Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI (3:11-16)

11 Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, 12 trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi! 13 Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở. 14 Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được. 

15 Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thư cho anh em vậy. 16 Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

 

1. Lý do nào khiến chúng ta phải sống đời sống thánh khiết và tin kính (c. 11)?

2. Câu 12 nhắc lại điều gì về ngày Chúa tái lâm (c. 12)?

3. “Nơi sự công bình ăn ở” (c. 13) hàm ý gì?

4. “Trông đợi những sự đó” (c. 14a) là những điều gì? “Làm hết sức mình” (c. 14b) hàm ý gì?

5. Câu: “Phao-lô… viết trong mọi bức thơ” (c. 15-16) đối chiếu với câu: “Các phần Kinh Thánh khác” (c. 16b) cho thấy điều gì?

 

Nhắc lại phần trước, Phi-e-rơ viết:

Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào

Lý do chúng ta phải sống đời sống thánh khiết và tin kínhvì mọi vật đó phải tiêu tán (c. 11a). Thế giới vật chất nầy rồi sẽ không còn, vì vậy người tin Chúa phải sống cho những giá trị trường tồn, đó là sống thánh khiết và tin kính. Thánh khiết nhấn mạnh đến việc biệt riêng khỏi trần gian, không sống giống như người đời. Tin kính mang ý nghĩa hướng thượng, tôn kính Chúa.

Ông nhắc lại điều nầy một lần nữa:

Trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi (c. 12)

Ngoài tính cách tạm thời của thế giới vật chất chúng ta đang sống (Các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy), Phi-e-rơ nói đến hy vọng của người tin Chúa: Chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến (c. 12a). Người trông mong, chờ đợi ngày Chúa trở lại sẽ chú tâm, đặt hy vọng vào ngày đó nên có thể sống đời thánh khiết ở trần gian nầy.

Một hy vọng khác của người tin Chúa là:

Chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở (c. 13)

Vì thế giới hiện tại sẽ bị thiêu hủy lúc Chúa trở lại, cho nên trời mới đất mới là điều tất nhiên sẽ có (Khải 21:1). Điều quan trọng trong thế giới mới nầy nơi sự công bình ăn ở (c. 13b).

Công bình hay công chính nói đến mực thước, tiêu chuẩn của Chúa, ngược lại với tội ác (Khải 21:27a). Ăn ở mang ý nghĩa nơi cư trú vĩnh viễn. Thiên đàng là nơi công chính của Chúa ngự trị mãi mãi!

Lời khuyên đầu tiên của Phi-e-rơ cho độc giả đang khi chờ đợi ngày Chúa tái lâm là sống thánh khiết (c. 11). Ông nói thêm:

Vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được (c. 14)

Làm hết sức mình cùng một ý với 1:5 mang ý nghĩa cố gắng:

Anh em phải cố hết sức để Ngài thấy anh em không tì vết, không có gì đáng trách và sống trong sự bình an (c. 14, BHĐ)

Đây là cố gắng trong đời sống tâm linh để tăng trưởng. Ngày Chúa tái lâm là ngày ban thưởng nhưng cũng là ngày hình phạt, nếu chúng ta sống đẹp lòng Chúa, chúng ta sẽ sống bình an chờ đợi ngày đó, không có gì phải lo sợ.

Câu 15 nhắc lại ý của câu 9, cho thấy sở dĩ Chúa Giê-xu chậm tái lâm vì là vì lòng nhịn nhục của Ngài, muốn cho nhiều người được cứu:

Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em (c. 15a)

Tiếp theo, Phi-e-rơ viết:

Cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thư cho anh em vậy. Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình (c. 15b-16)

Thư II Phi-e-rơ chủ yếu nói về các giáo sư giả (Chương 2) cho nên những kẻ dốt nát và tin không quyết (c. 16b) chỉ về những người nầy. Cũng như (c. 15b) nói đến sai lầm tương tự của họ. Dốt nát mang ý nghĩa thiếu hiểu biết, không học hỏi đến nơi đến chốn (chỉ về các giáo sư giả). Tin không quyết nghĩa là “không vững vàng” (BHĐ). Vì hai lý do đó (dốt nát và không vững vàng) những người nầy đã đem giải sai ý nghĩa (c. 16c). Giải sai ý nghĩa mang ý nghĩa “xuyên tạc” (BHĐ).

Những người nầy đã xuyên tạc lời dạy của Phao-lô thể nào (ví dụ như nói rằng người tin Chúa được tự do thì có phạm tội cũng không sao: Ga-la-ti 5:13; Rô-ma 6:1) thì họ cũng xuyên tạc việc Chúa chậm tái lâm như vậy, cho rằng sẽ không có chuyện Chúa tái lâm.

Phi-e-rơ nhắc đến những lá thư của Phao-lô tương đương với các phần Kinh Thánh khác (c. 16c) cho thấy những thư tín của Phao-lô lúc đó đã được kể là lời có thẩm quyền tương đương với Kinh Thánh.

Một lần nữa, Phi-e-rơ cho thấy số phận của các giáo sư giả là chuốc lấy sự hư mất riêng về mình nghĩa là “chuốc lấy sự hủy diệt cho chính mình” (BHĐ). Đây là số phận của những người không tin và xuyên tạc Lời Chúa.