Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

“CHỚ LẤY, CHỚ NẾM, CHỚ RỜ?” (2:16-23)

16 Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát,17 ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ. 18 Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần thưởng chạy thi, là kẻ giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ. Họ theo những sự mình xem thấy và bởi tình xác thịt nổi lòng kiêu ngạo vô ích, 19 không liên lạc với Đầu, là nhờ đầu đó mà cả thân thể xếp đặt kết hiệp bởi các lắt léo và được sự sanh trưởng từ Đức Chúa Trời đến.

20 Ví bằng anh em chết với Đấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ nầy ép buộc mình, như anh em còn sống trong thế gian: 21 Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ? 22 Cả sự đó hễ dùng đến thì hư nát, theo qui tắc và đạo lý loài người, 23 dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt. 

 

1. Xin kể ra những điều mà các tín hữu tại Cô-lô-se bị đoán xét (c. 16).

2. “Chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ” (c. 17) nghĩa là thế nào?

3. “Cướp lấy phần thưởng chạy thi” (c. 18a) là cướp trong ý nghĩa nào?

4. “Giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ” (c. 18b) cho thấy đặc tính gì của tà giáo tại Cô-lô-se?

5. “Tình xác thịt” (c. 18c) chỉ về điều gì?

6. “Các lắt léo” (c. 19b) nói đến điều gì?

7. “Sơ học của thế gian” (c. 10a) nói đến điều gì?

8. Câu 20-23 cho thấy đặc tính gì của tà giáo tại Cô-lô-se?

 

Phần nầy bắt đầu với chữ Vì vậy (c. 16a), hàm ý dựa vào những gì vừa nói (c. 8-15) mà Phao-lô khuyên dạy các tín hữu Cô-lô-se. Điểm chính Phao-lô vừa nói là đức tin nơi Chúa Giê-xu bao gồm tất cả, người tin Chúa không cần phải làm gì nữa:

Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự (c. 10a)

Họ không cần phải chịu cắt bì (c. 11-13) cũng không bị gò bó với những luật lệ khắt khe của luật pháp (c. 14-15). Bây giờ, đi vào chi tiết, Phao-lô nói:

Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát (c. 16)

Đoán xét anh em hàm ý các tín hữu tại Cô-lô-se bị những người theo tà giáo buộc tội là đã không tuân giữ những luật lệ nầy. Đây không chỉ là phê phán, buộc tội nhưng hàm ý phải bị loại ra khỏi cộng đồng con dân Chúa nếu không vâng giữ những luật lệ đó. Đây là điều Phao-lô đã nói về các tín hữu Ga-la-ti (Ga-la-ti 4:17).

Của ăn uống nói đến những thức ăn được nêu trong Lê-vi ký 11. Ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát chỉ về những ngày lễ hàng năm, hàng tháng và hàng tuần theo luật Do-thái. Những người theo tà thuyết buộc tội các tín hữu Cô-lô-se vì họ không vâng giữ những luật lệ của người Do-thái.

Phao-lô cho thấy, sở dĩ người tin Chúa không cần phải vâng giữ những luật lệ của người Do-thái là vì:

Ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ (c. 17)

Phao-lô không phủ nhận hay khước từ những luật lệ của Do-thái giáo nhưng cho thấy đức tin nơi Chúa Giê-xu là hoàn tất những luật lệ đó. Luật pháp và những luật lệ trong Cựu Ước chỉ là bóngcòn hình thì ở trong Đấng Christ! Những luật lệ bên ngoài của Do-thái giáo chỉ là phản ánh thực chất trong Chúa Giê-xu. Phao-lô viết tiếp:

Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần thưởng chạy thi, là kẻ giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ (c. 18a)

Phần thưởng chạy thi nói đến giải thưởng người lực sĩ nhận được khi về đến đích. Cướp lấy phần thưởng chạy thi nghĩa là cho rằng người tin Chúa đã vi phạm luật lệ khi không vâng giữ những luật lệ của Do-thái giáo. Phao-lô gọi họ là những người giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ. Câu nầy hàm ý họ là những người phủ phục trước thiên sứ làm ra vẻ mình là người khiêm nhường (bản dịch Jerusalem Bible). Từ nầy được dùng để mô tả những người chủ trương kiêng ăn càng nhiều sẽ nhận được nhiều khải tượng. Người Do-thái tin rằng luật pháp và điều răn đến từ thiên sứ (Công vụ 7:53) do đó họ tập trung quá nhiều vào thiên sứ như thể thờ lạy thiên sứ.

Giáo Hội Mormons tin vào thiên sứ Moroni (con của Mormon) và tin rằng thiên sứ đã hiện ra cho giáo chủ Joseph Smith và ban cho ông dữ liệu để viết sách The Book of Mormon (Kinh Thánh của người Mormons). Tượng vàng của thiên sứ Moroni thường được đặt trên các nóc giáo đường lớn của người Mormons. Đây là một hình thức thờ lạy thiên sứ của thời đại chúng ta.

Lời khuyến cáo của Phao-lô trong câu 16-18 nói đến những người chủ trương tuân giữ luật lệ Do-thái giáo và lên án các tín hữu Cô-lô-se. Ông nói tiếp:

Họ theo những sự mình xem thấy và bởi tình xác thịt nổi lòng kiêu ngạo vô ích, không liên lạc với đầu, là nhờ đầu đó mà cả thân thể xếp đặt kết hiệp bởi các lắt léo và được sự sanh trưởng từ Đức Chúa Trời đến (c. 18b-19)

Bản Hiệu Đính dịch câu trên như sau:

Họ dựa vào các sự hiện thấy đặc biệt, bởi tâm trí xác thịt mà kiêu ngạo vô cớ. Họ không liên hệ chặt chẽ với Đầu để nhờ Ngài mà toàn thân được nuôi dưỡng, được kết hợp với nhau bởi những khớp xương, dây liên kết và tăng trưởng theo ý muốn Đức Chúa Trời (c. 18b-19, BHĐ)

Những người theo tà thuyết cho rằng mình có những sự hiện thấy đặc biệt và trở nên kiêu ngạo, lên án người khác. (Những chữ tình xác thịt trong nguyên văn là “tâm trí xác thịt).  Vấn đề chính của những người nầy, theo Phao-lô là, Họ không liên lạc với Đầu, cho thấy họ không thật sự có đức tin nơi Chúa, không có sự sống của Chúa: “Họ không liên hệ chặt chẽ với Đầu để nhờ Ngài mà toàn thân được nuôi dưỡng” (c. 19a, BHĐ).

Những chữ “khớp xương” và “dây liên kết” (các lắt léo) là hình ảnh hiệp một trong thân thể của Chúa (Hội Thánh). Vì không liên kết với Đầu là Chúa nên những người nầy cũng không liên kết với Hội Thánh của Ngài. Hội Thánh thật của Chúa là Hội Thánh được tăng trưởng vì có mối quan hệ sống với Chúa, là Đầu của thân thể.

Đi vào chi tiết hơn, Phao-lô viết:

Ví bằng anh em chết với Đấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ nầy ép buộc mình, như anh em còn sống trong thế gian: Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ? (c. 20-21)

Đây là câu hỏi tu từ, nhằm nhấn mạnh ý người tin Chúa không cần phải tuân giữ những luật lệ kiêng khem, gò bó. Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Nếu anh em đã chết với Đấng Christ, thoát khỏi các thần linh của thế gian, thì tại sao anh em lại vẫn sống như mình còn thuộc về thế gian? Tại sao vẫn thuận phục những luật lệ: “Chớ lấy, chớ nếm, chớ sờ” (c. 20-21, BHĐ)

Ví bằng anh em chết với Đấng Christ hay: “Nếu anh em đã chết với Đấng Christ” hàm ý anh em đã thật sự chết với Đấng Christ. Đây là ý Phao-lô đã nói trong câu 13, về việc người tin Chúa là người đã đồng chết và đồng sống lại với Chúa nên không còn bị ràng buộc với những luật lệ của trần gian. Sự sơ học của thế gian (stoicheia, c. 8) nói đến “các thần linh của thế gian” (BHĐ).

Người tin Chúa đã được thoát khỏi các thần linh của thế gian nên không phải “thuận phục những luật lệ: Chớ lấy, chớ nếm, chớ sờ.” Những chữ: Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ, là một phần của câu hỏi trong câu 20-21, không thể tách riêng ra và nói rằng Kinh Thánh dạy, “Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ.” Không, Kinh Thánh không dạy như vậy, phải hiểu Kinh Thánh trong toàn văn mạch!

Người tin Chúa không phải tuân giữ những luật lệ kiêng khem tỉ mỉ như không được ăn thức ăn nầy, không được làm việc nọ việc kia vì:

Cả sự đó hễ dùng đến thì hư nát, theo qui tắc và đạo lý loài người, dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt (c. 22-23)

Bản Hiệu Đính dịch:

Tất cả những thứ ấy đều hư hoại nếu đã dùng đến. Chúng chỉ là những luật lệ và giáo huấn của loài người. Thật những điều ấy, bề ngoài có vẻ khôn ngoan vì thờ lạy theo ý mình, cùng với sự hạ mình và khắc khổ thân thể, nhưng chẳng có giá trị gì trong việc chế ngự dục vọng của xác thịt (c. 22-23, BHĐ)

Phao-lô cho thấy không ích lợi gì khi vâng giữ những luật lệ đó vì:

(1) Tất cả những thứ ấy đều hư hoại nếu đã dùng đến, tương tự như việc giữ luật bề ngoài Chúa Giê-xu nói đến trong Ma-thi-ơ 15:1-20 và Mác 7:1-23.

(2) Chúng chỉ là những luật lệ và giáo huấn của loài người (Ma-thi-ơ 15:9).

Ngoài ra, Phao-lô nói tiếp: “Thật những điều ấy, bề ngoài có vẻ khôn ngoan vì thờ lạy theo ý mình, cùng với sự hạ mình và khắc khổ thân thể, nhưng chẳng có giá trị gì trong việc chế ngự dục vọng của xác thịt.” Những người theo quy luật của con người, theo ý mình, kiêng cữ điều nầy điều nọ, cho rằng sống khắc khổ như vậy là khôn ngoan, khiêm nhường. Kỳ thật, Phao-lô cho biết, sống như vậy “chẳng có giá trị gì trong việc chế ngự dục vọng của xác thịt.” Bản tính con người vốn tội lỗi xấu xa, không thể dùng bất cứ điều gì, nhất là cố gắng của con người để chế ngự tội lỗi. Phương cách duy nhất để vượt thắng con người tội lỗi là đồng chết, đồng chôn và đống sống lại với Đấng Christ (3:1-4).