Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

“NGÀI HẰNG SỐNG ĐỂ CẦU THAY” (7:11-25)

11 Nếu có thể được sự trọn vẹn bởi chức tế lễ của người Lê-vi (vì luật pháp ban cho dân đang khi còn dưới quyền chức tế lễ), thì cớ sao còn cần phải dấy lên một thầy tế lễ khác, lập theo ban Mên-chi-xê-đéc, không theo ban A-rôn? 12 Chức tế lễ đã thay đổi thì luật pháp cũng cần phải thay đổi. 13 Vả, Đấng mà những lời đó chỉ về, thuộc một chi phái khác, trong chi phái đó chưa từng có ai dự việc nơi bàn thờ. 14 Vì thật rõ ràng Chúa chúng ta ra từ Giu-đa, về chi phái ấy, Môi-se không nói điều chi về chức tế lễ. 15 Mọi điều đó càng thêm rõ hơn nữa, khi chúng ta thấy một thầy tế lễ khác dấy lên, giống như Mên-chi-xê-đéc, 16 lập lên không theo luật lệ của điều răn xác thịt, nhưng theo quyền phép của sự sống chẳng hay hư hay hết.

17 Vả, nầy là lời làm chứng cho Ngài rằng:

Con làm thầy tế lễ đời đời

Theo ban Mên-chi-xê-đéc. 

18 Như vậy, điều răn trước kia vì không quyền không ích nên đã bị bỏ rồi, 19 bởi chưng luật pháp không làm trọn chi hết, lại có một sự trông cậy hay hơn đem vào thay cho luật pháp và bởi sự trông cậy đó chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. 20 Vả lại, sự thay đổi nầy chẳng phải là không có lời thề mà được làm ra. Những thầy tế lễ khác không bởi lời thề mà được lập lên, 21 nhưng Ngài đã được lập lên bằng lời thề, bởi Đấng đã phán cùng Ngài rằng:

Chúa đã thề rồi, và không hối lời thề ấy đâu;

Con làm thầy tế lễ đến đời đời. 

22 Vì thế, Đức Chúa Jêsus đã trở nên Đấng bảo lãnh cho một cái giao ước rất tôn trọng hơn cái trước.

23 Vả lại, số thầy tế lễ rất nhiều, vì sự chết nên không giữ luôn được chức vụ. 24 Nhưng Ngài, vì hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay. 25 Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy.

1. Câu hỏi trong câu 11 mang ý nghĩa gì?

2. Dựa vào đâu tác giả đi đến kết luận trong câu 12?

3. Điểm khác nhau giữa hai chức tế lễ:

 

CHỨC TẾ LỄ THEO
BAN A-RÔN

CHỨC TẾ LỄ THEO
BAN MÊN-CHI-XÊ-ĐÉC

Chi phái ___________________

Chi phái: __________________

Lập lên theo_______________

____________________________

Lập lên theo_______________

____________________________

4. “Không quyền không ích” (c. 18a) nghĩa là gì? Tại sao điều răn không quyền không ích?

5. Điểm khác nhau giữa chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu và của các thầy tế lễ khác là gì (c. 20-21)? “Được lập lên bằng lời thề” (c. 21a) nghĩa là thế nào?

6. “Đấng bảo lãnh” (c. 22a) nghĩa là gì?

7. Một khác biệt khác nữa giữa Chúa Giê-xu và các thầy tế lễ khác là gì (c. 23-24)?

8. Chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu đem lại cho chúng ta điều gì (c. 25)?

 

Sau khi chứng minh cho thấy chức vụ tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc của Chúa Giê-xu cao trọng hơn chức vụ tế lễ của người Lê-vi (c. 1-10), tác giả nêu câu hỏi:

Nếu có thể được sự trọn vẹn bởi chức tế lễ của người Lê-vithì cớ sao còn cần phải dấy lên một thầy tế lễ khác, lập theo ban Mên-chi-xê-đéc, không theo ban A-rôn? (c. 11)

Đây là câu hỏi mang tính tu từ (để nhấn mạnh), hàm ý nếu chức tế lễ của người Lê-vi đã đầy đủ (trọn vẹn) thì không cần phải có chức vụ tế lễ Mên-chi-xê-đéc nữa! Nếu có thể được sự trọn vẹn bởi chức tế lễ của người Lê-vi (c. 11a) hàm ý chức tế lễ của người Lê-vi không trọn vẹn. Đây là sự trọn vẹn của người tin Chúa trong việc đến gần Đức Chúa Trời (7:19; 9:9: 10:1, 14; 11:40; 12:23). Chức tế lễ của người Lê-vi không làm cho con người được trọn vẹn trong việc đến gần Đức Chúa Trời (c. 25) nên chức tế lễ lập theo ban Mên-chi-xê-đéc là điều cần thiết.

Tác giả nói thêm:

Chức tế lễ đã thay đổi thì luật pháp cũng cần phải thay đổi (c. 12)

Căn bản của chức tế lễ A-rôn là luật pháp, nghĩa là thầy tế lễ phải thuộc chi phái Lê-vi (Xuất 40:13-15). Bây giờ chức vụ tế lễ là Chúa Giê-xu, thuộc ban Mên-chi-xê-đéc nên luật đó cũng thay đổi:

Vả, Đấng mà những lời đó chỉ về, thuộc một chi phái khác, trong chi phái đó chưa từng có ai dự việc nơi bàn thờ. Vì thật rõ ràng Chúa chúng ta ra từ Giu-đa, về chi phái ấy, Môi-se không nói điều chi về chức tế lễ.  Mọi điều đó càng thêm rõ hơn nữa, khi chúng ta thấy một thầy tế lễ khác dấy lên, giống như Mên-chi-xê-đéc, lập lên không theo luật lệ của điều răn xác thịt, nhưng theo quyền phép của sự sống chẳng hay hư hay hết (c. 14-16)

 

 

Điểm khác nhau giữa hai chức tế lễ:

 

CHỨC TẾ LỄ THEO
BAN A-RÔN

CHỨC TẾ LỄ THEO
BAN MÊN-CHI-XÊ-ĐÉC

Chi phái Lê-vi

Chi phái Giu-đa

Lập lên theo “luật lệ của điều răn xác thịt” (c. 16a)

Lập lên theo “quyền phép của sự sống chẳng hay hư hay hết” (c. 16b)

 

Chức tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc của Chúa Giê-xu được minh chứng trong Thi thiên 110:4:

Vả, nầy là lời làm chứng cho Ngài rằng: Con làm thầy tế lễ đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc (c. 17)

Mên-chi-xê-đéc chỉ được nhắc đến hai lần trong Cựu Ước:

·      Sáng thế ký 14:18-20

·      Thi thiên 110:4

Tác giả Thư Hê-bơ-rơ dựa vào hai phần Kinh Thánh nầy để đưa đến kết luận trong Hê-bơ-rơ 7: Chúa Giê-xu là thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc, cao trọng hơn và thay thế cho thầy tế lễ theo ban A-rôn.

Độc giả Thư Hê-bơ-rơ là người Do-thái, họ tin tưởng và tôn trọng Kinh Thánh Cựu Ước nên phải thấy rõ như vậy về Chúa Giê-xu và tiếp tục vững tin nơi Ngài. Đó là chủ đích của tác giả và ông cho thấy:

Như vậy, điều răn trước kia vì không quyền không ích nên đã bị bỏ rồi, bởi chưng luật pháp không làm trọn chi hết, lại có một sự trông cậy hay hơn đem vào thay cho luật pháp và bởi sự trông cậy đó chúng ta đến gần Đức Chúa Trời (c. 18-19)

Đây là đối chiếu giữa điều răn trước kia (c. 18a) và một sự trông cậy hay hơn (c. 19b).

Điều răn trước kia được mô tả là không quyền không ích (“yếu kém và vô hiệu,” BHĐ). Điều răn trước kia theo văn mạch nói đến việc bổ nhiệm chức vụ tế lễ cho con cháu A-rôn. Điều nầy yếu kém và vô hiệu vì các thầy tế lễ dòng Lê-vi không giúp con người thật sự đến gần Đức Chúa Trời (c. 19c).

Đối chiếu với điều răn trước kiamột sự trông cậy hay hơn (“một niềm hy vọng tốt hơn,” BHĐ). Đây chỉ về chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu. Chức vụ tế lễ nầy đem lại hy vọng tốt hơn vì giúp đem con người trực tiếp đến với Đức Chúa Trời (c. 19c).

Một đặc điểm khác trong chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu là được lập trên lời thề:

Vả lại, sự thay đổi nầy chẳng phải là không có lời thề mà được làm ra. Những thầy tế lễ khác không bởi lời thề mà được lập lên, nhưng Ngài đã được lập lên bằng lời thề, bởi Đấng đã phán cùng Ngài rằng: Chúa đã thề rồi và không hối lời thề ấy đâu, Con làm thầy tế lễ đến đời đời (c. 20-21)

Vấn đề “lời thề” được nhắc đến trước đây khi nói về lời hứa và lời thề của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham (6:13-18). Lời thề nhắm nhấn mạnh đến yếu tố chắc chắn, không thay đổi. Lời tiên tri về chức vụ tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc của Chúa Giê-xu trong Thi thiên như sau:

Chúa đã thề rồi, và không hối lời thề ấy đâu,

Con làm thầy tế lễ đến đời đời (c. 21b)

Tác giả dựa vào đây để cho thấy đó là điểm khác nhau giữa chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu và chức vụ tế lễ của các thầy tế lễ thuộc họ Lê-vi:

Những thầy tế lễ khác không bởi lời thề mà được lập lên, nhưng Ngài đã được lập lên bằng lời thề (c. 20b-21a)

Điều nầy xác nhận tính cách vĩnh cửu của chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu và kết quả là:

Vì thế, Đức Chúa Jêsus đã trở nên Đấng bảo lãnh cho một cái giao ước rất tôn trọng hơn cái trước (c. 22)

Đây là lần đầu tiên từ giao ước được nhắc đến trong Thư Hê-bơ-rơ. Giao ước nói đến một khía cạnh quan trọng trong chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu trong những chương tiếp theo. Giao ước nầy được gọi là rất tôn trọng hơn cái trước, nghĩa là “một giao ước tốt hơn” (BHĐ) so với giao ước cũ, qua luật pháp Môi-se và hệ thống tế lễ A-rôn.

Đấng bảo lãnh hay “Đấng bảo đảm” (BHĐ) mang ý nghĩa chắc chắn vì Chúa là thầy tế lễ đời đời (c. 21b). Chúa Giê-xu là Đấng bảo đảm cho một giao ước tốt hơn vì Ngài là thầy tế lễ đời đời, được giải thích trong câu tiếp theo:

Vả lại, số thầy tế lễ rất nhiều, vì sự chết nên không giữ luôn được chức vụ. Nhưng Ngài, vì hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay (c. 23-24)

Một lần nữa, đây cũng đối chiếu giữa chức tế lễ của Chúa Giê-xu với chức tế lễ A-rôn. Một bên là loài người hay chết (c. 8), một bên là Đấng hằng sống. Đó là điểm khác biệt giữa hai chức tế lễ:

Đức Chúa Jêsus giữ lấy chức tế lễ vĩnh viễn vì Ngài tồn tại đời đời (c. 23, BHĐ)

 

 

 

 

 

 

 

 

Như vậy, có hai điểm khác biệt nữa giữa hai chức tế lễ:

 

CHỨC TẾ LỄ THEO
BAN A-RÔN

CHỨC TẾ LỄ THEO
BAN MÊN-CHI-XÊ-ĐÉC

“Không bởi lời thề mà được lập lên” (c. 20b)

“Được lập lên bằng lời thề” (c. 21a)

“Vì sự chết nên không giữ luôn được chức vụ” (c. 23)

“Hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay” (c. 24)

 

Chúa Giê-xu là thầy tế lễ hằng có đời đời (c. 24a) đưa đến kết quả:

Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy (c. 25)

Chúa hằng có đời đời nên Chúa có thể cứu toàn vẹn, nghĩa là Chúa cứu chúng ta hoàn toàn và vĩnh viễn. Chức vụ tế lễ là chức vụ trung gian giữa loài người và Đức Chúa Trời. Người tin Chúa nhờ Chúa Giê-xu hay qua Chúa Giê-xu để đến với Đức Chúa Trời. Chức vụ tế lễ cũng là chức vụ cầu thay (Rô-ma 8:34) và khác với chức vụ tế lễ A-rôn là loài người hay chết, Chúa Giê-xu luôn luôn sống để cầu thay cho chúng ta.

Đối với độc giả người Do-thái vẫn muốn giữ hay muốn trở lại với hệ thống tế lễ cũ, qua luật pháp và thầy tế lễ loài người, tác giả cho thấy hệ thống xưa cũ đó không còn hữu hiệu nên đã bị loại bỏ rồi (c. 18). Đức Chúa Trời đã thiết lập một hệ thống tế lễ mới qua Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thuộc ban Mên-chi-xê-đéc, là thầy tế lễ hằng sống. Chỉ qua Chúa Giê-xu, chúng ta mới thật sự đến gần Đức Chúa Trời và được cứu giúp mọi lúc.