Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 10

“KẺ CHỌN LỰA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI” (3:12-17)

12 Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục, 13 nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. 14 Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.

15 Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể, lại phải biết ơn.

16 Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời. 17 Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.

 

1. Phao-lô gọi độc giả bằng những danh hiệu gì (c. 12a)? Mang những ý nghĩa nào?

2. Cùng với lời khuyên, “Hãy có lòng thương xót” (c. 12a), Phao-lô nói thêm điều gì? Cho thấy ý nghĩa nào?

3. Xin giải thích câu: “Như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (c. 13b).

4. “Dây liên lạc của sự trọn lành (c. 14b) nghĩa là gì?

5. Xin cho biết ba điều Phao-lô nói trong câu 15 và ý nghĩa mỗi điều.

6. Làm thế nào để “Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng” chúng ta (c. 16a)?

7. “Ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng” (c. 16b) khác nhau thế nào?

8. Chúng ta “Nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều” (c. 17a) như thế nào?

 

Trong phần thực hành (3:1–4:5), sau những lời khuyên xa lánh nếp sống cũ, Phao-lô đưa ra những lời khuyên tích cực. Trước hết, ông nhắc để độc giả nhớ họ là ai:

Anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài (c. 12a)

Người tin Chúa là người:

·      Được Chúa chọn

·      Thánh

·      Được yêu dấu

Biết rõ danh phận của mình, chúng ta sẽ sống phù hợp với danh phận đó. Chúng ta là những người được Chúa lựa chọn và kêu gọi ra khỏi thế gian tội lỗi để biệt riêng cho Ngài (thánh). Chúng ta cũng là những người được Chúa yêu thương. Với danh phận và địa vị đó, chúng ta phải sống sao cho xứng đáng.

Lời khuyên tích cực đầu tiên là:

Hãy có lòng thương xót (c. 12a)

Tiếp theo, Phao-lô viết:

Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục (c. 12b)

Những điều nầy đi chung với nhau:

Hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục (c. 12b, BHĐ)

Lòng thương xót bao gồm hai chữ trong nguyên văn, nói đến sự thông cảm tận đáy lòng (Ma-thi-ơ 9:36). Nhân từ được định nghĩa là “nghệ thuật làm một người bạn thân” (Wright, trang 146), nghĩa là có lòng yêu thương thật sự. Kế tiếp là khiêm nhường, nói đến thái độ đối với bản thân còn nhân từ là đối với người khác. Khiêm nhườngmềm mại cũng là hai đặc tính của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 11:29) mà người tin Chúa phải phản ánh trong đời sống vì sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời (c. 3). Nhịn nhục nói đến tính kiên nhẫn với người gây thiệt hại hay khó khăn cho mình.

Phao-lô bảo chúng ta, Hãy mặc lấy những điều nầy như mặc quần áo. Đây là trang phục của người tin Chúa: Hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục (c. 12b, BHĐ). Minh họa cho lời khuyên nầy là:

Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy (c. 13)

Đây là ví dụ cụ thể cho thấy thế nào là sống với lòng thương xót, nhân từ, mềm mại và nhịn nhục. Phàn nàn mang ý nghĩa phiền giận hay bất hòa. Sống trong một cộng đồng, phiền giận hay bất hòa là điều không thể tránh. Khi sự việc như vậy xảy ra, Phao-lô khuyên: Hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau (c. 13b). Nhường nhịn mang ý nghĩa sẵn sàng chịu đựng, dù người khác làm phiền hay gây khó khăn cho mình. Tha thứ mang ý nghĩa tha với lòng khoan nhân như người được tha nợ (Lu-ca 7:42-43). Đây là cách Chúa tha thứ chúng ta: Như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy (c. 13c). Câu chuyện Người Đầy Tớ Không Có Lòng Thương Xót (Ma-thi-ơ 18:23-35) là hình ảnh tương phản của người không có lòng tha thứ như đáng phải có.

Nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nhường nhịn, tha thứ (c. 12-13) là cách người tin Chúa đối xử với nhau. Bao gồm tất cả những điều nầy là lòng yêu thương:

Trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành (c. 14)

Nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nhường nhịn, tha thứ là thể hiện của yêu thương. Yêu thương là mối dây nối kết những điều nầy với nhau. Đây là một nối kết toàn hảo (BHĐ).

Tiếp tục lời khuyên từ câu 12, nghĩa là sau khi mặc lấy thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nhường nhịn, tha thứ, yêu thương, Phao-lô viết:

Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể, lại phải biết ơn (c. 15)

Phần nầy tương tự với Ê-phê-sô 4:2-3. Ba điều ông nhắc đến là bình an, hiệp một và lòng biết ơn. Một thể (“một thân thể,” BHĐ) chỉ về Hội Thánh của Chúa. Lòng biết ơn và tạ ơn Chúa là điều Phao-lô thường nhắc trong các thư tín của ông (Rô. 1:8; I Cô. 1:4; II Cô. 2:14; Ê-phê-sô 5:4; Phi-líp 4:6; I Tê. 1:2; II Tê. 2:13; I Ti. 2:1).

Lời của Đấng Christ nói đến những lời mô tả về Chúa, tức là Phúc Âm. Ở đầy trong lòng mang ý nghĩa thâm sâu, đậm nét, không phải chỉ sơ sài, bề ngoài. Những chữ mọi sự khôn ngoan đi với phần tiếp theo: “Hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau” (BHĐ). Hai điều Phao-lô dạy ở đây là:

(1) Dùng ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau. Ca vịnh các Thi Thiên. Thơ thánh nói đến thánh ca. Bài hát nói đến mọi thể loại âm nhạc nên bài hát thiêng liêng là âm nhạc chỉ để ca ngợi Chúa. Có người giải thích: “Ca vịnh là các bài hát dựa trên Kinh Thánh. Thơ thánh là những bài thánh ca về Chúa Giê-xu và bài hát thiêng liêng là những bài hát được sáng tác qua sự cảm hứng của Chúa Thánh Linh” (Moo, trang 290).

(2) Hết lòng hát khen Đức Chúa Trời dịch theo nguyên văn là hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn” (BHĐ).

Phao-lô kết thúc phần nầy với câu:

Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha (c. 17)

Nói hay làm (“lời nói” và “việc làm”) chỉ về mọi hoạt động và cách xử sự của chúng ta khi sống ở đời, tức là nếp sống hằng ngày. Trong mọi cách hành xử, người tin Chúa phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều nghĩa là nếp sống của chúng ta phải phù hợp với đặc tính của Chúa, sống là người của Chúa. Đi đôi với đời sống giống như Chúa là tinh thần tạ ơn: Nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha (c. 17). Chúa Giê-xu là trung gian giữa Đức Chúa Trời với con người và giữa con người với Đức Chúa Trời. Lời tạ ơn của chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Thư Cô-lô-se nhấn mạnh về vai trò của Chúa Giê-xu, Phao-lô nói điều nầy hàm ý chống lại điều mà những người dạy tà đạo cho rằng con người phải qua thiên sứ hay những trung gian khác để đến gần Đức Chúa Trời.