Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 19

GIAO ƯỚC TỐT HƠN (8:6-13)

6 Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn. 7 Vì nếu ước thứ nhứt không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai. 8 Vả, trong những lời nầy thật có ý trách, là lời Đức Chúa Trời phán cùng dân Giu-đa rằng:

Chúa phán: Kìa, nhựt kỳ đến,

Khi đó ta sẽ cùng nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa lập một ước mới,

9 Không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó,

Trong ngày ta cầm tay họ dẫn ra khỏi xứ Ê díp-tô.

Vì họ không bền giữ lời ước ta,

Nên ta không đoái xem họ, ấy là lời Chúa phán.

10 Chúa lại phán: Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên

Sau những ngày đó:

Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ

Và ghi tạc vào lòng;

Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ,

Họ sẽ làm dân ta.

11 Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình

Và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa;

Vì hết thảy trong vòng họ,

Từ kẻ rất nhỏ cho đến kẻ rất lớn đều sẽ biết ta,

12 Nhân ta sẽ tha sự gian ác của họ,

Và không nhớ đến tội lỗi họ nữa. 

13 Gọi ước đó là mới, thì đã xưng ước trước là cũ. Vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.

 

1. “Đấng trung bảo của giao ước” (c. 6a) nghĩa là thế nào?

2. “Ước thứ nhất” và “ước thứ hai” (c. 7) chỉ về gì?

3. Giao ước cũ và giao ước mới khác nhau như thế nào (c. 9-10)?

4. Theo câu 10, giao ước mới nói đến điều gì?

 

Khi nói về chức vụ tế lễ hiện tại của Chúa Giê-xu, tác giả nêu câu hỏi, Đấng nầy cũng cần phải dâng vật gì (c. 3b). Tuy nhiên, trước khi trả lời, tác giả đưa ra một đề tài mới làm nền tảng cho câu trả lời. Đó là vấn đề giao ước (c. 6-13).

Ông viết:

Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn (c. 6)

Ông gọi Chúa Giê-xu là, Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn (c. 6b). Giao ước nói đến sự đồng thuận hay giao kèo của hai phía. Trung bảo là người trung gian giữa hai phía trong giao ước đó. Tuy nhiên, giao ước trong Thư Hê-bơ-rơ không phải chỉ là sự đồng thuận của hai phía nhưng là “món quà ân sủng đến từ Đức Chúa Trời” (O’Brien, trang 292). Chúa Giê-xu là người trung gian của giao ước mang ý nghĩa Chúa làm thành giao ước, nhờ Chúa Giê-xu mà giao ước được thực hiện. Tác giả cũng gọi Ngài là Đấng bảo lãnh (“bảo đảm,” BHĐ) cho một cái giao ước rất tôn trọng hơn cái trước (7:22).

Tác giả cũng nhắc đến hai giao ước:

Vì nếu ước thứ nhứt không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai (c. 7)

Ước thứ nhất chỉ về luật pháp, tức là giao ước Môi-se. Ước thứ hai là điều được ghi trong Giê-rê-mi 31:31-34 được tác giả trích lại:

Chúa lại phán: Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, họ sẽ làm dân ta (c. 10)

Ông cho biết: Nếu ước thứ nhứt không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai (c. 7). Đây là lý luận của tác giả dựa trên lời phán của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã thiết lập giao ước với con dân Ngài qua luật pháp Môi-se nhưng rồi qua Giê-rê-mi, Chúa lại phán:

Kìa, nhựt kỳ đến, khi đó ta sẽ cùng nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa lập một ước mới (c. 8b)

Nầy, những ngày đến, khi Ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa (c. 8b, BHĐ)

Sự kiện Chúa lập giao ước mới cho thấy thiếu sót của giao ước cũ. Thiếu sót của giao ước cũ là con dân Chúa không thể tuân giữ giao ước đó:

Không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó, trong ngày ta cầm tay họ dẫn ra khỏi xứ Ê díp-tô, vì họ không bền giữ lời ước ta (c. 9)

Giao ước mới thì được mô tả như sau:

Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng (c. 10b)

Khi đem con dân Chúa ra khỏi Ai-cập, Ngài ban cho họ luật pháp để họ vâng giữ nhưng họ không thể vâng giữ. Đó là giao ước thứ nhất. Còn giao ước thứ hai là giao ước được để trong tríghi tạc vào lòng(c. 10b). Do đó:

Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa vì hết thảy trong vòng họ, từ kẻ rất nhỏ cho đến kẻ rất lớn đều sẽ biết Ta (c. 11)

Điều nầy hàm ý có một mối quan hệ cá nhân giữa Chúa với những người tin Ngài.

Kết luận phần nói về giao ước mới, tác giả viết:

Gọi ước đó là mới, thì đã xưng ước trước là cũ. Vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi (c. 13)

Đã gọi là giao ước mới thì Ngài đã kể giao ước trước là cũ. Điều gì lỗi thời, cũ kỹ chẳng bao lâu sẽ tiêu mất đi (c. 13, BHĐ)

Tác giả bắt đầu nói về chức vụ hiện tại của Chúa Giê-xu trong vai trò thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc (c. 1-3) nhưng trước khi nói điều nầy, ông cho thấy chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu được đặt căn bản trên giao ước mới thay thế cho giao ước cũ (c. 6-13). Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa chức vụ tế lễ A-rôn và chức vụ tế lễ Mên-chi-xê-đéc.