Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

“KHIẾN ANH EM HÒA THUẬN” (1:21-23)

21 Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình, 22 nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được. 23 Miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin Lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của đạo ấy.

 

1. Lý do nào khiến chúng ta xa cách Chúa và là thù nghịch với Đức Chúa Trời (c. 21)?

2. Xin giải thích chữ “hòa thuận” trong câu 22a?

3. Theo câu 22b, Chúa cứu chúng ta với mục đích gì?

4. Chữ “miễn là” (c. 23a) hàm ý gì? Có hàm ý là có thể chúng ta sẽ không tin Chúa cách vững vàng không?

5. Phao-lô hàm ý gì khi nói ông là “kẻ giúp việc” của Tin Lành (c. 23b)?

 

Phao-lô nhấn mạnh tính cách cao trọng của Chúa Giê-xu để độc giả trân quý sự cứu rỗi Chúa ban cho họ. Ông nói:

Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình (c. 21)

Phao-lô nhắc các tín hữu Cô-lô-se nhớ lại tình trạng của họ trước khi tin Chúa: xa cách Chúa và bị kể là kẻ thù của Ngài vì ý tưởngviệc ác của họ. Điều nầy cho thấy tội lỗi phát xuất từ tư tưởng, đưa đến hành động gian ác. Đây là “lầm lạc trong lý tưởng hư không” (Rô-ma 1:21), đưa đến hành vi gian ác (Rô-ma 1:24-32).

Chữ hòa thuận (c. 22a) mang ý nghĩa “giải hòa” (BHĐ) tiếp theo ý thù địch trong câu 21. Đức Chúa Trời và con người ở trong tư thế thù địch với nhau vì tội lỗi và Chúa Giê-xu phải mang thân xác con người để có thể mang tội thay cho chúng ta. Chúa Giê-xu đã chết cái chết của một con người để có thể chết thay cho con người.

Mục đích Chúa cứu chúng ta là: Đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch, không vết, không chỗ trách được (c. 22b).

Đây là định nghĩa của nên thánh: không vết, không chỗ trách được. Không vết là hình ảnh của sinh tế dâng cho Đức Chúa Trời và không chỗ trách được mang ý nghĩa không ai buộc tội được. Ý nghĩa nên thánh nầy đã thành sự thật khi chúng ta tin Chúa, là sự thật trong nếp sống mỗi ngày và là sự thật hoàn toàn khi chúng ta đứng trước mặt Chúa trong ngày Ngài trở lại.

Chữ miễn là (c. 23a) không mang ý nghĩa chúng ta có thể đánh mất tình trạng nên thánh nhưng là lời cảnh báo, khuyến giục chúng ta giữ vững đức tin.

Chúng ta có thể giữ vững đức tin là nhờ hy vọng của niềm tin: “Miễn là anh em tiếp tục đứng vững trong đức tin, không nao núng, không chuyển dời khỏi niềm hi vọng của Tin Lành mà anh em đã nghe” (BHĐ). Người tin Chúa có hy vọng và nhờ hy vọng đó, chúng ta đứng vững.

Đạo Tin Lành mà anh em đã nghe (c. 23b) nói đến Phúc Âm Phao-lô rao giảng. Ông nói, đây là Phúc Âm được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời (c. 23c). “Được rao giảng cho mọi tạo vật dưới trời” (BHĐ) hàm ý đạo Chúa sẽ được truyền bá khắp hoàn vũ (Rô-ma 10:18).

Đây là Phúc Âm mà Phao-lô nói: Tôi… là kẻ giúp việc của đạo ấy (c. 23c). Kẻ giúp việc (diakonos) hay “người phục vụ” (BHĐ) là từ Phao-lô dùng cho Ê-pháp-ra (c. 7). Từ nầy cũng được dùng cho các chấp sự trong Hội Thánh đầu tiên (Công vụ 6). Diakonos mang ý nghĩa người quản lý, người điều hành, người được biệt riêng ra để làm công tác “phân phối Phúc Âm” như các  chấp sự phân phối thức ăn. Từ nầy cũng nhấn mạnh vai trò làm người đầy tớ phục vụ.