Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

THỜI KỲ Ở TRỌ ĐỜI NẦY (1:17-21)

17 Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy, 18 vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, 19 bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít, 20 đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em, 21 là kẻ nhân Đức Chúa Giê-xu tin đến Đức Chúa Trời, tức là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại và ban sự vinh hiển cho Ngài đến nỗi đức tin và sự trông cậy anh em được nương nhờ Đức Chúa Trời.

 

1. Xin cho biết hai điều về Đức Chúa Trời mà Phi-e-rơ nói  đến trong câu 17.

2. Xưng Đức Chúa Trời bằng Cha mang ý nghĩa gì?

3. Thế nào là “lấy lòng kính sợ mà ăn ở” (c. 17b)?

4. Tại sao Phi-e-rơ gọi đời sống là thời kỳ ở trọ đời nầy” (c. 17c)? “Thời kỳ ở trọ đời nầy” hàm ý gì?

5. Câu 18-20 cho thấy điều gì về sự cứu rỗi của chúng ta?

 

Một động lực khác giúp chúng ta sống thánh khiết là lòng kính sợ Chúa:

Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy (c. 17)

Chữ nếu ở đầu câu không mang ý nghĩa giả sử nhưng hàm ý đây là điều độc giả đang làm: “VÌ anh em xưng Đấng không tây vị ai… bằng Cha” (NIV). Chữ xưng mang ý nghĩa xưng tụng, kêu cầu khi gặp khó khăn. Người xưng Đức Chúa Trời bằng Cha là người tin Chúa, thường xuyên kêu cầu với Ngài, không phải chỉ kể mình là con của Chúa. Phi-e-rơ cho thấy Đức Chúa Trời là người Cha yêu thương nhưng cũng là quan án công bình (không tây vị ai: “Đấng không thiên vị,” BHĐ). Ngài cũng là Đấng xét đoán từng người theo việc họ làm (c. 17b). Đây không nói đến sự xét đoán tương lai nhưng ngay trong hiện tại, hàm ý sẽ có việc kỷ luật những người thiếu lòng kính sợ Chúa.

Phi-e-rơ cho thấy, con cái trong gia đình của Chúa là những người có đặc ân gọi Đức Chúa Trời là Cha, kêu cầu với Ngài nhưng không nên quên Ngài cũng là quan án không thiên vị, chúng ta không thể tránh sự sửa phạt của Chúa khi coi thường và phạm tội với Ngài. Trong ý thức đó, Phi-e-rơ dạy:

Hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy (c. 17c)

Ăn ở nói đến cách hành xử, trọn nếp sống của chúng ta. Người tin Chúa lấy lòng kính sợ mà ăn ở vì biết Chúa là quan án không thiên vị. Kính sợ Chúa không mang ý nghĩa sợ hãi, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nhưng ý thức về sự hiện diện của Chúa trong đời sống. Đây là ý nghĩa kính sợ Đức Chúa Trời trong Cựu Ước (Phục truyền 6:19; Thi thiên 128:1; Châm ngôn 1:7).

Phi-e-rơ gọi thời gian chúng ta sống trên đời là thời kỳ ở trọ đời nầy (c. 17c). Thời kỳ ở trọ đồng nghĩa với kiều ngụ (1:1) nói đến nơi sống tạm, không phải quê hương (Hê-bơ-rơ 11:9; 13). Đây là ý thức và tâm niệm của mỗi người tin Chúa khi còn sống trên trần gian nầy:

Trần thế chẳng phải quê hương, chính tôi đây thân lữ hành!

Câu 18 bắt đầu với chữ vì:

Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình (c. 18)

Điều nầy cho độc giả thấy rằng họ phải sống kính sợ Chúa (c. 17) vì Chúa đã chuộc họ với một giá rất cao, đó là bởi huyết báu Đấng Christ (c. 19a; I Cô. 6:20).

Báu mang ý nghĩa quý giá, có giá trị (từ dùng cho bửu thạch, I Cô. 3:12 và sản vật, Gia-cơ 5:7). Huyết của Chúa (sự chết cứu chuộc của Ngài) có một giá trị vô cùng cao quý, không gì có thể so sánh. Phi-e-rơ nói điều nầy để nhấn mạnh giá trị của sự cứu rỗi, do đó nhắc độc giả trân quý, không coi thường và sẽ là động lực giúp họ lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy!

Hai giá trị của huyết Chúa là:

1. Giá trị cứu chuộc. Chữ chuộc (c. 18) là từ được dùng nói đến việc bỏ tiền mua nô lệ hay chuộc con tin. Sự chết của Chúa trên thập tự giá là để chuộc chúng ta khỏi tình trạng làm nô lệ cho tội lỗi.

2. Giá trị tế lễ. Phi-e-rơ viết: Dường như huyết của chiên con không lỗi không vít (c. 19b). Đây là hình ảnh của chiên con của Lễ Vượt Qua (Xuất 12:5) và sinh tế toàn vẹn con dân Chúa phải dâng cho Đức Chúa Trời (Dân số ký 6:14; 28:3, 9). Đây là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian (Giăng 1:31; I Cô. 5:7; Hê-bơ-rơ 9:14; Khải 5:6, 12; Ê-sai 53:7).

Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là để chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình (c. 18b). Độc giả của Phi-e-rơ phần lớn là Dân Ngoại, khi tin Chúa, họ được thoát ra khỏi nếp sống cũ mà Phi-e-rơ gọi là sự ăn ở không ra chi. Ăn ở nói đến nếp sống, khuôn mẫu chúng ta theo đó để sống (c. 15). Không ra chi mang ý nghĩa trống rỗng, vô giá trị, vô nghĩa (“phù phiếm,” BHĐ). Đây là nếp sống của tổ tiên truyền lại hàm ý đã sống nhiều năm theo những tập tục ngoại giáo của cha ông.

Tế lễ chuộc tội của Chúa Giê-xu là điều đã định sẵn trước buổi sáng thế và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em (c. 20). Điều nầy cho thấy chương trình cứu rỗi Đức Chúa Trời dành cho chúng ta đã được thiết lập từ trước vô cùng (Ê-phê-sô 1:4) và được thực hiện đúng thời điểm: Hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em (c. 20b).

Đối tượng của chương trình cứu rỗi này không ai khác hơn là độc giả của Phi-e-rơ:

Là kẻ nhân Đức Chúa Giê-xu tin đến Đức Chúa Trời, tức là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại và ban sự vinh hiển cho Ngài đến nỗi đức tin và sự trông cậy anh em được nương nhờ Đức Chúa Trời (c. 21)

Nhân Đức Chúa Giê-xu tin đến Đức Chúa Trời cho thấy đức tin của chúng ta là qua công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu. Sự cứu chuộc nầy chẳng những đến từ sự chết của Chúa (huyết báu Đấng Christ, c. 19a) nhưng cũng qua sự sống lại và thăng thiên (Khiến Ngài từ kẻ chết sống lại và ban sự vinh hiển cho Ngài). Điều nầy xác chứng cho đức tin và hy vọng của chúng ta:

Đức tin và hy vọng của anh em được đặt nơi Đức Chúa Trời (c. 21b, BHĐ)