Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

“ĐẤNG CHRIST Ở TRONG ANH EM SỰ TRÔNG CẬY VỀ VINH HIỂN” (1:24-29)

24 Nay tôi lấy làm vui về sự tôi đã chịu khổ sở vì anh em, tôi lại vì thân thể Đấng Christ, là Hội Thánh, mà đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài. 25 Tôi làm kẻ giúp việc của Hội Thánh đó, bởi sự phân phát của Đức Chúa Trời, là Đấng giao cho tôi cái phần việc truyền đạo Chúa cho anh em cách trọn vẹn, 26 tức là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời các kiếp, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài. 27 Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển. 28 Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời. 29 Ấy cũng là vì đó mà tôi làm việc, nhờ sức Ngài giúp đỡ mà chiến đấu, là sức hành động cách có quyền trong tôi.

 

1. “Đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài” (c. 24b) hàm ý gì?

2. Xin giải thích câu: “Sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời các kiếp, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài” (c. 26).

3. Tại sao: “Đấng Christ ở trong anh em” lại là “sự trông cậy về vinh hiển” (c. 27)?

4. “Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng” (c. 28a) nghĩa là thế nào?

5. “Ấy cũng là vì đó mà tôi làm việc” (c. 29a). “Vì đó” là vì điều gì?

 

Xem lại dàn bài của Thư Cô-lô-se (trang 6), chúng ta thấy đây là phần Phao-lô nói về “Chức Vụ Của Phao-lô Đối Với Chúa” hay trong mối tương quan với Chúa. Phao-lô rao giảng Phúc Âm cho người Cô-lô-se nhưng với động cơ và lý do nào?

Trước hết, ông nói:   

Nay tôi lấy làm vui về sự tôi đã chịu khổ sở vì anh em, tôi lại vì thân thể Đấng Christ, là Hội Thánh, mà đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài (c. 24)

“Chịu khổ” là đề tài được Phao-lô nhắc đến nhiều lần trong các lá thư của ông (Phi-líp 1:29; II Ti-mô-thê 1:8; 2:3, 9). Đối tượng Phao-lô chịu khổ là tín hữu tại Cô-lô-se và Hội Thánh Chúa nói chung (anh emthân thể Đấng Christ). Nhưng tại sao ông lại nói: Đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài (c. 24b) như thể Chúa chịu thương khó chưa đủ nên ông phải chịu khổ thêm cho Chúa?

Trước hết, chữ thương khó (thlipsis) ở đây không bao giờ được dùng để nói về sự thương khó của Chúa trên thập tự giá cho nên Phao-lô không có ý nói ông phải chịu khổ thêm cho Chúa. Theo Wright, thương khó đây nói đến “nguyên tắc chịu khổ của Chúa Giê-xu mà Hội Thánh trong liên kết với Chúa, tiếp tục chịu khổ với Ngài” (Wright, trang 93). Cũng theo Wright, “người chịu khổ như vậy là bằng chứng cho thấy họ là con cái thật của Chúa” (Wright, trang 92).

Thương khó hay chịu khổ chẳng những là bắt bớ hay bách hại người tin Chúa phải chịu nhưng cũng nói đến cám dỗ, thử thách, những lao nhọc vì công việc Chúa như Phao-lô nhiều lần nhắc đến trong các thư của ông (I Tê. 2:17 – 3:1).

Cụm từ Phao-lô thường dùng để mô tả chức vụ của ông là kẻ giúp việc của Hội Thánh. Kẻ giúp việc (diakonos) là từ dùng để chỉ các chấp sự đầu tiên (Công vụ 7). Điều nầy cho thấy tinh thần phục vụ Hội Thánh của Phao-lô. Ông kể mình là khí cụ Chúa dùng cho Hội Thánh của Ngài. Đây chính là điều Chúa nói với A-na-nia khi sai ông đến cầu nguyện cho Phao-lô sau biến cố trên đường Đa-mách (Công vụ 9:15).

Đây không phải là điều Phao-lô tìm kiếm nhưng được Chúa ủy thác:

Tôi làm kẻ giúp việc của Hội Thánh đó, bởi sự phân phát của Đức Chúa Trời (c. 25a)

Bản Hiệu Đính dịch: “Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo trách nhiệm mà Đức Chúa Trời đã ủy thác cho tôi.” Trách nhiệm Đức Chúa Trời ủy thác cho Phao-lô là:

Truyền đạo Chúa cho anh em cách trọn vẹn (c. 25b)

Hay theo Bản Hiệu Đính: “Để rao giảng lời Ngài cho anh em một cách đầy trọn.” Trọn vẹn hay “đầy trọn” mang ý nghĩa với tất cả sức mạnh, đem lại ảnh hưởng sâu rộng.

Phao-lô gọi đạo Chúa hay lời Ngài mà ông rao giảng là:

Sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời các kiếp, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài (c. 26)

Phao-lô thường dùng cụm từ sự mầu nhiệm giấu kín để chỉ về Phúc Âm (Ê-phê-sô 3:3-9). Ông giải thích, đó là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời các kiếp, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài, cho thấy chương trình cứu rỗi đời đời đã được hoạch định từ trước và đến đúng thời hạn, Đức Chúa Trời thực hiện qua Chúa Giê-xu và rao giảng cho mọi người.

Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển (c. 27)

Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Vì Đức Chúa Trời muốn họ bày tỏ sự phong phú và vinh quang của mầu nhiệm nầy giữa dân ngoại như thế nào, ấy là Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hi vọng vinh quang (c. 27, BHĐ)

Sự mầu nhiệm, tức là Phúc Âm, mang hai đặc tính là phong phú và vinh quang (giàu vinh hiển). Phúc Âm đã được giảng ra cho Dân Ngoại để họ thấy được tính cách giàu có và vinh hiển của Phúc Âm. Thực chất của Phúc Âm chính là sự hiện diện của Chúa Giê-xu trong đời sống người tin Chúa (Đấng Christ ở trong anh em). Phao-lô gọi đó là sự trông cậy về vinh hiển (“niềm hy vọng vinh quang” BHĐ).

Người tin Chúa là người có sự hiện diện của Chúa trong đời sống và đó là hy vọng lớn lao của chúng ta. Đây là điểm son của niềm tin chúng ta. Người tin Chúa có Chúa hiện diện trong đời sống và như vậy là đủ!

Phao-lô chẳng những nhấn mạnh về sự hiện diện của Chúa Giê-xu trong đời sống, ông cũng nói:

Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng (c. 28a)

Sứ điệp của Phao-lô không gì khác hơn là chính Chúa Giê-xu Christ. Chúa Giê-xu là trọng tâm sứ điệp của Phao-lô. Cũng giống như Phao-lô, người rao giảng Phúc Âm không thể rao giảng điều gì khác hơn là chính Chúa Giê-xu và đức tin nơi Chúa chứ không nói về mình hay điều gì khác.

Mục đích của việc rao giảng Phúc Âm là:

Răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời (c. 28b)

Chữ mọi người được nhắc ba lần cho thấy mục đích tối hậu của Phúc Âm cho người tin Chúa là trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời (c. 28b). Trọn vẹn không phải là không còn phạm tội, nhưng mang ý nghĩa trưởng thành (Phi-líp 3:13-14). Điều nầy có thể thực hiện được vì chúng ta ở trong Đấng Christ, được liên kết với Ngài.

Bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời (c. 18c) là mục đích của chức vụ Phao-lô nên ông nói: Ấy cũng là vì đó mà tôi làm việc. Chức vụ của Phao-lô là truyền giảng Phúc Âm, trình bày Chúa Giê-xu cho mọi người và rồi trình diện họ trước mặt Đức Chúa Trời là người con người trưởng thành, toàn vẹn. Ông nhận rằng, ông chỉ có thể làm điều nầy với sức của Chúa:

Nhờ sức Ngài giúp đỡ mà chiến đấu, là sức hành động cách có quyền trong tôi (c. 29b)

Bản Hiệu Đính dịch:

Chính vì điều nầy mà tôi ra sức làm việc và chiến đấu với cả năng lực mà Ngài hành động một cách mạnh mẽ trong tôi (c. 29, BHĐ)