Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

NHỮNG NGƯỜI BẠN (4:7-18)

7 Ty-chi-cơ là anh em rất yêu của chúng tôi, một người tôi tớ trung thành của Chúa và bạn cùng làm việc với tôi, sẽ báo tin cho anh em về các việc của tôi. 8 Tôi có ý sai người đến cùng anh em, hầu cho anh em biết tình cảnh chúng tôi là thể nào, đặng người yên ủi lòng anh em.   9Kẻ cùng đi với người là Ô-nê-sim, anh em trung tín và rất yêu của chúng tôi, tức là người đồng xứ với anh em vậy. Hai người đó sẽ nói cho biết hết mọi điều xảy ra ở đây. 

10 A-ri-tạc, là bạn đồng tù với tôi, gởi lời thăm anh em, Mác, anh em chú bác với Ba-na-ba cũng vậy. Về Mác, anh em đã chịu lấy lời dạy bảo rồi, nếu người đến nơi anh em, hãy tiếp rước tử tế. 11 Giê-su gọi là Giúc-tu cũng có lời thăm anh em. Trong những người chịu cắt bì, chỉ ba người đó cùng tôi vì nước Đức Chúa Trời mà làm việc, và các người ấy là một sự yên ủi lòng tôi.

12 Ê-pháp-ra, người hàng xứ với anh em, tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ, có lời chào anh em. Người vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời. 13 Vì tôi làm chứng cho người rằng, người làm việc rất là khó nhọc vì anh em, lại vì người Lao-đi-xê và người Hi-ê-ra-bô-li nữa. 14 Lu-ca là thầy thuốc rất yêu dấu, chào anh em, Đê-ma cũng vậy. 

15 Hãy chào các anh em ở Lao-đi-xê và Nim-pha, cùng Hội thánh nhóm trong nhà người. 16 Anh em đọc thơ nầy rồi, hãy đưa cho Hội thánh Lao-đi-xê đọc với, anh em cũng phải đọc thơ ở Lao-đi-xê gởi đến nữa. 17 Rốt lại, hãy nói với A-chíp rằng: Hãy cẩn thận về chức vụ mà ngươi đã nhân danh Chúa nhận lãnh, để làm cho thật trọn vẹn. 

18 Chính tay tôi, Phao-lô, viết chào thăm anh em. Hãy nhớ về xiềng xích của tôi. Nguyền xin ân điển ở cùng anh em!

 

Xin kể tên những người Phao-lô nhắc đến trong phân đoạn nầy và chi tiết về mỗi người:

·      Ti-chi-cơ:

·      Ô-nê-sim:

·      A-ri-tạc:

·      Mác:

·      Giê-su (Giúc-tu):

·      Ê-pháp-ra:

·      Lu-ca:

·      Đê-ma:

·      A-chíp:

 

Phần cuối Thư Cô-lô-se nhắc đến tên một số người liên quan đến chức vụ của Phao-lô và Hội Thánh Cô-lô-se. Trước hết là Ty-chi-cơ, người mang lá thư đến cho Hội Thánh Cô-lô-se. Ông cũng là người mang thư đến cho Hội Thánh Ê-phê-sô (Ê-phê-sô 6:21-22) và thư cho ông Phi-lê-môn vì Ty-chi-cơ cùng đi với Ô-nê-sim (c. 19) là người nô lệ được nhắc đến trong Thư Phi-lê-môn (c. 10).

Công vụ 20:4 cho biết Ty-chi-cơ là người ở A-si, chắc là ở Ê-phê-sô, thành phố lớn của tỉnh A-si, nơi Phao-lô lưu ngụ hai năm (Công vụ 19:10). Ông cùng đi trong phần cuối của hành trình truyền giáo lần thứ ba của Phao-lô (Công vụ 20:4). Ty-chi-cơ cũng được nhắc đến trong Ê-phê-sô 6:21, Tít 3:12 và II Ti-mô-thê 4:12. Điều nầy cho thấy ông là người được Phao-lô tin cẩn để giúp liên lạc với các Hội Thánh và những người hầu việc Chúa.

Phao-lô gọi Ty-chi-cơ anh em rất yêu của chúng tôi, một người tôi tớ trung thành của Chúa và bạn cùng làm việc với tôi (c. 7a). Đây là những danh hiệu quý báu mà mỗi chúng ta cần có khi hầu việc Chúa với các đầy tớ của Ngài. Nhiệm vụ của Ty-chi-cơ chẳng những là đem thư của Phao-lô cho Hội Thánh Cô-lô-se nhưng cũng để cho họ biết tin tức của Phao-lô:

sẽ báo tin cho anh em về các việc của tôi. Tôi có ý sai người đến cùng anh em, hầu cho anh em biết tình cảnh chúng tôi là thể nào, đặng người yên ủi lòng anh em (c. 7b-8)

Ông cũng là người Phao-lô tin tưởng là sẽ yên ủi các tín hữu tại Cô-lô-se. Ty-chi-cơ thật là người đáng cho chúng ta noi gương.

Ô-nê-sim, cùng đi với Ty-chi-cơ, là người ở tại Cô-lô-se (c. 9). Chúng ta sẽ học về Ô-nê-sim trong Thư Phi-lê-môn.

Tiếp theo, Phao-lô kể tên ba bạn người Do-thái (Trong những người chịu cắt bì, chỉ ba người đó cùng tôi vì nước Đức Chúa Trời mà làm việc, c. 11a) gởi lời chào Hội Thánh Cô-lô-se, đó là A-ri-tạc, Mác Giê-su (Giúc-tu).

A-ri-tạc được gọi là bạn đồng tù với Phao-lô. Chúng ta không rõ là bạn đồng tù trong ý nghĩa nào, có thể ông đã tình nguyện ở lại nơi Phao-lô bị giam lỏng (Công vụ 28:30) để giúp vị sứ đồ. A-ri-tạc là người Tê-sa-lô-ni-ca (Công vụ 20:4) từng đi với Phao-lô trong hành trình truyền giáo thứ ba (Công vụ 19:29). Ông cũng cùng đi với vị sứ đồ khi Phao-lô bị giải từ Sê-sa-rê đến Rô-ma và cùng bị đắm tàu trong chuyến đi nầy (Công vụ 27:2).

Mác, như chúng ta đã biết, là Giăng Mác (Công vụ 12:12; 13:37) cùng đi với Phao-lô và Ba-na-ba trong chặng đầu của hành trình truyền giáo thứ nhất (Công vụ 13:5). Vì Mác bỏ dở cuộc hành trình nầy (Công vụ 13:13) nên trong chuyến truyền giáo sau đó, Phao-lô không muốn có Mác cùng đi (Công vụ 15:37-38). Vì vậy đã sinh ra cuộc tranh cãi giữa Phao-lô và Ba-na-ba nên hai vị sứ đồ nầy không đi chung với nhau nữa (Công vụ 15:39). Có lẽ Hội Thánh Cô-lô-se biết về xung đột nầy nên Phao-lô dặn dò riêng, để Mác được tiếp đón tử tế khi đến Cô-lô-se :

Về Mác, anh em đã nhận được những chỉ dẫn rồi, nếu Mác đến chỗ anh em, hãy tiếp đón anh ấy (c. 10b, BHĐ)

Chi tiết bà con giữa Mác và Ba-na-ba (anh em chú bác) trong Thư Cô-lô-se giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân tranh chấp gay go giữa Phao-lô và Ba-na-ba, có lẽ vì Ba-na-ba muốn bênh vực người bà con. Nhưng lời nhắn nầy hàm ý Phao-lô đã tha thứ lỗi lầm của Mác, như được xác nhận trong II Ti-mô-thê 4:11b.

Người Do-thái thứ ba Phao-lô đề cập đến là Giê-su/Giúc-tu. Vì nhiều ngôn ngữ được sử dụng trong thế kỷ thứ nhất nên người Do-thái thường có thêm một tên khác bằng tiếng La-tinh hay Hy-lạp. Hai người khác mang tên Giúc-tu là:

(1) Một trong hai ứng viên vào chức vụ sứ đồ thay thế cho Giu-đa (Công vụ 1:23).

(2) Một người Dân Ngoại kính sợ Đức Chúa Trời, ở gần Nhà Hội Cô-rinh-tô (Công vụ 18: 7).

Chúng ta không rõ Giúc-tu được Phao-lô nhắc đến là người nào nhưng là người đang ở gần Phao-lô mà tín hữu Cô-lô-se đều biết.

Cả ba người nầy (A-ri-tạc, Mác và Giúc-tu) đều là người Do-thái (những người chịu cắt bì, c. 11b) mà Phao-lô cho biết họ:

… cùng tôi vì Đức Chúa Trời mà làm việc và các người ấy là một sự yên ủi lòng tôi (c. 11b)

Đây là lời khen tặng quý báu mà ước gì mỗi chúng ta đều nhận được từ những người hầu việc Chúa.

Ba nhân vật tiếp theo được Phao-lô nhắc đến là Ê-pháp-ra, bác sĩ Lu-caĐê-ma.

Ê-pháp-ra là người Cô-lô-se (“đồng hương,” BHĐ). Phao-lô nói:

Ê-pháp-ra, người hàng xứ với anh em, tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ, có lời chào anh em (c. 12a)

Điều nầy cho thấy Ê-pháp-ra đã từ Cô-lô-se đến thăm Phao-lô khi ông bị giam tại La-mã và còn ở lại đó nên có câu: Có lời chào anh em. Ê-pháp-ra đã được nói đến ở đầu thư (1:7) bây giờ được nhắc lại với những lời như sau:

Người vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời (c. 12b)

Câu nầy cho thấy Ê-pháp-ra là một người cầu nguyện, có tinh thần cầu nguyện chiến đấu. Chiến đấu là hình ảnh người lực sĩ vận dụng mọi sức lực và kiên trì cầu thay cho tín hữu Cô-lô-se. Đây là hình ảnh Gia-cốp vật lộn với Đức Chúa Trời (Sáng 32:28). Hai điều Ê-pháp-ra cầu nguyện cho tín hữu tại Cô-lô-se là:

(1)  Để họ được trở nên toàn vẹn.

(2) Trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.

Toàn vẹn mang ý nghĩa trưởng thành (Ê-phê-sô 4:13). Trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời hàm ý Ê-pháp-ra ước mong muốn thấy con cái Chúa thật sự là những người sống đúng theo ý muốn Chúa.

Hai điều áp dụng ở đây là:

1. Xin Chúa cho chúng ta có tinh thần cầu nguyện như Ê-pháp-ra: hết lòng chiến đấu cầu nguyện cho người khác.

2. Đời sống mỗi người tin Chúa là phải trưởng thành và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.

Phao-lô nói thêm về Ê-pháp-ra như sau:

Vì tôi làm chứng cho người rằng, người làm việc rất là khó nhọc vì anh em, lại vì người Lao-đi-xê và người Hi-ê-ra-bô-li nữa (c. 13)

Làm việc rất là khó nhọc là điều Phao-lô khen tặng Ê-pháp-ra. Đây là từ đặc biệt, mang ý nghĩa lao khổ, hàm ý ông phải làm việc trong hoàn cảnh khó khăn vì phải đối đầu với nhóm người rao giảng tà đạo trong Hội Thánh. Địa bàn hoạt động của Ê-pháp-ra chẳng những tại Cô-lô-se nhưng cũng ở Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li, là hai thành phố kế cận.

Chi tiết nầy nhắc chúng ta nhớ đến các đầy tớ Chúa cũng đang làm việc khó nhọc như vậy trong các Hội Thánh và cầu nguyện cho họ.

Người được Phao-lô gởi lời thăm tiếp theo là Lu-ca. Phao-lô gọi ông là thầy thuốc rất yêu dấu (“vị bác sĩ yêu quý,” BHĐ). Lu-ca là tác giả Phúc Âm Lu-ca và sách Công vụ các sứ đồ (đối chiếu Lu-ca 1:1 và Công vụ 1:1). Vì Lu-ca là tác giả sách Công vụ nên những phân đoạn có chữ chúng ta (“chúng tôi” thì đúng hơn) là những lúc Lu-ca cùng đi với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo (Công vụ 16:10-17; 20:5-15; 21:1-18; 27:1– 28:16). Bác sĩ Lu-ca là người có mặt với Phao-lô trong những ngày chót trước khi ông thọ hình (II Ti. 4:11a). Lu-ca cùng bị đắm tàu với Phao-lô trong chuyến đi đến Rô-ma (Công vụ 28) và có mặt với Phao-lô khi ông bị giam (Công vụ 28:30) vì vậy Phao-lô nhắc đến Lu-ca trong lá thư nầy.

Theo Thư Phi-lê-môn câu 24, Đê-ma là bạn cùng làm việc với Phao-lô tương tự như Mác, A-ri-tạc và Lu-ca. Về sau, Phao-lô viết trong Thư II Ti-mô-thê về Đê-ma như sau:

Hãy cố gắng đến cùng ta cho kíp vì Đê-ma đã lìa bỏ ta rồi, tại người ham hố đời nầy và đã đi qua thành Tê-sa-lô-ni-ca (II Ti-mô-thê 4:9-10a)

Như vậy, Đê-ma là người cùng làm việc với Phao-lô, có mặt với Phao-lô tại Rô-ma khi ông viết thư Cô-lô-se nhưng về sau đã bỏ chức vụ vì ham hố đời nầy.

Xin Chúa giúp chúng ta tránh khỏi cám dỗ nầy!

Kết thúc lá thư là lời chào và nhắn nhủ của Phao-lô:

Hãy chào các anh em ở Lao-đi-xê và Nim-pha, cùng Hội thánh nhóm trong nhà người (c. 15)

Các anh em ở Lao-đi-xê có lẽ là nói về Hội Thánh Lao-đi-xê nhưng cũng có thể chỉ về một vài người từ Lao-đi-xê dọn về ở Cô-lô-se mà Phao-lô biết, trong số đó có Nim-pha được ông nêu rõ tên. Có nhiều cách đọc khác nhau trong các thủ bản Hy-lạp về tên Nim-phanhưng đa số các bản dịch mới cho rằng Nim-pha là tên phụ nữ cho nên đã dịch như trong Bản Hiệu Đính: “Nim-pha cùng Hội Thánh nhóm trong nhà BÀ.” Nim-pha có thể là một góa phụ giàu, đã dùng nhà mình làm nơi nhóm họp (Moo, trang 349).

Anh em đọc thơ nầy rồi, hãy đưa cho Hội thánh Lao-đi-xê đọc với, anh em cũng phải đọc thơ ở Lao-đi-xê gởi đến nữa (c. 16)

Một số người cho rằng thơ ở Lao-đi-xê gởi đến chính là Thư Ê-phê-sô vì một số thủ bản không có chữ “Ê-phê-sô” trong Thư Ê-phê-sô nên được coi đó là một lá thư luân lưu, cho nhiều Hội Thánh cùng đọc. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng nếu cả ba lá thư Ê-phê-sô, Cô-lô-se và Phi-lê-môn được viết cùng một lúc và đều do Ti-chi-cơ mang đến thì hẳn Phao-lô đã để tên Hội Thánh Lao-đi-xê trong đó. Thư ở Lao-đi-xê gởi đến vì vậy có thể là: (1) Thư Ê-phê-sô. (2) Một thư đã bị thất lạc và chúng ta không có bản nào của lá thư đó.

Rốt lại, hãy nói với A-chíp rằng: Hãy cẩn thận về chức vụ mà ngươi đã nhân danh Chúa nhận lãnh, để làm cho thật trọn vẹn. (c. 17)

A-chíp cũng được nhắc đến trong Thư Phi-lê-môn câu 2, có lẽ là người lãnh đạo Hội Thánh Cô-lô-se nên cần được lời khuyên nầy. Đây cũng là lời khuyên mỗi người hầu việc Chúa cần ghi nhớ.

 Chính tay tôi, Phao-lô, viết chào thăm anh em. Hãy nhớ về xiềng xích của tôi. Nguyền xin ân điển ở cùng anh em! (c. 18)

Đây là cách ký tên trong các lá thư ngày xưa để xác nhận người viết thư. Những lá thư trong thời Phao-lô thường do một người biên chép (amanuensis) nghe đọc và viết lại. Đến cuối thư, tác giả sẽ cầm bút viết hàng chữ cuối để chứng thực. Hai điều Phao-lô muốn để lại cho các con cái Chúa tại Cô-lô-se là:

1. Hãy nhớ đến tình trạng tù tội hiện tại của ông và cầu nguyện cho ông.

2. Nhớ rằng ân sủng của Chúa là điều tuyệt diệu nhất để chúng ta dựa vào đó mà sống.

Đây cũng là hai điều Phao-lô muốn nhắn nhủ và để lại cho chúng ta hôm nay:

·         Cầu nguyện cho những người đang bị bách hại vì Danh Chúa.

·         Tạ ơn Chúa về ân sủng Ngài dành cho chúng ta để sống mỗi ngày.