Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

“VỮNG LÒNG ĐẾN GẦN NGÔI ƠN PHƯỚC” (4:14-16)

14 Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin. 15 Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. 16 Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.

1. Tác giả khuyên chúng ta điều gì trong câu 14? Dựa vào điều gì tác giả đưa ra lời khuyên nầy? Tại sao?

2. Xin cho biết những đặc điểm của thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta (c. 15)

3. “Vững lòng đến gần ngôi ơn phước” (c. 16a) nghĩa là làm gì? Được những kết quả gì?

Hê-bơ-rơ 3:1 5:10 là phần mô tả “Chúa Giê-xu Là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hay Thương Xót Và Trung Tín” (xem bố cục, trang 8). Phần nầy được phân ra như sau:

o  3:1-6:                       Sự trung tín của Chúa

o  3:7 – 4:13:             Kêu gọi trung tín

o  4:14 – 5:10:           Sự thương xót của Chúa

Phần nói về lòng thương xót của Chúa bắt đầu như sau:

Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin (c. 14)

Tác giả giới thiệu Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm ở 2:17 với hai đặc tính thương xóttrung tín. Ông đã nói về sự trung tín của Chúa trong 3:1-6. Bây giờ ông nói về lòng thương xót của Ngài. Ông bắt đầu với lời khuyên: Hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin (c. 14b). Bền giữ mang ý nghĩa cam kết, “giữ vững” (BHĐ), không từ bỏ. Điều chúng ta cần giữ vững là đạo chúng ta đã nhận tin. Cả cụm từ nầy chỉ là một chữ trong nguyên văn (homologia) mang ý nghĩa “những điều chúng ta xưng nhận” (BHĐ), tức là niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giê-xu (3:1).

Lý do chúng ta phải bền giữ đức tin là:

Vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời (c. 14a)

Tại sao việc Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời là lý do để chúng ta bền giữ đạo? Độc giả Thư Hê-bơ-rơ là người Do-thái, họ đã tin vào hệ thống tế lễ A-rôn hàng ngàn năm qua. Bây giờ, khi tin nhận Chúa Giê-xu, hệ thống tế lễ đó không còn cần thiết nữa. Đây cũng là chủ đề của Thư Hê-bơ-rơ.

Do đó, tác giả muốn nói rằng, từ nay trở đi, thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta tin nhận là Chúa Giê-xu, là Đấng đã trải qua các từng trời, hàm ý Chúa đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm cao quý hơn các thầy tế lễ trong hệ thống tế lễ cũ. Vì tin vào một thầy tế lễ cao quý hơn nên càng phải bền vững hơn trong đức tin.

Lý do Chúa Giê-xu là thầy tế lễ vượt trội hơn tất cả, được tác giả giải thích:

Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội (c. 15)

Tác giả dùng thể phủ định kép (double negative) để nhấn mạnh: Chúng ta KHÔNG CÓ thấy tế lễ thượng phẩm CHẲNG CÓ THỂ CẢM THƯƠNG nghĩa là chúng ta CÓ thầy tế lễ thượng phẩm THẬT SỰ CẢM THƯƠNG! Cảm thương hay “cảm thông” (BHĐ) nói lên cảm xúc của mẹ đối với con hay anh chị em ruột thịt đối với nhau. Cũng mang ý nghĩa “đồng cảm” (có cùng một cảm xúc).

Điều Chúa Giê-xu cảm thông với chúng ta là sự yếu đuối chúng ta (c. 15a). Sự yếu đuối nói đến những cám dỗ có thể đưa chúng ta đến chỗ phạm tội vì Chúa Giê-xu cũng bị cám dỗ như vậy song chẳng phạm tội (c. 15c).

Lý do Chúa có thể cảm thông với chúng ta là vì Chúa đã bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta (c. 15b). Bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta nghĩa là “bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta” (BHĐ). Khi sống trên trần gian nầy, Chúa Giê-xu mang thân xác như chúng ta và Chúa cũng bị cám dỗ giống như chúng ta. Cường độ cám dỗ đến với Chúa cũng giống như đến với chúng ta. Do đó, Chúa Giê-xu cảm thông với tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm khi bị cám dỗ.

Vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm cao quý và thông cảm với chúng ta như vậy nên tác giả khuyên:

Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng (c. 16)

Đây là lời kêu gọi chúng ta cầu nguyện qua cụm từ Đến gần ngôi ơn phước. Đến gần mang ý nghĩa bước vào trong mối liên hệ với Chúa. Trong khung cảnh tế lễ Cựu Ước, đến gần ngôi ơn phước là hình ảnh thấy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh mà nay đặc ân đó cũng dành cho chúng ta. Đến với Đức Chúa Trời được gọi là Đến gần ngôi ơn phước (ngai ân sủng). Ngôi hay ngai nói đến vị trí thẩm quyền, chỗ ngồi của nhà vua. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng ngự trên ngai, cầm quyền trên muôn vật mọi loài. Ngôi ơn phước cũng là hình ảnh “nắp thi ân” trong nơi chí thánh, nơi mà mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm chỉ được vào một lần.

Chiếc ngai được gọi là “ngai ân sủng” (throne of grace) nói đến nguồn của hồng ân, thương xót. Người cầu nguyện là người đến gần nguồn của mọi ơn phước mà Đấng ngự trị có quyền và cũng sẵn sàng ban ơn cho chúng ta. Điều chúng ta cần làm vì vậy là Vững lòng đến gần ngôi ơn phước (c. 16a), nghĩa là đến cầu nguyện với Đức Chúa Trời với lòng tin quyết, bạo dạn.

Kết quả khi chúng ta đến cầu nguyện với Chúa là được giúp đỡ. Sự giúp đỡ nầy đáp ứng nhu cầu của người cầu xin đúng lúc: Để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng (c. 16). Hai yếu tố quan trọng để nhu cầu được đáp ứng là thương xótơn: Hầu cho được thương xót và tìm được ơn (c. 16b).  Khi cầu nguyện với Chúa, hai điều luôn luôn sẵn sàng cho chúng ta là lòng thương xót của Chúa và ân sủng của Ngài.

Được thương xót là không phải nhận chịu hình phạt dành cho mình, còn ân sủng là nhận được ơn dù không xứng đáng. Trong ơn thương xót và ân sủng đó, chúng ta được khích lệ để đến cầu nguyện với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời (c. 14).