Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

THẦY TẾ LỄ TOÀN HẢO (7:26-28)

26 Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời: 27 không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân. Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ. 28 Vì luật pháp lập những người vốn yếu đuối làm thầy tế lễ thượng phẩm, nhưng lời thề có sau luật pháp thì lập Con, là Đấng đã nên trọn lành đời đời.

1. Xin cho biết những đặc tính của thầy tế lễ thượng phẩm (c. 26-27) và ý nghĩa của mỗi điều.

2. Thầy tế lễ loài người và Chúa Giê-xu (thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc) khác nhau ở điểm nào (c. 27-28)?

Tác giả kết luận phần nói về Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc như sau:

Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời: không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân. Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ (c. 26-27)

Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng nghĩa là: “Thật vậy, Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta cần đến” (BHĐ). Thầy tế lễ nầy có những đặc tính sau:

Thánh khiết mang ý nghĩa sùng kính, đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Không tội nghĩa là không chỗ trách được, không tìm thấy lỗi lầm (I Phi. 2:22).

Không ô uế mang ý nghĩa không dấu vết ô dơ.

Đây cũng là hình ảnh của thầy tế lễ xưa (Lê-vi ký 21:10-12) vì Chúa Giê-xu là thầy tế lễ không phạm tội (4:15).

 

Chúa Giê-xu cũng được mô tả là:

·      Biệt khỏi kẻ có tội

·      Được cất lên cao hơn các từng trời

Hai cụm từ nầy cho thấy Chúa Giê-xu hoàn toàn khác biệt với mọi người trên phương diện đạo đức (Biệt khỏi kẻ có tội) và trên phương diện vị trí (Được cất lên cao hơn các từng trời). Ngài là thầy tế lễ từ trời, không thuộc về trần gian nầy.

Nói như vậy nghĩa là, Chúa Giê-xu:

không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân. Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ (c. 27)

Điểm khác biệt giữa Chúa Giê-xu và các thầy tế lễ khác là:

1. Chúa Giê-xu vô tội, không cần phải dâng tế lễ cho chính Ngài như các thầy tế lễ Lê-vi.

2. Của lễ Chúa Giê-xu dâng là chính mạng sống của Ngài.

3. Chúa Giê-xu chỉ dâng của lễ một lần là đủ, không phải dâng tế lễ hàng ngày.

Tác giả giải thích những điểm nầy trong các chương tiếp theo.

Để kết luận, tác giả viết:

Vì luật pháp lập những người vốn yếu đuối làm thầy tế lễ thượng phẩm, nhưng lời thề có sau luật pháp thì lập Con, là Đấng đã nên trọn lành đời đời (c. 28)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hai điểm khác nhau nữa, giữa Chúa Giê-xu và các thầy tế lễ khác:

 

CHỨC TẾ LỄ THEO
BAN A-RÔN

CHỨC TẾ LỄ THEO
BAN MÊN-CHI-XÊ-ĐÉC

Được lập lên bởi luật pháp (c. 28a)

Được lập lên bằng lời thề (c. 28b)

Lập những người yếu đuối làm thầy tế lễ (c. 28a)

Lập Con là Đấng trọn lành làm thầy tế lễ (c. 28b)

 

Thầy tế lễ loài người yếu đuối, hàm ý bất toàn và tội lỗi, đối chiếu với Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, là Đấng trọn lành, toàn hảo.

Một chi tiết khác cần để ý đó là lời thề CÓ SAU luật pháp. Như vậy, luật pháp không còn giá trị và cần thiết để cứu rỗi con người (c. 18).