Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 24

“BỎ ĐIỀU TRƯỚC, LẬP ĐIỀU SAU” (10:1-14)

1 Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được. 2 Nếu được, thì những kẻ thờ phượng đã một lần được sạch rồi, lương tâm họ không còn biết tội nữa, nhân đó, há chẳng thôi dâng tế lễ hay sao? 3 Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. 4 Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được.

5 Bởi vậy cho nên, Đấng Christ khi vào thế gian, phán rằng:

Chúa chẳng muốn hi sinh, cũng chẳng muốn lễ vật,

Nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi.

6 Chúa chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội.

7 Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến

— Trong sách có chép về tôi —

Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa. 

8 Trước đã nói: Chúa chẳng muốn, chẳng nhậm những hi sinh, lễ vật, của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, đó là theo luật pháp dạy. Sau lại nói: Đây nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa. 9 Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau. 10 Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.

11 Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được, 12 còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời, 13 từ rày về sau đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chân Ngài vậy. 14 Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.

1. Câu 1 cho thấy khuyết điểm gì của luật pháp?

2. Tác giả nhấn mạnh điều gì trong câu 2-4?

3. Khi trích lại Thi thiên 40 (c. 5-7), điểm tác giả nhấn mạnh là gì? Tại sao?

4. “Điều trước” và “điều sau” (c. 9) chỉ về gì? Tại sao, “Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau?”

5. “Theo ý muốn đó” (c. 10a) là theo ý muốn của ai? Tại sao “theo ý muốn đó” mà chúng ta được nên thánh?

 

Thư Hê-bơ-rơ chủ yếu là những bài giảng dựa vào Cựu Ước, cho thấy Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm thay thế cho chức vụ tế lễ A-rôn.

Ba chủ đề chính của Thư Hê-bơ-rơ về Chúa Giê-xu là: (1) Chức tế lễ. (2) Của tế lễ và (3) Giao ước mới.

1. Chức tế lễ của Chúa Giê-xu là chức tế lễ Mên-chi-xê-đéc, cao trọng hơn chức tế lễ A-rôn.

2. Của tế lễ của Chúa Giê-xu là chính mạng sống của Ngài không phải là sinh tế thú vật.

3. Giao ước mới trong Chúa Giê-xu đặt vào lòng người, không phải trên bảng đá.

Các chủ đề trên được trình bày xen kẽ trong 7:1 đến 9:28. Bây giờ để kết luận, tác giả dùng hai phân đoạn Kinh Thánh Cựu Ước để xác nhận về của tế lễ và giao ước mới:

·      10:5-7 trích Thi thiên 40:6-8 nói về sự dâng thân thể của Chúa Giê-xu.

·      10:16-17 trích Giê-rê-mi 31:31-34 nói về giao ước mới.

Trước khi dùng Thi thiên 40:6-8 cho thấy ý nghĩa của việc Chúa Giê-xu dâng chính thân thể Ngài làm của lễ, tác giả cho thấy tính cách thiếu hữu hiệu của hệ thống tế lễ cũ trong việc dâng sinh tế. Ông viết:

Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được (c. 1)

Kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành là quan tâm hàng đầu của tác giả trong suốt lá thư (9:9, 14; 10:2, 22; 13:18). Ông cho thấy việc đó không thể xảy ra qua hệ thống tế lễ cũ. Lý do là: Luật pháp chỉ là BÓNG của sự tốt lành ngày sau (c. 1a). Cũng như trong 8:5, bóng không phải là hình thật. Hình thật là sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu mà ông gọi là sự tốt lành ngày sau. Tất cả mọi điều trong hệ thống tế lễ cũ đều là hình bóng cho sự thật trong Chúa Giê-xu, là sự tốt lành ngày sau.

Vì vậy, luật pháp không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được. Ông giải thích thêm:

Nếu được, thì những kẻ thờ phượng đã một lần được sạch rồi, lương tâm họ không còn biết tội nữa, nhân đó, há chẳng thôi dâng tế lễ hay sao? Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi (c. 2-3)

Hệ thống tế lễ cũ buộc phải dâng tế lễ hàng năm (không phải chỉ dâng một lần như Chúa Giê-xu) và sự dâng tế lễ hàng năm đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi (c. 3).

Trong câu 1, tác giả nói: Không bao giờ… khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được và trong câu 2, ông nói đến việc lương tâm họ không còn biết tội nữa (c. 2b). Đó là điều mà luật pháp và hệ thống tế lễ cũ không thể làm qua của lễ hàng năm. Đó là của lễ đến từ thú vật dâng lên cho Đức Chúa Trời:

Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được (c. 4)

Tác giả đối chiếu sự thất bại của luật pháp trong việc cất tội lỗi với tế lễ của Chúa Giê-xu được nói tiên tri từ Cựu Ước:

Bởi vậy cho nên, Đấng Christ khi vào thế gian, phán rằng: Chúa chẳng muốn hi sinh, cũng chẳng muốn lễ vật, nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi. Chúa chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội. Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đếntrong sách có chép về tôi – tôi đến để làm theo ý muốn Chúa (c. 5-7)

Đây là lời của vua Đa-vít nhưng áp dụng vào Chúa Giê-xu:

Bởi vậy cho nên, Đấng Christ khi vào thế gian, phán rằng… (c.5a)

Tại sao tác giả dùng phân đoạn nầy để nói về của lễ toàn vẹn của Chúa Giê-xu? Ông giải thích:

Trước đã nói: Chúa chẳng muốn, chẳng nhậm những hi sinh, lễ vật, của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, đó là theo luật pháp dạy. Sau lại nói: Đây nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa. Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau. Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Giê-xu Christ một lần đủ cả (c. 8-10)

Đây là cách tác giả phân tích câu 5-7. Ông cho thấy, phần đầu nói:

·      Đức Chúa Trời không muốn sinh tế, cũng không muốn lễ vật (c. 5a).

·      Chúa không nhậm của lễ thiêu cũng không nhậm của lễ chuộc tội (c. 6a).

Nhưng phần sau lại nói:

·      Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi (c. 5b)

·      Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa (c. 7b)

Trước nói vậy (c. 5a, 6a) nhưng sau lại nói (c. 5b, 7b), nên ông kết luận:

Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau (c. 9)

Điều trước là sinh tế, lễ vật, của lễ thiêu và của lễ chuộc tội. Điều sauthân thể làm theo ý muốn Chúa, tức là Chúa Giê-xu vâng phục Đức Chúa Cha, sẵn sàng hy sinh chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Tác giả kết luận:

Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Giê-xu Christ một lần đủ cả C. 10)

Như vậy, Chúa Giê-xu dâng chính thân thể Ngài một lần là đủ để chuộc tội cho nhân loại, không như các thầy tế lễ, phải tiếp tục dâng sinh tế hàng năm. Tác giả kết luận:

Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được, còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời, từ rày về sau đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chân Ngài vậy. Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời (c. 11-14)

Của lễ của Chúa Giê-xu và của thầy tế lễ loài người khác nhau như sau:

 

THẦY TẾ LỄ

LOÀI NGƯỜI

CHÚA GIÊ-XU

Mỗi ngày dâng cùng một loại sinh tế

Dâng một lần, một của lễ

Không cất tội lỗi đi được

Làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời

 

Ngoài những điểm khác nhau trên, chúng ta thấy tác giả liên hệ chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu là chức vụ tế lễ Mên-chi-xê-đéc, với lời gợi ý trong câu 12b và 13:

rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời, từ rày về sau đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chân Ngài (c. 12b, 13)

Thật ra, Thi thiên 110 là căn bản của mọi điều tác giả nói về chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu theo ban Mên-chi-xê-đéc trong 7:1 – 10:14).

Đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chân Ngài (c. 13) là điều đã được nói trước trong Thi thiên 110:1:

Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi (Thi thiên 110:1)

Chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu cũng là chức vụ đời đời và trong chức vụ đó, Ngài là Đấng cầu thay cho chúng ta:

 

Hê-bơ-rơ 10:12

Rô-ma 8:34

Còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời.

Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta.

 

Chức vụ chính của thầy tế lễ là cầu thay cho dân sự. Chúa Giê-xu đang cầu thay cho chúng ta bên hữu ngai của Đức Chúa Trời trong chức vụ thầy tế lễ đời đời, ban Mên-chi-xê-đéc.