Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 25

GIAO ƯỚC MỚI (10:15-18)

 15 Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy vì đã phán rằng:

16 Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó

Sau những ngày đó,

Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó

Và ghi tạc nơi trí khôn,

17 Lại phán:

Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa. 

18 Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa.

1. “Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy” (c. 15a) hàm ý gì?

2. Giê-rê-mi 31:33-34 đã được trích dẫn trong 8:8-12, tại sao tác giả trích dẫn một lần nữa ở đây?

3. Xin giải thích câu 18.

Thư Hê-bơ-rơ là lá thư viết cho các tín hữu Do-thái, vì vậy tác giả dùng Kinh Thánh Cựu Ước để chứng minh cho tất cả lý luận của mình. Mỗi phần chính của Thư Hê-bơ-rơ là những phân đoạn trích dẫn để hỗ trợ cho lý luận của tác giả, hoặc giải nghĩa các phân đoạn nầy để minh chứng cho thấy Chúa Giê-xu vượt trội trên những điều chỉ về Ngài trong Cựu Ước.

Giê-rê-mi 31:33-34 là phân đoạn được trích dẫn hai lần trong Thư Hê-bơ-rơ, nói về giao ước mới (8:8-12 và 10:16-17). Trong lần trích dẫn thứ hai (10:16-17), tác giả viết:

Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy vì đã phán rằng… (c. 15)

Điều nầy nói lên giáo lý thần cảm (inspiration) của Kinh Thánh:

Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn… (II Ti-mô-thê 3:16a)

… ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 1:21b)

Đức Thánh Linh cảm động tiên tri Giê-rê-mi trong Cựu Ước và cảm động tác giả Thư Hê-bơ-rơ viết lại trong Tân Ước. Có thể nói, Hê-bơ-rơ 8:8 – 10:18 là bài giảng dựa trên Giê-rê-mi 31:33-34. Tác giả bắt đầu và kết thúc phần nầy cùng một câu trích dẫn (8:10 và 10:16) mà chủ đề là giao ước mới. Giao ước mới như sau:

Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó. Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó và ghi tạc nơi trí khôn (c. 16)

Giao ước cũ là giao ước Si-nai, qua luật pháp với bảng đá ghi Mười Điều Răn. Còn giao ước mới là giao ước được đặt vào lòng và ghi tạc nơi trí khôn, hàm ý khi chân thành tin nhận sự cứu rỗi qua cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu, người tin Chúa sẽ tự nhiên có sức mạnh vâng giữ và làm theo điều răn của Ngài. Con dân Chúa ngày xưa phải vâng giữ điều răn để được sống, Cơ-đốc nhân ngày nay, vì có sự sống của Chúa nên tự nhiên làm theo điều răn của Ngài.

Khía cạnh thứ hai của giao ước mới là sự tha thứ toàn vẹn của Chúa:

Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa (c. 17)

Chẳng còn nhớ hàm ý tha thứ hoàn toàn (Ê-sai 43:25). Người tin Chúa đã được tha thứ hoàn toàn thì dĩ nhiên không còn cần phải dâng của lễ để chuộc tội nữa. Cái chết của Chúa Giê-xu là của lễ chuộc tội một lần đầy đủ:

Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa (c. 18)