Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

CỎ KHÔ HOA RỤNG (1:22-25)

22 Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng. 23 Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời. 24 Vì,

Mọi xác thịt ví như cỏ,

Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ.

Cỏ khô, hoa rụng,

25 Nhưng Lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em.

 

1. Xin cho biết mạng lệnh trong câu 22 và căn bản của mạng lệnh đó.

2. “Lẽ thật” (c. 22a) chỉ về điều gì?

3. Thế nào là yêu thương “thật thà” (c. 22b) và “sốt sắng” (c. 22c)?

4. Sau lời khuyên yêu thương (c. 22), Phi-e-rơ nói đến giá trị của Lời Chúa (c. 23-25). Xin cho biết liên hệ giữa hai phần nầy.

5. Xin giải thích chữ “giống” trong câu 23.

6. Hai đặc tính của Lời Chúa trong câu 23c là gì và ý nghĩa của mỗi điều?

7. “Xác thịt” trong câu 24 nói đến điều gì? “Vinh hiển” (24b) chỉ về điều gì?

8. “Như hoa cỏ” nghĩa là thế nào?

9. “Cỏ khô hoa rụng” nói đến điều gì?

10. “Đạo Tin Lành” (c. 25) nói đến điều gì?

 

Hai lời khuyên chính của Phi-e-rơ trong phần từ câu 13 đến 25 là thánh khiết (c. 13-21) và yêu thương (c. 22-25). Mở đầu lời khuyên yêu thương, Phi-e-rơ viết:

Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà (c. 22a)

Để có thể yêu thương nhau cách thật thà, người tin Chúa phải vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình. Lẽ thật (“chân lý,” BHĐ) chỉ về lẽ thật Phúc Âm, điều các tín hữu đã tin. Lẽ thật cũng nói đến lời dạy trong Kinh Thánh mà các tín hữu phải vâng theo. Trực tiếp trong phần nầy, lẽ thật chỉ về mạng lệnh sống thánh khiết (c. 15). Vì các tín hữu đã tin nhận Chúa và vâng theo lời Chúa dạy nên họ có thể có lòng yêu thương anh em cách thật thà. Như vậy, căn bản của lòng yêu thương chính là đức tin nơi Chúa Giê-xu và làm theo lời dạy của Ngài. Chúng ta không thể thật sự yêu thương nếu thiếu đi căn bản đó. “Càng sống thánh khiết, chúng ta sẽ càng yêu thương anh chị em trong Chúa sâu đậm” (Grudem, 89).

Phi-e-rơ nhấn mạnh, đây là lòng yêu thương thật thà (c. 22b) và sốt sắng (c. 22c). Thật thà là không giả dối, chỉ có bề ngoài và sốt sắng mang ý nghĩa sâu đậm, không hời hợt.

Sau lời khuyên yêu thương (c. 22), Phi-e-rơ nói đến giá trị của Lời Chúa (c. 23-25). Liên hệ giữa hai phần nầy là việc các tín hữu đều đã cùng tin nhận Chúa, cùng được tái sinh vào trong gia đình của Chúa nên yêu thương nhau là điều không thể thiếu. Việc được tái sinh nầy đến từ sức mạnh của Lời Chúa. Do đó Phi-e-rơ nói đến yêu thương và rồi cho thấy sức mạnh của Lời Chúa đã tạo nên lòng yêu thương đó.

Lại sanh (c. 23a) hay tái sanh là điểm bắt đầu của đời sống tâm linh (c. 3). Đây là việc làm của Đức Chúa Trời trong chúng ta với kết quả tiếp diễn mãi trong đời sống. Tác nhân của sự tái sanh hay đời sống mới đó là giống chẳng hư nát (c. 23b). Giống là nói đến hạt giống, có sự sống bên trong:

Anh em đã được tái sinh không phải bởi hạt giống dễ hư hoại nhưng bởi hạt giống không hề hư hoại (c. 23a, BHĐ)

Hư hoại hay hư nát nói đến giá trị sẽ phai tàn theo năm tháng ngược lại với chẳng hư nát là điều trường tồn, vĩnh cửu (c. 4). Đó là giá trị của Lời Chúa: hằng sốngbền vững (c. 23c). Hằng sống nghĩa là có sự sống, có sức mạnh tái tạo. Bền vững là trường tồn, không qua đi (Mác 13:31).

Phi-e-rơ trích tiên tri Ê-sai để chứng minh điều nầy:

Mọi xác thịt ví như cỏ, mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng nhưng Lời Chúa còn lại đời đời (c. 24-25a)

Mọi xác thịt nghĩa là mọi người. Cỏ (Ma-thi-ơ 6:30) hay cỏ khô (I Cô. 3:12) nói đến tính cách chóng phai tàn. Vinh hiển chỉ về vẻ đẹp, huy hoàng hay danh tiếng. Vẻ đẹp, huy hoàng hay danh tiếng đó sẽ chóng qua như hoa cỏ: cỏ khô, hoa rụng (Gia-cơ 1:10-11).

Phi-e-rơ đối chiếu điều nầy với tính cách trường tồn của Lời Chúa mà ông gọi là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em (c. 25b). Đạo Tin Lành tức là Phúc Âm, nội dung của lời Phi-e-rơ rao giảng về Chúa Giê-xu.

Phân đoạn nầy cho thấy sức mạnh tái tạo của Lời Chúa (c. 23) và giá trị vĩnh cửu của Lời nầy (c. 25).