Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

HỦY BỎ GIẤY NỢ (2:8-15)

8 Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng. 9 Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình. 10 Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực.

11 Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta. 12 Anh em đã bởi phép báp-têm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại. 13 Khi anh em đã chết bởi tội lỗi mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Đức Chúa Trời đã khiến anh em sống lại với Đấng Christ, vì đã tha thứ hết mọi tội chúng ta.

14 Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự. 15 Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ. 

 

1. Theo Phao-lô “triết học và lời hư không” có những đặc tính gì (c. 8)?

2. “Bắt anh em phục” (c. 8b) nghĩa là thế nào?

3. Xin giải thích câu 9.

4. Tại sao nhờ Chúa mà chúng ta có được đầy dẫy mọi sự (c. 10)?

5. Chúa là “đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực” (c. 10b) nghĩa là thế nào?

6. Thế nào là“Chịu cắt bì trong Ngài” (c. 11a) ?

7. “Phép cắt bì bởi tay người ta làm ra” và “phép cắt bì của Đấng Christ” khác nhau thế nào?

8. Chúng ta được chôn với Chúa (c. 12) trong ý nghĩa nào?

9. Xin giải thích ý nghĩa của “tờ khế” trong câu 14.

 

Sứ đồ Phao-lô viết thư Cô-lô-se để đả phá tà thuyết đang ảnh hưởng Hội Thánh lúc bấy giờ. Ông cảnh cáo họ: Hãy giữ chừng (“Hãy thận trọng,” BHĐ). Kẻo có ai, nói đến những người đang truyền bá tà thuyết nầy. Bắt anh em phục (c. 8b) mang ý nghĩa “gài bẫy” (BHĐ) nghĩa là lôi kéo các tín hữu đang ở trong Chúa, bắt nhốt theo tà thuyết của họ. Cách những người nầy làm là dùng triết học và lời hư không. Phao-lô không chống lại triết học nhưng ông nói đây là lời hư không (“lời giả dối rỗng tuếch,” BHĐ). Đây là đặc tính của tà thuyết.

Tà thuyết nầy theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian. Lời truyền khẩu của loài người là điều Chúa Giê-xu nói về người Pha-ri-si khi họ bỏ điều răn của Đức Chúa Trời mà giữ lời truyền khẩu của loài người (Mác 7:8). Lời truyền khẩu của loài người chỉ về những lề luật con người đặt ra hay thêm thắt vào điều răn của Đức Chúa Trời (Mác 7:3-5).

Sơ học của thế gian. Từ nầy trong nguyên ngữ là stoicheia nói về nguyên lý cơ bản của vũ trụ theo hiểu biết của người xưa gồm thổ, hỏa, khí và thủy. Stoicheia cũng được dùng để chỉ về mặt trời, mặt trăng và các hành tinh mà người xưa tin rằng mỗi vật đó là một vị thần. Do đó Bản Hiệu Đính đã dịch stoicheia là “các thần linh của thế gian”:

Hãy thận trọng, đừng để ai gài bẫy anh em bằng triết học và lời giả dối rỗng tuếch theo truyền thống của loài người, theo các thần linh của thế gian, mà không theo Đấng Christ (c. 8, BHĐ)

Đây là lời sứ đồ Phao-lô cảnh cáo tín hữu Cô-lô-se về hiểm họa của tà thuyết. Tà thuyết nầy là những điều không có giá trị (hư không) dựa trên những lề luật của con người và tin tưởng vào thần linh không có thật. Tất cả những điều nầy là không theo Đấng Christ (c. 8b). Theo Đấng Christ là niềm tin đúng nơi Chúa Giê-xu mà người tin Chúa phải có. Phao-lô nói đến tất cả những điều nầy trong các câu tiếp theo:

Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình (c. 9)

sự đầy trọn của thần tính hiện diện trong thân thể hữu hình của Ngài (c. 9, BHĐ)

Phao-lô đã nói điều nầy trong 1:19:

Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài (1:19)

Câu nầy xác nhận thần tính của Chúa Giê-xu (Ngài chính là Đức Chúa Trời) trong thân xác con người. Vì Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời, nên Phao-lô nói:

Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực (c. 10)

Người tin Chúa, có Chúa Giê-xu là có tất cả vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực (c. 10b) nghĩa là Chúa Giê-xu ở trên các thần linh khác (stoicheia) mà Phao-lô nhắc đến trong câu 8.

Một khía cạnh khác của tà thuyết là nhấn mạnh về phép cắt bì cho người tin Chúa, vì trong Hội Thánh đầu tiên cũng như trong các Hội Thánh vùng Ga-la-ti, các tín hữu Dân Ngoại tin Chúa bị áp lực của tín đồ Do-thái buộc họ phải chịu cắt bì (trở nên người Do-thái) thì mới được cứu. Điều nầy trở thành chủ trương duy luật (legalism) nhấn mạnh việc tuân giữ luật pháp để được cứu. Chủ trương nầy bây giờ pha trộn với những tín lý ngoại giáo khác và là một phần tà thuyết tấn công Hội Thánh Cô-lô-se. Vì vậy, Phao-lô giải thích và nhấn mạnh cho độc giả như sau:

Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta (c. 11)

Phao-lô cho thấy, đối với người tin Chúa, chịu cắt bì không phải là phép cắt bì bởi tay người ta làm ra nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ và như vậy nghĩa là lột bỏ tánh xác thịt. Tánh xác thịt nói đến con người tội lỗi cũ. Như vậy, là người tin Chúa, chúng ta không cần phải cắt bì trong thân xác để được cứu nhưng khi tin Chúa, chúng ta được “cắt bì tâm linh,” trở nên con người mới (Ga-la-ti 5:6; Rô-ma 28-29).

Phao-lô giải thích tiến trình nầy như sau:

Anh em đã bởi phép báp-têm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại (c. 12)

Đây là ý được trình bày trong Thư Rô-ma:

Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy (Rô-ma 6:5)

Tương tự như vậy với ý của câu 13:

 

Cô-lô-se 2:13

Rô-ma 6:6-8

Khi anh em đã chết bởi tội lỗi mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Đức Chúa Trời đã khiến anh em sống lại với Đấng Christ, vì đã tha thứ hết mọi tội chúng ta.

Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội-lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi.  Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài.

 

Đang khi tà thuyết nhấn mạnh vào việc phải chịu cắt bì để được cứu, Phao-lô cho thấy, người tin Chúa nhờ liên hiệp với Đấng Christ nên chết đời sống tội lỗi cũ và sống đời sống mới.

Một cái nhìn khác vào sự cứu rỗi là vấn đề nợ tội:

Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự (c. 14)

Phao-lô dùng hình ảnh một người mắc nợ và bị nợ đòi dựa trên tờ khế (“giấy nợ,” BHĐ). Tờ khế hay giấy nợ tượng trưng cho những điều chúng ta phải vâng giữ, dựa vào luật pháp:

Ngài đã hủy bỏ giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta (c. 14, BHĐ)

Phao-lô cũng nói điều nầy trong Thư Rô-ma:

Điều chi luật-pháp không làm nổi, tại xác-thịt làm cho luật-pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt, hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta (Rô-ma 8:3-4).

Qua cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã làm hai điều: (1) Hủy bỏ giấy nợ chống lại chúng ta. (2) Đóng đinh giấy nợ vào thập tự giá. Nói như vậy nghĩa là Chúa Giê-xu đã trả nợ thay cho chúng ta, chúng ta không còn phải trả. Đó cũng là ý nghĩa của chữ: Mọi sự đã được trọn (“Paid in full”) mà Chúa Giê-xu thốt ra trên cây thập tự.

Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá chẳng những trả nợ cho chúng ta nhưng cũng tước bỏ sức mạnh của các thần linh:

Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ (c. 15)

Quyền cai trị và thế lực (c. 10) chỉ về các thần linh của thế gian (stoichea, c. 8) mà cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá đã truất bỏ. Truất bỏ là hình ảnh người lính La-mã lột bỏ y phúc của tử tội trước khi hành hình. Đây là hình ảnh ngược lại, khi Chúa Giê-xu chịu chết, chính Ngài đã lột bỏ quyền lực của các thần linh bêu chúng ra giữa thiên hạ (BHĐ). Cái chết của Chúa Giê-xu là án phạt Chúa Giê-xu lãnh thay cho con người để dựa vào đó Đức Chúa Trời có thể tha tội cho con người. Tội lỗi không thể làm hại con người.