Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

“VÀO SỰ YÊN NGHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI” (4:1-13)

1 Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng. 2 Vì tin lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ. Những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình. 3 Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ, như Đức Chúa Trời đã phán rằng:

Nầy là lời thề ta đã lập trong cơn thạnh nộ:

Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta!… 

Dầu vậy, công việc của Ngài đã xong rồi từ buổi sáng thế.

4 Vì luận về ngày thứ bảy, có chép rằng:

Ngày thứ bảy Đức Chúa Trời nghỉ cả các công việc Ngài. 

5 Lại một chỗ khác có chép rằng:

Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta. 

6 Như vậy, vì đã dành cho mấy người phải vào đó và vì những kẻ nghe tin lành ấy trước nhứt đã không vào đó bởi chẳng tin, 7 nên về sau lâu lắm, trong một thơ của Đa-vít, Chúa lại định một ngày nữa gọi là “Ngày nay,” như trên kia đã dẫn rằng:

Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài,

Thì chớ cứng lòng. 

8 Vả, nếu Giô-suê đã cho họ yên nghỉ, thì chắc sau không còn nói về một ngày khác nữa. 9 Vậy thì còn lại một ngày yên nghỉ cho dân Đức Chúa Trời. 10 Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy. 

11 Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã. 12 Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. 13 Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại.

 

1. Tại sao tác giả bảo chúng ta, “Hãy lo sợ” (c. 1a)?

2. “Bị trừ” (c. 1b) nghĩa là gì?

3. Chữ “họ” trong câu 2 chỉ về người Do-thái trong Cựu Ước, tại sao tác giả nói: “Tin lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ” (c. 2b)?

4. Lý do nào khiến những lời nghe không ích lợi (c. 7b)?

5. “Sự yên nghỉ” tác giả nói trong câu 3a là gì?

6. Tác giả muốn nói điều gì trong câu: “Nếu Giô-suê đã cho họ yên nghỉ, thì chắc sau không còn nói về một ngày khác nữa” (c. 8)?

7. “Nghỉ công việc mình” (c. 10b) nghĩa là thế nào?

8. “Gắng sức vào sự yên nghỉ” (c. 11) nghĩa là thế nào?

9. Câu 12 được viết tiếp theo lời khuyên trong câu 11 cho thấy điều gì?

10. Câu 13 nói gì về bản tính của Đức Chúa Trời và đáp ứng của chúng ta đối với Ngài?

 

Tiếp tục Lời Kêu Gọi Trung Tín (3:7 – 4:13), tác giả đưa ra những lời khuyên tích cực:

Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng (c. 1)

Lời cảnh báo nầy tương tự với điều ông đã nói trước đó:

Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng (3:12)

Lời khuyên thứ hai nầy mạnh hơn, thay vì nói, Hãy giữ lấy (3:12), tác giả viết: Hãy lo sợ (4:1). Người tin Chúa phải lo sợ cho thấy đây là điều vô cùng kinh khiếp, chúng ta không thể không quan tâm (10:31). Sự kinh khiếp đó là bị trừ khỏi lời hứa cho vào sự yên nghỉ của Chúa.

Tác giả đang dùng gương của con dân Chúa ngày xưa để cảnh cáo chúng ta. Cả một thế hệ người Y-sơ-ra-ên đã không được vào Đất Hứa, không được vào sự yên nghỉ của Chúa vì lòng không tin. Tác giả có ý muốn nói, “Hãy nhìn vào đó mà lo sợ!” Ông cho thấy, đối với chúng ta ngày nay, lời hứa cho vào sự yên nghỉ của Chúa vẫn còn (Đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, c. 1a) cho nên nếu thiếu lòng tin, chúng ta cũng sẽ không được vào sự yên nghỉ như con dân Chúa ngày xưa:

Kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng (c. 1b)

Trừ ra nghĩa là không được vào sự yên nghỉ của Chúa!

Sự so sánh giữa con dân Chúa ngày xưa và chúng ta hôm nay được thấy rõ trong câu tiếp theo:

Vì tin lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ. Những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình (c. 2)

Tác giả cho thấy lời hứa được vào Đất Hứa (vào sự yên nghỉ của Chúa) đối với người xưa cũng tương tự như Phúc Âm của Chúa rao truyền cho chúng ta hôm nay. Người xưa đã không lấy đức tin tiếp nhận lời hứa nên không được vào Đất Hứa (vào sự yên nghỉ của Chúa) thể nào, thì ngày nay, nếu không lấy đức tin tiếp nhận Phúc Âm, chúng ta cũng sẽ bị loại trừ khỏi sự yên nghỉ của Chúa như vậy. Lời hứa của Chúa sẽ không đem lại lợi ích gì nếu chúng ta không tiếp nhận với đức tin:

Những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình (c. 2b)

Đây thật là lời cảnh báo quan trọng chúng ta cần để ý, cần lo sợ để không bị loại trừ khỏi sự an nghỉ của Chúa!

Đối chiếu với việc không tin của con dân Chúa ngày xưa là đức tin của chúng ta hôm nay. Tác giả viết:

Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ (c. 3a)

Tác giả giải thích điều nầy trong câu 3-10 tiếp theo. Trước hết, tác giả trích Sáng thế ký 2:2 nói về sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời:

Dầu vậy, công việc của Ngài đã xong rồi từ buổi sáng thế. Vì luận về ngày thứ bảy, có chép rằng: Ngày thứ bảy Đức Chúa Trời nghỉ cả các công việc Ngài (c. 3b-4)

Câu nầy hàm ý Đức Chúa Trời đã yên nghỉ và Ngài có sự  yên nghỉ của Ngài nhưng vì con dân Chúa thiếu lòng tin nên không được vào sự yên nghỉ của Chúa (c. 3b, 5, 6b). Tuy nhiên, con cháu của họ về sau đã được yên nghỉ khi họ được Giô-suê đưa vào Đất Hứa (c. 6a, 8).

Vấn đề tác giả nêu ra liên quan đến Thi thiên 95:7-11 mà ông đã trích (c. 7-11). Thi thiên 95 được viết nhiều năm sau thời Giô-suê, nhưng lại dùng chữ ngày nay, hàm ý lúc đó cũng như trong thời Thư Hê-bơ-rơ được viết và cả chúng ta hôm nay đều có dịp bước vào sự yên nghỉ của Chúa nếu chúng ta có đức tin và không cứng lòng.

 Đây là sự yên nghỉ thật của Chúa, không phải chỉ là vào Đất Hứa như dân sự Chúa trong thời Giô-suê (c. 8). Tác giả dựa vào chữ ngày nay trong Thi thiên 95:7 để chứng minh cho điều đó. Nếu việc con dân Chúa vào Đất Hứa đã là an nghỉ thật thì không cần phải nhắc lại điều đó làm gì.

Kết luận của tác giả vì vậy là:

Vậy thì còn lại một ngày yên nghỉ cho dân Đức Chúa Trời (c. 9)

Ông hàm ý, chúng ta đang ở trong tư thế như con dân của Chúa ngày xưa: chúng ta vẫn còn có lời hứa vào sự an nghỉ của Chúa nếu có đức tin nơi Ngài. Sự an nghỉ đó được định nghĩa như sau:

Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy (c. 10)

Nghỉ công việc mình không có nghĩa là không làm gì cả như Chúa Giê-xu khẳng định:

Nhưng Ngài phán cùng họ rằng: Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy (Giăng 5:17)

Đức Chúa Trời nghỉ công việc Ngài hàm ý Chúa đã hoàn tất công việc của Ngài, không cần phải làm gì thêm. Người tin Chúa nghỉ công việc mình vì Chúa đã làm tất cả cho chúng ta, chúng ta không phải làm điều gì thêm. Yên nghỉ trong Chúa cũng mang ý nghĩa tìm thấy thỏa mãn và an vui thật sự trong Ngài, không còn mệt mỏi và gánh nặng (Ma-thi-ơ 11:28-29).

Kết thúc lời khuyên đừng cứng lòng nhưng hãy tin (3:7 – 4:13), tác giả viết:

Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã (c. 11)

Hê-bơ-rơ 3:7 – 4:13 là phần trong ngoặc, kêu gọi trung tín và nói đến nguy cơ của việc thiếu lòng tin. Con dân Chúa vì không tin đã ngã chết trong sa mạc và không được vào Đất Hứa, không được vào sự an nghỉ của Đức Chúa Trời. Tác giả cho thấy, ngày nay chúng ta cũng ở trong vị trí tương tự (c. 2) và Chúa cũng đang ban cho chúng ta dịp tiện ngày nay (c. 7). Do đó, điều chúng ta cần làm là: Phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó (c. 11a). Gắng sức hàm ý chuyên tâm (II Ti. 2:15) hay “nỗ lực” (BHĐ), cố gắng tối đa.

Nhưng làm thế nào để có thể bước vào sự an nghỉ? Phần cuối câu 11 và cả phân đoạn 3:7 – 4:13 cho thấy lòng vô tín là nguyên nhân khiến con dân Chúa không được vào sự an nghỉ. Do đó gắng sức bước vào sự yên nghỉ nghĩa là chúng ta phải có đức tin, nắm lấy lời hứa của Chúa và vâng lời Ngài (không tin và không vâng lời là tội của con dân Chúa ngày xưa). Vấp ngã mang ý nghĩa rơi vào sự đoán xét của Chúa, bị Chúa xét xử, thay vì được an nghỉ.

Hai lời khuyên: Hãy lo sợ (c. 1) và: Phải gắng sức (c. 11) đều nhấn mạnh đến cá nhân (trong chúng ta CÓ AIkhông có MỘT NGƯỜI NÀO trong chúng ta) nhắc nhở chúng ta áp dụng lời khuyên nầy cho chính bản thân.

Sau lời khuyên, tác giả mô tả sức mạnh của Lời Chúa (c. 12) để cho thấy tính cách nghiêm trọng của lời khuyên và hậu quả nếu chúng ta không vâng theo:

Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng (c. 12)

Lời của Đức Chúa Trời tác giả nói đến ở đây hàm ý chỉ về lời trong Thi thiên 95:7-11 mà ông trích ở trên (3:7-11). Ông gọi lời đó là lời Đức Thánh Linh phán (3:7a). Lời của Đức Chúa Trời vì vậy chỉ về cả Kinh Thánh, là Lời được hà hơi (II Ti. 3:16).

Hai đặc tính của Lời Chúa là sống linh nghiệm. Chữ sống được đặt ở đầu câu trong nguyên văn nhằm nhấn mạnh: Kinh Thánh là lời có sự sống ở trong, đem lại sự sống. Sống cũng mang ý nghĩa “sống động,” (BHĐ) nghĩa là có tác dụng hữu hiệu (linh nghiệm).

Tương tự như trong Ê-phê-sô 6:17, Lời Chúa được so sánh như một thanh gươm nhưng đây là gươm hai lưỡi nghĩa là mài bén cả trên lẫn dưới, cho thấy tính cách sắc bén của Lời Chúa. Vì sắc bén như vậy nên Kinh Thánh có thể chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng (c. 12b). Động từ chia có nghĩa là “cắt cả ba chiều,” mang ý nghĩa xuyên thấu. Con dao giải phẫu ngày nay là hình ảnh thích hợp cho lời mô tả nầy.

Tác giả dùng ba cặp từ cho thấy sức mạnh sắc bén của Lời Chúa: hồnlinh, cốttủy, tư tưởngý định:

phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng (c. 12b, BHĐ)

Hồn linh nói đến phần vô hình (phi vật chất) của con người. Cốt tủy nói đến phần thân xác. Hồn linh cốt tủy vì vậy nói đến toàn thể con người, không khía cạnh nào của đời sống có thể thoát khỏi sự xét đoán của Lời Chúa. Vì sắc bén như vậy nên Lời Chúa có thể phán đoán, phân biện, dò xét con người, dù chỉ mới trong tư tưởng và ý định. 

Tác dụng của Lời Chúa được mô tả thêm như sau, không phải từ Lời Chúa nhưng từ chính Đức Chúa Trời:

Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại (c. 13)

Lời kêu gọi đừng cứng lòng nhưng phải giữ vững lòng tin (3:7 – 4:13) kết thúc với câu cho thấy loài người chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa: Trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại (c. 13b). Chúng ta không thể nào tránh được đôi mắt thấu suốt của Chúa: Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa (c. 13a). Hai chữ trần trụi lộ ra cho thấy rõ điều nầy.

Lời kêu gọi của tác giả cũng là lời cảnh báo. Tác giả kêu gọi chúng ta đừng cứng lòng nhưng hãy tin để được bước vào sự an nghỉ của Chúa. Ông thêm vào lời nhắn nhủ, đây là lời phán của chính Chúa, chúng ta phải triệt để tuân hành vì Chúa thấu triệt mọi điều trong lòng chúng ta.