Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

“DẪN CHÚNG TA ĐẾN CÙNG ĐỨC CHÚA TRỜI” (3:18-22)

18 Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. 19 Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù, 20 tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người.

21 Phép báp têm bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ, 22 là Đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên sứ, các vương hầu, các quyền thế thảy đều phục Ngài.

 

1. “Chịu chết một lần” (c. 18a) hàm ý gì?

2. “Dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (c. 18b) nghĩa là thế nào?

3. Xin giải thích câu: “Về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống” (c. 18c).

4. Chúa Giê-xu “đi giảng cho các linh hồn bị tù” (c. 19) lúc nào?

5. “Các linh hồn bị tù” (c. 20a) chỉ về ai?

6. “Phép báp têm bây giờ là ảnh tượng của sự ấy” (c. 21a) nghĩa là thế nào?

7. Xin giải thích câu: “Một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời” (c. 21b).

 

Ví dụ Chúa Giê-xu chịu khổ mang lại lợi ích (trang 52) được Phi-e-rơ mô tả như sau:

Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời (c. 18)

Đây là một trong những câu tóm tắt đầy đủ nhất về Phúc Âm hay chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Phúc Âm là việc Đấng vô tội (Chúa Giê-xu) mang hình phạt thay (chịu chết) cho người có tội. Qua đó, con người tội lỗi được nối kết trở lại với Đức Chúa Trời: Để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời!

Chịu chết một lần nghĩa là cái chết thay thế của Chúa Giê-xu trên thập tự giá đã hoàn tất chương trình cứu rỗi nhân loại: “Chính Đấng Christ cũng đã vì tội lỗi chịu chết một lần đủ cả!” (BHĐ).

Cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết vì tội lỗi nghĩa là cái chết thay thế: Chúa là Đấng vô tội lãnh bản án thay cho con người tội lỗi: Đấng công chính thay cho kẻ bất chính” (BHĐ).

Mục đích Chúa Giê-xu chịu chết là để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời (c. 18c). Dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời hàm ý tội lỗi đã phân cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời và cái chết thay thế của Chúa Giê-xu giúp giải quyết sự ngăn cách đó. Con người tội lỗi phải được thanh tẩy mới có thể nối kết lại với Đức Chúa Trời thánh khiết.

Về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống (c. 18c) nghĩa là cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là cái chết thể xác, cái chết thật của một con người bằng xương bằng thịt. Đó là trên phương diện thế xác, nhưng trên phương diện tâm linh (linh hồn được dùng đối lại với xác thịt) thì Chúa Giê-xu được sống (đối lại với chịu chết).

Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người (c. 19-20)

Đây là phần Kinh Thánh có nhiều điều khó hiểu:

1. Bởi đồng một linh hồn đó nghĩa là thế nào?

2. Chúa giảng cho các linh hồn bị tù tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê là giảng cho ai? Lúc nào?

Dựa vào những sự kiện rõ ràng trong Kinh Thánh về cơn nước lụt thời Nô-ê, chúng ta có thể giải thích phần Kinh Thánh trên như sau:

1. Chữ linh hồn (pneuma) mang ý nghĩa “tâm linh” (BHĐ) nghĩa là trong cùng một tâm linh mà Chúa Giê-xu đã đi giảng. Nô-ê là người giảng cho những người đương thời với ông (II Phi-e-rơ 2:5) nhưng chính tâm linh của Chúa Giê-xu đã ở với Nô-ê khi ông làm điều đó.

2. Các linh hồn bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê không ai khác hơn là những người đồng thời với Nô-ê, nghe ông cảnh báo về nước lụt nhưng đã không tin và bị hư mất (II Phi-e-rơ 2:5).

Các linh hồn bị tù (c. 19a) không phải là người chết mà chưa tin Chúa. Điều nầy cho thấy không có dịp tiện thứ hai cho những người không tin Chúa lúc còn sống. Chúa Giê-xu không đi giảng trong khoảng thời gian ba ngày giữa sự chết và sự sống lại của Ngài hay sau khi phục sinh nhưng Chúa đã làm điều đó trong thời gian trước nước lụt qua Nô-ê (Grudem, trang 157-162).

Gia đình Nô-ê được cứu khỏi nước lụt được mô tả là được cứu bởi nước (c. 20b) nên Phi-e-rơ liên kết điều nầy với phép báp-têm vì nước lụtphép báp-têm đều liên quan đến nước:

Phép báp-têm bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em (c. 21a)

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy là: “Báp-têm ngày nay là biểu tượng của điều đó để cứu anh em.” Đây là điểm tương đồng giữa nước lụt và phép báp-têm. Cả hai đều liên quan đến nước và được cứu bởi nước trong nghĩa đen là “được cứu qua nước.” Nước trong cơn nước lụt và trong phép báp-têm đều nói đến hình phạt của Đức Chúa Trời: nước lụt thì hình phạt người thời Nô-ê, còn nước của phép báp-têm tượng trưng cho việc Đức Chúa Trời hình phạt tội lỗi qua Chúa Giê-xu mà người tin Chúa được dự phần đồng chết với Chúa trong lễ báp-têm (Rô-ma 6:4). Chúng ta không nhờ phép báp-têm để được cứu. Chúng ta được cứu là nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu mà phép báp-têm là biểu tượng cho hai điều đó. Phép báp-têm bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em là như vậy.

Phi-e-rơ giải thích thêm:

Phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 21b)

Grudem diễn ý câu nầy như sau: “Phép báp-têm bây giờ cứu anh em không phải do hình thức lễ nghi thể chất bên ngoài nhưng do thực chất tâm linh bên trong” (Grudem, trang 163). Sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời mang ý nghĩa cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ và ban cho một tấm lòng mới. Chữ sự liên lạc có thể dịch là “lời nguyện ước” (BHĐ) nhưng theo văn mạch, chữ nầy mang ý nghĩa yêu cầu hay kêu xin thì thích hợp hơn. Trong lễ báp-têm, người nhận báp-têm khẩn cầu Đức Chúa Trời thanh tẩy mọi tội lỗi để người ấy có mối tương quan tốt đẹp với Ngài (Grudem, trang 163).

Các giáo lý quan trọng về Chúa Giê-xu được Phi-e-rơ nhắc đến ngay tiếp theo:

Bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên sứ, các vương hầu, các quyền thế thảy đều phục Ngài (c. 22)

Đó là giáo lý Chúa Giê-xu phục sinh, thăng thiên và được vinh hiển. Câu nầy cũng nhắc chúng ta lời của Phao-lô trong Phi-líp 2:9-11:

Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến Danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha (Phi-líp 2:9-11)