Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

“NHẬN THỂ NÀO, BƯỚC ĐI THỂ ẤY” (2:1-7)

1 Vả, tôi muốn anh em biết dường nào tôi hết sức chiến tranh cho anh em, cho những người ở Lao-đi-xê, và cho những kẻ không thấy mặt tôi về phần xác, 2 hầu cho lòng những kẻ ấy được yên ủi, và lấy sự yêu thương mà liên hiệp, đặng có nhiều sự thông biết đầy dẫy chắc chắn, đến nỗi có thể hiểu sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, tức là Đấng Christ, 3 mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng.

4 Tôi nói như vậy, hầu cho chẳng ai lấy lời dỗ dành mà lừa dối anh em. 5 Vì dẫu thân tôi xa cách, nhưng tâm thần tôi vẫn ở cùng anh em, thấy trong anh em có thứ tự hẳn hoi và đức tin vững vàng đến Đấng Christ, thì tôi mừng rỡ lắm. 6 Anh em đã nhận Đức Chúa Giê-xu Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy. 7 Hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ và hãy dư dật trong sự cảm tạ.

 

1. “Chiến tranh cho anh em” (c. 1) nghĩa là gì?

2. Phao-lô chỉ về ai khi ông nói “Những kẻ không thấy mặt tôi về phần xác” (c. 1b)?

3. Theo câu 2-3, mục đích của chức vụ Phao-lô là gì?

4. “Trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu về khôn ngoan thông sáng” (c. 3) nghĩa là gì?

5. Tại sao Phao-lô vui mừng dù không ở gần tín hữu tại Cô-lô-se (c. 5)?

6. “Nhận” và “bước đi” khác nhau thế nào (c. 6)?

7. “Châm rễ” và “lập nền” nói lên hai hình ảnh gì? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi hình ảnh.

 

Phao-lô mô tả chức vụ của ông trong tương quan với Chúa (1:24-29) và trong phần tiếp theo (2:1-5) ông nói về chức vụ nhưng trong tương quan đối với độc giả.

Độc giả của Phao-lô là những người ông chưa bao giờ gặp (Những kẻ không thấy mặt tôi về phần xác) bao gồm các tín hữu tại Cô-lô-se và Lao-đi-xê (c. 1b). Dù chưa gặp, ông nói: Tôi hết sức chiến tranh cho anh em (c. 1). Chữ chiến tranh cũng là chữ chiến đấu trong 1:29, là từ dùng cho lực sĩ thi đấu trong thao trường, hàm ý đây là công việc khó nhọc, đòi hỏi nhiều cố gắng (“chiến đấu cam go,” BHĐ).

Dù không trực tiếp giảng Phúc Âm cho họ, Phao-lô cho thấy ông luôn cố gắng giúp họ trưởng thành trong đức tin. Ông mô tả sự trưởng thành đó như sau:

Hầu cho lòng những kẻ ấy được yên ủi, và lấy sự yêu thương mà liên hiệp, đặng có nhiều sự thông biết đầy dẫy chắc chắn, đến nỗi có thể hiểu sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, tức là Đấng Christ (c. 2)

Bản Hiệu Đính dịch phần này như sau:

Để lòng họ được khích lệ, hiệp nhất trong yêu thương, cũng như có được sự hiểu biết phong phú và chắc chắn để nhận biết sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, tức là Đấng Christ

Mục đích của chức vụ Phao-lô trước hết là hầu cho lòng những kẻ ấy được yên ủi (c. 2a). Được yên ủi nghĩa là “được khích lệ” (BHĐ). Sau đó là:

·      Hiệp nhất trong yêu thương.

·      Có hiểu biết phong phú và chắc chắn.

·      Nhận biết sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.

Phao-lô nói thêm: Sự mầu nhiệm tức là Đấng Christ (c. 2d). Sự mầu nhiệm nói đến Phúc Âm (1:27) và Phúc Âm không gì khác hơn là Chúa Giê-xu. Ông cho biết: Trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu về khôn ngoan thông sáng (c. 3).

Thư Cô-lô-se chủ yếu nhấn mạnh thần học về Chúa Giê-xu (Christology) để đả phá tà giáo tại Cô-lô-se, trong những triết thuyết cho là khôn ngoan, khiến con cái Chúa đi sai lạc. Phao-lô đã nói từ đầu về tính cách đầy trọn của Chúa Giê-xu (1:15-20). Bây giờ ông nhấn mạnh thêm: Trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu về khôn ngoan thông sáng (c. 3) hàm ý “trong Ngài ẩn chứa mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức” (BHĐ). Nói như vậy nghĩa là có Chúa Giê-xu là đủ, không cần khôn ngoan nào khác. Chúa Giê-xu chính là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, như đã được nhân cách hóa trong Châm Ngôn 2:1-8.

Phao-lô nhấn mạnh vai trò của Chúa Giê-xu để đả phá tà giáo tại Cô-lô-se, được thấy rõ trong câu 4:

Tôi nói như vậy hầu cho chẳng ai lấy lời dỗ dành mà lừa dối anh em (c. 4)

Lời dỗ dành chỉ về tà giáo tại Cô-lô-se lúc bấy giờ: “Tôi nói điều nầy để không ai dùng lập luận hấp dẫn mà lừa dối anh em” (BHĐ). Những lời tiếp theo của Phao-lô cho thấy dù đang bị tà giáo tấn công, đức tin các tín hữu tại Cô-lô-se vẫn vững mạnh:

Vì dẫu thân tôi xa cách, nhưng tâm thần tôi vẫn ở cùng anh em, thấy trong anh em có thứ tự hẳn hoi và đức tin vững vàng đến Đấng Christ, thì tôi mừng rỡ lắm (c. 5)

Phao-lô không sống gần người Cô-lô-se (dẫu thân tôi xa cách) nhưng ông vui mừng vì thấy trong anh em có thứ tự hẳn hoi và đức tin vững vàng đến Đấng Christ (c. 5b).

Những chữ thứ tự hẳn hoi đức tin vững vàng là hình ảnh quân sự. Tác giả N.T. Wright viết: “Phao-lô giống như một vị tướng thanh tra đội quân trước khi ra trận, thấy họ sẵn sàng trong tư thế và mạnh mẽ trong tinh thần, dù ông ở xa (Dẫu thân tôi xa cách) nhưng đã được báo cáo tốt về điều nầy” (Wright, trang 100).

Chúng ta đã biết Thư Cô-lô-se chủ yếu nhấn mạnh thần học về Chúa Giê-xu (Christology), Chúa Giê-xu là trọng tâm của mọi vấn đề. Vì vậy, phần chính của Thư Cô-lô-se (2:6 – 4:6) nói lên chủ đề nầy. Ở trên, chúng ta thấy Phao-lô đã gọi Chúa Giê-xu là:

o   Hình ảnh của Đức Chúa Trời (1:15)

o   Sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời (2:2)

o   Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (2:3)

Bây giờ ông cho thấy người tin Chúa sẽ tiếp tục sống trong ý thức đó như thế nào.

Anh em đã nhận Đức Chúa Giê-xu Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy (c. 6)

Chữ nhận mang ý nghĩa tiếp nhận lời dạy về Chúa Giê-xu và sự dạy dỗ của Ngài: Chúa Giê-xu là ai và Ngài dạy điều gì. Bước đi mang ý nghĩa sống đạo (trong ý niệm Do-thái, đời sống con người là những bước đi). Câu nầy nhấn mạnh đời sống người tin Chúa phải phù hợp với niềm tin: xưng Ngài là Chúa, thì phải sống xứng hợp với điều mình tuyên xưng. Phao-lô giải thích thêm trong câu tiếp theo:

Hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ và hãy dư dật trong sự cảm tạ (c. 7)

Theo Wright (trang 104), có bốn hình ảnh được dùng ở đây:

o   Canh nông: châm rễ.

o   Xây dựng: lập nền.

o   Pháp lý: bền vững (nói đến văn kiện được chứng thực).

o   Phong phú: dư dật (như bình rượu nho đầy tràn).

Đây là tiến trình của đời sống đức tin. Động từ châm rễ ở thì quá khứ đơn (aorist) nói lên điều chắc chắn đã xảy ra một lần trong quá khứ, khi người tin Chúa được trồng “trong Đấng Christ.”

Lập nền được viết ở thì hiện tại, cho thấy đây là tiến bộ liên tục, không ngừng.

Bền vững bởi đức tin (lấy đức tin làm cho bền vững) gợi ý rằng các tín hữu sẽ ngày càng mạnh mẽ nhờ bám lấy đức tin chân thật ban đầu.

Cảm tạ là một trong những điều được Phao-lô nhấn mạnh trong Thư Cô-lô-se (1:2; 3:15, 17; 4:2), đúng như điều ông nói: Hãy DƯ DẬT trong sự cảm tạ, như hình ảnh “chén tôi đầy tràn” (Thi thiên 23:5). “Biết ơn Chúa phải là đặc tính nổi bật của người tin Chúa, đây là dấu hiệu của những người sống trong thời đại mới” (Wright, trang 104).