Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

“TRONG LÒ LỬA THỬ THÁCH” (4:12-19)

12 Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. 13 Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót. 14 Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.

15 Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác. 16 Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn, thà hãy vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn. 17 Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời. Vả, nếu khởi từ chúng ta, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin lành Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào? 18 Lại nếu người công bình còn khó được rỗi, thì những kẻ nghịch đạo và có tội sẽ trở nên thế nào? 19 Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín.

 

1. Tại sao thử thách được gọi là “lò lửa” (c. 12a)?

2. Theo câu 12-13, tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi gặp thử thách?

3. Thế nào là “Có phần trong sự thương khó của Đấng Christ” (c. 13a)?

4. Tại sao chúng ta “vui mừng nhảy nhót” trong ngày vinh hiển của Chúa (c. 13b)?

5. Theo câu 14, tại sao “vì cớ Danh Đấng Christ chịu sỉ nhục” lại được coi là có phước?

6. Chúng ta có thể chịu khổ vì những lý do nào (c. 15-16)?

7. “Sự phán xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời” (c. 17a) nghĩa là thế nào?

8. Tạo sao Phi-e-rơ nói: “Người công bình còn khó được rỗi” (c. 18a)?

9. Lời khuyên cho những người “chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời” là gì (c. 19)?

10. “Phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín” (c. 19b) là làm gì?

 

Thư I Phi-e-rơ chủ yếu được viết cho những người đang chịu khổ vì Chúa. Phi-e-rơ bắt đầu nói về điều nầy từ 3:13 và ông trở lại chủ đề nầy trong 4:12 (4:7-11 là phần trong ngoặc, nói về thời kỳ cuối cùng). Lời khuyên của ông cho những người tin Chúa đang chịu khổ là:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường (c. 12)

Phi-e-rơ gọi việc người tin Chúa chịu khổ là bị trong lò lửa thử thách (c. 12a). Bản Hiệu Đính dịch là “lửa thử thách”:

Thưa anh em yêu dấu, khi lửa thử thách đến để thử nghiệm anh em thì đừng ngạc nhiên như mình gặp một việc khác thường (c. 12, BHĐ)

Đây là ý của Châm Ngôn 27:21a: “Lò thử bạc, dót thử vàng.” “Lò lửa” nói đến lửa thử nghiệm, cùng với ý trong 1:7a:

Hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa (c. 7a)

Lý do chúng ta không ngạc nhiên khi gặp thử thách là:

(1) Đây là điều để thử nghiệm, giúp tinh luyện chúng ta.

(2) Cho chúng ta được dự phần với sự thương khó của Chúa (c. 13a)

(3) Chúng ta có hy vọng trong ngày cuối cùng (c. 13b).

Có phần trong sự thương khó của Đấng Christ (c. 13a) nói lên ý nghĩa của giáo lý Liên Hiệp Với Đấng Christ (Union with Christ): hòa làm một với Chúa trong mọi sự (Rô-ma 6:5; Phi-líp 3:10). Đây là ý được Phao-lô nhắc đến trong Rô-ma 8:17:

Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.

Cùng có phần trong sự thương khó với Chúa bao nhiêu, chúng ta sẽ vui mừng bấy nhiêu khi Chúa trở lại. Vui mừng nhảy nhót (c. 13c) mang ý nghĩa vui mừng tột độ, niềm vui sâu xa trong Chúa (1:6).

Vì cớ Danh Đấng Christ chịu sỉ nhục (c. 14a) được coi là có phước vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em (c. 14b). Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời nói đến sự hiện diện của Ngài trên hòm bảng chứng (shekinah) trong thời Cựu Ước. Sự hiện diện vinh quang đó giờ đây là qua Chúa Thánh Linh. Sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em mang ý nghĩa Chúa Thánh Linh thêm sức cho chúng ta để có thể chịu đựng gian khổ, sỉ nhục vì Chúa.

Chịu khổ vì Chúa là điều có phước (c. 14), tuy nhiên, cũng có những người chịu khổ nhưng vì những lý do khác:

Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác (c. 15)

Không ai nên chịu khổ vì những điều nầy. Kẻ thày lay việc người khác (c. 15b) là “kẻ ưa xen vào chuyện người khác” (BHĐ).

Người tin Chúa khi bị bắt bớ và chịu khổ có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng Phi-e-rơ khuyên:

Nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn, thà hãy vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn (c. 16)

Danh ấy nói đến danh Đấng Christ. Vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn nghĩa là người chịu khổ vì Chúa phải tiếp tục cư xử đúng với danh phận người tín đồ của Chúa để Đức Chúa Trời được vinh hiển. Tín đồ Đấng Christ (Christian) là từ chỉ được dùng ba lần trong Tân Ước (hai lần kia là trong Công vụ 11:26 và 26:28) mang ý nghĩa “người theo Chúa.”

Câu 17-18, Phi-e-rơ nói về sự phán xét:

Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời. Vả, nếu khởi từ chúng ta, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin lành Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào? Lại nếu người công bình còn khó được rỗi, thì những kẻ nghịch đạo và có tội sẽ trở nên thế nào? (c. 17-18)

Phi-e-rơ cho thấy việc con cái Chúa ở trong lò lửa thử thách (c. 12a) là cách Đức Chúa Trời dùng để thử luyện các con cái của Ngài. Lò lửa thử thách là một hình thức phán xét của Đức Chúa Trời. Sự phán xét (krima) không mang tính cách đoán phạt (katakrima) như trong Rô-ma 8:1 nhưng là cách để xét và chấp thuận hay không. “Đức Chúa Trời dùng lửa thử luyện nầy bắt đầu từ trong Hội Thánh, người tin Chúa sẽ được tinh luyện và thêm sức mạnh: tội lỗi được trừ bỏ, lòng tin cậy Chúa và sự thánh khiết trong đời sống sẽ gia tăng” (Grudem, 181).

Phi-e-rơ muốn nói: Người tin Chúa mà còn phải chịu lửa thử luyện như vậy thì với người không tin, sự đoán phạt sẽ kinh khủng hơn nhiều:

Vì thời kỳ phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà Đức Chúa Trời; nếu bắt đầu từ chúng ta thì sự cuối cùng của những kẻ không vâng phục Tin Lành Đức Chúa Trời sẽ thế nào? (c. 17, BHĐ)

Đây là ý của Châm Ngôn 11:31 mà Phi-e-rơ trích lại theo Bản Bảy Mươi (Bản Cựu Ước tiếng Hy-lạp) trong câu 18:

Nếu người công chính được báo đáp trên đất nầy thì kẻ gian ác và tội lỗi phải bị báo trả nhãn tiền! (Châm Ngôn 11:31, BHĐ)

Ông muốn nói rằng, lửa thử luyện của Đức Chúa Trời cho người tin Chúa đã là điều nặng nề thì lửa đoán phạt của Ngài cho người không tin còn kinh khủng hơn nhiều.

Với những lý do đã nêu (c. 12-18), Phi-e-rơ kết luận phần nói về chịu khổ như sau:

Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín (c. 19)

Việc người tin Chúa chịu khổ không phải là chuyện ngẫu nhiên nhưng là một phần trong ý muốn của Đức Chúa Trời (c. 19a). Điều chúng ta cần làm là:

(1) Cứ làm lành: tiếp tục sống đời sống trong sạch.

(2) Phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín: tiếp tục tin cậy Chúa vì Ngài là Đấng tạo dựng chúng ta và giữ lời hứa Ngài với chúng ta.

Phó linh hồn là lời Chúa Giê-xu cầu nguyện trên thập tự giá (Lu-ca 23:46) mang ý nghĩa giao thác cho sự chăm sóc và giữ gìn của Đức Chúa Trời. Người tin Chúa, khi chịu khổ cần sống với lòng tin cậy Chúa và tiếp tục với nếp sống tốt lành.