Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

TÌNH TRẠNG ẤU TRĨ (5:11-14)

11 Về sự đó, chúng ta có nhiều điều nên nói và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. 12 Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em, anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. 13 Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình vì còn là thơ ấu. 14 Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.

1. “Sự đó” (c. 11a) nói đến điều gì?

2. Thế nào là “chậm hiểu” (c. 11b)?

3. “Làm thầy” (c. 12a) mang ý nghĩa gì?

4. “Những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời” (c. 12b) chỉ về điều gì?

5. “Sữa” và “đồ ăn đặc” (c. 12c) nói lên điều gì?

6. “Đạo công bình” (c. 13) chỉ về điều gì?

7. Xin cho biết sự khác nhau giữ “thơ ấu” và “kẻ thành nhân” (c. 13-14)?

 

Phần trong ngoặc, cảnh cáo về sự bội đạo (5:11 – 6:20) gồm hai phần:

·      5:11 – 6:8               Lời cảnh cáo

·      6:9-20                      Lời khích lệ

Trong lời cảnh cáo (5:11 – 6:8), tác giả nói ba điều:

(1) Quở trách tình trạng ấu trĩ của độc giả             5:11-14

(2) Kêu gọi trưởng thành                                               6:1-3

(3) Cảnh cáo về tình trạng bội đạo                             6:4-8

Tác giả quở trách tình trạng ấu trĩ của độc giả như sau:

Về sự đó, chúng ta có nhiều điều nên nói và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu (c. 11)

Sự đó (c. 11a) nói đến chủ đề vừa giới thiệu tức là nói Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc (c. 10). Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Chúng tôi có nhiều điều cần nói về vấn đề nầy nhưng rất khó giải thích, vì anh em đã trở nên chậm hiểu (c. 11, BHĐ)

“Chúng tôi” hàm ý chính tác giả nói điều nầy, theo lối hành văn xưa (I Giăng 1:4). Chủ đề “Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc” là điều khó giải thích. Một trong những lý do khiến khó giải thích là vì anh em đã trở nên chậm hiểu (c. 11b).  Chữ chậm hiểu mang ý nghĩa “lười biếng, không chịu hiểu.” Điều nầy cũng hàm ý có một sự chống đối tâm linh, không muốn sâu nhiệm trong Lời Chúa. Đây là thái độ người tin Chúa phải tránh.

Tác giả trách độc giả:

Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em, anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc (c. 12)

Làm thầy mang ý nghĩa có khả năng hướng dẫn người khác (Rô-ma 2:20). Đây là những tín hữu lâu năm, lẽ ra họ phải có thể dạy dỗ người khác. Trái lại, họ còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy (c. 12b).

Cụm từ lời Đức Chúa Trời thường được dùng để chỉ về Kinh Thánh Cựu Ước (Công vụ 7:38; Rô-ma 3:2; I Phi. 4:11) cho nên, Những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời nói đến những chân lý của Lời Chúa trong Cựu Ước áp dụng vào Chúa Giê-xu. Độc giả Thư Hê-bơ-rơ là người Do-thái, đã biết Cựu Ước nhưng không biết áp dụng những điều đó vào Chúa Giê-xu. 

Những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời cũng nói đến những điểm căn bản của niềm tin Cơ-đốc họ đã được học (6:1b-2).

Sữađồ ăn đặc (c. 12b) là hình ảnh dùng để mô tả trình độ học vấn, như học trò Cấp 1 so với Cấp 2, Cấp 3. Sứ đồ Phao-lô cũng dùng hình ảnh tương tự với các tín hữu tại Cô-rinh-tô (I Cô. 3:2).

Tác giả giải thích hai trình độ nầy như sau:

Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ (c. 13-14).

 

THƠ ẤU

THÀNH NHÂN

Ăn sữa

Đồ ăn đặc

Không hiểu đạo công bình

Phân biệt điều lành và dữ

 

Đạo công bình hay “đạo công chính” (BHĐ) chỉ về những sự dạy dỗ trong Lời Chúa mà các tín hữu chưa trưởng thành không am hiểu, như trẻ con chỉ có thể uống sữa.

Đối chiếu với thơ ấu là trưởng thành:

Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ (c. 14b)

Đặc điểm của người trưởng thành là hay dụng tâm tư luyện tập. Dụng mang ý nghĩa “thực hành” (BHĐ). Tâm tư nói đến trí não, khả năng phân biện. Điểm khác nhau giữa ấu trĩ và trưởng thành là có thường xuyên sử dụng trí óc của mình để phân biệt giữa lành và dữ hay không. Không biết phân biệt giữa lành và dữ là dấu hiệu của trẻ con (Phục truyền 1:39; Ê-sai 7:16), cho nên để trưởng thành, chúng ta phải luyện tập khả năng phân biện trong mỗi quyết định theo sự hướng dẫn của Lời Chúa.