Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 22

ĐẤNG TRUNG BẢO CỦA GIAO ƯỚC MỚI (9:15-22)

15 Nhân đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình. 16 Vì khi có chúc thơ, thì cần phải đợi đến kẻ trối chết đã. 17 Chúc thơ chỉ có giá trị sau lúc chết, vì hễ kẻ trối còn sống thì nó không có quyền gì.

18 Ấy vậy, chính giao ước trước nào chẳng phải là không dùng máu mà lập. 19 Lúc Môi-se phán mọi điều răn của luật pháp cho dân chúng, có lấy máu của bò con và dê đực, với nước, dây nhung đỏ tía và nhành ngưu tất rảy trên sách cùng trên cả dân chúng, 20 mà nói rằng: Nầy là huyết của sự giao ước mà Đức Chúa Trời đã dạy lập với các ngươi. 21 Đoạn, người cũng lấy huyết ấy rảy đền tạm cùng mọi đồ thờ. 22 Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ. 

1. “Đấng trung bảo của giao ước mới” (c. 15a) nghĩa là gì?

2. Tác giả muốn nói điều gì trong câu 16-17?

3. Xin cho biết điểm giống nhau giữa giao ước trước của Môi-se và giao ước mới trong Chúa Giê-xu (c. 18-21).

4. Xin giải thích câu: “Không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (c. 22b).

Thư Hê-bơ-rơ 9:1-28 cho thấy:

1. Giới hạn của giao ước cũ (9:1-10).

2. Thành tựu của Đấng Christ trong sự chết của Ngài (9:11-28).

(Xem phần Bố Cục, trang 8).

Phần “Thành tựu của Đấng Christ trong sự chết của Ngài” (9:11-28) gồm ba phần:

1. Chúa Giê-xu dâng sinh tế tuyệt đối là mạng sống của Ngài đem lại sự chuộc tội đời đời (c. 11-14).

2. Chúa Giê-xu là Đấng Trung Bảo của giao ước tốt hơn (c. 15-22).

3. Chúa Giê-xu là thầy tế lễ toàn hảo (c. 23-28).

Chúa Giê-xu là Đấng trung bảo của giao ước mới (c. 15a) mang ý nghĩa sau:

Giao ước nói đến sự đồng thuận hay giao kèo của hai phía. Trung bảo là người trung gian giữa hai phía trong giao ước đó. Tuy nhiên, giao ước trong Thư Hê-bơ-rơ không phải chỉ là sự đồng thuận của hai phía nhưng là “món quà ân sủng đến từ Đức Chúa Trời” (O’Brien, trang 292). Chúa Giê-xu là người trung gian của giao ước, mang ý nghĩa Chúa làm thành giao ước, nhờ Chúa Giê-xu mà giao ước được thực hiện.

Chúa Giê-xu là Đấng trung bảo của giao ước mới vì “Ngài LẤY CÁI CHẾT để chuộc tội lỗi họ đã phạm dưới giao ước thứ nhất” (c. 15b, BHĐ). Điều nầy hàm ý rằng, người phạm luật Môi-se (“giao ước thứ nhất”) phải chết (Phục truyền 30:15-18) nên để có thể chuộc tội cho họ, Chúa Giê-xu phải chết. Cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết thay thế, Chúa đã dùng sự chết của Ngài để lãnh án thay cho họ, nhờ đó, tội lỗi họ được chuộc.

Người được hưởng ơn cứu chuộc được gọi là những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình (c. 15b). Sự cứu chuộc được tác giả gọi là cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình nói đến điều người tin Chúa sẽ hưởng trong nước đời đời của Ngài (I Phi-e-rơ  1:3-5).

Điểm tác giả nhấn mạnh ở đây là ơn cứu chuộc mà người tin Chúa được hưởng là NHỜ CÁI CHẾT của Chúa Giê-xu: Ngài LẤY CÁI CHẾT để chuộc tội lỗi họ đã phạm dưới giao ước thứ nhất” (c. 15b, BHĐ). Do đó, tác giả viết tiếp:

Vì khi có chúc thơ, thì cần phải đợi đến kẻ trối chết đã. Chúc thơ chỉ có giá trị sau lúc chết, vì hễ kẻ trối còn sống thì nó không có quyền gì (c. 16-17)

Vì nơi nào có chúc thư thì cần phải chứng minh người lập chúc thư ấy đã qua đời. Chúc thư chỉ có hiệu lực sau khi chết; vì nếu người lập chúc thư còn sống thì nó không có giá trị gì (c. 16-17, BHĐ)

“Giao ước” và “chúc thư” là cùng một từ trong nguyên văn (diatheke). Vì vậy, khi tác giả nói “chúc thư chỉ có hiệu lực sau khi chết,”  ông muốn nói giao ước có hiệu lực vì Chúa Giê-xu đã chết.  Như vậy, nhờ sự chết của chính Ngài, Chúa Giê-xu trở nên Đấng trung bảo của giao ước mới. Cái  chết của Chúa khiến cho giao ước trở nên có hiệu lực.

Một đặc tính khác của giao ước liên quan đến máu:

Ấy vậy, chính giao ước trước nào chẳng phải là không dùng máu mà lập (c. 18)

Do đó, ngay cả giao ước thứ nhất cũng không hiệu lực nếu không có máu (c. 18, BHĐ)

Tác giả nhắc lại quy luật của giao ước cũ liên quan đến máu như sau:

Lúc Môi-se phán mọi điều răn của luật pháp cho dân chúng, có lấy máu của bò con và dê đực, với nước, dây nhung đỏ tía và nhành ngưu tất rảy trên sách cùng trên cả dân chúng, mà nói rằng: Nầy là huyết của sự giao ước mà Đức Chúa Trời đã dạy lập với các ngươi. Đoạn, người cũng lấy huyết ấy rảy đền tạm cùng mọi đồ thờ (c. 19-21)

Đây là điều được ghi trong Xuất 24:6-8. Có thể nói, huyết được sử dụng tối đa trong các nghi thức tế lễ Cựu Ước, làm hình bóng cho sự đổ máu của Chúa Giê-xu để cứu chuộc nhân loại. Tác giả tóm tắt điều đó như sau:

Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch (c. 22a)

Ông nói: HẦU HẾT mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch vì có hai trường hợp ngoại lệ không sử dụng huyết:

1. Những người nghèo không thể sắm súc vật hay loài chim để làm của lễ (Lê-vi ký 5:11-13).

2. Vũ khí tịch thu của quân thù được thanh tẩy bằng lửa và nước (Dân số ký 31:21-24).

Tác giả cho thấy trong hệ thống tế lễ cũ, Đức Chúa Trời dạy con dân Ngài phải dùng huyết trong việc tha thứ và thanh tấy. Do đó, ông kết luận với câu:

Không đổ huyết thì không có sự tha thứ (c. 22b)

Câu nầy nhằm bảo độc giả hãy nhìn lại hệ thống tế lễ cũ để thấy rằng huyết giữ một vai trò quan trọng. Mọi vấn đề tội lỗi phải có huyết mới được tha thứ. Huyết đó là hình bóng về sự chết của Chúa Giê-xu mà ông sẽ trình bày trong phần tiếp theo. Nhấn mạnh về huyết để được tha thứ là nhấn mạnh đến cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu, phương cách duy nhất để được tha thứ.