Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

CHÚA GIÊ-XU CAO TRỌNG HƠN THIÊN SỨ (1:5-14)

5 Vả, Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên sứ nào rằng:

Ngươi là Con ta,

Ngày nay ta đã sanh ngươi? 

Lại há có khi nào phán:

Ta sẽ làm Cha người,

Người sẽ làm Con ta? 

6 Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng:

Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con.

7 Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng:

Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió,

Và tôi tớ Ngài như ngọn lửa, 

8 Nhưng nói về Con thì lại phán rằng:

Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia,

Quyền bính của nước Chúa là quyền bính ngay thẳng.

9 Chúa ưa điều công bình, ghét điều gian ác;

Cho nên, hỡi Chúa, Đức Chúa Trời của Chúa lấy dầu vui mừng xức cho,

Khiến Chúa trổi hơn kẻ đồng loại mình. 

10 Lại có phán:

Hỡi Chúa, ban đầu trước hết Chúa đã dựng nền đất,

Và các từng trời cũng là công việc của tay Chúa.

11 Trời đất sẽ hư đi, nhưng Chúa hằng có;

Trời đất sẽ cũ đi như cái áo;

12 Ngài sẽ cuốn nó lại như cái áo choàng,

Rồi trời đất sẽ biến đổi,

Nhưng Chúa vẫn y nguyên,

Các năm của Chúa không hề cùng. 

13 Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên sứ nào rằng:

Hãy ngồi bên hữu ta,

Cho đến chừng nào ta để kẻ thù nghịch làm bệ dưới chân ngươi? 

14 Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?

Xin viết ra những điều tác giả so sánh giữa thiên sứ và Đức Chúa Con:

 

KINH THÁNH

THIÊN SỨ

ĐỨC CHÚA CON

Câu 5

 

 

Câu 6

 

 

Câu 7

 

 

Câu 8-9

 

 

Câu 10-12

 

 

Câu 13

 

 

Câu 14

 

 

 

Thư Hê-bơ-rơ được viết để độc giả thấy Chúa Giê-xu cao trọng hơn mọi điều người Do-thái tin xưa nay. Trước hết, tác giả cho thấy Chúa Giê-xu cao trọng hơn thiên sứ. Đề tài thiên sứ được giới thiệu trong câu 4 và được khai triển từ 1:5 – 2:18.

Độc giả Thư Hê-bơ-rơ là người Do-thái nên để chứng minh Chúa Giê-xu vượt trội hơn mọi điều họ tin tưởng, tác giả đã dùng Kinh Thánh Cựu Ước để chứng minh cho họ. Có thể nói Thư Hê-bơ-rơ là sách giải nghĩa Cựu Ước cho thấy Chúa Giê-xu làm ứng nghiệm mọi điều được chép trong Cựu Ước.

Trong phần chứng minh Chúa Giê-xu cao trọng hơn thiên sứ, tác giả đã trích nhiều phần Kinh Thánh Cựu Ước để so sánh Chúa Giê-xu và thiên sứ (xem trang bên cạnh):

·      Câu 5 trích hai phần trong Cựu Ước: Thi thiên 2:7 và II Sa-mu-ên 7:14.

·      Câu 6 trích ý Thi thiên 97:7.

·      Câu 7 trích Thi thiên 104:4.

·      Câu 8-9  trích Thi thiên 45:6-7.

·      Câu 10-12 trích Thi thiên 102:25-27.

·      Câu 13 trích Thi thiên 110:1

Các câu trích trên dựa trên Bản Bảy Mươi LXX (Bản dịch Cựu Ước trong tiếng Hy-lạp) và có khi chỉ trích theo ý, không phải nguyên văn từng chữ.

 

 

 

 

 

 

So sánh Chúa Giê-xu và các thiên sứ, chúng ta thấy:

 

KINH THÁNH

THIÊN SỨ

ĐỨC CHÚA CON

Câu 5

Không được gọi là Con

 

Câu 6

 

Thiên sứ phải thờ lạy Con

Câu 7

Như gió, như lửa

 

Câu 8-9

 

o  Ngôi Chúa còn mãi

o  Quyền bính ngay thẳng

o  Ưa điều công bình

o  Ghét điều gian ác

o  Được xức bằng dầu vui mừng trổi hơn đồng loại

Câu 10-12

 

o  Là Đấng Tạo Hóa

o  Hằng còn mãi mãi

Câu 13

Không nói với thiên sứ như nói với Con

“Hãy ngồi bên hữu Ta!”

Câu 14

Được sai xuống để phục vụ người được cứu

 

 

 

Câu 14 cho thấy vai trò của thiên sứ hoàn toàn khác với Chúa Giê-xu:

Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao? (c. 14)

Thiên sứ được gọi là thần hay thần linh nghĩa là thiên sứ không có thân xác. Khi Kinh Thánh mô tả thiên sứ hiện đến dưới một dạng nào đó hàm ý đó là những hình thể Đức Chúa Trời dùng để qua đó các thiên sứ có thể hoạt động trong thế giới loài người. Nhiệm vụ chính của thiên sứ là để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi (c. 14b), tức là để phục vụ những người tin Chúa. Thi thiên 91:11-12 cho thấy phần nào về việc thiên sứ phục vụ người tin nhận Ngài.

Hê-bơ-rơ 1:5-14 nhấn mạnh việc Chúa Giê-xu cao trọng hơn thiên sứ. Vai trò của thiên sứ được nhắc đến là lời rao truyền (2:1) như chúng ta sẽ thấy trong phân đoạn kế tiếp (2:1-4).