Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

LỜI KHUYÊN (Câu 3-4)

3 Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi. 4 Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, là những kẻ bị định đoán phạt từ lâu rồi, kẻ chẳng tin kính, đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác, chối Đấng Chủ Tể và Chúa có một của chúng ta, là Đức Chúa Giê-xu Christ.

 

1. Tại sao Giu-đe gọi sự cứu rỗi là “sự cứu rỗi CHUNG” (c. 3a)?

2. “Vì đạo mà tranh chiến” (c. 3b) nghĩa là thế nào?

3. Giu-đe có ý gì khi ông viết: “Đạo đã truyền cho các thánh MỘT LẦN ĐỦ RỒI” (c. 3c)?

4. Xin cho biết đặc tính của những người mà Giu-đe gọi là “mấy kẻ lẻn vào trong vòng chúng ta” (c. 4)?

 

Lời mở đầu cho thấy lòng tha thiết của Giu-đe khi viết lá thư nầy:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta (c. 3a)

Ân cần viết cho anh em nghĩa là “hết sức mong muốn viết cho anh em” (BHĐ). Điều nầy cho thấy tính cách nghiêm trọng của lá thư trước hiểm họa tà giáo do các giáo sư giả đem lại. Vấn đề nầy liên quan đến sự cứu rỗi nên Giu-đe nói: Tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta. Giu-đe gọi đây là sự cứu rỗi chung vì đó là điều mà ông, là người lãnh đạo Hội Thánh và các tín hữu cùng chia sẻ. Chung mang ý nghĩa tương giao, thông công.

Giu-đe nhắc lại: Tôi tưởng phải làm điều đó cho thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Mục đích của Giu-đe là: Để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến. Chữ đạo trong nguyên văn là “đức tin,” nói đến toàn bộ đức tin của chúng ta (“Tôi nghĩ cần viết để khích lệ anh em chiến đấu vì đức tin,” BHĐ). Tranh chiến hay chiến đấu hàm ý có gian khổ trong việc bảo vệ đức tin. Chúng ta phải trả giá để làm môn đệ Chúa.

Các thánh (c. 3b) chỉ về tất cả mọi người tin Chúa. Đạo đã truyền cho các thánh nói đến toàn bộ đức tin đã được rao giảng cho các tín hữu. Một lần đủ rồi nhấn mạnh đến chân lý họ tiếp nhận từ đầu, những gì người ta thêm vào là không cần thiết và phải loại bỏ.

Lý do các tín hữu phải chiến đấu để giữ vững đức tin là vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng takẻ chẳng tin kính, đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác, chối Đấng Chủ Tể và Chúa có một của chúng ta (c. 4). Giu-đe cho thấy có những người tội lỗi xâm nhập vào Hội Thánh để kéo con cái Chúa xa lìa đạo thật.

Lẻn vào mang ý nghĩa “bí mật truyền bá” (II Phi-e-rơ 2:1). Những người dạy tà giáo không bước vào Hội Thánh cách công khai nhưng len lỏi, xâm nhập từ từ vào trong Hội Thánh. Đặc điểm của những người nầy là:

(1) Chẳng tin kính: không kính sợ Chúa, phạm tội mà không sợ.

(2) Đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác: hai chữ đối chiếu là ơn và việc tà ác. Họ lạm dụng ơn Chúa để phạm tội (Rô-ma 6:1; Ga-la-ti 5:13): “Biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra sự suy đồi đạo đức” (BHĐ).

(3) Chối Đấng Chủ Tể và Chúa có một của chúng ta: phủ nhận chính Chúa Giê-xu.

Họ là những người bị định đoán phạt từ lâu rồi (c. 4a). Giu-đe nói về sự phán xét nầy trong câu 5-19.