Chúa là hy vọng được biết đến qua đạo Tin lành chân thật (c. 5b). Bản Hiệu Đính dịch là: “Lời chân lý, là Tin Lành.” Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu chính là chân lý đem lại hy vọng cho chúng ta và hy vọng là lẽ sống của người tin Chúa (1:23, 27).

Phao-lô nhấn mạnh đến tác dụng tích cực của Phúc Âm:

Đạo Tin lành đó ở giữa anh em cũng như ở trong cả thế gian. Lại kết quả và tấn bộ cũng như trong anh em (c. 6a)

Bản Hiệu Đính:

Tin Lành nầy đang kết quả và phát triển trên khắp thế giới cũng như giữa anh em (c. 6a, BHĐ)

Phao-lô ôn lại điều nầy và cho các tín hữu Cô-lô-se thấy rằng, được nghe Phúc Âm là ân sủng Đức Chúa Trời ban cho họ:

Từ ngày mà anh em đã nghe rao truyền ƠN Đức Chúa Trời và đã học cho thật biết ƠN đó (c. 6b)

Học cho thật biết ơn đó nghĩa là “hiểu ân điển thật sự của Đức Chúa Trời” (BHĐ), thật sự kinh nghiệm ơn của Chúa.

Câu 7 hàm ý Ê-pháp-ra là người đã người đã rao giảng Phúc Âm cho người Cô-lô-se và thành lập Hội Thánh tại đây (xem Lời Mở Đầu). Ê-pháp-ra là người Cô-lô-se (4:12) và có lẽ đã nghe Phúc Âm từ Phao-lô tại Ê-phê-sô (Công vụ 19:10).

Phao-lô gọi Ê-pháp-ra là bạn đồng sự thiết nghĩa với chúng tôi và là một kẻ giúp việc trung thành của Đấng Christ. Đây là hai danh hiệu quý báu mà mỗi người tin Chúa cần có.

Phao-lô nói: (Ê-pháp-ra) tỏ ra cho chúng tôi biết lòng yêu thương mà anh em cảm chịu bởi Đức Thánh Linh (c. 8) hàm ý Ê-pháp-ra từ Cô-lô-se đến thăm Phao-lô ở Rô-ma nói cho ông biết về lòng yêu thương của người Cô-lô-se. Ông gọi đây là Lòng yêu thương cảm chịu bởi Đức Thánh Linh cho thấy Đức Thánh Linh cũng là tác nhân của tình yêu thương không phải chỉ Đức Chúa Cha hay Đức Chúa Con.