Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

NGÀY CỦA CHÚA (3:1-10)

1 Hỡi kẻ rất yêu dấu, nầy là thơ thứ hai tôi viết cho anh em. Trong thơ nầy và thơ kia, tôi tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em, 2 hầu cho ghi lấy lời nói trước của các thánh tiên tri, cùng mạng lịnh của Chúa và Cứu Chúa chúng ta, đã cậy các sứ đồ của anh em mà truyền lại.

3 Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, 4 đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế. 5 Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, 6 thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt. 7 Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại và để dành cho lửa. Lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác.

8 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày. 9 Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn. 10 Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả. 

 

1. Xin cho biết lý do Phi-e-rơ viết thư cho độc giả (c. 1)?

2. Vấn đề Phi-e-rơ nêu ra cho độc giả là gì (c. 4)?

3. Phi-e-rơ đã trả lời vấn đề nầy như thế nào (c. 5-7)?

4. “Một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày” (c. 8) nghĩa là thế nào?

5. Theo câu 9, lý do nào khiến Chúa chậm đến?

6. “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm” (c. 10a) nghĩa là thế nào?

7. Điều gì sẽ xảy ra khi Chúa trở lại (c. 10b)?

 

Ba vấn đề chính sứ đồ Phi-e-rơ trình bày trong Thư II Phi-e-rơ là:

1. Tiến bộ tâm linh (Chương 1).

2. Giáo sư giả (Chương 2)

3. Chúa tái lâm (Chương 3).

Mở đầu Chương 3, Phi-e-rơ viết:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, nầy là thơ thứ hai tôi viết cho anh em. Trong thơ nầy và thơ kia, tôi tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em (c. 1)

Mục đích Phi-e-rơ viết hai lá thư là: Tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em (c. 1b). Phi-e-rơ muốn nhắc nhở độc giả để giục lòng lành trong anh em. Giục nghĩa là khích động hay “khơi dậy” (BHĐ). Lòng lành nói đến tâm trí lành mạnh, trong sáng, không bị vấy bẩn với những tội lỗi đang vây quanh họ. Phi-e-rơ muốn nhắc độc giả nhớ những điều họ đã học, điều nầy sẽ giúp tâm trí họ được ảnh hưởng tốt, không bị ảnh hưởng tai hại của tà giáo và tội lỗi.

Phi-e-rơ muốn cho họ nhớ:

Lời nói trước của các thánh tiên tri, cùng mạng lịnh của Chúa và Cứu Chúa chúng ta, đã cậy các sứ đồ của anh em mà truyền lại (c. 2)

Lời nói trước của các thánh tiên tri chỉ về Cựu Ước. Mạng lịnh của Chúa… là những điều các tín hữu học hỏi qua các sứ đồ. Dựa vào Kinh Thánh Cựu Ước và lời dạy của Chúa, Phi-e-rơ giúp cho độc giả câu trả lời cho những người đặt câu hỏi về việc Chúa tái lâm. Thật ra, đây là những lời người ta chế giễu về việc Chúa tái lâm, nói rằng Chúa hứa trở lại nhưng không thấy đâu cả:

Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế (c. 3-4)

Người đưa ra những lời chế giễu nầy là mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình (c. 3a). Đây là những người “nhạo bángđến với lời lẽ giễu cợt, sống theo dục vọng cá nhân” (BHĐ). Họ đặt câu hỏi: “Lời hứa về sự quang lâm của Chúa ở đâu?” (BHĐ). Họ lý luận: “Từ khi các tổ phụ chúng ta qua đời, mọi vật vẫn y nguyên như lúc bắt đầu cuộc sáng thế” (BHĐ).

“Các tổ phụ chúng ta” chỉ về các tổ phụ thời Cựu Ước (Công vụ 3:13). Ý những người nầy muốn nói là từ thời Cựu Ước đến nay thế giới không có gì thay đổi cho nên lời hứa Chúa tái lâm với những biến động để đoán phạt thế giới (Ma-thi-ơ 24:29-30) là điều huyền hoặc, không có thật!

Để trả lời câu hỏi nầy, Phi-e-rơ nhắc đến sự việc Đức Chúa Trời đã một lần đoán phạt thế giới nầy bằng nước lụt (c. 6) cho nên, Đức Chúa Trời chắc chắn cũng sẽ hủy diệt thế giới hiện tại bằng lửa (c. 7).

Khi nói đến nước lụt, Phi-e-rơ nhấn mạnh đến sức mạnh sáng tạo (c. 5) và sức mạnh đoán phạt của Đức Chúa Trời (c. 6). Thế giới chúng ta đang có đến từ nước (Sáng 1:6-10), đó là công trình sáng tạo. Đức Chúa Trời cũng đã dùng nước để hủy diệt thế giới trong cơn lụt đời Nô-ê (Sáng 6:17), đó là sự đoán phạt của Chúa.

Phi-e-rơ nói đến một yếu tố quan trọng trong việc sáng tạo đó là “Lời Đức Chúa Trời”: Buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất (c. 5a). “Lời Đức Chúa Trời” cũng là yếu tố bảo tồn thế giới hiện tại: Trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại (c. 7a). Phi-e-rơ có ý nhắn nhủ với những người có lời suy luận trong câu 4 (thế giới xưa nay có gì thay đổi đâu) rằng sở dĩ thế giới không thay đổi là nhờ sự bảo tồn của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên sẽ đến lúc sự bảo tồn đó không còn nữa và Đức Chúa Trời phải hủy phá thế giới nầy bằng lửa:

Trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại và để dành cho lửa. Lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác (c. 7)

Một lý do khác cho thấy Chúa có vẻ như “chậm trễ” về lời hứa tái lâm là:

Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn (c. 9)

Lý do Chúa Giê-xu chưa tái lâm là vì Ngài còn cho nhân loại cơ hội ăn năn. Trước đó, Phi-e-rơ đưa ra một lời dạy dỗ liên quan đến thời gian:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày (c. 8)

Đây là câu lấy ý từ Thi thiên 90:4 nói đến việc Đức Chúa Trời tể trị trên thời gian. Con người lý luận theo cái nhìn của mình, cho rằng thời gian đã qua lâu lắm rồi mà Chúa chưa tái lâm. Phi-e-rơ nhắc cho độc giả nhớ rằng, chúng ta phải có cái nhìn của Chúa về thời gian. Chúng ta thấy lâu như ngàn năm nhưng đối với Chúa đó chỉ là một ngày.

Như vậy, hai lý do khiến chúng ta thấy Chúa như chậm trễ trong lời hứa về sự tái lâm là:

(1) Vấn đề thời gian trong cái nhìn của Chúa.

(2) Bản tính yêu thương của Đức Chúa Trời, Ngài muốn chờ đợi cho mọi người ăn năn.

Và Phi-e-rơ nhắc cho độc giả một yếu tố quan trọng về ngày tái lâm, đó là yếu tố bất ngờ:

Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm (c. 10a)

Ông bắt đầu câu nầy với hai chữ song le (“tuy nhiên,” BHĐ) hàm ý kêu gọi cảnh giác: “Đừng quên điều nầy!” Ngày của Chúa lâu đến thật nhưng ngày đó sẽ đến thình lình, lúc chúng ta không ngờ, vì vậy phải cảnh giác.

Phi-e-rơ cho biết điều gì sẽ xảy ra lúc Chúa tái lâm:

Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả (c. 10b)

Ba điều sẽ xảy ra trong ngày Chúa tái lâm là:

(1) Các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi: “Các tầng trời sẽ biến đi trong tiếng vang rền” (BHĐ).

(2) Các thể chất bị đốt mà tiêu tán: “Các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa” (BHĐ).

(3) Đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả: “Đất và mọi công trình trên đó đều sẽ bị thiêu hủy” (BHĐ).

Điều nầy xác định lại cách Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt thế giới tương lai: không phải bằng nước lụt như ngày xưa nhưng bằng lửa như Phi-e-rơ đã nói trong câu 7:

Trời đất hiện nay đã được dành cho lửa và được giữ lại cho đến ngày phán xét và hủy diệt những kẻ vô luân (c. 7, BHĐ)