Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

ĐÁM MÂY KHÔNG NƯỚC (Câu 12-16)

12 Những kẻ đó là dấu vít trong đám tiệc anh em, như người chăn chiên chỉ tưởng nuôi mình cho no nê, không lo sợ gì. Như đám mây không nước, theo gió đưa đi đây đi đó, như cây tàn mùa thu, không có trái, hai lần chết, trốc lên bựt rễ. 13 Như sóng cuồng dưới biển, sôi bọt ô uế của mình. Như sao đi lạc, sự tối tăm mù mịt đã dành cho chúng nó đời đời! 

14 Ấy cũng vì họ mà Hê-nóc, là tổ bảy đời kể từ A-đam, đã nói tiên tri rằng: 15 Nầy, Chúa ngự đến với muôn vàn thánh, đặng phán xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin kính về mọi việc không tin kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ hổ mà những kẻ có tội không tin kính đó đã nói nghịch cùng Ngài. 16 Ấy đều là những kẻ hay lằm bằm, hay phàn nàn luôn về số phận mình, làm theo sự ham muốn mình, miệng đầy những lời kiêu căng và vì lợi mà nịnh hót người ta.

 

1. Xin cho biết đặc tính của giáo sư giả mô tả trong câu 12-13 và ý nghĩa mỗi đặc tính?

2. Lời tiên tri của Hê-nóc (c. 15) hàm ý gì?

3. Xin cho biết những đặc tính khác của giáo sư giả và ý nghĩa (c. 16).

 

Giu-đe liệt kê một số đặc tính của các giáo sư giả (tiên tri giả) như sau:

(1) Dấu vít trong đám tiệc anh em. Phi-e-rơ đã nói điều nầy trong II Phi-e-rơ 2:13. Đám tiệc  chỉ về Bữa Ăn Thân Ái (Agapae) mà các tín hữu thường có, tiếp theo giờ Tiệc Thánh. Hội Thánh Cô-rinh-tô có những tệ nạn trong đám tiệc nầy (I Cô. 11:17-22) và đây cũng là điều các giáo sư giả đang làm. Những chữ không lo sợ gì (cuối câu 12a) đi chung với câu Dấu vít trong đám tiệc anh em mang ý nghĩa “ung dung.” “Những kẻ nầy là những vết nhơ trong bữa tiệc yêu thương của anh em, họ cứ ung dung chè chén say sưa với nhau” (c. 12a, BHĐ).

(2) Người chăn chiên chỉ tưởng nuôi mình cho no nê. Đây là ý trong Ê-xê-chi-ên 34:8: Chúng nó chỉ nuôi mình mà không chăn nuôi chiên ta. Họ là những người “chỉ biết lo cho chính mình” (BHĐ).

(3) Đám mây không nước, theo gió đưa đi đây đi đó. Chúng ta cũng thấy ý nầy trong Châm Ngôn 25:14b. Đây là hình ảnh những đám mây hứa hẹn có mưa nhưng chỉ che khuất mặt trời mà không đem lại lợi ích nào cho đám đất khô bên dưới. Tác giả Michael Green viết: “Các giáo sư giả hứa hẹn ‘tiến bộ’ và ‘khai sáng’ nhưng không đem lại bổ dưỡng gì để nuôi đời sống tâm linh của con cái Chúa!” (Green, trang 203).

(4) Cây tàn mùa thu, không có trái, hai lần chết, trốc lên bựt rễ. Cây tàn mùa thu hàm ý họ giống những cây vào cuối thu, không còn ra trái: “Họ là những cây không quả vào cuối thu” (BHĐ). Hai lần chết nói lên ý đã một lần chết trước khi tin Chúa (Ê-phê-sô 2:1) bây giờ lại chết vì không còn dính liền với gốc rễ (trốc lên bựt rễ). Đây là điều ngược lại với đâm rễ vững nền (Ê-phê-sô 3:18; Cô-lô-se 2:7a).

(5) Sóng cuồng dưới biển, sôi bọt ô uế của mình. Đây là hình ảnh được mô tả trong Ê-sai 57:20. Chúng ta cũng thường thấy hình ảnh nầy ở dọc bờ biển khi sóng đưa vào bờ những rong rêu hay bọt bèo dơ bẩn. Bọt ô uế nói đến tội lỗi của các giáo sư giả thể hiện rõ ràng.

(6) Sao đi lạc, sự tối tăm mù mịt đã dành cho chúng nó đời đời. Sao đi lạc là hình tác giả lấy từ sách Hê-nóc (thứ kinh) nói về các thiên sứ phạm tội. Sao thì soi sáng nhưng sao đi lạc thì không thể hướng dẫn ai và chỉ đi vào cõi tối tăm: “Họ như những vì sao lạc mà bóng tối mù mịt đã dành cho họ đời đời” (BHĐ).

Tác giả Michael Green tóm tắt đặc tính của các giáo sư giả như sau: “Họ NGUY HIỂM như những vết nhơ trong bữa tiệc yêu thương, ÍCH KỶ như những người chăn chỉ biết lo cho chính mình, VÔ ÍCH như những đám mây không nước, CHẾT như cây chết hai lần, bị nhổ bật rễ, BẨN THỈU như sóng cuồng của biển và CHẮC CHẮN HƯ MẤT như những vì sao lạc!” (Green, trang 205).

Giu-đe kết thúc phần nầy với lời trích từ một sách ngoại kinh (I Hê-nóc). Theo Sáng thế ký 5:1-24, Hê-nóc đúng là tổ bảy đời kể từ A-đam (c. 14). Ông được gọi là người đồng đi cùng Đức Chúa Trời (Sáng 5:22-24) và ở vừa lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:5). Sách I Hê-nóc 1:9 cho biết:

Nầy, Chúa ngự đến với muôn vàn thánh, đặng phán xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin kính về mọi việc không tin kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ hổ mà những kẻ có tội không tin kính đó đã nói nghịch cùng Ngài (c. 15)

Giu-đe co biết đây cũng là số phận của các giáo sư giả vì họ là những người không tin kính và có những lời nói nghịch với Chúa:

Kìa, Chúa đến với muôn vàn đấng thánh để thi hành sự phán xét trên tất cả mọi người và kết án tất cả những kẻ bất kính về mọi việc bất kính mà họ đã phạm, với tất cả mọi lời xấc xược mà những tội nhân bất kính đã nói nghịch với Ngài (c. 15, BHĐ)

Giu-đe nói thêm về các giáo sư giả như sau:

Ấy đều là những kẻ hay lằm bằm, hay phàn nàn luôn về số phận mình, làm theo sự ham muốn mình, miệng đầy những lời kiêu căng và vì lợi mà nịnh hót người ta (c. 16)

Đây là những đặc tính của họ:

(1) Hay lằm bằm.

(2) Hay phàn nàn.

(3) Làm theo sự ham muốn.

(3) Nói lời kiêu căng.

(4) Vì lợi mà nịnh hót.

Bản Hiệu Đính giải thích như sau:

Họ là những kẻ hay cằn nhằn, bất mãn, chạy theo các dục vọng của mình, miệng nói huênh hoang, tâng bốc người ta để trục lợi (c. 16, BHĐ)