Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

ĐOÁN PHẠT CỦA CHÚA (Câu 5-11)

5 Dầu anh em đã học những điều nầy rồi, tôi cũng muốn nhắc lại cho anh em rằng, xưa kia Chúa giải cứu dân mình ra khỏi xứ Ê-díp-tô, sau lại tiêu diệt những kẻ không tin.

6 Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình, thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn.

7 Lại như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cùng các thành lân cận cũng buông theo sự dâm dục và sắc lạ, thì đã chịu hình phạt bằng lửa đời đời, làm gương để trước mặt chúng ta.

8 Nhưng mà chúng nó cũng như vậy, trong giấc mơ màng làm ô uế xác thịt mình, khinh dể quyền phép rất cao và nói hỗn các đấng tôn trọng. 9 Vả, khi chính mình thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma-quỉ giành xác Môi-se, còn chẳng dám lấy lời nhiếc móc mà đoán phạt. Người chỉ nói rằng: Cầu Chúa phạt ngươi! 10 Song những kẻ nầy, hễ điều gì không biết thì khinh dể hết và mọi điều chúng nó tự nhiên mà biết cũng như con thú vật vô tri, thì dùng mà làm hư mình.

11 Khốn nạn thay cho chúng nó, vì đã theo đường của Ca-in, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Ba-la-am và bị hư mất về sự phản nghịch của Cô-rê. 

 

1. Xin cho biết ba ví dụ Giu-đe nêu trong câu 5-7, về sự đoán phạt của Chúa đối với những người phạm tội:

(1) ____________________________________________________

(2) ____________________________________________________

(3) ____________________________________________________

2. Xin giải thích câu: “Trong giấc mơ màng làm ô uế xác thịt mình” (c. 8a).

3. “Những kẻ nầy” (c. 10a) chỉ về ai? Có những đặc tính gì?

4. Xin đọc Sáng thế ký 4:1-16; Dân số ký 22-24 và 16 và giải thích:

(1) “Đường của Ca-in” (c. 11a)

(2) “Sự sai lạc của Ba-la-am” (c. 11b)

(3) “Sự phản nghịch của Cô-rê” (c. 11c)

 

Tương tự như lời Phi-e-rơ nói về việc đoán phạt thiên sứ, nước lụt thời Nô-ê và việc hủy phá thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (II Phi-e-rơ 2:4-6), Giu-đe nhắc lại tội không tin của con dân Chúa trong đồng vắng, tội của các thiên sứ và tội của Sô-đôm và Gô-mô-rơ (c. 5-7).

Ông mở đầu phần nầy với câu:

Dầu anh em đã học những điều nầy rồi, tôi cũng muốn nhắc lại cho anh em (c. 5a)

Đã học những điều nầy rồi hàm ý đã biết những điều nầy rồi (BHĐ). Nhắc lại là điều mà cả Phi-e-rơ và Giu-đe thường làm (c. 17; II Phi-e-rơ 1:12-13, 15; 3:1-2) cho thấy đây là điều quan trọng, con cái Chúa cần được nhắc nhở thường xuyên.

Những điều Giu-đe nhắc lại là lịch sử con dân Chúa trong Cựu Ước, về những trường hợp đoán phạt của Ngài:

(1) Những người Do-thái thiếu lòng tin không được vào Đất Hứa (c. 5b). Đây là câu chuyện được ghi lại trong Dân số ký 14:1-35.

(2) Các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình (c. 6). Trường hợp nầy được giải thích trong II Phi-e-rơ 2:4 (trang 97-98).

(3) Sô-đôm và Gô-mô-rơ (c. 7). Tội của dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ là “buông mình vào những việc gian dâm và chạy theo tình dục không tự nhiên” (BHĐ). “Tình dục không tự nhiên” nói đến tình dục đồng giới (Rô-ma 1:26-27). Hai thành phố nầy đã “bị hình phạt bằng lửa đời đời để làm gương” (BHĐ).

Đó là những gương trong Cựu Ước, áp dụng cho các giáo sư giả, Giu-đe cho thấy họ làm ba điều:

(1) Làm ô uế xác thịt. Trong giấc mơ màng hàm ý họ là những người sống trong mơ (Ê-sai 56:10). Sống trong mơ nghĩa là dựa vào chiêm bao, coi đó là mạc khải riêng để sống đời phóng đãng vì đã được tự do trong Chúa.

(2) Khinh dể quyền phép rất cao: nói đến tội phản loạn.

(3) Nói hỗn các đấng tôn trọng: là tội bất kính.

Đối với tội bất kính, Giu-đe đưa ra ví dụ sau:

Vả, khi chính mình thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma-quỉ giành xác Môi-se, còn chẳng dám lấy lời nhiếc móc mà đoán phạt. Người chỉ nói rằng: Cầu Chúa phạt ngươi! (c. 9)

Đây là câu chuyện trong sách ngoại kinh Môi-se Lên Trời (Assumption of Moses) nói về việc thiên sứ trưởng Mi-chen dành xác Môi-se với Sa-tan. Trong sự việc nầy, chính thiên sứ trưởng Mi-chen cũng không nặng lời với Sa-tan mà chỉ nói: Cầu Chúa phạt ngươi! (c. 9b).

Trong khi đó, các giáo sư giả lại nói hỗn các đấng tôn trọng (c. 8c). Các đấng tôn trọng trong nguyên văn là doxai (“thần linh vinh hiển”). Ý nói các giáo sư giả là những người kiêu ngạo, dám xúc phạm đến các bậc thần linh, trong khi thiên sứ (như thiên sứ Mi-chen) còn không nặng lời với ma quỷ. Các đấng tôn trọng cũng có thể hiểu là những người lãnh đạo Hội Thánh mà các giáo sư giả nầy không tuân phục.

Những kẻ nầy (c. 10a) chỉ về các giáo sư giả trong II Phi-e-rơ 2 vì Giu-đe câu 3-11 mô tả cùng một điều với II Phi-e-rơ 2:4-10. Đặc tính của những người nầy là:

Hễ điều gì không biết thì khinh dể hết và mọi điều chúng nó tự nhiên mà biết cũng như con thú vật vô tri, thì dùng mà làm hư mình (c. 10)

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Những kẻ nầy thì xúc phạm đến bất cứ những gì họ không biết, còn những gì biết bằng bản năng như thú vật vô tri thì họ lại dùng để hủy hoại mình (c. 10, BHĐ)

Kết luận phần nầy, Giu-đe nhắc đến ba ví dụ trong Cựu Ước: Ca-in, Ba-la-am và Cô-rê:

Khốn nạn thay cho chúng nó, vì đã theo đường của Ca-in, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Ba-la-am và bị hư mất về sự phản nghịch của Cô-rê (c. 11)

(1) Đường của Ca-in. Câu chuyện Ca-in giết A-bên (Sáng thế ký 4:1-16) cũng được sứ đồ Giăng nhắc lại như sau:

Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình (I Giăng 3:12)

Đường của Ca-in là nói đến lòng ganh ghét và việc làm dữ của ông.

(2) Sự sai lạc của Ba-la-am. Câu chuyện Ba-la-am trong Dân số ký 22-24 được trích lại trong II Phi-e-rơ 2:15-16 như sau:

Chúng nó đã bỏ đường thẳng mà đi sai lạc theo đường của Ba-la-am, con trai Bô-sô, là kẻ tham tiền công của tội ác nhưng người bị trách về sự phạm tội của mình, bởi có một con vật câm nói tiếng người ta, mà ngăn cấm sự điên cuồng của người tiên tri đó (II Phi-e-rơ 2:15-16)

Sự sai lạc của Ba-la-am là không vâng lời Chúa. Tội của Ba-la-am, theo lời sứ đồ Phi-e-rơ là tham tiền công của tội ác (c. 15b). Ba-la-am nói: “Dầu Ba-lác sẽ cho ta nhà người đầy vàng và bạc, ta cũng chẳng được vượt qua mạng của Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của ta, đặng làm một việc hoặc nhỏ hay lớn” (Dân số ký 22:18) tuy nhiên Đức Chúa Trời biết rõ lòng ông nên đã dùng con lừa nói tiếng người để ngăn cản ông (Dân số ký 22:28-30) và lời thiên sứ nói cho thấy rõ ý định của Ba-la-am:

Sao ngươi đã đánh lừa cái ngươi ba lần? Nầy, ta đi ra đặng cản ngươi, vì ta thấy ngươi đi theo một con đường dẫn mình đến nơi hư nát (Dân số ký 22:32)

Ba-la-am cũng là người đã đưa con dân Chúa đi vào con đường thờ hình tượng:

Kìa, ấy là chúng nó theo mưu-kế của Ba-la-am mà dụ dỗ dân Y-sơ-ra-ên cúng thờ Phê-ô và phạm một tội trọng cùng Đức Giê-hô-va và tội đó xui cho hội chúng của Đức Giê-hô-va bị tai vạ (Dân số ký 31:16)

Các giáo sư giả cũng là những con người mà lòng tham tiền bạc sẽ đưa họ vào con đường sai lạc như vậy.

(3) Sự phản nghịch của Cô-rê. Đây là câu chuyện trong Dân số ký 16. Ba người trong đoàn dân Môi-se đem ra khỏi Ai-cập phản loạn chống lại Môi-se nói rằng ông đã “lấn lướt trên họ” (Dân số ký 16:13). Chúa minh chứng cho toàn dân Y-sơ-ra-ên thấy rằng Chúa đã lập Môi-se làm người lãnh đạo bằng cách cho đất “hả miệng nuốt” tất cả những người phản loạn (Dân số ký 16:31-33).

Giu-đe nhắc lại ba ví dụ nầy với câu: Khốn nạn thay cho chúng nó (c. 11a) cho thấy số phận đen tối của những người có lòng ganh ghét, tham lợi và phản loạn như Ca-in, Ba-la-am và Cô-rê. Giu-đe muốn độc giả thấy rằng, đó cũng sẽ là số phận của các giáo sư giả mà ông kêu gọi họ phải cảnh giác.