Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

“HÃY NÊN THÁNH VÌ TA LÀ THÁNH” (1:13-16)

13 Vậy, anh em hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết độ, lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra. 14 Anh em đã nên như con cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê muội. 15 Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, 16 bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh.

 

1. “Bền chí như thể thắt lưng” (c. 13a) nghĩa là thế nào?

2. Thế nào là tiết độ (c. 13b)?

3. “Con cái hay vâng lời” (c. 14a) hàm ý gì?

4. Làm thế nào chúng ta có thể nên thánh giống như Chúa được (c. 15-16)?

 

Bền chí như thể thắt lưng là thành ngữ trong tiếng Hy-lạp mang ý nghĩa “chuẩn bị tâm trí” (BHĐ). Tiết độ chẳng những mang ý nghĩa “không chè chén say sưa” nhưng cùng với ý chuẩn bị tâm trí, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật trong lối suy nghĩ, không để tâm trí “nghiện ngập” với những điều bất xứng.

Lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra (c. 13b) nói đến hy vọng của người tin Chúa về ngày tái lâm.

Đây là ba căn bản người tin Chúa dựa vào để sống thánh sạch: (1) Chuẩn bị tâm trí. (2) Tinh thần kỷ luật. (3) Hy vọng về ngày tái lâm. Dựa trên những điều này, Phi-e-rơ viết:

Anh em đã nên như con cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê muội (c. 14)

Con cái hay vâng lời (“con cái của sự vâng lời”) nói lên ý “biết vâng lời” (BHĐ). Chữ làm theo mang ý nghĩa đồng hóa hay khuôn rập (Rô-ma 12:2). Sự dâm dục chẳng những mang ý nghĩa ham muốn tình dục nhưng nói đến mọi ham muốn (“dục vọng,” BHĐ). Đây là dục vọng cai trị trong anh em ngày trước (c. 14b) là lúc anh em còn mê muội (c. 14c). Mê muội nghĩa là không biết Chúa và đường lối của Ngài. Phillips dịch câu nầy: “Đừng để cho tâm trí anh em khuôn rập theo dục vọng của những ngày còn mê muội.”

Đối chiếu với nếp sống mê muội cũ, Phi-e-rơ viết:

Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh (c. 15-16)

Phi-e-rơ nhắc cho độc giả nhớ rằng, họ là những người được Chúa gọi, hàm ý Chúa là Đấng khởi đầu, đem họ ra khỏi bóng tối của tội lỗi (2:9b) nên họ phải sống xứng đáng với sự kêu gọi đó.

Chữ thánh mang hai ý nghĩa: (1) Phân cách. (2) Cung hiến. Một vật được gọi là thánh khi được phân cách khỏi những vật khác và sử dụng cho Đức Chúa Trời. Sống thánh khiết vì vậy là sống phân rẽ khỏi trần gian và sống cho mục đích của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là thánh nghĩa là Chúa cách biệt hoàn toàn với trần gian tội lỗi và vượt lên trên những thấp hèn của trần gian. Người tin Chúa cũng phải thánh như vậy. Tuy nhiên, thánh không phải chỉ là phân biệt với trần gian mà còn mang ý nghĩa đạo đức, cách biệt khỏi tội ác và sống đời công chính. Đó là đối chiếu giữa câu 14 và 15.

Phi-e-rơ kêu gọi độc giả: Phải thánh trong mọi cách ăn ở mình (c. 15b). Cách ăn ở nói đến nếp sống, khuôn mẫu chúng ta theo đó để sống. Phải thánh trong mọi cách ăn ở mình nghĩa là “nếp sống được thay đổi mỗi ngày, mỗi giây phút, từ suy nghĩ đến hành động. Đây là sự thánh khiết chẳng những tránh tội lỗi bên ngoài nhưng thánh khiết từ trong tâm tính, tấm lòng và tâm trí” (Grudem, 79).