Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

VUA MÊN-CHI-XÊ-ĐÉC (7:1-10)

1 Vả, Mên-chi-xê-đéc đó là vua của Sa-lem, thầy tế lễ của Đức Chúa Trời rất cao, đã đi rước Áp-ra-ham và chúc phước cho, trong khi người thắng trận các vua trở về. 2 Áp-ra-ham đã lấy một phần mười về mọi của cải mình mà dâng cho vua, theo nghĩa đen tên vua ấy, trước hết là vua sự công bình, lại là vua của Sa-lem nữa, nghĩa là vua bình an. 3 Người không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày đầu mới sanh, cũng không có ngày rốt qua đời, như vậy là giống Con Đức Chúa Trời, — Mên-chi-xê-đéc nầy làm thầy tế lễ đời đời vô cùng.

4 Hãy nghĩ xem, chính tiên tổ là Áp-ra-ham đã lấy một phần mười trong những vật rất tốt của mình chiếm được mà dâng cho vua, thì vua tôn trọng là dường nào. 5 Những con cháu họ Lê-vi chịu chức tế lễ, theo luật, có phép thâu lấy một phần mười của dân, nghĩa là của anh em mình, vì chính họ cũng từ Áp-ra-ham mà ra. 6 Nhưng vua vốn không phải đồng họ, cũng lấy một phần mười của Áp-ra-ham và chúc phước cho kẻ được lời hứa.

7 Vả, người bực cao chúc phước cho kẻ bực thấp, ấy là điều không cãi được. 8 Lại, đằng nầy, những kẻ thâu lấy một phần mười đều là người hay chết: còn đằng kia, ấy là kẻ mà có lời làm chứng cho là người đang sống. 9 Lại có thể nói rằng Lê-vi là kẻ thâu lấy một phần mười đó, chính mình người cũng bởi Áp-ra-ham mà đóng một phần mười, 10 vì lúc Mên-chi-xê-đéc đi đón tiên tổ, thì Lê-vi còn ở trong lòng tổ phụ.

1. Xin đọc thêm Sáng thế ký 14:13-20 và cho biết Mên-chi-xê-đéc là ai.

2. Tác giả nhấn mạnh điều gì trong mối quan hệ giữa Áp-ra-ham và Mên-chi-xê-đéc (c. 2a)?

3. Xin cho biết những đặc điểm của vua Mên-chi-xê-đéc (c. 3).

4. Mên-chi-xê-đéc “không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày đầu mới sanh, cũng không có ngày rốt qua đời” (c. 3a) nghĩa là thế nào?

5. Tác giả muốn nói điều gì trong câu 5-6?

6. Xin cho biết những lý luận của tác giả về Mên-chi-xê-đéc trong mối liên hệ với các thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi (c. 7-10)

 

Độc giả Thư Hê-bơ-rơ chủ yếu là người Do-thái. Do-thái giáo với hệ thống tế lễ Cựu Ước là một phần của đời sống trước khi họ tin Chúa Giê-xu. Đây là điều ảnh hưởng không ít trong niềm tin của họ. Thêm vào đó, qua những thông tin gợi ý trong thư, một số đang có khuynh hướng muốn từ bỏ đức tin Cơ-đốc để trở lại Do-thái giáo. Thư Hê-bơ-rơ được viết cho những người nầy, vì vậy phần chính của lá thư (7:1 – 10:39) tác giả giải thích tường tận cho thấy rằng toàn thể hệ thống tế lễ Cựu Ước chỉ là hình bóng mà nay đã được hiện thực trong Chúa Giê-xu. Đức tin nơi Chúa Giê-xu là điều duy nhất để hưởng ơn cứu rỗi.

Chúa Giê-xu trong vai trò thầy tế lễ thượng phẩm là điểm chính tác giả muốn trình bày. Khi nói Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm, ông nhấn mạnh rằng Ngài thuộc về một ban tế lễ khác với ban tế lễ A-rôn (họ Lê-vi). Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thuộc ban Mên-chi-xê-đéc, được nói tiên tri ở Thi thiên 110:4. Bây giờ ông giải thích cho thấy Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc (6:20b) như thế nào (7:1-28).

Tác giả định nói điều nầy từ 5:10, nhưng đây là một đề tài khó hiểu (5:11) nên ông đã dừng lại và đưa ra lời trách về tình trạng ấu trĩ của họ (5:12-14) và cũng cảnh cáo họ về nguy cơ bội đạo nếu không trưởng thành trong Chúa (6:1-8). Dù cảnh cáo như vậy, ông biết độc giả là những người tốt và sốt sắng (6:9-12) nên dựa vào gương của Áp-ra-ham, ông cho thấy rằng nếu họ giữ vững đức tin và nhịn nhục, họ có hy vọng chắc chắn trong Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm của giao ước mới và tác giả trở lại với đề tài ông định nói từ 5:10.

Tác giả phân tích cho thấy Mên-chi-xê-đéc là ai và áp dụng điều đó vào Chúa Giê-xu để cho thấy tính cách cao trọng của chức tế lễ Chúa Giê-xu (ban Mên-chi-xê-đéc) so với chức tế lễ của A-rôn, người Lê-vi.

Mên-chi-xê-đéc là một nhân vật có thật trong Cựu Ước. Sáng thế ký 14:13-20 kể lại câu chuyện Áp-ra-ham đem quân đi giải cứu Lót và trên đường chiến thắng trở về, ông được Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem đón tiếp:

Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem, sai đem bánh và rượu ra. Vả, vua nầy là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao, chúc phước cho Áp-ram và nói rằng: Nguyện Đức Chúa Trời Chí Cao, là Đấng dựng nên trời và đất, ban phước cho Áp-ram! Đáng ngợi khen thay Đức Chúa Trời Chí Cao đã phó kẻ thù-nghịch vào tay ngươi! Đoạn, Áp-ram lấy một phần mười về cả của giặc mà dâng cho vua đó (Sáng thế ký 14:18-20)

Mên-chi-xê-đéc là:

1. Vua của Sa-lem. Đây là Sa-lem cổ xưa, trong hệ thống mỗi thành là một nước (city-state). Về sau, vua Đa-vít đặt kinh đô tại đây (II Sa. 5:6-9).

2. Thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Rất Cao chính là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham (Sáng 14:22).

3. Người không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày đầu mới sanh, cũng không có ngày rốt qua đời (c. 3a), nghĩa là Kinh Thánh không ghi lại chi tiết gì về Mên-chi-xê-đéc ngoài việc ông là vua của Sa-lem và là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao. Điều nầy được mô tả là giống Con Đức Chúa Trời (c. 3b) hàm ý rằng, với những điều mà Kinh Thánh không ghi lại đó, vua Mên-chi-xê-đéc chính là hình bóng của Chúa Giê-xu trong Cựu Ước. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, nên Ngài không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày đầu mới sanh, cũng không có ngày rốt qua đời.

Tác giả nhắc lại câu chuyện vua Mên-chi-xê-đéc với hai chi tiết:

1. Mên-chi-xê-đéc CHÚC PHƯỚC cho Áp-ra-ham (c. 1). Điều nầy cho thấy Mên-chi-xê-đéc cao trọng hơn Áp-ra-ham (c. 6-7).

2. Áp-ra-ham DÂNG MỘT PHẦN MƯỜI cho Mên-chi-xê-đéc (c. 2). Về việc nầy, tác giả lý luận:

o   Theo luật pháp Môi-se, người Y-sơ-ra-ên dâng một phần mười cho con cháu họ Lê-vi (c. 5).

o   Áp-ra-ham thì dâng một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc (c. 4).

o   Áp-ra-ham là tiên tổ của người Y-sơ-ra-ên (c. 4a).

o   Như vậy nghĩa là con cháu Áp-ra-ham, kể cả Lê-vi cũng đã dâng một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc qua Áp-ra-ham (c. 10)

o   Điều nầy chứng tỏ Mên-chi-xê-đéc cao trọng hơn Lê-vi (c. 4).

o   Do đó, chức tế lễ của Chúa Giê-xu cao trọng hơn chức tế lễ của A-rôn vì là chức tế lễ Mên-chi-xê-đéc, không phải chức tế lễ Lê-vi.

Ngoài ra, tác giả cũng viết:

Lại, đằng nầy, những kẻ thâu lấy một phần mười đều là người hay chết: còn đằng kia, ấy là kẻ mà có lời làm chứng cho là người đang sống. (c. 8)

Đây là một đối chiếu khác giữa chức vụ tế lễ A-rôn và Mên-chi-xê-đéc.

Những kẻ thâu lấy một phần mười chỉ về các thầy tế lễ họ Lê-vi (c. 5). Các thầy tế lễ họ Lê-vi là người hay chết (“là người phàm phải chết,” BHĐ).

Còn đằng kia (chỉ về Mên-chi-xê-đéc) là kẻ mà có lời làm chứng cho là người đang sống (c. 8b). Mên-chi-xê-đéc là người được Kinh Thánh làm chứng là đang sống vì ông không có ngày rốt qua đời (c. 3b).

Chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu là chức vụ theo Mên-chi-xê-đéc nên cũng mang tính cách SỐNG như vậy, ngược lại với chức vụ tế lễ A-rôn (Lê-vi) là chức vụ tế lễ con người, là người phàm, đều chết. Chúa Giê-xu là thầy tế lễ hằng sống là điều sẽ được tác giả nhấn mạnh trong những chương kế tiếp.

Như vậy, chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu theo ban Mên-chi-xê-đéc cao trọng hơn chức vụ tế lễ A-rôn vì:

1. Thầy tế lễ họ Lê-vi (A-rôn) phải dâng một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc (qua Áp-ra-ham).

2. Chức tế lễ Mên-chi-xê-đéc của Chúa Giê-xu là chức vụ sống (Kinh Thánh không nói đến cái chết của Mên-chi-xê-đéc).

Phần tiếp theo giải thích thêm về vấn đề nầy.