Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

“NOI DẤU CHÂN NGÀI” (2:18-25)

18 Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy lấy lòng rất kính sợ mà phục theo chủ mình, chẳng những phục người chủ hiền lành mà thôi, lại phải phục người chủ khó tánh nữa. 19 Vì nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức, ấy là một ơn phước. 20 Vả, mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn chịu, thì có đáng khoe gì? Nhưng nếu anh em làm lành, mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời.

21 Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài: 22 Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá. 23 Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình.

24 Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh. 25 Vì anh em vốn giống như con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng Chăn Chiên và Giám Mục của linh hồn mình.

 

1. Theo câu 18-20, tại sao người tin Chúa “phải phục người chủ khó tính?”

2. “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó” (c. 21a). “Sự đó” chỉ về điều gì?

3. “Noi dấu chân Ngài” nghĩa là thế nào?

4. Dựa vào câu 22-23, chúng ta có thể “noi dấu chân Chúa” như thế nào?

5. Chúng ta có thể định nghĩa sự cứu rỗi như thế nào dựa vào câu 24a?

6. Theo ý Bạn, câu 24b áp dụng theo ý nghĩa thuộc thể hay thuộc linh? Lành bệnh thể xác hay lành bệnh tâm linh?

7. “Đấng Chăn Chiên” và “Giám Mục” khác nhau thế nào? Đức Chúa Trời là Đấng Chăn Chiên và Giám Mục của chúng ta nghĩa là thế nào?

 

I Phi-e-rơ 2:13 – 3:22 nói đến:

·      Bổn phận công dân (2:13-17)

·      Bổn phận tôi tớ (2:18-25)

·      Bổn phận vợ chồng (3:1-7)

Mỗi phần bắt đầu với chữ “Hãy phục:”

·      Hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên (2:13)

·      Hãy lấy lòng rất kính sợ mà phục theo chủ mình (2:18)

·      Hãy phục chồng mình (3:1)

Điểm chung trong các mối quan hệ nầy là phục hay vâng phục. Phục hay vâng phục mang ý nghĩa tôn trọng thẩm quyền Chúa đặt trên mình. Trong đất nước, đó là chính quyền. Trong xã hội đó là người chủ và trong gia đình đó là người chồng. Chúa đã đặt những thẩm quyền nầy trên chúng ta và chúng ta có bổn phận phải vâng phục. Vâng phục các thẩm quyền đó là vâng phục chính Chúa.

Kẻ làm tôi tớ (oiketes) chỉ về gia nhân, người giúp việc trong nhà khác với chữ “nô lệ” (doulos) dù hai từ nầy mang ý nghĩa tương đương. hội thời Phi-e-rơ là xã hội có nhiều nô lệ, những chữ chủ tôi tớ đây chỉ về người làm và người chủ chủ. Phi-e-rơ không có ý khuyến khích chế độ nô lệ nhưng cho thấy cách hành xử trong xã hội đương thời, tương đương với quan hệ giữa chủ nhân và nhân viên làm việc trong xã hội ngày nay.

Hãy lấy lòng rất kính sợ mà phục theo chủ mình (c. 18) mang ý nghĩa hết lòng chu toàn bổn phận của người làm công. Người làm công có thể có người chủ hiền lành nhưng cũng có thể gặp phải người chủ khó tính. Dù là trường hợp nào, người làm công được dạy là phải lấy lòng rất kính sợ mà phục theo chủ mình (c. 18a) nghĩa là cách xử sự của người làm công không thay đổi dù ai là chủ của mình. Phi-e-rơ giải thích:

Vì nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức, ấy là một ơn phước (c. 19)

Nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, đúng hơn là “vì nhận biết Đức Chúa Trời” (BHĐ) nghĩa là người đầy tớ có thể hết lòng vâng phục chủ dù với người chủ khó tính vì đức tin nơi Chúa, với lòng nhờ cậy Chúa, vâng theo lời dạy của Chúa. Chịu khốn nạn mang ý nghĩa đau đớn trên phương diện tinh thần, sầu khổ. Oan ức nghĩa là bị đối xử bất công. Ấy là một ơn phước tương đương với ý nghĩa trong Ma-thi-ơ 5:11 nhưng ý nghĩa chính ở đây là “đẹp lòng Chúa” (Lu-ca 2:52; 6:32-34). Vâng phục trong khi bị oan ức là điều đáng khen (NIV).

Khai triển thêm ý nầy, Phi-e-rơ viết:

Vả, mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn chịu, thì có đáng khoe gì? Nhưng nếu anh em làm lành, mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời (c. 20)

Câu nầy nhằm nhấn mạnh ý “làm lành mà chịu khốn khó” vì “làm điều ác mà chịu khốn khó” là chuyện tất nhiên. “Làm lành mà chịu khốn khó” mới là ơn phước, hay đúng hơn mới đáng khen!

Trong phần tiếp theo, Phi-e-rơ lấy gương của Chúa Giê-xu để dạy điều nầy:

Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài (c. 21)

Anh em đã được kêu gọi đến sự đó (c. 21a) hàm ý, nhẫn nhục chịu khổ là điều tất nhiên sẽ xảy ra cho người tin Chúa. Chúng ta được kêu gọi để bắt chước Chúa:

Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài (c. 21b)

Đây là bắt chước Chúa trong việc nhẫn nhục chịu khổ. Phi-e-rơ cho thấy:

Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá. Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình (c. 22-23)

Chúa vô tội, không dối trá, bị nguyền rủa nhưng Chúa không rủa lại. Chúa có thể hăm dọa những người hại Chúa là sau nầy Chúa sẽ hình phạt họ, nhưng Chúa đã không làm như vậy. Gương của Chúa là cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình (c. 23b) hàm ý Chúa tin tưởng nơi sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời trong mọi việc. Chúng ta cần bắt chước Chúa Giê-xu trong gương chịu đựng và tin cậy nơi Đức Chúa Trời khi bị đối xử bất công vì Danh Chúa.

Tiếp theo việc Chúa chịu khổ (c. 21), Phi-e-rơ nói đến cái chết thay thế của Chúa vì chúng ta trong câu tiếp theo:

Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình (c. 24a)

Đây là lời tóm tắt ngắn gọn về Phúc Âm. Phúc Âm không gì khác hơn là Đấng vô tội chịu chết vì người có tội. Cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết của một con người trong thân xác để có thể cứu chúng ta. Cây gỗ (xylon) nghĩa là vật dụng làm bằng gỗ chỉ về thập tự giá. Chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình nghĩa là “để chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính” (BHĐ) hàm ý người tin Chúa là người chết đời sống tội lỗi cũ và sống đời sống công chính mới (Rô-ma 6:5-11).

Lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh (c. 24b) trích từ Ê-sai 53:5 nói về sự chữa lành tâm linh, tuy nhiên cũng có thể áp dụng cho việc chữa lành thuộc thể vì ơn chữa lành của Chúa vẫn còn (Gia-cơ 5:14-16).

Phi-e-rơ cho độc giả thấy hình ảnh của người tin Chúa như sau:

Vì anh em vốn giống như con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng Chăn Chiên và Giám Mục của linh hồn mình (c. 25)

Đây là hình ảnh của con chiên và Người Chăn. Người tin Chúa là con chiên đi lạc nay đã quay về chuồng và Chúa là Đấng Chăn ChiênGiám Mục. Đấng Chăn Chiên chỉ về người chăn bầy. Giám Mục (episkopos) nói đến người coi sóc (Công vụ 20:28). Người tin Chúa là con chiên của Chúa, sống dưới sự chăn dắt và gìn giữ của Ngài.