Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

“NÊM THÊM MUỐI” (4:2-6)

2 Phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện mà thêm sự tạ ơn vào. 3 Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, hầu cho tôi được rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, vì lẽ đó mà tôi bị xiềng xích, 4 lại hầu cho tôi được tỏ cho biết lẽ ấy như điều tôi phải nói.

5 Hãy lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại và lợi dụng thì giờ. 6 Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào.

 

1. Xin cho biết những yếu tố trong sự cầu nguyện (c. 2) và ý nghĩa của mỗi điều.

2. “Mở cửa cho sự giảng đạo” (c. 3a) hàm ý gì?

3. “Lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ” nói đến điều gì?

4. Làm thế nào để chúng ta có thể “lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại” (c. 5a)?

5. Chúng ta “lợi dụng thì giờ” như thế nào?

6. Xin giải thích lời nói “ân hậu” và “nêm thêm muối” (c. 6).

 

Trở lại với những lời khuyên cá nhân, Phao-lô viết:

Phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện mà thêm sự tạ ơn vào (c. 2)

Đây là lời khuyên tỉnh thức và cầu nguyện. Ba điều Phao-lô nói về cầu nguyện là bền đỗ, tỉnh thứctạ ơn.

Bền đỗ mang ý nghĩa kiên trì, tiếp tục và cầu nguyện thường xuyên (Công vụ 2:42; 6:4; Rô-ma 12:12).

Tỉnh thức là tinh thần cảnh giác, đề phòng sự tấn công của kẻ thù (I Phi. 5:8).

Tạ ơn là thái độ cần có khi cầu nguyện, hàm ý biết chắc lời cầu nguyện sẽ được nhậm, nên cầu nguyện với lòng biết ơn. Tạ ơn là điều được nhắc đến nhiều lần trong Thư Cô-lô-se (1:12; 2:7; 3:15, 17). Phao-lô cũng bao gồm yếu tố tạ ơn trong lời dạy về cầu nguyện trong Phi-líp 4:6.

Như vậy, chúng ta phải kiên trì, bền chí cầu nguyện trong tinh thần đề cao cảnh giác và với lòng biết ơn. Đây là khuôn mẫu cầu nguyện chúng ta cần áp dụng.

Tiếp tục dạy về cầu nguyện, Phao-lô nói đến cầu thay:

Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, hầu cho tôi được rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, vì lẽ đó mà tôi bị xiềng xích, lại hầu cho tôi được tỏ cho biết lẽ ấy như điều tôi phải nói (c. 3-4)

Mở cửa cho sự giảng đạo hàm ý xin Chúa ban cho cơ hội để rao giảng Phúc Âm. Phao-lô gọi đó là rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ. Lẽ mầu nhiệm (1:26, 27; 2:2) là từ chỉ về Phúc Âm, nói đến điều được giữ kín từ trước nhưng nay được bày tỏ. Phao-lô nhắc cho độc giả nhớ nguyên nhân ông bị tù cũng là vì rao truyền Phúc Âm và điều ông xin họ cầu nguyện cho ông là “để tôi có thể bày tỏ rõ ràng điều tôi phải nói” (BHĐ).

Sau lời khuyên cầu nguyện, Phao-lô nói đến việc cư xử với người ngoại, sử dụng thì giờ và lời nói:

Hãy lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại và lợi dụng thì giờ. Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào (c. 5-6)

Chữ ăn ở trong nguyên văn là “bước đi,” nói đến lối sống hay cách hành xử “cư xử,” BHĐ). Khôn ngoan trong Kinh Thánh mang ý nghĩa áp dụng hiểu biết vào hành động. Người tin Chúa có sự khôn ngoan của Chúa để trong mỗi trường hợp biết cách ứng xử dựa trên niềm tin và giá trị của mình.

Khôn ngoan cũng áp dụng vào việc sử dụng thì giờ: Lợi dụng thì giờ (c. 5b). Lợi dụng (exagorazo) là từ dùng trong việc mua bán, mang ý nghĩa mua lại hay chuộc lại. Điều nầy cho thấy thì giờ quý giá, chúng ta phải dùng thì giờ cách khôn ngoan. Lợi dụng thì giờ nghĩa là tận dụng mọi dịp tiện chúng ta có để làm đúng việc, đúng lúc: “Hãy tận dụng thì giờ” (BHĐ).

Hai điều Phao-lô dạy về lời nói là: có ân hậunêm thêm muối. Đây có thể là lời nói chứng đạo hay lời nói trong việc tiếp xúc hằng ngày. Dù là chia sẻ Phúc Âm hay trò chuyện, điều cần phải có là ân hậu (charis). Đây là từ “ân điển” hay “ân sủng” Chúa dành cho chúng ta. Khi nói về Chúa cho người khác, lời nói đó phải có ơn của Chúa đi kèm. Khi sử dụng lời nói với mọi người, lời nói chúng ta phải dịu dàng, nhân hậu như người có ân sủng của Chúa.

Điều thứ hai trong việc sử dụng lời nói là phải nêm thêm muối. Đặc tính của muối là gia tăng hương vị, bảo quản và chữa lành. Lời nói của người tin Chúa cũng phải có những đặc điểm nầy: đem lại hữu ích và xây dựng. Đó là đặc điểm của người tin Chúa theo lời dạy của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 5:13) và phương cách nói về Chúa cho người khác (I Phi-e-rơ 3:15b).