Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI (3:18 – 4:1)

18 Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy. 19 Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người. 

20 Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa. 21 Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng. 

22 Hỡi kẻ làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc. 23 Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, 24 vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa. 25 Vì ai ăn ở bất nghĩa, sẽ lại chịu lấy sự bất nghĩa của mình: không tây vị ai hết. 

4:1 Hỡi người làm chủ, hãy lấy điều công bình chánh trực đãi tôi tớ mình, vì biết rằng anh em cũng có một Chủ mình ở trên trời. 

 

1. Xin cho biết mạng lệnh của Chúa cho:

(1) Người vợ: ____________________________

(2) Người chồng: ________________________

(3) Người con: ___________________________

(4) Người cha: ___________________________

(5) Người làm tôi tớ: ____________________

(6) Người làm chủ: ______________________

2. “Như làm cho Chúa” (c. 23a) nghĩa là thế nào?

3. “Chịu lấy sự bất nghĩa của mình” nghĩa là gì (c. 25)?

4. Thế nào là “công bình chính trực” (4:1)?

 

Trong phần áp dụng (3:1 – 4:6), trước hết Phao-lô nói về bổn phận của con cái Chúa nói chung (3:1-17). Bây giờ ông nói đến các bổn phận trong gia đình (vợ chồng, cha mẹ con cái) và ngoài xã hội (chủ tớ). Phần nầy tương tự như trong Thư Ê-phê-sô 5:21 – 6:9 nhưng vắn tắt hơn.

Trước hết là mạng lệnh cho người vợ:

Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy (c. 18)

Vâng phục mang ý nghĩa thuận phục, đặt mình dưới thẩm quyền mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. Y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy nghĩa là “như thế mới thích hợp là người ở trong Chúa” (BHĐ). Đây là vai trò và vị trí của người vợ theo khuôn mẫu của Chúa. Người tin Chúa phải sống theo mẫu mực nầy. Mạng lệnh nầy được quân bình trong mạng lệnh tiếp theo cho người chồng:

Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người (c. 19)

Động từ yêu (agapao) mang ý nghĩa tình yêu hy sinh, vì người khác, như tình yêu của Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:25). Ngược lại với yêu thương là cay nghiệt, mang ý nghĩa hà khắc, khó khăn. Người chồng là chủ gia đình với thẩm quyền của người lãnh đạo, nhưng phải thực hiện thẩm quyền đó trong yêu thương, không ích kỷ. Yêu thương mang ý nghĩa quan tâm đến phúc lợi của vợ (Phi-líp 2:4) và sống với nhau trong tinh thần hỗ tương (Ê-phê-sô 5:21).

Trong mối quan hệ cha mẹ/con cái, Phao-lô dạy:

Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa. Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng (c. 20-21)

Lý do con cái phải vâng phục cha mẹ là vì điều đó đẹp lòng Chúa ( c. 20b). Nói khác đi, vì là con cái của Chúa, vì là người tin Chúa mà chúng ta vâng phục cha mẹ, sống theo khuôn mẫu của Ngài.

 Chúng ta thấy tinh thần hỗ tương, có qua có lại hay bổn phận của cả hai bên là điều được Phao-lô đặc biêt chú ý: vợ vâng phục chồng thì chồng phải yêu thương vợ; con cái vâng lời cha mẹ thì: Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng! (c. 21b).

Chọc giận mang ý nghĩa cư xử vô lý khiến con cái phản loạn. Đây có thể là những mắng mỏ nặng lời, kỷ luật quá đáng hay không công bằng trong cách đối xử. Cũng có thể là bỏ bê con cái hay không giữ lời hứa với con. Những hành vi nầy lâu ngày sẽ trở thành cay đắng và khiến con nản lòng, không còn muốn vâng lời cha mẹ nữa.

Trong mối quan hệ thứ ba, Phao-lô viết:

Hỡi kẻ làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc (c. 22)

Trong bối cảnh của Thư Cô-lô-se, Phao-lô nói đến việc nô lệ vâng phục chủ nhưng đây cũng là nguyên tắc áp dụng cho người làm việc đối với chủ trong khung cảnh ngày nay. Tương tự như trong mối quan hệ giữa vợ với chồng và con cái đối với cha mẹ, vâng phục nói lên ý sống đúng trong thứ tự thẩm quyền Thiên Chúa thiết lập: người dưới phải vâng lệnh người trên. Trong cả ba mối quan hệ (vợ đối với chồng, con cái đối với cha mẹ và công nhân đối với chủ nhân) căn bản của sự vâng phục là Chúa (y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy, điều đó đẹp lòng Chúavì kính sợ Chúa).

Động cơ thúc đẩy trong lòng là điều quan trọng. Người tin Chúa không phải chỉ làm đẹp lòng trước mặt chủ nhưng luôn luôn làm việc với lòng thật thà (“chân thành,” BHĐ) vì kính sợ Chúa.

Phao-lô viết tiếp:

Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng (c. 23-24a)

Đây là nguyên tắc làm việc của người tin Chúa: làm hết lòng, cố gắng tối đa trong mọi công việc. Một lần nữa, động cơ thúc đẩy là Chúa: Như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta (c. 23b).

Đây là lời Phao-lô nói với những nô lệ (kẻ làm tôi tớ, c. 22a) và nô lệ thì không có cơ nghiệp gì ở trần gian. Cho nên ông cho họ thấy rằng, người nô lệ khi tin Chúa sẽ được phần thưởng là cơ nghiệp ở thiên đàng, không phải trên đời nầy: “Anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng” (c. 24a, BHĐ).

Phao-lô nói tiếp với các nô lệ:

Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa (c. 24b)

Chữ hầu việc nghĩa là “làm nô lệ,” như vậy, ông muốn cho họ nhớ rằng người chủ thật của họ là chính Chúa, không phải người chủ trên trần gian.

Kết thúc phần nầy, Phao-lô nói như một lời cảnh cáo:

Vì ai ăn ở bất nghĩa, sẽ lại chịu lấy sự bất nghĩa của mình: không tây vị ai hết (c. 23-25)

Ăn ở bất nghĩa mang ý nghĩa “làm điều sai trái” (BHĐ) nên Phao-lô có ý nhắc nhở các nô lệ phải luôn luôn làm việc với lòng thật thà dù có mặt chủ hay không (c. 22b). Người làm sai trái (ăn ở bất nghĩa) chắc chắn sẽ lãnh chịu hậu quả do mình gây ra vì Chúa là Đấng thưởng phạt công minh, không thiên vị.

Trong lời khuyên cho người chủ, Phao-lô viết:

Hỡi người làm chủ, hãy lấy điều công bình chánh trực đãi tôi tớ mình, vì biết rằng anh em cũng có một Chủ mình ở trên trời (4:1)

Hai điều người chủ phải xử sự với nô lệ hay người làm công cho mình là công bình chính trực (“phải lẽ và công bằng,” BHĐ). Công bình nói đến tiêu chuẩn của Chúa. Chính trực mang ý nghĩa bình đẳng.

Lý do người chủ phải đối xử phải lẽ hay công bằng với nô lệ hay người làm của mình là: Vì biết rằng anh em cũng có một Chủ mình ở trên trời (4:1b). Đức Chúa Trời là người Chủ thật, luôn luôn đối xử phải lẽ và công bằng với chúng ta thì chúng ta cũng phải đối xử như vậy với những người mà chúng ta là chủ của họ.