Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

“THÊM LÊN TRONG SỰ HIỂU BIẾT” (1:9-14)

9 Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa, 10 hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời, 11 nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề, để nhịn nhục vui vẻ mà chịu mọi sự.

12 Hãy tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng: 13 Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài, 14 trong Con đó chúng ta có sự cứu chuộc, là sự tha tội. 

 

1. “Nhận được tin đó” (c. 9a) là tin gì?

2. Phao-lô cầu nguyện điều gì cho các tín hữu tại Cô-lô-se (c. 9b)? Lời cầu nguyện nầy mang ý nghĩa gì?

3. Theo câu 10-11, kết quả lời cầu nguyện của Phao-lô là gì?

4. Theo câu 12, tại sao Phao-lô kêu gọi người Cô-lô-se tạ ơn Đức Chúa Trời?

5. Chữ “dời” trong câu 13 cho thấy hình ảnh gì về sự cứu rỗi? Tại sao? Áp dụng cho chúng ta như thế nào?

Sau khi tạ ơn Chúa về đức tin, lòng yêu thương và sự trông cậy của tín hữu Cô-lô-se (c. 3-5), Phao-lô cầu nguyện cho họ:

Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa (c. 9)

Nhận được tin đó (c. 9a) là tin về đức tin, lòng yêu thương và sự trông cậy của họ. Điều Phao-lô cầu nguyện cho tín hữu Cô-lô-se là cho họ được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn Ngài (c. 9b).

Sự hiểu biết nhấn mạnh đến kinh nghiệm hơn là kiến thức như Phao-lô nói trong Phi-líp 3:8. Hiểu biết về ý muốn Ngài nghĩa là có cái nhìn thấu suốt về những gì Chúa muốn chúng ta sống và hành động, nhưng cũng nói đến kinh nghiệm sâu sắc giữa chúng ta với Chúa (c. 10). Đó là điều Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu Cô-lô-se. Ông nói thêm: Với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa (c. 9b). Khôn ngoanhiểu biết theo trần gian nói đến khả năng trí tuệ nhưng ở đây, Phao-lô cầu nguyện cho khôn ngoan và hiểu biết THIÊNG LIÊNG, vượt lên trên khôn ngoan và hiểu biết của đời.

Mục đích lời cầu nguyện của Phao-lô cho các tín hữu là:

Hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời (c. 10)

Mục đích nầy cho thấy hiểu biết về ý muốn Đức Chúa Trời không gì khác hơn là sống một đời sống đẹp lòng Chúa. Chữ ăn ở trong câu nầy là “bước đi” nói đến lối sống hàng ngày của người tin Chúa. Khi hiểu biết ý muốn của Chúa, biết Chúa muốn chúng ta phải sống như thế nào, đời sống chúng ta sẽ thể hiện các việc lành, nghĩa là những hành động tốt đẹp, một lối sống tốt đẹp, đem vinh hiển về cho Chúa (Ma-thi-ơ 5:16). Phao-lô nói: Càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời (c. 10b) một lần nữa cho thấy hiểu biết Đức Chúa Trời không gì khác hơn là sống đời sống đẹp lòng Ngài.

Chẳng những vậy, Phao-lô nói thêm:

Nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề, để nhịn nhục vui vẻ mà chịu mọi sự (c. 11)

Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu nhưng cũng cho thấy một lời hứa: sống theo ý muốn Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta có sức mạnh để vượt lên trên những khó khăn của đời sống. Ông gọi sức mạnh nầy là “sức mạnh của vinh hiển Ngài” (quyền phép vinh hiển) hàm ý đây là sức mạnh chỉ có trong Đức Chúa Trời (vinh hiển nói lên đặc tính siêu việt của Ngài).

Lời cầu nguyện của Phao-lô cũng bao gồm ý cảm tạ:

Hãy tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng (c. 12)

Động từ tạ ơn trong câu nầy không phải là mạng lệnh nhưng mang ý nghĩa vì Chúa đã giúp chúng ta có sức mạnh chịu đựng nên chúng ta tạ ơn Ngài:

Nhờ quyền năng vinh quang của Ngài mà anh em được đầy năng lực để có thể kiên trì chịu đựng mọi sự một cách vui vẻ và dâng lời cảm tạ Đức Chúa Cha, là Đấng đã làm cho anh em xứng đáng dự phần cơ nghiệp của các thánh đồ trong ánh sáng (c. 11-12, BHĐ)

Phao-lô gọi Đức Chúa Trời, Đấng chúng ta tạ ơn là Đấng đã làm cho anh em xứng đáng dự phần cơ nghiệp của các thánh đồ trong ánh sáng (c. 12b). Đây nói đến ơn cứu chuộc Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Chính chúng ta không xứng đáng nhưng Đức Chúa Trời làm cho anh em xứng đáng. Ơn cứu chuộc Chúa dành cho chúng ta được mô tả là dự phần cơ nghiệp của các thánh đồ (I Phi-e-rơ 1:4-5). Những chữ trong ánh sáng được dùng ở đây để đối chiếu với điều Phao-lô nói trong câu tiếp theo:

Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài, trong Con đó chúng ta có sự cứu chuộc, là sự tha tội (c. 13-24)

Những chữ quyền nước (vương quốc) cho thấy có hai thế lực: thế lực của bóng tối và thế lực của ánh sáng (tối tăm và sáng láng). Người tin Chúa là người được giải thoát khỏi sức mạnh của bóng tối và được dời vào vương quốc của Chúa, đó là ý nghĩa của cứu chuộc và tha tội.

Chữ dời nói đến di chuyển hay một sự thay đổi vị trí quan trọng. Tác giả Wright (trang 65) nói điều nầy tương đương với việc con dân Chúa ra khỏi Ai-cập. Chúng ta được cứu chuộc, được tha tội là được giải thoát khỏi quyền lực của sự tối tăm và trở nên thần dân của vương quốc Đức Chúa Trời.